Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tràn dịch màng tim có nguy hiểm không? Yếu tố làm tăng nguy cơ gây tràn dịch màng tim

Ngày 11/08/2023
Kích thước chữ

Tràn dịch màng tim là một tình trạng nghiêm trọng và có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe đáng lo ngại. Các vấn đề mà tràn dịch màng tim có thể gây ra như chèn ép tim, ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn... vì vậy rất nhiều người lo lắng "tràn dịch màng tim có nguy hiểm không?". Cùng tìm hiểu rõ hơn các thông tin này qua bài viết sau đây.

Việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng và bảo vệ sức khỏe tim mạch của người bệnh. Vậy tràn dịch màng tim có nguy hiểm không? Cùng tìm hiểu cụ thể qua thông tin dưới đây.

Tràn dịch màng tim có thể gây ra các biến chứng như sau:

Khó thở

Màng ngoài tim có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tim, giữ cho tim ở vị trí cố định và giảm ma sát trong quá trình co bóp. Bình thường sẽ có một lớp dịch rất mỏng trong khoang này, tuy nhiên khi có sự tích tụ dịch quá mức nó có thể gây ra áp lực lên tim, ảnh hưởng đến khả năng co bóp của tim và dẫn đến triệu chứng như khó thở.

Khó thở thường là một triệu chứng điển hình trong bệnh tràn dịch màng ngoài tim. Tình trạng này biểu hiện rõ nhất khi người bệnh gắng sức, làm các việc nặng như mang vác vật dụng, leo cầu thang, đi lại nhiều,... Nếu lượng dịch này nhiều sẽ khiến bệnh nhân khó thở ngay cả khi đang nằm nghỉ.

Tim đập nhanh

Khi màng ngoài tim chứa dịch làm hạn chế thể tích buồng tim và làm giảm lượng máu mỗi nhát bơm ra. Để duy trì lượng máu cung cấp đủ cho các cơ quan, tim phải làm việc hết sức để tăng số lần co bóp để bù đắp cho sự suy giảm về lượng máu mỗi nhát bơm ra. Điều này dẫn đến tình trạng tim đập nhanh với tần số tim có thể tăng lên rất cao là 120 đến 150 lần trong một phút.

Tình trạng tim đập nhanh này không chỉ gây cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực mà còn có thể gây ra các triệu chứng khác như khó thở, đau ngực.

Tụt huyết áp

Khi dịch tích tụ và áp lực tạo ra bởi dịch này có thể đè ép lên buồng tim, gây ra hạn chế trong việc co bóp của tim. Điều này dẫn đến việc lượng máu tống ra từ tim giảm đi khiến huyết áp bị tụt.

Tụt huyết áp có thể gây ra những triệu chứng nghiêm trọng như hoa mắt, chóng mặt, tay chân lạnh, thở nhanh, mệt mỏi.

Chèn ép tim và trụy mạch

Chèn ép tim là một tình trạng cực kỳ nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được xử lý kịp thời.

Khi lượng dịch tụ với tốc độ nhanh và nhiều sẽ có thể gây áp lực chèn ép lên buồng tim. Điều này khiến tim hạn chế co bóp, giảm thể tích buồng tim và khả năng bơm máu. Khi tim không thể bơm máu đủ để đảm bảo cung cấp oxy và dưỡng chất cho cơ thể, trụy mạch có thể xảy ra nhanh chóng. Nếu không có sự can thiệp cấp cứu kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến tim ngừng đập và tử vong.

Trong trường hợp này, việc chọc dịch màng ngoài tim để giải áp có thể được thực hiện để giảm áp lực chèn ép lên tim. Tuy nhiên, nếu nguồn dịch không thể ngăn chặn được, như tràn máu màng tim do chấn thương hoặc vỡ tim, việc phẫu thuật mở lồng ngực để xử lý cần được thực hiện ngay lập tức để ngăn chặn tình trạng nguy hiểm.

Tràn dịch màng tim có nguy hiểm không? 2
Tràn dịch màng tim khiến bệnh nhân bị khó thở

Yếu tố làm tăng nguy cơ gây tràn dịch màng tim

Chính các biến chứng trên đã giúp bạn có câu trả lời cho vấn đề "tràn dịch màng tim có nguy hiểm không?". Vì vậy, việc nắm rõ các thông tin liên quan như yếu tố nguy cơ và phương pháp can thiệp là rất cần thiết. Tràn dịch màng tim là một tình trạng nơi dịch tích tụ trong khoang màng tim, gây áp lực lên tim và gây khó thở, đau ngực và các triệu chứng khác. Có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ gây tràn dịch màng tim, bao gồm:

  • Viêm màng ngoài tim sau phẫu thuật hoặc cơn đau tim: Sau các phẫu thuật tim hoặc sau cơn đau tim, tình trạng viêm màng ngoài tim có thể xảy ra, dẫn đến sự tăng nguy cơ tràn dịch màng tim.
  • Bệnh tự miễn như bệnh Lupus ban đỏ hoặc viêm khớp dạng thấp: Các bệnh tự miễn như Lupus ban đỏ và viêm khớp dạng thấp có thể gây viêm màng tim và dẫn đến tràn dịch màng tim.
  • Khối u di căn: Các khối u di căn từ các bộ phận khác trong cơ thể cũng như ung thư màng ngoài tim có thể gây viêm màng tim và dẫn đến tràn dịch.
  • Xạ trị và hóa trị: Xạ trị và hóa trị được sử dụng trong việc điều trị ung thư có thể gây tổn thương màng tim và dẫn đến viêm màng tim và tràn dịch màng tim.
  • Chất độc trong máu không được lọc do suy thận.
  • Nhiễm trùng do virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng.
  • Các chấn thương hoặc vết thương thấu ngực gần vùng tim có thể gây tổn thương màng tim và dẫn đến tràn dịch.
  • Một số loại thuốc điều trị như thuốc cao huyết áp, thuốc điều trị lao, thuốc điều trị động kinh có thể gây ra phản ứng phụ gây viêm màng tim và tràn dịch.
Tràn dịch màng tim có nguy hiểm không? 3
Phương pháp xạ trị, hóa trị làm tăng nguy cơ tràn dịch màng tim

Tràn dịch màng tim phải làm sao?

Việc điều trị tràn dịch màng ngoài tim sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh ở mức nghiêm trọng hay chưa và nguyên nhân gây ra, các biến chứng có thể gặp phải ở người bệnh cũng như tình trạng sức khỏe hiện tại của bệnh nhân.

Điều trị dựa trên nguyên nhân gây tràn màng dịch ngoài tim tiềm ẩn như urê huyết hoặc viêm màng ngoài tim - thường sẽ chữa vấn đề cơ bản. Do đó, bệnh nhân khi có triệu chứng tràn dịch màng tim cần nên đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

Tùy từng trường hợp mà người bệnh có thể được chỉ định thuốc để giảm các biến chứng hoặc can thiệp ngoại khoa chọc hút dịch, cắt bỏ màng ngoài tim.

Tràn dịch màng tim có nguy hiểm không? 4
Có nhiều phương pháp để chữa tràn dịch màng tim

Thông qua bài viết trên, bạn có thể thấy tràn dịch màng tim là một tình trạng cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để ngăn chặn các biến chứng nghiêm trọng và đảm bảo sự hoạt động bình thường của tim và hệ tuần hoàn. Hy vọng những thông tin trên đây có thể giúp bạn trả lời được câu hỏi tràn dịch màng tim nguy hiểm không. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin