Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, biểu hiện và cách xử lý

Ngày 24/03/2023
Kích thước chữ

Nhiều người cho rằng chứng trào ngược dạ dày chỉ xảy ra ở người lớn do mắc bệnh lý về dạ dày hoặc do thói quen ăn uống thiếu khoa học, song trên thực tế không ít trẻ sơ sinh mắc phải chứng bệnh này. Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh là gì? Cách xử lý trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh như thế nào? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây.

Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh là tình trạng vô cùng phổ biến, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về hiệu tượng này. Trong bài viết sức khỏe hôm nay, Nhà Thuốc Long Châu sẽ chia sẻ đến bạn đọc những thông tin về tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, đừng bỏ qua bài viết này bạn nhé.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh

Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh hiểu một cách đơn giản là tình trạng thức ăn trào ngược từ dạ dày lên thực quản. Trào ngược dạ dày có thể do sinh lý (không ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như sinh hoạt thường ngày của trẻ) hoặc do bệnh lý có thể gây suy dinh dưỡng, viêm thực quản và một số biến chứng hô hấp khác, thậm chí là tử vong. Một câu hỏi đặt ra: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh là gì?

Nguyên nhân sinh lý

Khi trẻ bú mẹ, sữa từ miệng xuống thực quản, đi qua tâm vị và sau đó đi vào dạ dày để tiêu hóa. Tại tâm vị, cơ vòng thực quản như một chiếc van một chiều có tác dụng ngăn sữa trào ngược từ dạ dày lên thực quản. Đối với trẻ sơ sinh, các cơ van tâm vị còn yếu và xốp, do vậy, khi trẻ bú mẹ sai tư thế, sữa và không khí trong dạ dày cũng dâng lên, qua tâm vị dẫn đến hiện tượng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh.

Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, biểu hiện và cách xử lý 1
Cơ vòng tâm vị yếu là nguyên nhân chủ yếu gây trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh

Thêm vào đó, tư thế bú cũng là một trong những yếu tố quan trọng. Trên thực tế, nằm ngang là tư thế được các mẹ lựa chọn khi cho con bú, đặc biệt là vào ban đêm. Trong khi đó, dạ dày trong tư thế này cũng sẽ nằm ngang và làm cho sữa khi đi xuống dạ dày sẽ dễ dàng bị trào ngược lại lên miệng.

Ngoài ra, một số yếu tố có thể góp phần gây ra chứng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh phải kể đến như: Bé thường xuyên nằm ngửa, bé sinh non, chế độ dinh dưỡng chủ yếu là chất lỏng…

Nguyên nhân bệnh lý

Ngoài nguyên nhân chủ yếu do cơ vòng tâm vị yếu cũng như hệ tiêu hóa chưa phát triển toàn diện cùng với thói quen sinh hoạt, trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh còn có thể xảy ra do một số nguyên nhân bệnh lý như:

  • Hẹp môn vị: Môn vị là van nằm giữa dạ dày và ruột non. Khi thức ăn từ dạ dày xuống ruột sẽ đi qua môn vị. Ở trẻ sơ sinh, cơ tâm vị yếu nhưng trái lại cơ môn vị lại rất phát triển. Tình trạng hẹp môn vị sẽ khiến thức ăn dễ bị ứ đọng lâu trong dạ dày. Điều này có thể làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày ở trẻ.
  • Chứng không dung nạp thực phẩm: Trẻ sơ sinh thường mắc chứng không dung nạp thực phẩm với một số loại protein có trong sữa bò. Do vậy, khi sử dụng sữa bò, trẻ thường dễ bị nôn trớ và trào ngược dạ dày thực quản sau khi uống.
  • Viêm thực quản do dị ứng: Đây là một bệnh lý khá hiếm gặp, song cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh. Sự tích tụ của các tế bào bạch cầu làm tổn thương ngược lại niêm mạc thực quản gây kích thích và sưng dẫn đến trào ngược dạ dày.
Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, biểu hiện và cách xử lý 2
Hẹp môn vị là một trong những bất thường về cấu trúc gây trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh

Biểu hiện của trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh

Như đã trình bày ở trên, trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh có thể là sinh lý hoặc bệnh lý. Do đó, tùy vào từng trường hợp mà trào ngược dạ dày sẽ có những biểu hiện khác nhau, cụ thể:

  • Đối với trào ngược dạ dày sinh lý, tình trạng trào ngược dạ dày thường xảy ra trong thời gian ngắn với tần suất thấp, chỉ trớ sau khi trẻ bú mẹ, ngoài ra không gây ra bất kỳ triệu chứng nào khác. 
  • Đối với trào ngược dạ dày bệnh lý, tình trạng trào ngược sẽ diễn ra thường xuyên và kéo dài hơn, cùng với đó có thể gây ra một số triệu chứng lâm sàng như thường xuyên trớ sữa, chậm lớn, biếng ăn, hơi thở khò khè lúc ngủ, trẻ quấy khóc liên tục và thường xuyên cáu kỉnh…
Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, biểu hiện và cách xử lý 3
Trớ sữa sau khi bú là biểu hiện của trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày

Trường hợp trào ngược dạ dày sinh lý, các mẹ không cần quá lo lắng bởi tình trạng này có thể được cải thiện và biến mất theo thời gian. Dưới đây là một số lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày mẹ có thể tham khảo:

  • Cho trẻ bú đúng tư thế: Ban đầu, mẹ nên cho trẻ bú bên vú trái trước sau đó chuyển sang vú phải. Khi dạ dày của trẻ đã có nhiều sữa, trẻ nằm nghiêng sang trái sẽ hạn chế tối đa tình trạng nôn trớ và trào ngược dạ dày.
  • Cho trẻ bú bình đúng cách: Khi trẻ bú bình, cha mẹ cần đặt bình sữa sao cho núm vú luôn đầy sữa để đảm bảo trẻ có thể bú liên tục và hạn chế không khí đi vào dạ dày của trẻ. Nên dỗ trẻ bú ngoan bởi nếu trẻ quấy khóc trong khi bú sẽ khiến trẻ nuốt nhiều không khí vào dạ dày dẫn đến tình trạng đầy hơi và rất dễ bị trào ngược dạ dày. Sau khi bú, cha mẹ nên bế bé thẳng trong khoảng 15 - 20 phút nhằm để sữa xuống dạ dày hoàn toàn. Nếu trẻ bị ợ hơi hoặc có dấu hiệu trớ, mẹ hãy áp ngực trẻ vào ngực mẹ sau đó dùng tay vỗ lưng cho trẻ.
  • Cho trẻ bú nhiều cữ hơn: Việc trẻ bú nhiều sữa mỗi lần sẽ khiến trẻ dễ bị nôn trớ và trào ngược dạ dày. Do vậy, thay vì ép trẻ bú nhiều trong một cữ bú, mẹ có thể cho bé bú nhiều cữ hơn với một lượng vừa phải. Khoảng cách giữa 2 cữ bú của trẻ ít nhất là 2 giờ và tối đa 5 giờ.
Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, biểu hiện và cách xử lý 4
Cho trẻ bú đúng cách giúp giảm nguy cơ trào ngược dạ dày

Trường hợp trào ngược dạ dày bệnh lý ở trẻ sơ sinh sẽ khó có thể khắc phục bằng những cách trên. Lúc này, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, đưa ra chẩn đoán, tìm ra nguyên nhân cũng như có hướng xử lý phù hợp.

  • Những trường hợp trào ngược dạ dày nặng, bác sĩ có thể chỉ định trẻ dùng một số thuốc có tác dụng giảm tiết dịch acid dạ dày hoặc các thuốc ức chế sự tiết dịch dạ dày, từ đó tăng co bóp thực quản và tăng trương lực cơ thắt thực quản dưới và làm rỗng dạ dày. Tuy nhiên cha mẹ tuyệt đối không tự ý cho bé sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Nếu tình trạng nghiêm trọng và không cải thiện được bằng các phương pháp trên thì bác sĩ có thể sẽ chỉ định thực hiện phẫu thuật để điều trị. Tuy nhiên, chỉ định phẫu thuật thường rất hiếm.

Trên đây là toàn bộ những thông tin xoay quanh chủ đề trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh mà Nhà Thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng những chia sẻ này có thể giúp bạn có thêm lượng kiến thức bổ ích. Đừng quên truy cập vào trang web của Nhà Thuốc mỗi ngày để cập nhật nhiều bài viết sức khỏe khác nhé.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: medlatec.vn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin