Long Châu

Viêm thực quản: Triệu chứng, nguyên nhân và những điều cần biết

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm thực quản là một bệnh lý phổ biến thường gặp hiện nay. Nguyên nhân gây bệnh thường do trào ngược acid, tác dụng phụ của một số thuốc, nhiễm trùng hay do dị ứng thực phẩm khiến bạn cảm thấy khó nuốt, đau tức ngực. Nếu bệnh không được điều trị sẽ dẫn tới loét hoặc sẹo thực quản, hẹp ống thực quản, nghiêm trọng hơn có thể là Barrett thực quản – một yếu tố nguy cơ gây ung thư thực quản. Vậy nguyên nhân nào gây ra tình trạng viêm thực quản và điều trị như thế nào?

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm thực quản là gì? 

Thực quản là đoạn đầu của ống tiêu hóa có vai trò dẫn thức ăn từ hấu tới dạ dày. Viêm thực quản (Esophagitis) là tình trạng các lớp niêm mạc của thực quản bị tổn thương dẫn tới viêm (sưng). Bạn sẽ cảm thấy khó nuốt, đau khi nuốt hoặc đau tức ngực trên. 

Trào ngược acid từ dạ dày là nguyên nhân thường gặp nhất dẫn tới viêm thực quản. ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như dùng thuốc, viêm nấm nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn, xạ trị.

Khi bị viêm thực quản, lớp niêm mạc thực quản của bạn sẽ bị thay đổi, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Ngoài ra, nếu không kịp phát hiện và điều trị kịp thời, lâu dần sẽ gây nên các biến chứng như loét, sẹo hay hẹp ống thực quản sẽ làm cho bạn cảm thấy khó nuốt, thường xuyên nghẹn khi nuốt hoặc có thể không nuốt thức ăn khô được.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm thực quản

Một số dấu hiệu cho thấy có thể bạn đang bị viêm thực quản là:

  • Khó nuốt, đau khi nuốt;

  • Chảy nước bọt;

  • Viêm họng;

  • Khàn giọng;

  • Trào ngược acid, ở nóng;

  • Buồn nôn, nôn ra máu;

  • Đau bụng vùng thượng vị;

  • Có biểu hiện đau dạ dày;

  • Trẻ nhỏ có thể khó bú, biếng ăn;

  • Khi viêm nặng bạn có thể thấy rối loạn nhịp tim, suy kiệt cơ thể, nhịp thở không đều.

Viêm thực quản đôi khi bị nhầm lẫn với trào ngược dạ dày thực quản. Vì vậy, khi gặp những triệu chứng trên bạn cũng nên tới gặp bác sĩ để đưa ra chẩn đoán bệnh chính xác.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm thực quản

Viêm thực quản là một căn bệnh phổ biến, có tiến triển phức tạp và nguy hiểm. Vì vậy nếu không được điều trị sẽ gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:

  • Thủng thực quản;

  • Viêm thanh quản;

  • Hẹp ống thực quản;

  • Viêm màng tim;

  • Viêm màng phổi;

  • Tăng nguy cơ ung thư thực quản;

  • Bệnh Barrett thực quản.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Viêm thực quản là một căn bệnh phổ biến và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính. Khi được phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh sẽ hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu để tình trạng bệnh kéo dài sẽ gây ra một số biến chứng nguy hiểm. Hãy tới gặp bác sĩ nếu bạn có những triệu chứng trên hoặc những dấu hiệu sau:

  • Bạn bị đau ngực kéo dài hơn vài phút, đặc biệt nếu bạn có tiền sử bệnh tim, cao huyết áp hoặc tiểu đường.

  • Bạn cảm thấy thức ăn đang bị kẹt trong thực quản.

  • Bạn không thể nuốt được từng ngụm nước nhỏ.

  • Nhức đầu, đau cơ và sốt.

  • Triệu chứng diễn ra sau vài ngày mà không giảm.

Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm thực quản

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm thực quản tùy thuộc vào tình trạng gây ra bệnh. Có 4 nhóm tình trạng gây ra viêm thực quản:

Viêm thực quản trào ngược

Khi bị trào ngược dạ dày thực quản, dịch acid trong dạ dày sẽ trào ngược lên thực quản làm lớp niêm mạc thực quản bị tổn thương dẫn đến viêm. Một số nguyên nhân dẫn đến viêm thực quản trào ngược là:

  • Hút thuốc;

  • Béo phì;

  • Mang thai;

  • Sử dụng một số thực phẩm gây trào ngược như: Trái cây có múi, socola, hành tây, tỏi, rượu,…

Viêm thực quản bạch cầu ái toan

Bạch cầu ái toan là những tế bào bạch cầu đóng vai trò quan trọng trong các phản ứng dị ứng. Nguyên nhân gây viêm thực quản bạch cầu ái toan là do dị ứng dẫn đến nồng độ các tế bào bạch cầu trong thực quản nhiều gây ra viêm thực quản bạch cầu ái toan.

Các yếu tố gây dị ứng có thể do thực phẩm: Trứng, lúa mì, sữa, hoặc chất gây dị ứng như: Lông thú nuôi, bụi bẩn, phấn hoa,…

Viêm thực quản do thuốc

Một số loại thuốc uống có thể gây tổn thương mô nếu chúng tiếp xúc với niêm mạc thực quản quá lâu. Ví dụ như khi bạn uống thuốc với ít nước, hoặc do viên thuốc có kích thước lớn thì cặn từ viên thuốc có thể vẫn còn đọng lại trong thực quản gây tổn thương lớp niêm mạc. Các loại thuốc có liên quan đến viêm thực quản bao gồm:

  • Thuốc giảm đau: Aspirin, ibuprofen, naproxen;

  • Thuốc kháng sinh: Tetracycline, doxycycline;

  • Thuốc điều trị các vấn đề tim mạch: Quinidine;

  • Thuốc điều trị loãng xương: Alendronate;

  • Kali clorua, được sử dụng để điều trị thiếu kali.

Viêm thực quản nhiễm trùng

Tác nhân gây ra viêm thực quản nhiễm trùng thường do virus, vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng trong các mô thực quản.

Nguyên nhân gây viêm thực quản nhiễm trùng thường là những bệnh nhân có hệ thống miễn dịch suy yếu như: HIV/AIDS, ung thư, đang xạ trị, rối loạn hệ miễn dịch hoặc đang sử dụng những loại thuốc ức chế hệ miễn dịch.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) viêm thực quản?

Hầu hết tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi đều có khả năng bị viêm thực quản. Tuy nhiên một số trường hợp có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:

  • Người cao tuổi;

  • Phụ nữ mang thai;

  • Người bị béo phì.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) viêm thực quản

Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm thực quản: 

  • Người cao tuổi;

  • Mang thai;

  • Béo phì;

  • Hút thuốc;

  • Nôn mãn tính;

  • Tiền sử bị dị ứng;

  • Người có hệ miễn dịch suy yếu như ung thư, HIV/AIDS,…

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm thực quản

Nếu bạn thấy một số dấu hiệu chứng tỏ bạn đang bị bệnh viêm thực quản. Bác sĩ sẽ hỏi bạn về những triệu chứng đang gặp phải, kiểm tra thăm khám lâm sàng. 

Ngoài ra, để chẩn đoán chính xác xem bạn có bị viêm thực quản không bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm sau:

  • Nội soi thực quản: Sử dụng ống nội soi dài, linh hoạt có đèn để kiểm tra thực quản của bạn.

  • Sinh thiết: Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ trong thực quản để tiến hành xét nghiệm tìm kiếm các yếu tố gây viêm.

  • Chụp X-quang cản quang với barium: Bác sĩ sẽ cho bạn uống barium trước khi chụp X-quang. Barium bao phủ lớp niêm mạc của thực quản và có thể nhìn thấy trên X-quang. Điều này cho phép bác sĩ xem các bất thường của thực quản.

Điều này rất quan trọng để có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh để giúp bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt.

Phương pháp điều trị viêm thực quản hiệu quả

Điều trị viêm thực quản sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh, nhằm làm giảm các triệu chứng, phòng ngừa những biến chứng xảy ra và điều trị nguyên nhân gây ra bệnh.

Viêm thực quản trào ngược

  • Dùng thuốc ức chế bơm proton: Omeprazole, Esomeprazole, Lansoprazole,..

  • Thuốc kháng acid: Maloox,..

  • Kháng thụ thể H2: Cimetidine, ranitidine,…

  • Trong trường hợp sử dụng thuốc không hiệu quả, có thể phẩu thuật ngăn trào ngược, thường là siết cơ vòng thực quản dưới giúp củng cố cơ vòng và ngăn chặn acid trào ngược vào thực quản.

Viêm thực quản bạch cầu ái toan

  • Cần phải tránh những tác nhân gây dị ứng như: Bụi bẩn, phấn hoa, lông động vật hoặc thực phẩm gây dị ứng;

  • Dùng thuốc uống steroid: Corticosteroid để giảm viêm;

  • Hít steroid: được sử dụng để quản lý bệnh hen suyễn;

Viêm thực quản do thuốc

Đối với viêm thực quản do thuốc thì cần hạn chế để cặn thuốc bám vào niêm mạc thực quản gây viêm:

  • Uống thuốc với nhiều nước;

  • Không nằm khi uống;

  • Nếu có thể thay thế thành thuốc dạng lỏng;

  • Ngồi hoặc đứng ít nhất 30 phút sau khi uống thuốc.

Viêm thực quản do nhiễm trùng

Đối với trường hợp viêm thực quản do nhiễm trùng sẽ tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh là virus, vi khuẩn, nấm hay ký sinh trùng mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp với bạn.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm thực quản

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Uống nhiều nước.

  • Bổ sung rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thức ăn giàu protein.

  • Tránh ăn những thức ăn cay, nóng.

  • Tránh những thực phẩm có tính aicd như cam, chanh, bưởi.

Phương pháp phòng ngừa viêm thực quản hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Hạn chế những chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,…

  • Ăn chậm, nhai kỹ thức ăn;

  • Duy trì cân nặng vừa phải, giảm cân khi cần thiết;

  • Thực hiện chế độ ăn uống phù hợp, hạn chế thực phẩm cay nóng và có tính acid;

  • Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức đề kháng;

  • Hạn chế tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.healthline.com/health/esophagitis#treatment
  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/esophagitis/symptoms-causes/syc-20361224
  3. https://www.medicinenet.com/esophagitis/article.htm

Các bệnh liên quan

  1. Viêm dạ dày ruột

  2. Sỏi ống mật chủ

  3. Hội chứng ruột kích thích

  4. Viêm gan cấp

  5. Chứng khó nuốt

  6. Viêm ruột

  7. Xơ gan

  8. Đau bụng

  9. viêm hang vị dạ dày

  10. Nang gan