Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Suy gan: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Suy gan xảy ra khi gan của bạn giảm hoặc mất khả năng thực hiện các chức năng của nó, ví dụ như sản xuất mật và loại bỏ các chất có độc hại ra khỏi cơ thể. Các triệu chứng bao gồm vàng da, buồn nôn, chán ăn và có máu ẩn trong phân. Phương pháp điều trị bao gồm không uống rượu và tránh một số loại thực phẩm có hại cho gan.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Suy gan là gì?

Gan là một cơ quan quan trọng trong cơ thể, thực hiện nhiều chức năng bao gồm:

  • Tạo ra các protein đặc biệt có khả năng hỗ trợ quá trình đông máu, vận chuyển oxy và một số chất, hỗ trợ hệ thống miễn dịch;
  • Sản xuất mật giúp tiêu hóa thức ăn;
  • Gan giúp cơ thể dự trữ glucose (đường) dưới dạng glycogen;
  • Loại bỏ khỏi cơ thể các chất có hại trong máu;
  • Chuyển hóa chất béo bão hòa và sản xuất cholesterol cấu tạo một số thành phần của tế bào.

Suy gan xảy ra khi gan của bạn giảm hoặc mất khả năng thực hiện các nhiệm vụ này. Suy gan có thể là một tình trạng cấp cứu và đe dọa tính mạng cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Suy gan cấp tính

Suy gan cấp tính là sự phá hủy tế bào gan ồ ạt. Chức năng gan có thể sụt giảm nhanh chóng trong vòng vài tuần hoặc thậm chí vài ngày. Tình trạng cấp tính này có thể xảy ra đột ngột mà không có bất kỳ triệu chứng nào trước đó. Các nguyên nhân phổ biến gây suy gan cấp tính bao gồm ngộ độc hoặc dùng thuốc quá liều, có thể xảy ra do dùng quá nhiều acetaminophen (paracetamol).

Suy gan mạn tính

Suy gan mạn tính thường tiến triển trong một khoảng thời gian dài. Người bệnh có thể mất vài tháng hoặc thậm chí vài năm trước khi biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Suy gan mạn tính thường là kết quả của bệnh xơ gan, xảy ra khi mô gan khỏe mạnh bị thay thế bằng mô sẹo. Xơ gan thường do nhiễm viêm gan siêu vi, lạm dụng rượu hoặc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD).

Ở Mỹ, có khoảng 30 triệu người mắc các bệnh lý về gan. Hơn 8.000 người ở Mỹ đã được ghép gan vào năm 2017 và hơn 17.000 người đang trong danh sách chờ được ghép gan.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của suy gan

Các triệu chứng của suy gan thường giống triệu chứng của một số bệnh lý diễn tiến âm thầm khác, khiến bệnh nhân khó chẩn đoán ở giai đoạn đầu. Các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn khi tình trạng suy gan tiếp tục diễn tiến.

Suy gan mạn tính hoặc suy gan xảy ra trong nhiều năm có thể gây ra:

  • Mệt mỏi;
  • Buồn nôn;
  • Ăn không ngon miệng;
  • Tiêu chảy;
  • Nôn ra máu;
  • Máu ẩn trong phân.

Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Ở giai đoạn sau, các triệu chứng suy gan có thể bao gồm:

  • Vàng da, vàng niêm;
  • Cực kỳ mệt mỏi;
  • Ảnh hưởng tri giác;
  • Phù.

Trong một số trường hợp suy gan cấp tính, người bệnh có thể có các triệu chứng sau:

  • Xuất huyết nặng;
  • Thay đổi tri giác;
  • Hơi thở có mùi hôi;
  • Di chuyển khó khăn;
  • Ăn kém;
  • Vàng da nặng.
Suy gan: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 1
Vàng da, vàng niêm mạc mắt

Biến chứng của suy gan

Suy gan có thể gây ra nhiều biến chứng khác nhau, thường rất nghiêm trọng và cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Các biến chứng của suy gan có thể gặp phải gồm:

  • Giảm khả năng bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng;
  • Bệnh não gan;
  • Giãn tĩnh mạch thực quản, có thể dẫn đến vỡ và gây chảy máu ồ ạt, đe dọa tính mạng;
  • Dễ xuất huyết do thiếu yếu tố đông máu;
  • Tổn thương thận cấp;
  • Các vấn đề về hô hấp nghiêm trọng (suy hô hấp).

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn có bất kỳ triệu chứng nào như đã kể trên, hãy lập tức đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và tìm ra nguyên nhân kịp thời. Nếu bạn đang trong quá trình điều trị suy gan, khi các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn, hãy đến tái khám ngay để được xử trí kịp thời.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến suy gan

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến suy gan.

Nguyên nhân dẫn đến suy gan cấp tính

  • Acetaminophen: Đây là một loại thuốc không kê đơn và người dùng cần tuân theo liều lượng khuyến cáo trên nhãn. Nếu bạn nghĩ rằng mình có thể đã dùng quá liều, hãy đến bệnh viện ngay lập tức.
  • Một số loại thuốc theo toa, một số loại thảo dược.
  • Nhiễm virus như siêu vi gây viêm gan bao gồm viêm gan A, viêm gan B và viêm gan C, viêm gan D, viêm gan E.
  • Chất độc như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ.
  • Một số bệnh lý tự miễn dịch.
  • Mắc các bệnh gan di truyền, được truyền qua các gen bạn được thừa hưởng từ một hoặc cả cha và mẹ. Nếu bạn mắc bệnh gan di truyền, bạn sẽ dễ bị suy gan hơn.
Suy gan: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 2
Quá liều acetaminophen là một nguyên nhân nguy hiểm gây suy gan

Nguyên nhân liên quan đến suy gan mạn tính

Suy gan mạn tính là kết quả của tình trạng viêm lâu dài dẫn đến sẹo ở các mô gan khỏe mạnh (xơ hóa).

Một số nguyên nhân gây suy gan liên quan đến tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, một số nguyên nhân khác có thể khó xác định hơn, bao gồm:

  • Nhiễm viêm gan C: Nếu bạn bị viêm gan C, bạn có nguy cơ cao bị suy gan mạn tính hoặc xơ gan. Loại virus này thường không bị phát hiện vì các triệu chứng không phổ biến. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), có 5 - 25% những người ở Hoa Kỳ mắc bệnh viêm gan C mạn tính sẽ phát triển bệnh xơ gan trong vòng 10 đến 20 năm. ALF lưu ý rằng đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh xơ gan ở nước này. Virus viêm gan C lây lan qua máu. Dùng chung kim tiêm và sử dụng kim không được khử trùng để xăm hoặc xỏ khuyên có thể lây lan bệnh viêm gan C.
  • Lạm dụng rượu: Một nguyên nhân phổ biến khác gây xơ gan và suy gan mạn tính là lạm dụng rượu. Theo Emory Healthcare, đây thường là kết quả của việc uống rượu nhiều trong ít nhất một thập kỷ. ALF ước tính rằng 10 - 20% những người lạm dụng rượu sẽ bị xơ gan.
  • Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu: Gan chứa một lượng nhỏ chất béo là điều tự nhiên. Tuy nhiên, ALF lưu ý nếu trọng lượng gan của bạn được tạo thành từ hơn 5 - 10% chất béo, đó được gọi là gan nhiễm mỡ. Điều này cuối cùng có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Bệnh lý này có thể liên quan đến một số tình trạng bệnh lý khác như hội chứng chuyển hóa, béo phì, đái tháo đường tuýp 2, bất thường về gen.
  • Viêm gan tự miễn.
  • Bệnh đường mật.
  • Hội chứng Budd-Chiari, gây tắc nghẽn tĩnh mạch gan.
  • Thuốc điều trị ung thư, chẳng hạn như hóa trị.
  • Suy tim phải mạn tính.
  • Xơ gan do thuốc.
  • Thiếu hụt alpha-1 antitrypsin.
  • Tích tụ sắt trong gan và các cơ quan khác.
  • Bệnh Wilson, gây ra sự tích tụ đồng trong gan và các mô cơ thể khác.

Cũng có thể bị suy gan mà không xác định được nguyên nhân.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải suy gan?

Những đối tượng có nguy cơ bị suy gan cao nhất bao gồm:

  • Mắc viêm gan siêu vi B hoặc siêu vi C;
  • Uống rượu quá mức;
  • Tiền sử mắc các bệnh làm tăng nguy cơ suy gan chẳng hạn như bệnh nhiễm sắt trong các mô, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, bệnh tự miễn dịch và bệnh Wilson.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải suy gan

Một số yếu tố thường gặp làm tăng nguy cơ mắc suy gan như:

  • Rượu;
  • Độc chất;
  • Acetaminophen;
  • Siêu vi gây viêm gan;
  • Các bệnh lý như béo phì, đái tháo đường tuýp 2, hội chứng chuyển hóa.
Suy gan: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 3
Siêu vi B gây viêm gan

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm suy gan

Bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa sẽ tiến hành hỏi bệnh sử, tiền căn bệnh lý bản thân và gia đình, yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến suy gan. Có một số xét nghiệm có thể được bác sĩ yêu cầu thực hiện để phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong máu.

  • Công thức máu, khả năng đông máu;
  • Sinh hóa máu;
  • Siêu âm đàn hồi gan;
  • CT scan bụng.
Suy gan: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 4
Siêu âm đàn hồi gan

Điều trị

Điều trị suy gan phụ thuộc vào tình trạng cấp tính hay mạn tính. Đối với suy gan mạn tính, điều trị bao gồm thay đổi chế độ ăn uống và lối sống, bao gồm:

  • Tránh uống rượu hoặc các loại thuốc có thể gây hại cho gan của bạn;
  • Hạn chế một số loại thực phẩm như thịt đỏ, phô mai và trứng;
  • Giảm cân và quản lý các yếu tố nguy cơ chuyển hóa bao gồm tăng huyết áp và đái tháo đường;
  • Cắt giảm muối trong chế độ ăn uống.

Đối với suy gan cấp tính, điều trị có thể bao gồm:

  • Truyền dịch tĩnh mạch (IV) để duy trì huyết áp;
  • Các loại thuốc như thuốc nhuận tràng (lactulose) có thể ngăn ngừa nguy cơ bệnh não gan;
  • Theo dõi đường huyết;
  • Truyền máu nếu người bệnh bị chảy máu quá nhiều;
  • Đặt nội khí quản nếu người bệnh bị suy hô hấp;
  • Trong cả suy gan cấp tính và mãn tính, bác sĩ có thể đề nghị ghép gan.
Suy gan: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 5
Thuốc lactulose giúp phòng ngừa bệnh não gan trong suy gan

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của suy gan

Chế độ sinh hoạt:

  • Kiểm soát cân nặng: Giảm cân nếu bạn đang thừa cân hoặc béo phì;
  • Duy trì hoạt động: Tham gia hoạt động thể chất thường xuyên, ngay cả khi đó chỉ là đi bộ hàng ngày. Tập thể dục có thể tăng cường sức khỏe gan và cải thiện lưu lượng máu.
  • Thực hiện theo hướng dẫn dùng thuốc: Cẩn thận làm theo hướng dẫn của bác sĩ nếu bạn đang dùng thuốc điều trị bệnh gan hoặc bất kỳ tình trạng bệnh lý nào khác. Một số loại thuốc có thể gây hại cho gan.
  • Tiêm vắc xin: Vắc xin phòng bệnh viêm gan A và B rất quan trọng đối với sức khỏe của gan. Kiểm tra với bác sĩ của bạn để đảm bảo bạn đã cập nhật thông tin tiêm chủng của mình.
  • Kiểm soát căng thẳng: Căng thẳng mạn tính có thể tác động tiêu cực đến gan của bạn. Khám phá các kỹ thuật thư giãn như thở sâu, thiền hoặc yoga để giúp kiểm soát căng thẳng.
Suy gan: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 6
Tiêm ngừa vắc xin phòng viêm gan siêu vi B

Chế độ dinh dưỡng:

Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh có thể hỗ trợ quá trình điều trị của bạn:

  • Uống đủ nước: Gan của bạn hoạt động hiệu quả hơn khi bạn uống đủ nước. Hãy đặt mục tiêu uống ít nhất 8 ly mỗi ngày trừ khi bác sĩ có khuyến nghị khác.
  • Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh: Chọn một chế độ ăn uống cân bằng có chứa nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein. Giảm lượng muối, đường và chất béo bão hòa.
  • Ngừng uống rượu: Rượu có thể làm tổn thương gan nặng hơn.

Phòng ngừa suy gan

Bạn có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh suy gan bằng cách:

  • Tiêm phòng viêm gan siêu vi A và B;
  • Giảm sự tiêu thụ rượu;
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh và lối sống năng động;
  • Làm theo hướng dẫn khi sử dụng các loại thuốc như acetaminophen;
  • Khám sức khỏe định kỳ hàng năm, sàng lọc bệnh béo phì, cholesterol cao, tăng huyết áp và đái tháo đường;
  • Lối sống tình dục an toàn: Hãy thực hiện lối sống tình dục an toàn để giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như viêm gan siêu vi B, HIV,...
  • Tránh dùng chung kim tiêm: Nếu bạn sử dụng kim tiêm cho mục đích y tế, hãy đảm bảo chúng vô trùng và không bao giờ dùng chung kim tiêm với người khác.
Suy gan: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 7
Giảm tiêu thụ rượu

Các câu hỏi thường gặp về suy gan

Bạn có thể sống được bao lâu với bệnh suy gan?

Suy gan cấp tính cần được đánh giá và điều trị khẩn cấp để hồi phục. Quá trình phục hồi tùy thuộc vào nguyên nhân nhưng nhìn chung đã được cải thiện rất nhiều trong những năm gần đây.

Triển vọng của bệnh nhân sau khi điều trị suy gan là gì?

Nhiều người khỏi bệnh suy gan nhờ điều trị. Nếu cần cấy ghép gan, hầu hết người bệnh sẽ có thể trở lại các hoạt động hàng ngày tương đối tốt trong vòng sáu tháng sau ghép. Những người đã được cấy ghép cần được chăm sóc y tế suốt đời, bao gồm cả thuốc để ngăn cơ thể đào thải cơ quan mới (thuốc ngăn thải ghép).

Suy gan có nguy hiểm không?

Suy gan cấp tính là một tình trạng cấp cứu có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng và cần được điều trị tích cực. Bên cạnh đó, suy gan mạn tính mang đến những hệ lụy nặng nề và giảm chức năng gan theo thời gian, điều trị cần có chiến lược và phương pháp phù hợp.

Nguồn tham khảo
  1. What You Should Know About Hepatic Failure: https://www.healthline.com/health/hepatic-failure
  2. Rueda M, Lipsett PA. Hepatic Failure. Principles of Adult Surgical Critical Care. 2016 Oct 9:211–32. doi: 10.1007/978-3-319-33341-0_18.
  3. Tujios S, Stravitz RT, Lee WM. Management of Acute Liver Failure: Update 2022. Semin Liver Dis. 2022 Aug;42(3):362-378. doi: 10.1055/s-0042-1755274.
  4. Sarin SK, Choudhury A, Sharma MK, et al. Acute-on-chronic liver failure: consensus recommendations of the Asian Pacific association for the study of the liver (APASL): an update. Hepatol Int. 2019 Jul;13(4):353-390. doi: 10.1007/s12072-019-09946-3.
  5. Ngu NLY, Flanagan E, Bell S, Le ST. Acute-on-chronic liver failure: Controversies and consensus. World J Gastroenterol. 2023 Jan 14;29(2):232-240. doi: 10.3748/wjg.v29.i2.232. 
Chủ đề:Suy ganBệnh gan

Các bệnh liên quan

  1. Loét tiêu hóa

  2. Nhiễm H.pylori (HP)

  3. Sỏi mật

  4. Xơ gan do rượu

  5. Thủng dạ dày

  6. Viêm tụy

  7. Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

  8. Lỵ amip

  9. Táo bón

  10. Nôn ra máu