Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Tìm hiểu về tháp dinh dưỡng cho người tiểu đường

Ngày 13/09/2022
Kích thước chữ

Hiện nay, tiểu đường là bệnh lý ngày càng phổ biến và có xu hướng trẻ hóa. Nếu không được điều trị tốt, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Chế độ dinh dưỡng đối với bệnh nhân tiểu đường có vai trò quan trọng trong kiểm soát bệnh cũng như ngăn ngừa biến chứng. Hãy cùng nhau tìm hiểu về tháp dinh dưỡng cho người tiểu đường qua bài viết này nhé!

Hơn đối tượng nào, người bệnh tiểu đường rất cần có chế độ ăn uống nghiêm ngặt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tùy vào mức độ bệnh khác nhau, mỗi bệnh nhân tiểu đường sẽ có chế độ ăn uống cũng như tháp dinh dưỡng khác nhau. Theo đó, tháp dinh dưỡng cho người tiểu đường được các chuyên gia đánh giá quan trọng cũng như giúp người bệnh bám sát, giúp theo dõi những thực phẩm mà họ nạp vào cơ thể và có những cải thiện tình trạng bệnh rõ rệt.

Hãy lưu ý rằng, không có nguyên tắc dinh dưỡng chính xác và phù hợp cho mọi bệnh nhân tiểu đường. Bởi tùy theo mức độ bệnh lý, mục tiêu điều trị cũng như sở thích ăn uống của mỗi người, mà tháp dinh dưỡng dành cho người tiểu đường sẽ linh động khác nhau, nhằm để kiểm soát chặt chẽ chỉ số đường huyết và giảm nguy cơ xuất hiện những biến chứng nguy hiểm khác.

Phân loại bệnh tiểu đường

Điều trị bệnh tiểu đường luôn luôn song hành cùng việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, thay đổi lối sống và sử dụng thuốc điều trị. Bệnh tiểu đường do tổn thương tuyến tụy được chia thành 2 thể phổ biến như sau:

Tháp dinh dưỡng cho người tiểu đường sẽ linh động dựa trên tình trạng bệnh Điều trị bệnh tiểu đường luôn luôn song hành cùng việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng

Bệnh tiểu đường tuýp 1

Bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin, thường gặp nhiều ở những người trẻ tuổi, bệnh có tiến triển nguy hiểm và có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng. Những bệnh nhân bị tiểu đường loại này cần kiểm soát chế độ ăn nghiêm ngặt cũng như sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, nhằm ngăn ngừa biến chứng là mục tiêu quan trọng hàng đầu.

Bệnh tiểu đường tuýp 2

Bệnh tiểu đường tuýp 2 không phụ thuộc insulin, thường gặp ở những người từ 40 tuổi trở nên, do có sự rối loạn chuyển hóa kèm theo và thường gặp ở những bệnh nhân có tình trạng thừa cân. Những bệnh nhân mắc tiểu đường loại này chỉ cần thực hiện chế độ ăn đúng cách và chặt chẽ, kết hợp với các hoạt động thể lực thường xuyên sẽ kiểm soát được bệnh đáng kể.

Tìm hiểu về tháp dinh dưỡng cho bệnh nhân tiểu đường

Tháp dinh dưỡng cho bệnh nhân tiểu đường về cơ bản có mục đích hạn chế nhóm Gluxit (nhóm bột đường) nhằm tránh tình trạng tăng đường huyết quá mức sau khi ăn. Ngoài ra, bệnh nhân cần hạn chế chất béo ở lượng vừa phải, nhất là các chất béo bão hòa nhằm phòng ngừa các rối loạn chuyển hóa.

Nguyên tắc xây dựng tháp dinh dưỡng cho người tiểu đường

Việc tuân thủ tháp dinh dưỡng cho bệnh nhân bị tiểu đường cần đảm bảo những nguyên tắc như sau:

  • Vẫn cung cấp đủ lượng đường và các nhóm dinh dưỡng ổn định cho hoạt động sống.
  • Chế độ dinh dưỡng của tháp cần đảm bảo không gây tăng hoặc giảm đường huyết đột ngột.
  • Đảm bảo hợp lý và điều độ về lượng thức ăn sao cho vừa đủ.
  • Đảm bảo bệnh nhân được ăn đúng và đủ các bữa ăn trong ngày, hạn chế tình trạng để quá đói hoặc ăn quá no.
  • Không nên quá kiêng khem hoặc kiêng hoàn toàn nhóm bột đường, vẫn phải bổ sung đầy đủ các nhóm dinh dưỡng với hàm lượng theo tháp dinh dưỡng.
  • Cần cung cấp đủ 40ml/kg cân nặng nước hằng ngày.
  • Nên chia nhỏ bữa ăn và thêm các bữa phụ để tránh hạ đường huyết đột ngột.
  • Cần thay đổi từ từ cơ cấu và khối lượng thức ăn nhằm tránh trường hợp làm cho cơ thể quá sốc.
Nguyên tắc xây dựng tháp dinh dưỡng cho người tiểu đường Tháp dinh dưỡng cho bệnh nhân tiểu đường giúp cho bệnh nhân có chế độ ăn uống khoa học hơn

Tháp dinh dưỡng phù hợp cho bệnh nhân tiểu đường

Mỗi thực phẩm chứa các loại dinh dưỡng khác nhau và không có loại thực phẩm nào đáp ứng được toàn bộ chất dinh dưỡng mà cơ thể cần. Do đó, các bữa ăn mỗi ngày cần kết hợp nhiều loại thực phẩm khác nhau, làm đa dạng các loại thực phẩm, cũng như vừa kích thích ăn ngon miệng vừa đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho cơ thể hoạt động và tăng đề kháng.

Không những thế, tháp dinh dưỡng cần được xây dựng để làm cơ sở để người bệnh tiểu đường có thể tính toán lượng thực phẩm hợp lý trong các bữa ăn. Cụ thể, một bữa ăn cần có cả bốn nhóm thực phẩm quan trọng sau đây:

Nhóm rau xanh và trái cây

Đối với bệnh nhân tiểu đường, nhóm rau xanh và trái cây được xem là nhóm thực phẩm đặc biệt bởi đây là nhóm thực phẩm được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích tăng cường. Rau xanh và trái cây cung cấp nhiều chất xơ dồi dào, các vitamin cần thiết, các khoáng chất và axit amin có lợi rất tốt cho việc kiểm soát lượng đường huyết mà không lo bị béo. Tuy nhiên, bệnh nhân tiểu đường có thể chọn lựa những loại trái cây chín nhưng không quá nhiều đường như bưởi, dâu tây, cam, mận, táo…

Không những thế, đối với bệnh nhân tiểu đường nhất thiết nên ăn nhiều rau xanh, đặc biệt là các món rau luộc, trộn sa lát kết hợp với các ngũ cốc và hoa quả chín ít đường. Các món ăn sa lát này vừa ngon miệng lại tốt cho sức khỏe bệnh nhân tiểu đường. Ngoài ra, một số loại rau xanh còn được nghiên cứu có tác dụng hỗ trợ kiểm soát lượng đường huyết hiệu quả như: Khổ qua, tảo spirulina…

Nhóm thực phẩm chứa đường bột

Nhóm thực phẩm chứa nhiều chất đường bột như: Cơm, nếp, khoai tây, bánh mì, bánh ngọt, miến… những thực phẩm mà chúng ta rất dễ bắt gặp tại những bữa cơm của người Việt Nam. Tuy nhiên, đối với người bị tiểu đường, cần hạn chế tiêu thụ nhóm thực phẩm này hơn so với những người khỏe mạnh bình thường. Không những thế, việc nên chia nhỏ những thực phẩm nhóm này thành nhiều bữa ăn trong ngày được các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá cao nhằm tránh tình trạng ăn quá nhiều có nguy cơ làm tăng đường huyết đột ngột.

Nhóm thực phẩm chứa chất đạm

Những loại thức ăn chứa chất đạm trong nhóm này bao gồm: Trứng, cá, thịt, sữa, đậu nành, hải sản… Chúng cung cấp rất nhiều chất đạm cần thiết cho hoạt động sống của cơ thể.

Tuy nhiên, đối với những người bệnh tiểu đường, cần lựa chọn những thực phẩm chứa đạm từ thực vật như sữa đậu nành không đường, đậu phụ… Ngoài ra, cần chọn các loại thịt nạc, thịt ức gà, không nên ăn da gà nhằm hạn chế nguy cơ thừa cân béo phì.

Tháp dinh dưỡng cho người tiểu đường nên có chứa chất đạm Tìm hiểu về tháp dinh dưỡng cho người tiểu đường là vấn đề rất quan trọng

Nhóm thực phẩm chứa chất béo

Chất béo được xem là nguồn dinh dưỡng cung cấp năng lượng rất cao, đóng vai trò rất quan trọng trong các hoạt động của tế bào cũng như hòa tan, hấp thu các vitamin có thể tan trong dầu.

Tuy nhiên, bệnh nhân tiểu đường tùy cấp độ cần kiểm soát tỉ lệ chất béo có trong khẩu phần ăn, đa số có thể chiếm khoảng 25% là tối đa và không nên vượt quá 30%. Không những thế, nên ưu tiên cho các loại dầu thực vật chứa acid béo không no như: Dầu ô liu, dầu đậu nành nhằm ngăn ngừa nguy cơ béo phì, bệnh tim mạch. Những loại thực phẩm chứa chất béo xấu như: Nội tạng động vật, bơ thực vật, mỡ động vật, đồ đóng hộp… cần hạn chế tối đa nhé!

Trên đây là những thông tin về tháp dinh dưỡng cho người tiểu đường mà bạn đọc có thể tham khảo. Tháp dinh dưỡng dành cho người tiểu đường tùy vào mức độ bệnh cũng như diễn tiến bệnh cần được xây dựng khoa học, giúp bệnh nhân bám sát nhằm tránh nguy cơ ăn uống không kiểm soát có thể dẫn đến những biến chứng rất nguy hiểm.

Hoàng Yến

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin