Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Trẻ đi nhón chân bình thường hay không? Có cần can thiệp không?

Ngày 24/01/2023
Kích thước chữ

Trẻ đi nhón chân là hiện tượng bình thường đối với những trẻ đang trong giai đoạn tập đi. Tuy nhiên nếu sau 2 tuổi mà hiện tượng này vẫn tiếp diễn thì bố mẹ cần đặc biệt chú ý, bởi nhiều khả năng đây là dấu hiệu trẻ đang mắc phải một số bệnh lý nguy hiểm.

Thông thường, nếu trẻ dưới 2 tuổi có dấu hiệu đi nhón chân thì cha mẹ không cần quá lo lắng. Còn đối với những trẻ từ 2 tuổi trở lên, nếu hiện tượng này vẫn tiếp diễn thì cha mẹ nên đặc biệt chú ý. Vậy hiện tượng trẻ đi nhón chân ở trẻ trên 2 tuổi là do đâu? Làm thế nào để hạn chế hiện tượng này? Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

Trẻ đi nhón chân là bình thường hay không? Trẻ đi nhón chân có cần can thiệp không? 1 Trẻ đi nhón chân có bình thường hay không?

Trẻ đi nhón chân có bình thường không?

Bắp chân (cẳng chân) được hình thành bởi nhiều cơ, trong đó có 2 cơ cần quan tâm dưới đây:

  • Cơ bụng chân: Đây là cơ lớn ở vùng bắp chân, cơ này có 2 thành phần đó là bụng trong và bụng ngoài, có thể sờ được ngay dưới da.
  • Cơ dép: Cơ này phẳng hơn, kích thước nhỏ hơn, nằm ở dưới 2 phần cơ bụng chân.

Cả 2 cơ này kéo dài từ trên cẳng chân xuống dưới tận gót chân và góp phần hình thành nên gân gót có thể sờ được ngay dưới da, đính vào xương gót.

Trẻ đi nhón chân (hay còn gọi là trẻ đi nhón gót) là hiện tượng trẻ di chuyển bằng phần trước của gan bàn chân hoặc các đầu ngón chân, khi đó gót chân của bé không chạm đất. Khi đi nhón gót, não bộ điều khiển cơ cẳng chân co lại, kéo gân gót và xương gót lên trên. Tình trạng này hay bắt gặp ở những trẻ dưới 2 tuổi.

Tuy nhiên nếu trẻ trên 2 tuổi vẫn giữ thói quen này thì có thể do lúc này, các gân cơ ở cẳng chân của trẻ đã bắt đầu bị co rút và ngắn hơn bình thường, từ đó dẫn đến tình trạng trẻ đi nhón chân. Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám nếu xuất hiện các dấu hiệu dưới đây:

  • Căng cứng gân gót chân hoặc căng cơ bắp chân.
  • Hầu như mọi hoạt động đi lại của trẻ đều sử dụng bằng đầu ngón chân.
  • Đi đứng vụng về, lạch bạch, hay vấp ngã.
  • Đứng không vững khi đi chân trần.
Trẻ đi nhón chân là bình thường hay không? Trẻ đi nhón chân có cần can thiệp không? 2 Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám nếu thấy trẻ đi đứng vụng về và hay vấp ngã

Nguyên nhân của hiện tượng trẻ đi nhón chân

Trong các bệnh nhi, chứng trẻ đi nhón chân được xếp vào loại vô căn, nghĩa là chưa thực sự biết rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, hiện tượng này là dấu hiệu cho một số bệnh lý tiềm ẩn, điển hình như:

  • Gân gót chân ngắn: Như đã giải thích ở trên, nếu gân gót chân quá ngắn sẽ làm gót chân của trẻ khó chạm mặt đất khi đi đứng, dẫn đến việc trẻ đi nhón chân.
  • Bại não: Phổ biến nhất là bại não thể co cứng. Bệnh này làm cho não không thể đưa ra báo hiệu cho các vùng cơ ở chân thư giãn, khiến cơ cứng và gặp khó khăn trong việc cử động. Ở đa số trường hợp, trẻ sinh non có nguy cơ cao bị bại não hơn là trẻ sinh đủ tháng. Hơn nữa, nếu người mẹ hoặc thai nhi bị nhiễm trùng trong khoảng thời gian mang thai cũng làm tổn hại mô não dẫn đến bại não.
  • Loạn dưỡng cơ: Đây là rối loạn di truyền làm suy yếu các cơ bắp trên cơ thể. Trẻ bị loạn dưỡng cơ mất dần khả năng thực hiện các hoạt động đi lại hằng ngày. Cha mẹ có thể nhận biết bệnh này bằng cách quan sát.
  • Tự kỷ: Tự kỷ là một trong những rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em, khiến trẻ vừa chậm phát triển về quan hệ xã hội, ngôn ngữ, giao tiếp, học hành, vừa rối loạn hành vi cử động tay chân, mà điển hình nhất là hiện tượng trẻ đi nhón chân.
Trẻ đi nhón chân là bình thường hay không? Trẻ đi nhón chân có cần can thiệp không? 3 Trẻ đi nhón chân có thể là gợi ý chẩn đoán cho chứng bại não

Điều trị chứng đi nhón chân ở trẻ

Nếu tình trạng đi nhón chân là một thói quen mà trẻ hay sử dụng, đồng thời trẻ vẫn phát triển bình thường cả về mặt tâm thần lẫn thể chất thì cha mẹ không cần quá lo ngại. Trong trường hợp này, cha mẹ cần kết hợp với các bác sĩ nhằm theo dõi dáng đi của trẻ, từ đó đưa ra một số giải pháp để hạn chế hiện tượng trẻ đi nhón chân. Ngược lại, nếu trẻ đi nhón chân là do các vấn đề về sức khỏe gây ra, cần phải điều trị càng sớm các tốt. Dưới đây là phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện tượng trẻ đi nhón chân:

Chẩn đoán chứng đi nhón chân ở trẻ

Chứng đi nhón chân ở trẻ có thể chẩn đoán được khi kiểm tra sức khỏe thông thường. Trong một vài trường hợp, các bác sĩ có thể làm phân tích dáng đi chuyên sâu hoặc kiểm tra điện cơ đồ (EMG).

Với điện cơ đồ, một cây kim mỏng gắn điện cực được đưa vào cơ chân. Các điện cực sẽ đo hoạt động điện trong dây thần kinh hoặc cơ bị ảnh hưởng bởi chứng đi nhón chân.

Ngoài ra, nếu bác sĩ nghi ngờ một trong những tình trạng bệnh lý như bại não, tự kỷ gây ra chứng đi nhón chân ở trẻ, trẻ có thể được chỉ định khám thần kinh chuyên sâu hoặc làm các xét nghiệm, bài test tự kỷ để kiểm tra sự chậm phát triển.

Trẻ đi nhón chân là bình thường hay không? Trẻ đi nhón chân có cần can thiệp không? 4 Test tự kỷ có thể được sử dụng để xác định nguyên nhân trẻ đi nhón chân

Điều trị không phẫu thuật chứng đi nhón chân ở trẻ

Đối với trẻ 2 – 5 tuổi và có khả năng đi lại bình thường thì điều trị đầu tay cho trường hợp này là điều trị không phẫu thuật, bao gồm:

  • Bó bột: Bác sĩ nẹp bột cẳng bàn chân, sau đó thay đổi tư thế bột định kỳ nhằm kéo giãn gân cơ dần dần, loại bỏ thói quen đi nhón gót. Liệu pháp này được thực hiện trong vài tuần.
  • Sử dụng giày chỉnh hình: Sử dụng giày chỉnh hình cổ chân – bàn chân cũng có thể giúp kéo dài gân cơ một cách từ từ. Loại giày này ôm lấy chân, giữ cho bàn chân luôn ở tư thế 90 độ. Tuy nhiên phương pháp này cần nhiều thời gian hơn bó bột.
  • Liệu pháp botox: Ở một số bệnh nhi bị rối loạn thần kinh cơ khiến cơ co rút nhiều hơn bình thường, có thể sử dụng liệu pháp tiêm botox để làm yếu cơ vùng bắp chân, từ đó việc nắn bó bột trở nên dễ dàng hơn.

Điều trị phẫu thuật chứng đi nhón chân ở trẻ

Ở những trẻ lớn hơn 5 tuổi mắc phải chứng đi nhón chân, gân gót và cơ bắp chân lúc này đã rất chắc chắn hoặc bị co rút quá mức khiến cho việc đi lại bình thường gần như không thể. Trong trường hợp này, các bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật kéo dài gân gót, giúp cổ chân có biên độ vận động tốt hơn, từ đó cải thiện chức năng.

Sau phẫu thuật kéo dài gân, bệnh nhi có thể được bó bột hoặc mang nẹp chỉnh hình trong vòng 4 – 6 tuần đầu, kết hợp với tập vật lý trị liệu để phục hồi.

Như vậy, bài viết trên đã giúp bạn tìm hiểu về chứng trẻ đi nhón chân, đồng thời đưa ra một số gợi ý điều trị để cải thiện và loại bỏ tình trạng này. Chúc bạn đọc nhiều sức khỏe và hãy tiếp tục theo dõi những bài viết sắp tới trên trang web của Nhà Thuốc Long Châu nhé!

Ánh Vũ

Nguồn: Vinmec, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin