Bệnh đau dây thần kinh số 5 thường xuất phát từ một điểm đau hoặc tự phát, một số trường hợp bị đau dây thần kinh số 5 cả hai bên nhưng khá hiếm gặp. Để hiểu rõ hơn về loại đau này, mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây.
Tìm hiểu đặc điểm của dây thần kinh số 5
Đau dây thần kinh số 5 khá hiếm gặp
Dây thần kinh số 5 (V) hay còn được gọi với tên gọi khác là dây thần kinh tam thoa, dây thần kinh sinh ba. Đây là dây thần kinh có vai trò quan trọng ở vùng mặt. Dây thần kinh số 5 được chia làm 3 nhánh bao gồm: Hàm trên, hàm dưới và nhánh mắt. Các nhánh dây thần kinh có vai trò dẫn truyền cảm giác của vùng mặt, vùng quanh miệng, răng cho đến não. Ngoài ra, dây thần kinh số 5 còn đảm nhiệm nhiệm vụ khác chính là tạo nước mắt, nước bọt và điều khiển cơ nhai.
Đau dây thần kinh số 5 là một dạng cơn đau đặc thù, xuất hiện một cách đột ngột nhưng gây đau nặng ở nửa bên mặt, tuy nhiên thời gian đau lại rất ngắn chỉ khoảng 1 phút. Cơn đau có thể xuất phát từ điểm gò súng (trigger spot) – là điểm khi bị kích thích hoặc tự phát.
Các trường hợp bị đau dây thần kinh số 5 đều là đau 1 bên, chỉ có số ít là bị đau cả 2 bên với tỉ lệ từ 3 - 6%. Với trường hợp bị đau cả hai bên, sau một thời gian bị đau dây thần kinh số 5 một bên, thì bên còn lại mới xuất hiện cơn đau chứ không xuất hiện ngay từ đầu. Có đến hơn 70% các trường hợp đau dây thần kinh số 5 được ghi nhận là rơi vào người già (thường là những người trên 70 tuổi).
Nguyên nhân gây đau dây thần kinh số 5
Các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây đau dây thần kinh số 5 cho đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, dựa vào triệu chứng, dấu hiệu bệnh được các chuyên gia xác định như sau:
-
Do mạch máu chèn ép: Đây được coi là nguyên nhân chính gây nên tình trạng đau dây thần kinh số 5 với tỉ lệ chiếm tới 60%. Đa số mạch máu chèn ép lên dây thần kinh số 5 tại gốc của dây thần kinh, cụ thể hay gặp nhất là động mạch tiểu não trên. Dẫu vậy, nguyên nhân khiến cho mạch máu chèn ép lên dây thần kinh tam thoa khi về già vẫn chưa được lý giải.
-
Do các khối u chèn ép: Một hay nhiều nhánh của dây thần kinh số 5 có thể bị ảnh hưởng, chèn ép do các khối u nằm ở vùng lân cận của góc cầu – tiểu não hoặc tại vùng góc cầu – tiểu não như: U nang thượng bì, u não, u ác tính di căn, túi phình động mạch,...
-
Virus: Dây thần kinh số V đặc hiệu (tic douloureux) là do một loại nhiễm trùng virus âm ỉ tại các nhánh dây thần kinh sọ ngoại biên hoặc tại hạch Gasser gây nên đã có nghiên cứu chứng minh.
Ngoài ra, đau dây thần kinh số 5 còn có thể do chấn thương hoặc các thủ thuật can thiệp nhỏ tại vùng mặt, chấn thương nặng như gãy xương nền sọ.
Biểu hiện đau dây thần kinh số 5
Đau dây thần kinh số 5 có cảm giác như bị vật sắc nhọn đam vào
Đau dây thần kinh số 5 sẽ có các biểu hiện đau đột ngột như bị đâm bởi vật sắc nhọn hay bị điện giật. Cơn đau không kéo dài, chỉ diễn ra vài giây nhưng khoảng cách nghỉ giữa các cơn đau khá ngắn, tạo cảm giác đau kéo dài lâu khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi.
Cơn đau có thể tái phát tại bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Tình trạng bệnh có thể được xác định dựa vào tần suất cơn đau mà người bệnh gặp phải.
Cơn đau có thể phát sinh khi nói, nhai, rửa mặt hay chạm vào mặt,... Tiêu chuẩn để chẩn đoán đau dây thần kinh số 5 chính là các cơn đau mặt và trán kịch phát kéo dài từ vài giây đến không quá 2 phút.
Bệnh nhân thông thường sẽ không có thêm biểu hiện gì nghiêm trọng ngoài các triệu chứng được đề cập trên. Tuy nhiên, tại một số điểm khi ấn vào dây thần kinh số 5 sẽ có cảm giác đau như: Điểm đau ở lỗ trên ổ mắt, điểm đau lỗ cằm, điểm đau dưới ổ mắt. Những điều này sẽ giúp các bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh tốt hơn.
Chẩn đoán, điều trị đau dây thần kinh số 5
Tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ để thoát khỏi tình trạng đau dây thần kinh số 5
Các bác sĩ sẽ dựa vào bệnh sử, tiền sử và kết quả các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh đau dây thần kinh số 5. Người bệnh có thể được chỉ định tiến hành chụp cộng hưởng từ hoặc cắt lớp vi tính để loại trừ các bệnh lý khác nếu như các biểu hiện lâm sàng không đặc trưng. Đau dây thần kinh số 5 sẽ được điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa.
-
Nội khoa: Các bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc hướng thần kinh và tâm thần. Tuy nhiên, phần lớn sẽ phải điều trị ngoại khoa bởi các trường hợp sẽ bị nhờn thuốc sau một thời gian.
-
Ngoại khoa: Các thủ thuật can thiệp, can thiệp phẫu thuật như chèn ép hạch Gasser qua da bằng bóng hay phẫu thuật giải ép vi mạch máu,... sẽ được chỉ định.
Trên đây là toàn bộ thông tin về đau dây thần kinh số 5 mà nhà thuốc Long Châu tổng hợp đến bạn đọc. Mong rằng bạn đã có thêm những thông tin bổ ích qua bài viết này.
Phương Thảo
Nguồn tham khảo: Tổng hợp