Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu về dấu hiệu của dị ứng thuốc nổi mề đay

Ngày 13/09/2022
Kích thước chữ

Dị ứng thuốc là tình trạng dị ứng khá phổ biến. Bất cứ ai cũng có thể bị dị ứng với một số loại thuốc nhất định mà họ sử dụng. Sau khi uống thuốc cơ thể xuất hiện những nốt mề đay thì chắc chắn cơ thể đã bị dị ứng thuốc. Vậy tình trạng dị ứng thuốc nổi mề đay cụ thể là như thế nào?

Dị ứng thuốc nổi mề đay chính là dấu hiệu dễ dàng nhất giúp bạn nhận biết cơ thể đã bị dị ứng với loại thuốc mình vừa sử dụng. Ngoài nổi mề đay, dị ứng thuốc còn có nhiều dấu hiệu khác đa dạng hơn xuất hiện trên các tổ chức và cơ quan của cơ thể. Hãy cùng bài viết dưới đây tìm hiểu thật kỹ về tình trạng dị ứng thuốc này.

Dị ứng thuốc là gì?

Dấu hiệu của dị ứng: Dị ứng thuốc nổi mề đay1
Bất cứ ai cũng có thể bị dị ứng với các loại thuốc nhất định

Dị ứng thuốc là tình trạng xảy ra khi cơ thể không thể dung nạp được với các loại thuốc dạng uống, chích hay thoa vào cơ thể. Khi thuốc ngấm vào cơ thể sẽ gây ra các biểu hiện phản ứng quá mức và bất thường, có hại cho cơ thể người dùng thuốc.

Dùng liều thuốc ít hay nhiều đều không liên quan đến tình trạng dị ứng thuốc. Người dùng có thể bị dị ứng với bất cứ loại thuốc nào, thậm chí chỉ sử dụng một lượng thuốc nhỏ cũng có thể gây nên tình trạng dị ứng. Nặng nhất của trường hợp dị ứng thuốc, người bệnh sẽ gặp sốc phản vệ dẫn tới tử vong. 

Một số loại thuốc phổ biến dễ gây dị ứng như vitamin dạng tiêm, thuốc kháng sinh, thuốc gây mê, gây tê, thuốc giãn cơ, dị ứng với paracetamol,...

Chất histamin có sẵn trong cơ thể và các mô dưới dạng liên kết tĩnh điện histamin-heparin không có hoạt tính là nguyên nhân chính gây nên tình trạng dị ứng thuốc. Khi có chất lạ vào cơ thể thì nối tĩnh điện này bị cắt đứt, từ đó phóng thích histamin tạo nên tác dụng dược lực tác động lên hệ tuần hoàn làm cho cơ thể bị:

  • Tụt huyết áp do giãn mạch.
  • Tim đập nhanh.
  • Đầu đau nhức do tăng áp lực nội sọ.
  • Nghẹt thở do co thắt khí phế quản.
  • Co thắt cơ trơn lên hệ tiêu hóa.

Chính vì thế mà các thuốc chống dị ứng thường được gọi chung là nhóm kháng histamin. Ngoài ra, dị ứng cũng do di truyền, nếu như cha mẹ bị dị ứng thì con cũng có thể bị dị ứng với xác suất lên tới 50%. Sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, không đảm bảo hoặc quá thời gian sử dụng cũng gây dị ứng và ngộ độc cho người tiêu dùng.

Dị ứng thuốc nổi mề đay và các triệu chứng khác

Dấu hiệu của dị ứng: Dị ứng thuốc nổi mề đay2
Nổi mề đay chính là dấu hiệu đầu tiên của dị ứng thuốc

Nổi mề đay

Nổi mề đay là triệu chứng ban đầu của dị ứng thuốc, bao gồm cả các trường hợp nhẹ và nặng. Đa số dị ứng với các loại thuốc như thuốc kháng sinh, huyết thanh, vaccine, thuốc chống viêm, thuốc giảm đau và hạ sốt gây nên tình trạng nổi mề đay. Các loại thuốc khác cũng không loại trừ khả năng này. Sau khi sử dụng thuốc xong từ 5 - 10 phút cho đến vài ngày tùy cơ địa và tình trạng dị ứng mà mề đay sẽ xuất hiện. Da người bệnh bị nổi mẩn ngứa, có cảm giác nóng bừng. Ở các trường hợp nặng hơn, nổi mề đay có đi kèm theo đau khớp, đau bụng, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi, sốt cao,...

Phù quincke

Đây là dạng mề đay khổng lồ với các biểu hiện sưng cục bộ dưới da có thể gây đau nhức và ngứa. Loại thuốc gây nên tình trạng này có thể là thuốc hạ sốt, kháng sinh, chống viêm, huyết thanh, giảm đau,... Phù Quincke xuất hiện ở những vùng da mỏng như quanh mắt, môi, cổ, bụng, các chi và bộ phận sinh dục. Phù quincke có kích thước to, vùng da bị phù quincke có màu hồng nhạt và có thể đi kèm với mề đay. Phù quincke còn biểu hiện ở cả thanh quản và họng. Đây là trường hợp nguy hiểm khiến cho bệnh nhân bị khó thở, tím tái và mặt mất máu, có thể dẫn tới tử vong nếu không điều trị kịp thời. Quincke đường tiêu hóa khiến cho bệnh nhân nôn ói dữ dội và tiêu chảy.

Ngoài ra, các trường hợp nặng của dị ứng thuốc còn xuất hiện hội chứng hồng ban đa dạng có bọng nước và hội chứng hoại tử tiêu thượng bì nhiễm độc. Tất cả đều đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Chính vì vậy, khi thấy có người có dấu hiệu của dị ứng thuốc hãy can thiệp ngay lập tức để tránh các hậu quả khôn lường.

Cách xử lý khi dị ứng thuốc

Khi thấy cơ thể mình có dấu hiệu của dị ứng thuốc, người bệnh sẽ cần:

  • Ngưng sử dụng loại thuốc gây dị ứng, đưa lượng thuốc đã dung nạp vào cơ thể ra ngoài.
  • Hỏi ý kiến bác sĩ để sử dụng thuốc chữa dị ứng nếu là trường hợp dị ứng nhẹ.
  • Cơ thể có các biểu hiện như khó thở, tức ngực, rối loạn tiêu hóa, phát ban ở khắp người,... cần cấp cứu ngay lập tức để can thiệp và điều trị kịp thời.
  • Ghi nhớ loại thuốc gây dị ứng, cho bác sĩ, dược sĩ biết tình trạng dị ứng thuốc của mình.

Phòng ngừa dị ứng thuốc

Dấu hiệu của dị ứng: Dị ứng thuốc nổi mề đay3
Thận trọng khi sử dụng các loại thuốc

Để tránh rơi vào tình trạng dị ứng thuốc, bạn cần chú ý một vài điều sau, cụ thể:

  • Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý sử dụng các loại thuốc.
  • Không sử dụng các loại thuốc gây dị ứng.
  • Không dùng thuốc không rõ nguồn gốc, không uy tín, đảm bảo.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc.
  • Xem kỹ các thành phần của thuốc trước khi sử dụng.

Dị ứng thuốc là dị ứng không thể chủ quan. Mong rằng qua bài viết này, bạn đọc đã có thêm những thông tin và kiến thức sức khỏe bổ ích để chăm sóc tốt cho sức khỏe của bản thân và cả những người xung quanh.

Phương Thảo

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin