1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Tổng hợp 10 bệnh giao mùa ở trẻ em và cách phòng ngừa

Thị Ly

17/06/2024
Kích thước chữ

Thời điểm chuyển giao giữa các mùa trong năm là lúc thời tiết thay đổi thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại virus, vi khuẩn phát triển. Đây cũng chính là giai đoạn trẻ em dễ mắc các bệnh giao mùa do hệ miễn dịch còn non yếu và chưa thích nghi kịp với sự biến đổi của môi trường. Bệnh giao mùa ở trẻ em là tình trạng thường gặp khi thời tiết thay đổi đột ngột giữa các mùa trong năm. Sự chênh lệch nhiệt độ, độ ẩm và môi trường sống khiến trẻ dễ mắc các bệnh lí hô hấp, tiêu hóa hoặc dị ứng do hệ miễn dịch còn yếu và chưa kịp thích nghi.

Bệnh giao mùa ở trẻ em là nỗi lo chung của nhiều bậc phụ huynh mỗi khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày của trẻ mà còn tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nếu không được phát hiện và chăm sóc kịp thời. Để bảo vệ con trẻ khỏi bệnh giao mùa ở trẻ em, cha mẹ cần trang bị đầy đủ kiến thức về dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân và cách phòng ngừa hiệu quả.

Thế nào là bệnh giao mùa ở trẻ em?

Bệnh giao mùa ở trẻ là nhóm bệnh dễ xảy ra khi thời tiết chuyển mùa, như từ xuân sang hè hoặc từ thu sang đông. Vào thời điểm này, sự thay đổi nhiệt độ, sự chênh lệch giữa ngày và đêm, độ ẩm không khí giảm và gió ít khiến cơ thể phải tiêu hao nhiều năng lượng, làm suy giảm sức đề kháng, đặc biệt là ở trẻ em và người cao tuổi.

Thêm vào đó, sự biến động của môi trường trong mùa chuyển tiếp tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển và lây lan nhanh chóng, khiến nguy cơ mắc bệnh ở trẻ em tăng cao do hệ miễn dịch của các bé chưa phát triển hoàn thiện và sức đề kháng còn yếu.

Những bệnh giao mùa ở trẻ em thường gặp mà cha mẹ nên biết 1
Bệnh giao mùa ở trẻ là nhóm bệnh dễ xảy ra khi thời tiết chuyển mùa

Top 15 những bệnh thường gặp khi giao mùa ở trẻ nhỏ

Dưới đây là một số bệnh giao mùa thường gặp khi giao mùa ở trẻ nhỏ:

Viêm phổi

Viêm phổi ở trẻ em là một bệnh nhiễm trùng cấp tính ảnh hưởng đến phổi, gây khó thở và các vấn đề hô hấp nghiêm trọng. Theo báo cáo từ Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, mỗi ngày có một trẻ tử vong do viêm phổi, tương đương với mỗi 43 giây. Nguyên nhân gây bệnh thường là sự xâm nhập của vi khuẩn, virus hoặc nấm từ không khí. Đây là một trong những bệnh lý phổ biến trong thời kì giao mùa ở trẻ em. Một số tác nhân gây viêm phổi ở trẻ nhỏ có thể kể đến như virus cúm, Adenovirus, phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn nhóm B, virus hợp bào hô hấp (RSV).

Đặc biệt, những ngày nay đang gia tăng trẻ mắc virus hợp bào hô hấp thời điểm giao mùa. RSV (virus hợp bào hô hấp) là nguyên nhân chính gây bệnh đường hô hấp, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Mặc dù không nguy hiểm như cúm mùa, nhưng RSV vẫn cần được chú ý vì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe trẻ. Mùa mưa và giao mùa Xuân - Hè, với thời tiết nồm ẩm, là thời điểm RSV phát triển mạnh, khiến ba mẹ cần đặc biệt cảnh giác để bảo vệ trẻ.

Khi trẻ mắc viêm phổi, các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Ho, khó thở và sốt là dấu hiệu điển hình nhất;
  • Trẻ thường thở nhanh và ngắn;
  • Khi hít vào, phần ngực dưới có thể bị co rút hoặc hóp vào.
Những bệnh giao mùa ở trẻ em thường gặp mà cha mẹ nên biết 2
Viêm phổi do RSV đang gia tăng ở thời điểm giao mùa

Cảm lạnh thông thường

Cảm lạnh thông thường là bệnh nhiễm virus cấp tính ở đường hô hấp trên, ảnh hưởng đến mũi, họng, xoang và thanh quản. Nếu không được điều trị kịp thời, cảm lạnh có thể dẫn đến các biến chứng như nhiễm trùng tai, viêm xoang, viêm phổi. Đây là một trong những bệnh giao mùa ở trẻ em.

Khi bị cảm lạnh, trẻ thường có các biểu hiện như ngứa cổ họng, sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, mệt mỏi, đau họng, ho, nhức đầu, sốt nhẹ, đau cơ, chán ăn, nước mũi đặc lại và có màu vàng hoặc xanh,...

Cúm

Cúm mùa là bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính do virus Influenza gây ra, với ba tuýp virus A, B và C. Bệnh có thể gây các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp ở trẻ, thậm chí dẫn đến tử vong. Các biến chứng khác bao gồm viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai, viêm não,... Đây là một trong các bệnh giao mùa ở trẻ thường gặp. Một số dấu hiệu trẻ bị cúm mà phụ huynh có thể lưu ý như trẻ sốt cao trên 39 độ, ớn lạnh, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, đau cơ bắp, ho kéo dài, có thể kèm buồn nôn, nôn và tiêu chảy.

Viêm họng

Viêm họng là bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ, chủ yếu do nhiễm vi khuẩn hoặc virus. Các virus như Rhinovirus, virus hợp bào hô hấp, influenza, enterovirus và adenovirus là nguyên nhân thường gặp, trong khi liên cầu khuẩn nhóm A là vi khuẩn phổ biến gây viêm họng ở trẻ. Ngoài ra, viêm họng cũng có thể do thói quen thở bằng miệng hoặc viêm mũi dị ứng.

Nếu viêm họng do virus, bé có thể bị sổ mũi, nghẹt mũi, ho, khàn giọng, đau vòm miệng, phát ban hoặc tiêu chảy. Trẻ cũng có thể bị sốt và khó chịu. Nếu viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A, triệu chứng xuất hiện đột ngột với sốt cao (≥ 38°C), nhức đầu, đau bụng, buồn nôn, nôn. Ngoài ra, có thể sưng hạch cổ, mảng mủ trắng trong họng và những đốm đỏ trên vòm miệng.

Viêm phế quản

Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc của các ống thở lớn trong phổi, có thể diễn ra cấp tính hoặc mạn tính. Viêm phế quản cấp tính thường do virus gây ra, có thể xuất hiện sau khi trẻ bị cảm lạnh hoặc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác. Đây là một trong những bệnh giao mùa thường gặp ở trẻ em.

Một số dấu hiệu dễ nhận biết khi trẻ mắc viêm phế quản: Trẻ sốt, khó chịu, đau đầu, ớn lạnh, ho khan, ho có đờm đặc, màu trắng, vàng hoặc xanh lục; bé cảm thấy khó thở, thở khò khè, đau nhức hoặc tức ngực,...

Rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa là tình trạng hệ tiêu hóa của trẻ gặp vấn đề, gây đau bụng hoặc khó khăn trong việc tiêu hóa thức ăn. Đây là một trong những bệnh giao mùa phổ biến ở trẻ em. Nguyên nhân thường gặp gây rối loạn tiêu hóa bao gồm nhiễm virus, vi khuẩn, ngộ độc thực phẩm, dị ứng hoặc các bệnh lý như viêm ruột, viêm gan, bệnh Crohn.

Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa, các triệu chứng có thể xuất hiện như đau bụng dai dẳng, ợ nóng, trào ngược dạ dày, tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài, phát ban, phân lẫn máu,...

Sởi

Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus Morbillivirus gây ra, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em. Bệnh sởi có thể gây ra các nhiễm trùng thứ cấp như viêm tai, viêm phổi, tiêu chảy và nôn mửa. Một số biến chứng nghiêm trọng của bệnh sởi bao gồm viêm não, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, và thậm chí là tử vong.

Các triệu chứng nhận biết khi trẻ bị sởi:

  • Sau 2 - 3 ngày: Xuất hiện các đốm Koplik đỏ trong miệng.
  • Sau 3 - 5 ngày: Phát ban đỏ xuất hiện, thường bắt đầu từ mặt, sau đó lan xuống cổ, thân, cánh tay, chân và bàn chân. Các đốm đỏ dần lan rộng khắp cơ thể, kèm theo sốt cao trên 39°C.
  • Sau 7 - 14 ngày: Các dấu hiệu giống cảm cúm như sốt, ho, sổ mũi, viêm kết mạc (đau mắt đỏ), đau nhức cơ thể, cổ họng đau và có mảng trắng hoặc hơi vàng trong miệng.
Những bệnh giao mùa ở trẻ em thường gặp mà cha mẹ nên biết 3
Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus Morbillivirus gây ra, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em

Quai bị

Quai bị là một bệnh lý truyền nhiễm do virus trong họ Paramyxoviridae gây ra. Bệnh có thể bùng phát thành dịch và gây nhiều biến chứng nghiêm trọng như viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng, viêm não - màng não, và có thể dẫn đến vô sinh ở cả bé trai và bé gái. Các triệu chứng nhận biết khi trẻ bị quai bị như: Sốt, đau đầu, sưng và đau tuyến nước bọt dưới hàm, đau cơ.

Thủy đậu

Thủy đậu, hay còn gọi là trái rạ, là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella-Zoster (VZV) gây ra. Bệnh này thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt là những trẻ chưa được tiêm phòng hoặc chưa từng mắc bệnh. Đây là một trong những bệnh phổ biến khi trẻ em giao mùa. Các triệu chứng nhận biết trẻ bị thủy đậu: Trên da của trẻ sẽ xuất hiện các đốm đỏ li ti, sau đó phát triển thành các mụn nước và lan rộng ra các vùng da xung quanh.

Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra, lây qua vết đốt của muỗi vằn (Aedes aegypti). Đây là một trong những bệnh giao mùa phổ biến ở trẻ em, đặc biệt ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Sốt xuất huyết nặng có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, sốc và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Các triệu chứng nhận biết trẻ bị sốt xuất huyết:

  • Dễ bị bầm tím trên cơ thể.
  • Sốt cao, có thể lên đến 40°C.
  • Phát ban lan rộng trên cơ thể.
  • Chảy máu mũi hoặc nướu răng.

Bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, dễ lây lan và thường xảy ra khi giao mùa. Tác nhân gây bệnh chủ yếu là coxsackievirus. Biến chứng phổ biến nhất là mất nước.

Triệu chứng nhận biết bệnh tay chân miệng:

  • Giai đoạn đầu: Sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng và biếng ăn.
  • Giai đoạn toàn phát: Sốt, nôn nhiều lần, phát ban và mụn nước ở tay, chân, mông và gối; loét miệng với các vết loét đỏ hoặc mụn nước ở miệng, lưỡi.

Viêm da dị ứng do tiếp xúc

Viêm da dị ứng do tiếp xúc là phản ứng dị ứng muộn trên da xảy ra sau khi bé tiếp xúc với chất gây dị ứng. Bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ 0-3 tuổi do làn da mỏng và dễ hấp thụ chất từ môi trường. Đây là một trong những bệnh giao mùa phổ biến.

Một số chất gây dị ứng thường gặp là niken trong đồ trang sức, nhựa Balsam Peru trong sản phẩm có mùi thơm, và các chất bảo quản như methylisothiazolinone.

Triệu chứng nhận biết viêm da tiếp xúc:

  • Da đỏ, ngứa, đóng vảy sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng.
  • Phát ban bắt đầu tại vị trí tiếp xúc nhưng có thể lan rộng.
  • Các vị trí thường gặp: Bàn tay, bàn chân, cánh tay, cẳng chân và mặt.
  • Phát ban giảm dần khi không tiếp xúc với chất gây dị ứng nhưng tái phát khi tiếp xúc lại.

Viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus VNNB, lây qua muỗi từ động vật như trâu, bò và chim hoang dã. Bệnh có thể gây ra di chứng nghiêm trọng như liệt, rối loạn thần kinh và thiểu năng trí tuệ, thậm chí tử vong. Đây là một trong những bệnh lý phổ biến ở trẻ em trong thời điểm giao mùa.

Triệu chứng khi trẻ bị viêm não Nhật Bản:

  • Sốt cao, nôn mửa, rối loạn vận động (gồng vặn người, run rẩy, múa giật, co giật).
  • Tăng tiết đờm rãi, khó nói, ngủ gà ngủ gật, mất trí nhớ, lơ mơ, li bì, hôn mê.
  • Một số trường hợp có thể không xuất hiện triệu chứng rõ ràng.

Hen suyễn

Hen suyễn là bệnh viêm đường hô hấp gây khó thở, phổ biến ở trẻ em khi giao mùa. Khi mắc hen suyễn, các cơ trong ống thở bị co thắt và sưng lên, làm hẹp đường thở. Các yếu tố nguy cơ gồm gia đình có người bị hen suyễn, sinh non, nhẹ cân hoặc môi trường ô nhiễm.

Triệu chứng khi trẻ bị hen suyễn:

  • Ở trẻ sơ sinh và nhỏ: Ho và thở khò khè.
  • Ở trẻ lớn hơn: Hụt hơi, tức ngực, ho thường xuyên, đặc biệt khi trời lạnh, vận động hoặc ngủ.
Những bệnh giao mùa ở trẻ em thường gặp mà cha mẹ nên biết 3
Hen suyễn là bệnh viêm đường hô hấp gây khó thở, phổ biến ở trẻ em khi giao mùa

Sốt phát ban

Sốt phát ban là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau như bệnh thứ năm do parvovirus B19, sởi, sởi Đức, thủy đậu, hoặc do phản ứng với thuốc. Đây là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ khi giao mùa. Các nguyên nhân gây sốt phát ban có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, vì vậy ba mẹ cần đưa trẻ đi khám để xác định đúng bệnh và điều trị kịp thời.

Triệu chứng khi trẻ bị sốt phát ban:

  • Sốt nhẹ hoặc cao trên 38°C, kèm ho, đau họng, chảy mũi.
  • Nốt phát ban hồng hoặc đỏ xuất hiện ở ngực, bụng, lưng, hoặc khắp cơ thể.
  • Trẻ có thể mệt mỏi, quấy khóc, sưng mắt, tiêu chảy, nôn mửa, chán ăn.

Phòng bệnh giao mùa ở trẻ em như thế nào?

Để phòng ngừa bệnh giao mùa ở trẻ em, ba mẹ có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Tiêm chủng đầy đủ theo lịch: Hầu hết các bệnh giao mùa có thể được phòng ngừa bằng vắc xin. Để bảo vệ trẻ một cách an toàn và hiệu quả, việc tiêm chủng đúng lịch và đủ mũi theo khuyến cáo của Bộ Y tế là rất quan trọng. Trong 2 năm đầu đời, trẻ có thể được tiêm vắc xin để phòng ngừa nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
  • Giữ ấm cơ thể cho trẻ: Khi trẻ bị lạnh quá lâu, sức đề kháng sẽ suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cảm lạnh, cúm mùa và nhiễm trùng đường hô hấp. Phụ huynh cần chú ý chọn trang phục phù hợp để giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là cổ, tay, chân vào ban đêm.
  • Cho trẻ uống đủ nước: Uống đủ nước giúp cơ thể trẻ duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, hỗ trợ chống lại nhiễm trùng hiệu quả. Nước và các đồ uống bổ sung dịch sẽ giữ cho màng nhầy trong đường hô hấp, giúp virus và vi khuẩn khó xâm nhập. Trong thời gian giao mùa, ba mẹ nên khuyến khích trẻ uống nước đều đặn, đặc biệt là nước ấm và nước ép trái cây.
  • Giữ vệ sinh cho bé: Rửa tay thường xuyên và khuyến khích trẻ đeo khẩu trang khi ra ngoài. Hướng dẫn bé không chạm tay vào mặt, tắm hàng ngày và vệ sinh răng miệng giúp ngăn ngừa vi trùng.
  • Giữ môi trường sống sạch sẽ và thoáng mát: Vệ sinh nhà cửa thường xuyên và duy trì nhiệt độ mát mẻ giúp hạn chế sự phát triển của vi khuẩn. Sử dụng máy lọc không khí và quạt để cải thiện chất lượng không khí.
  • Thực đơn ăn uống lành mạnh cho bé: Cung cấp đầy đủ trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm giàu vitamin để tăng sức đề kháng. Hạn chế đồ ăn vặt và khuyến khích trẻ uống nước, trà thảo dược để hỗ trợ thải độc tố.
  • Cho trẻ ngủ đủ giấc: Giấc ngủ giúp cơ thể trẻ tái tạo và tăng cường sức đề kháng. Đảm bảo trẻ có lịch ngủ đều đặn và một môi trường ngủ thoải mái sẽ giúp trẻ tránh các bệnh giao mùa.
  • Khi trời quá nắng, hạn chế cho bé ra ngoài: Tránh cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời vào giờ cao điểm để bảo vệ trẻ khỏi mất nước, say nắng và tổn thương da. Sử dụng kem chống nắng và các biện pháp bảo vệ như mũ, kính râm.
  • Bé nên tránh tiếp xúc thường xuyên với thú nuôi: Động vật nuôi có thể mang kí sinh trùng và dị ứng. Khuyến khích trẻ rửa tay sau khi tiếp xúc và hạn chế ôm, hôn vật nuôi, đặc biệt với trẻ dễ dị ứng.
  • Khám sức khỏe định kì và theo dõi triệu chứng bệnh: Khám sức khỏe định kì giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe và tiêm phòng đầy đủ cho trẻ. Bác sĩ sẽ hướng dẫn về dinh dưỡng, giấc ngủ và vệ sinh để bảo vệ sức khỏe của bé.
Những bệnh giao mùa ở trẻ em thường gặp mà cha mẹ nên biết 4
Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ để bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho

Việc phòng ngừa bệnh giao mùa ở trẻ em là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe cho bé trong những thời điểm thay đổi thời tiết. Các biện pháp như tiêm chủng đầy đủ, giữ ấm cơ thể, vệ sinh tốt và chế độ dinh dưỡng hợp lí sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh. Bố mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ kĩ lưỡng và chủ động thăm khám định kì để đảm bảo sức khỏe của trẻ luôn trong tình trạng tốt nhất.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin