Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Tìm hiểu về đặc điểm từng giai đoạn của ung thư cổ tử cung

Ngày 25/04/2024
Kích thước chữ

Phần lớn các trường hợp tử vong liên quan đến ung thư cổ tử cung thường xảy ra do phát hiện muộn, khi bệnh đã tiến triển sang giai đoạn di căn lan tới các cơ quan khác và thâm nhập vào các hạch bạch huyết cũng như các cơ quan khác trong cơ thể. Vì vậy, hiểu biết về các đặc điểm từng giai đoạn của ung thư cổ tử cung có thể hỗ trợ phụ nữ mắc bệnh này trong việc chuẩn bị tinh thần, tuân thủ điều trị, từ đó tăng cơ hội chữa khỏi hoặc sống sót sau 5 năm.

Giai đoạn của ung thư mô tả mức độ tiến triển của tế bào ung thư trong cơ thể, đặc biệt là việc xác định xem tế bào ung thư đã lan ra ngoài cơ quan gốc hay không và các cơ quan nào bị ảnh hưởng. Việc xác định đặc điểm từng giai đoạn của ung thư cổ tử cung là rất quan trọng để lên kế hoạch điều trị phù hợp nhất. Hãy tiếp tục đọc bài viết để hiểu rõ hơn về các giai đoạn của ung thư cổ tử cung.

Cách phân biệt các giai đoạn ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung thông thường chia thành nhiều giai đoạn, dựa trên mức độ lan rộng của bệnh. Mỗi giai đoạn có những biểu hiện khác nhau, tùy từng biểu hiện của bệnh nhân ở các giai đoạn mà bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Để xác định tình trạng và các giai đoạn của ung thư cổ tử cung, bác sĩ thường cần tìm hiểu và đánh giá dựa trên các yếu tố sau:

  • Kích thước của khối u: Bác sĩ sẽ muốn biết khối u là nhỏ, vừa hay lớn. Kích thước của khối u có thể cho thấy mức độ phát triển của bệnh.
  • Bệnh đã lan đến các vùng khác hay chưa: Bác sĩ cần biết liệu bệnh đã xâm nhập vào các mô hay cơ quan lân cận như tử cung, phần dưới của âm đạo, hoặc các vùng khác như hậu môn, đại tràng.
  • Bệnh đã di căn chưa: Điều này rất quan trọng để xác định giai đoạn bệnh. Nếu bệnh đã di căn đến các bộ phận khác như gan, phổi, xương, thì thường được xem là ung thư giai đoạn cuối.
  • Tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân: Bác sĩ cũng sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh. Điều này quan trọng để quyết định liệu người bệnh có khả năng chịu đựng điều trị hay không.
  • Các triệu chứng hay biểu hiện khác của bệnh: Như mệt mỏi, giảm cân không giải thích được, đau lưng, đau chân hoặc bất kỳ triệu chứng nào khác có thể liên quan đến ung thư cổ tử cung.
  • Kết quả kiểm tra cổ tử cung: Bác sĩ sẽ đánh giá kết quả của các xét nghiệm, bao gồm các sinh thiết, xét nghiệm Pap và HPV.

Dựa vào những thông tin này, bác sĩ sẽ có thể xác định chính xác giai đoạn của bệnh.

Đặc điểm từng giai đoạn của ung thư cổ tử cung 1
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính với tỷ lệ gặp khá cao

Đặc điểm từng giai đoạn của ung thư cổ tử cung

Giai đoạn của ung thư mô tả mức độ lan rộng của bệnh trong cơ thể và giúp xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh, từ đó bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Ung thư cổ tử cung được chia thành 4 giai đoạn, được ký hiệu từ I (1) đến IV (4). Nguyên tắc chung là, số giai đoạn càng thấp thì mức độ lan rộng của bệnh càng ít. Giai đoạn cao hơn, ví dụ như giai đoạn IV, thường cho thấy bệnh đã tiến triển nghiêm trọng hơn. Những bệnh nhân có cùng chẩn đoán giai đoạn thường có triệu chứng và phản ứng điều trị tương tự.

Bác sĩ sử dụng kết quả xét nghiệm và thông tin từ khám sức khỏe để xác định giai đoạn của ung thư. Khi được giai đoạn của bệnh bác sĩ sẽ đề xuất phương pháp điều trị tối ưu và dự đoán tiên lượng của bệnh nhân, tức là khả năng phục hồi.

Đặc điểm từng giai đoạn của ung thư cổ tử cung 2
Xác định đặc điểm từng giai đoạn của ung thư cổ tử cung giúp bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp

Ung thư cổ tử cung giai đoạn I

Trong giai đoạn I của ung thư cổ tử cung, bệnh đã hình thành và chỉ nằm ở cổ tử cung. Giai đoạn này được chia thành hai phân loại là IA và IB, dựa trên kích thước của khối u và mức độ xâm lấn sâu nhất của khối u.

Giai đoạn IA được phân loại dựa trên sự xâm lấn sâu nhất của khối u.

  • Giai đoạn IA1: Tế bào ung thư hiện diện trong một lượng rất nhỏ các mô của cổ tử cung, chỉ có thể nhìn thấy bằng kính hiển vi. Điểm sâu nhất mà khối u xâm lấn là 3 mm hoặc ít hơn.
  • Giai đoạn IA2: Tế bào ung thư hiện diện trong một lượng rất nhỏ các mô của cổ tử cung, chỉ có thể nhìn thấy bằng kính hiển vi. Điểm sâu nhất mà khối u xâm lấn là hơn 3 mm nhưng không quá 5 mm.

Giai đoạn IB được phân loại dựa trên kích thước của khối u và mức độ xâm lấn sâu nhất của khối u. Giai đoạn IB được chia thành ba phân loại như sau:

  • IB1: Khối u có kích thước từ 2 mm trở xuống và mức độ xâm lấn sâu nhất của khối u là hơn 5 mm.
  • IB2: Khối u có kích thước lớn hơn 2 cm nhưng không lớn hơn 4 cm.
  • IB3: Khối u có kích thước lớn hơn 4 cm.

Ung thư cổ tử cung giai đoạn II

Trong giai đoạn II của ung thư cổ tử cung, bệnh đã lan đến 2/3 trên của âm đạo hoặc đã đến các mô xung quanh tử cung. Phân loại giai đoạn II dựa trên phạm vi lan rộng của bệnh.

Giai đoạn IIA: Ung thư đã lan từ cổ tử cung đến 2/3 trên của âm đạo nhưng chưa lan đến các mô xung quanh tử cung. Giai đoạn IIA tiếp tục được phân loại theo kích thước của khối u:

  • Giai đoạn IIA1: Khối u có kích thước từ 4 cm trở xuống.
  • Giai đoạn IIA2: Khối u lớn hơn 4 cm.
  • Giai đoạn IIB: Ung thư đã lan từ cổ tử cung đến các mô xung quanh tử cung.

Ung thư cổ tử cung giai đoạn III

Trong giai đoạn III của ung thư cổ tử cung, khối u đã lan đến 1/3 dưới của âm đạo hoặc đến thành chậu, gây ra các vấn đề liên quan đến thận do ảnh hưởng đến niệu quản hoặc thậm chí khiến cho quả thận tăng kích thước hoặc mất chức năng. Giai đoạn này được phân loại dựa trên mức độ lan rộng của khối u.

Giai đoạn IIIA: Ung thư đã lan đến 1/3 dưới của âm đạo mà chưa lan đến thành chậu.

Giai đoạn IIIB: Ung thư đã lan đến thành chậu, khối u đã trở nên đủ lớn để chặn một hoặc cả hai niệu quản hoặc gây ra tăng kích thước hoặc ngừng hoạt động của một hoặc cả hai quả thận.

Giai đoạn IIIC: Giai đoạn IIIC được chia thành IIIC1 và IIIC2, phụ thuộc vào việc ung thư đã lan đến hạch bạch huyết ở các khu vực khác nhau.

  • IIIC1: Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết ở vùng chậu.
  • IIIC2: Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết ở vùng bụng gần động mạch chủ.
Đặc điểm từng giai đoạn của ung thư cổ tử cung 4
Khi ung thư đã tiến triển muộn, sụt cân, mệt mỏi có thể là dấu hiệu cảnh báo cho bạn

Ung thư cổ tử cung giai đoạn IV

Trong giai đoạn IV của ung thư cổ tử cung, khối u đã lan ra ngoài xương chậu hoặc đã lan đến niêm mạc của bàng quang hoặc trực tràng hoặc thậm chí đã lan sang các cơ quan khác trong cơ thể. Giai đoạn này được phân thành hai phần IVA và IVB, dựa vào vị trí mà ung thư đã lan rộng.

  • Giai đoạn IVA: Ung thư đã lan đến các cơ quan vùng chậu gần đó như bàng quang hoặc trực tràng.
  • Giai đoạn IVB: Ung thư đã lan sang các cơ quan khác của cơ thể như gan, phổi, xương hoặc các hạch bạch huyết ở xa.

Giai đoạn IV còn được gọi là ung thư di căn

Ung thư di căn xảy ra khi các tế bào ung thư di chuyển qua hệ bạch huyết hoặc máu và tạo thành khối u ở các cơ quan khác trong cơ thể. Các khối u di căn này là cùng loại ung thư với khối u ban đầu. Ví dụ, nếu ung thư cổ tử cung lan đến phổi, các tế bào ung thư trong phổi thực sự là tế bào ung thư cổ tử cung. Do đó, bệnh được gọi là ung thư cổ tử cung di căn, chứ không phải ung thư phổi.

Các triệu chứng ung thư cổ tử cung trong các giai đoạn

Các triệu chứng của ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu có thể bao gồm ra máu bất thường, xuất huyết âm đạo, chảy máu sau quan hệ tình dục và tăng tiết dịch âm đạo.

Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể bao gồm đau ở lưng, chân, hoặc vùng chậu, sụt cân, mệt mỏi, tiết dịch âm đạo có mùi hôi và khó chịu và sưng chân hoặc cả hai chi dưới. Các triệu chứng nghiêm trọng khác có thể xuất hiện tùy thuộc vào cơ quan mà ung thư đã lan ra.

Đặc điểm từng giai đoạn của ung thư cổ tử cung 3
Ra máu âm đạo bất thường là triệu chứng có thể gặp ở giai đoạn đầu của ung thư cổ tử cung

Như vậy, việc xác định đặc điểm từng giai đoạn của ung thư cổ tử cung là một trong những yếu tố quan trọng nhất để quyết định phương pháp điều trị và đánh giá mức độ thành công của điều trị. Tại Việt Nam, việc điều trị ung thư thường tuân theo chỉ định của bác sĩ chứ không phải là quyết định của bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân hiểu biết về giai đoạn của ung thư mà họ đang mắc phải, họ có thể tham gia tích cực hơn trong quá trình điều trị, ví dụ như cố gắng hạn chế các tác dụng phụ của điều trị hoặc chủ động ghi lại các triệu chứng mắc phải. Điều này sẽ hỗ trợ bác sĩ trong việc tìm ra các giải pháp cá nhân hóa và nâng cao hiệu quả của điều trị.

Xem thêm:

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin