Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Top 8 thuốc giảm axit dạ dày phổ biến hiện nay

Ngày 06/08/2023
Kích thước chữ

Các vấn đề liên quan đến dạ dày có thể gây ra nhiều phiền toái, đặc biệt là tình trạng tăng axit dạ dày dẫn đến cảm giác đau đớn và khó chịu. Thuốc giảm axit dạ dày là một phần quan trọng của việc điều trị và kiểm soát các vấn đề liên quan đến dạ dày.

Trong bài viết này, nhà thuốc Long Châu sẽ giới thiệu các loại thuốc giảm axit dạ dày hiệu quả, dành cho những người đang phải đối mặt với các vấn đề dạ dày. Hãy tìm hiểu qua bài viết nhé!

Ranitidine

Ranitidine là một trong những loại thuốc giảm tiết axit dạ dày có hiệu quả trong việc điều trị viêm loét dạ dày do tiết quá nhiều axit dạ dày. Ngoài ra, Ranitidine còn được áp dụng để cải thiện các vấn đề sức khỏe khác như trào ngược dạ dày, ợ nóng và đau dạ dày. Sản phẩm Ranitidine có sẵn tại các cửa hàng dược phẩm mà không cần yêu cầu đơn thuốc từ bác sĩ. Để đảm bảo việc sử dụng thuốc đạt hiệu quả tối đa, người bệnh cần thận trọng tuân theo hướng dẫn trên bao bì hoặc tham vấn chuyên gia y tế trước khi sử dụng.

Việc duy trì liều lượng theo quy định là rất quan trọng, không nên tự ý tăng hoặc giảm liều. Đặc biệt, không nên ngừng sử dụng thuốc khi triệu chứng bệnh chưa hoàn toàn giảm đi.

Ranitidine có khả năng gây ra một số tác dụng phụ như chóng mặt, ngứa da và tiêu chảy, hiếm gặp hơn nữa là tác động tiêu cực đến gan hoặc giảm bạch cầu. Do đó, trong quá trình sử dụng, nếu có bất kỳ biểu hiện bất thường nào trên cơ thể, bệnh nhân nên ngừng uống ngay lập tức và tìm gặp bác sĩ để được tư vấn và xử lý kịp thời.

Top 8 thuốc giảm axit dạ dày phổ biến hiện nay 1
Ranitidine giúp cải thiện các triệu chứng do trào ngược dạ dày

Famotidine

Famotidine cũng là loại thuốc thuộc nhóm thuốc kháng Histamin H2, có sẵn dưới dạng viên uống hoặc dạng tiêm tĩnh mạch. Sản phẩm Famotidine thường được sử dụng để giảm lượng axit trong dạ dày và hỗ trợ trong việc điều trị các vấn đề như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản.

Việc sử dụng Famotidine dạng tiêm thường chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, khi bệnh nhân không thể sử dụng thuốc qua đường uống. Liều lượng và thời gian dùng Famotidine ở người trưởng thành sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh từng người. Đối với trẻ em, liều lượng sử dụng còn được xác định dựa trên trọng lượng cơ thể. Thường thì việc sử dụng Famotidine được tiến hành dưới sự theo dõi của bác sĩ. Trong một số tình huống, bệnh nhân có thể tự sử dụng ở nhà.

Nếu trong quá trình sử dụng Famotidine mà triệu chứng bệnh không thuyên giảm, bệnh nhân cần liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn.

Cimetidine

Cimetidine làm giảm axit dư thừa trong dạ dày từ đó hỗ trợ giảm đau, khó chịu và triệu chứng ợ nóng nhanh chóng, phát sinh do trào ngược dạ dày và viêm loét dạ dày gây ra.

Cimetidine là thuốc không kê đơn, tuy vậy trước khi sử dụng, việc tham vấn ý kiến từ bác sĩ là quan trọng. Có thể dùng thuốc cùng lúc với bữa ăn hoặc dùng riêng lẻ. Để ngăn ngừa triệu chứng ợ nóng, nên uống thuốc khoảng 30 phút trước khi ăn. Để xác định liều lượng và thời gian điều trị cần thiết, nên dựa vào tình trạng sức khỏe cụ thể của từng người.

Top 8 thuốc giảm axit dạ dày phổ biến hiện nay 2
Nên uống thuốc Cimetidine khoảng 30 phút trước khi ăn để ngăn ngừa chứng ợ nóng

Omeprazole

Omeprazole thuộc nhóm ức chế bơm proton (PPI), là loại thuốc giảm axit dạ dày thường được áp dụng để điều trị các vấn đề liên quan đến dạ dày và thực quản như loét hoặc trào ngược axit. Cơ chế hoạt động của Omeprazole là giảm hàm lượng axit điều tiết trong dạ dày. Thuốc này hiệu quả trong việc kiểm soát và giảm triệu chứng ợ nóng, ho dai dẳng và khó nuốt. Ngoài ra, Omeprazole còn giúp làm lành các tổn thương gây ra bởi axit trên niêm mạc dạ dày và thực quản. Hơn nữa, nó còn có khả năng ngăn ngừa viêm loét và sự phát triển của ung thư thực quản.

Bệnh nhân nên chỉ sử dụng khi triệu chứng ợ nóng đã xuất hiện trong ít nhất 2 ngày. Thời gian sử dụng tối thiểu từ 1 đến 4 ngày để đảm bảo hiệu quả tốt nhất. Việc sử dụng Omeprazole thì bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn từ chuyên gia y tế.

Lansoprazole

Lansoprazole tác động bằng cách ức chế sự điều tiết axit trong dạ dày, từ đó giảm axit gây ra viêm nhiễm trong bức màng dạ dày. Thuốc hỗ trợ cải thiện các dấu hiệu liên quan đến dạ dày như ợ nóng, cảm giác đầy bụng và khó nuốt.

Hơn nữa, Lansoprazole còn có tác dụng chữa lành tổn thương ở thực quản và dạ dày do dịch tiết axit tạo ra. Đồng thời, nó còn giúp ngăn chặn sự lan rộng của vết loét dạ dày và đồng thời giúp ngăn ngừa sự phát triển của ung thư thực quản.

Việc sử dụng Lansoprazole thường áp dụng một lần mỗi ngày, nên được uống trước bữa ăn. Để tránh ảnh hưởng không mong muốn đến sức khỏe, tuyệt đối không nên tự ý tăng hoặc giảm liều. Trong quá trình sử dụng, tránh nhai hoặc nghiền nát viên nang, tốt nhất nên nuốt nguyên viên.

Top 8 thuốc giảm axit dạ dày phổ biến hiện nay 3
Nên uống nguyên viên thuốc Lansoprazole để đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất

Nizatidin

Nizatidine cũng là một loại thuốc giảm axit dạ dày, hoạt động bằng cách ức chế đặc hiệu thụ thể histamine H2 trên niêm mạc dạ dày. Tuy nhiên, tác động của thuốc không liên quan đến thụ thể histamine H1. Ngoài tác dụng này, thuốc còn được ứng dụng trong việc điều trị các tình trạng viêm loét thực quản và triệu chứng ợ nóng do sự trào ngược của dạ dày.

Liều dùng thông thường là 150mg mỗi lần, uống hai lần mỗi ngày trong khoảng thời gian từ 4 đến 8 tuần, tuỳ thuộc vào chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Tuy thuốc mang lại hiệu quả điều trị nhưng cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như dấu hiệu mề đay, thiếu máu, tác động xấu lên gan, giảm số lượng tiểu cầu, và tăng nhịp tim...

Maalox

Maalox là một loại thuốc kháng axit dạ dày, có khả năng trung hòa nồng độ HCI (axit hydrochloric) trong dạ dày. Điều này ngăn ngừa quá trình chuyển đổi pepsinogen thành pepsin và giúp giảm nguy cơ viêm loét. Thuốc được sử dụng để điều trị các triệu chứng như co thắt, kích thích ruột, loét đường tiêu hóa, ợ chua, cảm giác đầy hơi và viêm loét dạ dày.

Liều dùng thông thường là 1-2 viên mỗi ngày, sau bữa ăn hoặc khi xuất hiện các cơn đau khó chịu.

Maalox không được sử dụng cho trẻ nhỏ, trẻ đang bị mất nước, suy thận hoặc những người mẫn cảm với các thành phần của thuốc.

Top 8 thuốc giảm axit dạ dày phổ biến hiện nay 4
Maalox không được sử dụng cho trẻ nhỏ

Sucralfat

Cuối cùng trong danh sách các loại thuốc giảm axit dạ dày là Sucralfat. Sucralfat là thuốc kháng axit dịch vị, loại thuốc này được sử dụng để điều trị các bệnh viêm loét trong hệ tiêu hóa. Thuốc có khả năng bảo vệ và kích thích quá trình lành tổn thương niêm mạc dạ dày một cách hiệu quả.

Liều lượng sử dụng thay đổi tùy theo từng trường hợp:

  • Đối với người mắc viêm loét dạ dày, liều dùng là 2g/ngày, chia thành 2 lần uống trước bữa sáng và trước khi đi ngủ.
  • Đối với trường hợp viêm loét dạ dày, liều dùng là 1g/ngày, chia thành 4 lần uống, không sử dụng quá 6 ngày liên tiếp.
  • Đối với triệu chứng trào ngược dạ dày, liều dùng là 1g/ngày, chia thành 3 lần uống trước bữa ăn 30 phút và trước khi đi ngủ.

Ngoài ra, có thể xuất hiện một số tác dụng phụ như táo bón, tiêu chảy, cảm giác đầy bụng, buồn nôn, chóng mặt, đau đầu, khó ngủ, phát ban, viêm mũi và khó thở.

Hy vọng thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các loại thuốc giảm axit dạ dày giúp cải thiện các triệu chứng khó chịu do axit dạ dày tiết quá mức. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe và an toàn, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kì loại thuốc nào.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin