Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Tìm hiểu về sơ đồ phối hợp kháng sinh và tác hại của việc lạm dụng thuốc kháng sinh

Ngày 07/03/2024
Kích thước chữ

Kháng sinh là một loại thuốc không thể thiếu trong điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn. Mặt khác, thuốc kháng sinh có nhiều nhóm thuốc khác nhau và mỗi loại lại có những ưu điểm cũng như nhược điểm khác nhau. Việc kết hợp các loại thuốc kháng sinh với nhau sẽ làm tăng hiệu quả điều trị cho người bệnh. Vậy kháng sinh là gì? Sơ đồ phối hợp kháng sinh tuân theo quy tắc gì?

Hiện nay, thuốc kháng sinh được sử dụng phổ biến và rộng rãi trong điều trị các bệnh lý có liên quan đến tình trạng nhiễm khuẩn. Việc phối hợp 2 hoặc nhiều loại loại kháng sinh đúng cách có thể mang lại tác dụng  và đẩy nhanh quá trình điều trị bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, việc kết hợp các loại kháng sinh cần phải tuân theo các nguyên tắc phối hợp để đạt được hiệu quả tốt nhất và hạn chế các tác dụng không mong muốn. Hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ với bạn đọc về sơ đồ phối hợp kháng sinh trong bài viết dưới đây nhé!

Kháng sinh là gì?

Kháng sinh là các chất có nguồn gốc từ các chủng vi sinh vật khác nhau (vi khuẩn, nấm và actinomycetes), có khả năng kháng khuẩn và được sử dụng nhằm ức chế sự phát triển và tiêu diệt các loại vi sinh vật khác nhau một cách toàn diện.

Thuốc kháng sinh là loại thuốc có tác dụng kìm hãm hoặc tiêu diệt các loại vi khuẩn gây ra tình trạng nhiễm trùng, từ đó làm giảm phản ứng viêm của cơ thể. Mỗi loại thuốc kháng sinh sẽ có tác dụng trên từng loại vi khuẩn. Kháng sinh phổ rộng là các loại thuốc kháng sinh có tác dụng trên nhiều chủng vi sinh vật. Ngược lại, kháng sinh phổ hẹp là các loại thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng trên một số chủng vi sinh vật nhất định. 

Để làm tăng hiệu quả điều trị một số bệnh lý, các bác sĩ sẽ tiến hành phối hợp các loại kháng sinh lại với nhau. Tuy nhiên, việc phối hợp kháng sinh được khuyến cao chỉ nên áp dung với những trường hợp thật sự cần thiết và tuân thủ theo đúng sơ đồ phối hợp kháng sinh. 

Tìm hiểu về sơ đồ phối hợp kháng sinh và tác hại của việc lạm dụng thuốc kháng sinh 1
Kháng sinh có tác dụng ức chế hoặc tiêu diệt vi khuẩn gây ra tình trạng nhiễm trùng

Sơ đồ phối hợp kháng sinh

Trước khi tìm hiểu về sơ đồ phối hợp kháng sinh, bạn đọc cần biết các nhóm kháng sinh đang được sử dụng phổ biến, cụ thể là:

  • Nhóm Aminoglycosid: Gồm có Streptomycin, Gentamycin và Kanamycin;
  • Nhóm Beta - lactam: Các Cephalosporin, Penicillin, Ampicillin bvà Amoxicillin;
  • Nhóm Polypeptid: Có Colistin;
  • Nhóm Macrolid: Gồm có Spiramycin, Tylosin và Rifampicin;
  • Nhóm Lincosamid: Có Lincomycin;
  • Nhóm Pleuromutilin: Có Tiamulin;
  • Nhóm Tetracyclin: Bao gồm Tetracylin, Doxycyclin, Oxytetracyclin và Clotetracyclin;
  • Nhóm Phenicol: Gồm có Florfenicol, Cloramphenicol và Thiamphenicol;
  • Nhóm Quinolon: Các Fluoroquinolon, Norfloxacin, Acid Nalidixic và Enrofloxacin;
  • Nhóm Diaminopyrimidine: Có Trimethoprim;
  • Nhóm  Nitromidazol: Metronidazol;
  • Nhóm Sulfonamid: Sulfadiazin, Sulfaguanidin,…

Mỗi một loại kháng sinh đều có những ưu - nhược điểm nhất định. Khi kết hợp một hay nhiều loại kháng sinh trong điều trị bệnh thì các tác dụng phụ của các loại kháng sinh có thể cộng lại hoặc gia tăng lên. Chính vì thế, việc kết hợp các loại kháng sinh với nhau cần phải tuân thủ theo các nguyên tắc trong sơ đồ phối hợp kháng sinh một cách hợp lý.

Theo bảng sơ đồ phối hợp kháng sinh, xảy ra hai trường hợp khi kết hợp các nhóm thuốc kháng sinh lại với nhau là:

  • Tác dụng đối kháng (-);
  • Tác dụng hiệp đồng (+).

Trường hợp đối kháng (-)

Nếu phối hợp kháng sinh sai cách sẽ làm giảm dược lực học của thuốc và hậu quả là tác dụng điều trị khi phối hợp nhiều loại thuốc kháng sinh lại không bằng việc sử dụng 1 loại thuốc kháng sinh.

Một số trường hợp phối hợp thuốc kháng sinh gây ra tình trạng đối kháng có thể kể đến như:

  • Phối hợp thuốc kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn với thuốc kháng sinh có tính hãm khuẩn. Chẳng hạn, phối hợp Ampicillin và Lincomycin,...
  • Phối hợp các loại kháng sinh có thể gây ra kích thích lên hệ miễn dịch của cơ thể. Chẳng hạn phối hợp Penicillin và Cefoxitin,...
  • Phối hợp các nhóm kháng sinh gây độc trên cùng một cơ quan hoặc có cùng một cơ chế tác dụng. 
  • Kết hợp các loại kháng sinh có cùng nhóm (cùng cơ chế tác dụng) hoặc gây độc tố trên cùng một cơ quan. Chẳng hạn, phối hợp Streptomycin và Gentamycin sẽ không làm tăng hiệu quả điều trị, đồng thời sẽ làm tăng nguy cơ suy gan, suy thận hoặc suy tụy.
Tìm hiểu về sơ đồ phối hợp kháng sinh trong điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn 3
Việc phối hợp kháng sinh có thể dẫn đến tình trạng đối kháng

Trường hợp hiệp đồng (+)

Trong sơ đồ phối hợp kháng sinh, việc kết hợp các loại thuốc kháng sinh có tác dụng hiệp đồng sẽ đồng nghĩa với:

  • Khả năng tác dụng của thuốc được mở rộng.
  • Hiệu lực kháng khuẩn sẽ được tăng cường khi ức chế sự phát triển của vi khuẩn cùng một lúc.
  • Tác dụng dược lý của loại kháng sinh này sẽ phát huy tốt hơn khi được tạo điều kiện bởi loại kháng sinh kia.

Các nhóm thuốc kháng sinh điển hình cho quan hệ hiệp đồng trong sơ đồ phối hợp kháng sinh, cụ thể như sau:

  • Phối hợp thuốc kháng sinh thuộc nhóm Aminoglycosides và Beta - lactam. Chẳng hạn, Streptomycin và Ampicillin, Kanamycin và Amoxicillin, Gentamicin và Penicillin…
  • Phối hợp thuốc kháng sinh thuộc nhóm Polypeptides và Beta - lactam. Chẳng hạn, Colistin và Ampicillin , Colistin và Penicillin,…
  • Phối hợp thuốc kháng sinh trong nhóm Macrolides và Tetracyclines. Chẳng hạn, Spiramycin và Doxycyclin,…
  • Phối hợp thuốc kháng sinh trong Beta - lactam và Nitromidazol thường được sử dụng để điều trị các bệnh lý như áp xe phổi, viêm phúc mạc, áp xe não hoặc một số tình trạng viêm nhiễm phụ khoa,… Chẳng hạn, Penicillin và Metronidazol, Ampicillin và Metronidazol,...

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào khi thực hiện kết hợp 2 loại kháng sinh có tác dụng hiệp đồng thì đều sẽ giúp tăng cường hiệu quả kháng khuẩn trong điều trị. Trong sơ đồ phối hợp kháng sinh, bên cạnh sự hiệp đồng về mặt nguyên lý, việc phối hợp kháng sinh còn cần phải có sự tương thích về mặt pha dược động học của từng loại thuốc và vị trí cơ quan trong cơ thể mang mầm bệnh. Do đó, việc tự ý sử dụng từng loại kháng sinh đơn lẻ hay kết hợp thuốc không hề đơn giản.

Tìm hiểu về sơ đồ phối hợp kháng sinh trong điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn 4
Việc kết hợp kháng sinh cần tuân theo các nguyên tắc trong sơ đồ phối hợp kháng sinh

Lạm dụng thuốc kháng sinh gây hại gì cho cơ thể?

Như đã nói ở trên, việc phối hợp kháng sinh theo đúng nguyên tắc sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn trong quá trình điều trị bệnh. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ gây ra nhiều tác hại cho cơ thể, cụ thể như sau:

Gây hại cho sức khoẻ của người sử dụng

Tác dụng chính của thuốc kháng sinh là ngăn chặn sự phát triển và tiêu diệt các loại vi sinh vật trong cơ thể. Do đó, kháng sinh không chỉ diệt trừ các vi sinh vật gây hại cho cơ thể mà còn ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn có lợi cho cơ thể, gây ra hiện tượng loạn khuẩn. Vì thế, nếu lạm dụng sử dụng thuốc kháng sinh không đúng liều lượng, đúng cách hoặc tự ý dùng thuốc kháng sinh khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người sử dụng. 

Đối với người cao tuổi, việc sử dụng thuốc kháng sinh sai nguyên tắc có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khoẻ, thậm chí là tính mạng nếu không được xử trí kịp thời như sốc phản vệ,... 

Đối với trẻ nhỏ, nếu sử dụng thuốc kháng sinh không đúng cách có thể gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến sức khoẻ của bé như tăng nguy cơ bị hen suyễn, suy giảm hệ miễn dịch,... Điều này khiến trẻ khó có thể phát triển một cách khoẻ mạnh.

Tìm hiểu về sơ đồ phối hợp kháng sinh và tác hại của việc lạm dụng thuốc kháng sinh 4
Người bệnh có thể bị sốc phản vệ nếu sử dụng thuốc kháng sinh sai cách

Gây hại cho cộng đồng

Việc dùng thuốc kháng sinh một cách "bừa bãi", cứ mắc bệnh là đi mua thuốc kháng sinh uống, đặc biệt là kết hơp 2 - 3 loại kháng sinh khác nhau với mong muốn mau khỏi bệnh. Đây chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng kháng kháng sinh và làm mất tác dụng của thuốc. Khi vi khuẩn đã phát triển đến mức độ kháng lại thuốc sẽ dễ dàng lây lan từ người này sang người khác, đồng thời tạo điều kiện cho các chủng vi sinh vật mới hình thành, vô cùng nguy hiểm. 

Nếu không tìm được loại thuốc kháng sinh có tác dụng tiêu diệt chủng vi khuẩn mới thì nó lây lan rất nhanh, tăng số lượng ngưởi nhiễm khuẩn và có thể dẫn đến tử vong.

Gây khó khăn trong quá trình điều trị bệnh

Khi bị bệnh, có không ít người tự ý đi mua thuốc kháng sinh và sử dụng tại nhà. Và thường lựa chọn đến bệnh viện khi bệnh không thuyên giảm sau dùng thuốc. Trên thực tế, đây chính là nguyên nhân khiến cho bệnh diễn biễn nặng hơn, kéo dài thời gian bình phục và cũng làm tăng chi phí chữa bệnh. Hơn nữa, việc người bệnh sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi cũng gây khó khăn cho bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh.

Tóm lại, việc phối hợp các thuốc kháng sinh với nhau trong điều trị chỉ nên thực hiện khi thật sự cần thiết và làm theo đúng sơ đồ phối hợp kháng sinh, đúng liều dùng, đúng thời gian dùng thuốc và đủ thời gian theo đúng quy định nhằm hạn chế gặp phải tình trạng kháng kháng sinh ở bệnh nhân. Việc dùng kháng sinh một cách bừa bãi có thể để lại nhiều hệ luỵ cho sức khỏe sau này. Do vậy, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị khi mắc bệnh.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin