Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Trẻ bị nôn có nên cho uống sữa? Ba mẹ cần làm gì trong trường hợp này?

Ngày 17/09/2024
Kích thước chữ

Trẻ bị nôn có nên cho uống sữa ngay không? Đây là câu hỏi mà nhiều bậc phụ huynh băn khoăn khi con mình gặp phải tình trạng này. Liệu việc cho trẻ uống sữa có giúp làm dịu cơn nôn hay lại khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn? Cùng tìm hiểu câu trả lời chính xác trong bài viết này của Nhà thuốc Long Châu.

Khi trẻ bị nôn, việc lựa chọn thức ăn và cách chăm sóc phù hợp là rất quan trọng để giúp trẻ hồi phục nhanh chóng và tránh các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Một câu hỏi thường gặp từ các bậc phụ huynh là liệu trẻ bị nôn có nên cho uống sữa không. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần xem xét nguyên nhân gây nôn và tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ.

Nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị nôn

Sau đây là những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị nôn:

  • Ăn quá no: Trẻ bú bình thường có xu hướng uống nhiều sữa hơn so với nhu cầu. Dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ và dễ bị quá tải, dẫn đến nôn trớ. Do đó, việc cho trẻ bú quá nhiều sữa trong một lần có thể gây nôn ói.
  • Không ợ hơi đúng cách sau khi bú: Trẻ nhỏ có thể nuốt không khí trong khi bú. Sự tích tụ không khí trong dạ dày gây đầy hơi và nôn trớ. Việc vỗ ợ hơi đúng cách sau mỗi lần bú có thể giúp giảm thiểu tình trạng này.
  • Trào ngược dạ dày: Trẻ sơ sinh có thể gặp tình trạng trào ngược dạ dày, khi mà sữa từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Điều này thường xảy ra vì dạ dày và ống dẫn thức ăn còn chưa hoàn thiện. Tình trạng này có thể khiến trẻ bị nôn ói và kích ứng cổ họng.
  • Táo bón: Mặc dù ít gặp hơn, táo bón cũng có thể gây nôn ói. Trẻ bị táo bón thường đầy hơi, cứng bụng và quấy khóc. Nếu trẻ không đi tiêu trong nhiều ngày hoặc có phân khô cứng, nôn ói có thể là một triệu chứng kèm theo.
  • Bệnh dạ dày: Các vấn đề về dạ dày như viêm dạ dày hoặc bệnh dạ dày khác có thể khiến trẻ nôn ói thường xuyên. Trẻ có thể kèm theo các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy và sốt nhẹ.
  • Dị ứng và không dung nạp lactose: Trẻ có thể bị dị ứng với đạm sữa bò, dẫn đến nôn ói cùng với các dấu hiệu khác như ho, phát ban và tiêu chảy. Chứng không dung nạp lactose cũng có thể gây nôn ói, tiêu chảy và đau bụng sau khi uống sữa.
  • Nguyên nhân khác: Các yếu tố như thời tiết quá nóng, say tàu xe, nhiễm trùng tai, dị ứng thuốc, cảm lạnh, hoặc các vấn đề nghiêm trọng như bệnh lồng ruột và hội chứng hẹp môn vị có thể gây nôn ói ở trẻ.
Trẻ bị nôn có nên cho uống sữa? Ba mẹ cần làm gì trong trường hợp này? 1
Trẻ bị nôn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau

Trẻ bị nôn có nên cho uống sữa không?

Việc trẻ bị nôn có nên cho uống sữa không phụ thuộc vào nguyên nhân gây nôn và tình trạng cụ thể của trẻ:

Nếu trẻ bú quá no

Trong trường hợp này, không nên cho trẻ uống thêm sữa ngay lập tức vì dạ dày của trẻ có thể chưa phục hồi hoàn toàn. Hãy chờ ít nhất 1 - 2 giờ trước khi cho trẻ bú lại và bắt đầu với một lượng nhỏ sữa. Việc này giúp dạ dày của trẻ có thời gian để hồi phục.

Nếu trẻ có dị ứng đạm sữa hoặc không dung nạp lactose

Cần thận trọng và theo dõi tình trạng của trẻ kỹ lưỡng. Cho trẻ uống sữa từng chút một và quan sát phản ứng của trẻ. Có thể cần thay đổi loại sữa hoặc công thức sữa phù hợp hơn với tình trạng của trẻ.

Nếu do nguyên nhân khác

Nếu nguyên nhân gây nôn không liên quan đến việc ăn quá no hoặc dị ứng, có thể cho trẻ uống sữa để bổ sung dinh dưỡng và bù nước. Tuy nhiên, hãy cho trẻ uống từng chút một, khoảng 5 - 10 phút một lần và quan sát tình trạng của trẻ. Nếu sau 2 - 3 giờ không có dấu hiệu nôn ói trở lại, có thể tiếp tục cho trẻ bú bình thường.

Trẻ bị nôn có nên cho uống sữa? Ba mẹ cần làm gì trong trường hợp này? 2
Trẻ bị nôn có nên cho uống sữa không tùy thuộc vào nguyên nhân gây nôn

Những điều bố mẹ nên làm sau khi trẻ bị nôn

Sau khi biết được trẻ bị nôn có nên cho uống sữa không, nhiều phụ huynh còn thắc mắc những điều nên làm sau khi trẻ bị nôn.

Theo dõi dấu hiệu mất nước

Khi trẻ bị nôn, cơ thể trẻ dễ bị mất nước. Theo dõi các dấu hiệu mất nước như tiểu ít, môi khô, mắt trũng, và mạch đập nhanh. Nếu trẻ có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức. Các dấu hiệu mất nước nghiêm trọng bao gồm:

  • Tiểu ít hoặc không tiểu;
  • Lừ đừ, tay chân lạnh;
  • Môi khô nhiều, mắt trũng;
  • Khóc không có nước mắt;
  • Mạch đập nhanh, có thể sốc trụy tim mạch.

Bù nước bằng đường uống

Ngoài việc cho trẻ uống sữa, có thể sử dụng dung dịch bù nước như oresol hoặc cho trẻ uống nước trái cây loãng, nước lọc. Đối với trẻ lớn hơn, có thể cho trẻ uống nước không có ga và cồn để bổ sung nước và điện giải.

Trẻ bị nôn có nên cho uống sữa? Ba mẹ cần làm gì trong trường hợp này? 3
Bù nước bằng đường uống sau khi trẻ bị nôn để tránh mất nước

Chế độ dinh dưỡng

Trẻ còn bú mẹ hoặc bú bình: Cho trẻ bú từng chút một trong nhiều lần để hạn chế nguy cơ nôn ói và theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ.

Trẻ lớn hơn: Không ép trẻ ăn ngay sau khi nôn. Khuyến khích trẻ uống nước và cung cấp các món ăn lỏng như cháo, súp. Hạn chế thức ăn nhiều chất béo và khó tiêu.

Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức?

Bố mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu trẻ có các dấu hiệu sau:

  • Co giật hoặc đau bụng nhiều.
  • Đi tiêu ra máu hoặc nôn ói kéo dài hơn 24 giờ.
  • Trẻ sơ sinh nôn ói nhiều, bú ít hoặc bỏ bú.
  • Trẻ li bì, lừ đừ, hoặc kích thích, quấy khóc bất thường.
  • Sốt ≥ 38,5 độ C trong 3 ngày hoặc sốt cao > 39 độ C.
  • Dịch ói có màu bất thường như đỏ, nâu hoặc màu vàng xanh (dịch mật).
  • Dấu hiệu mất nước từ vừa đến nặng như khô môi miệng, khóc không có nước mắt, mắt trũng, hoặc không đi tiểu trong 6 - 8 giờ đối với trẻ lớn hoặc tã không ướt trong 4 - 6 giờ đối với trẻ nhỏ.
Trẻ bị nôn có nên cho uống sữa? Ba mẹ cần làm gì trong trường hợp này? 4
Bố mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu có những dấu hiệu nguy hiểm kể trên

Tóm lại, trẻ bị nôn có nên cho uống sữa không cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên nguyên nhân gây nôn và tình trạng sức khỏe của trẻ. Bố mẹ nên theo dõi tình trạng của trẻ, cho trẻ uống sữa từng chút một nếu cần và luôn sẵn sàng tìm sự chăm sóc y tế khi cần thiết để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho trẻ.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin