Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Trẻ nhút nhát thiếu tự tin, cha mẹ cần làm gì để giúp con tự tin hơn?

Ngày 12/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trẻ nhút nhát thiếu tự tin có thể gặp nhiều khó khăn trong học tập, công việc, và cuộc sống trong tương lai. Vì vậy, cha mẹ cần sớm phát hiện tính cách này và áp dụng những cách giúp trẻ bạo dạn, tự tin thể hiện bản thân hơn nữa.

Nhút nhát là gì? Đây là trạng thái trẻ luôn muốn giữ khoảng cách, tránh tương tác với người khác, không dám thể hiện khả năng và quan điểm cá nhân, sợ đám đông. Thiếu tự tin là đánh giá thấp khả năng và giá trị của bản thân. Trẻ nhút nhát thiếu tự tin sẽ gặp nhiều hạn chế và đánh mất nhiều cơ hội trong cuộc sống sau này. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần sớm hỗ trợ con định hình lại tính cách, phát triển sự bạo dạn, tự tin ở trẻ.

Trẻ nhút nhát thiếu tự tin nguyên nhân do đâu?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tính cách nhút nhát, thiếu tự tin ở trẻ. Trong đó có cả những nguyên nhân đến từ bản thân trẻ, nguyên nhân từ gia đình và các nguyên nhân khác. Cụ thể là:

Nguyên nhân từ phía gia đình

Có thể kể đến những nguyên nhân từ phía gia đình dẫn đến sự nhút nhát, thiếu tự tin vào bản thân trẻ như:

  • Gia đình bao bọc trẻ quá mức, ít cho con va chạm, tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
  • Không khí gia đình căng thẳng, cha mẹ thường xuyên cãi vã khiến trẻ không vui vẻ, hạnh phúc dần hình thành sự nhút nhát, thiếu tự tin, khó hòa nhập.
  • Nếu cha mẹ hoặc người tiếp xúc nhiều với trẻ có tính cách nhút nhát, thiếu tự tin, trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng tính cách này.
  • Nếu cha mẹ nhút nhát, thiếu tự tin, con cũng có thể bị di truyền tính cách này bẩm sinh.
  • Cha mẹ thường xuyên đánh giá thấp trẻ, hay so sánh con mình với những đứa trẻ khác, không công nhận năng lực và giá trị của trẻ cũng có thể khiến trẻ không tự tin vào bản thân.
Trẻ nhút nhát thiếu tự tin, cha mẹ cần làm gì để giúp con tự tin hơn 1
Gia đình ảnh hưởng nhiều đến sự hình thành tính cách trẻ

Các nguyên nhân khác khiến trẻ nhút nhát thiếu tự tin

Ngoài những nguyên nhân trên, trẻ nhút nhát thiếu tự tin còn có thể do các nguyên nhân như:

  • Mặc cảm bản thân có ngoại hình không hoàn hảo, thành tích học tập không cao, không có tài năng đặc biệt.
  • Trẻ sống trong môi trường ít có sự tương tác xã hội, không có cơ hội tiếp xúc, giao tiếp với mọi người xung quanh nên lâu dần hình thành lối sống thu mình.
  • Nếu trẻ đắm chìm trong thế giới ảo của điện thoại, máy tính, game, tivi… trẻ cũng mất kết nối với xã hội bên ngoài. Lâu dần sẽ hình thành sự nhút nhát thiếu tự tin.
  • Những lời nói tiêu cực, mỉa mai, chê bai hay body shaming sẽ ám ảnh và khiến trẻ không dám thể hiện bản thân, không muốn hòa đồng với mọi người.
  • Những trẻ từng bị bạo lực học đường cũng có xu hướng trở thành những trẻ nhút nhát, thiếu tự tin.

Trẻ nhút nhát thiếu tự tin thường có biểu hiện nào?

Trẻ nhút nhát thiếu tự tin thường có các biểu hiện như sau:

  • Trẻ thích ở nhà với những người thân quen, không thích đến những nơi đông người, ngại ngùng khi gặp gỡ người lạ.
  • Không muốn trải nghiệm và tìm cách từ chối thử những điều mới lạ vì sợ thất bại, sợ bị cười chê, không tin vào năng lực bản thân.
  • Khó làm quen và kết bạn, tỏ ra lúng túng khi phải ở giữa nhiều người.
  • Thường im lặng khi được hỏi ý kiến, không thể hiện quan điểm cá nhân trước đám đông.
  • Tính cách trầm lắng, ít nói chuyện hơn bạn bè xung quanh.
  • Trẻ có thể tự so sánh bản thân với những người bạn khác nhưng lại có xu hướng hạ thấp bản thân.
  • Chúng dễ tỏ ra thất vọng, chán nản, buồn bã…
  • Trong học tập, trẻ không dám đặt câu hỏi nên dễ bị điểm kém vì chưa hiểu bài nhưng không dám hỏi.
Trẻ nhút nhát thiếu tự tin, cha mẹ cần làm gì để giúp con tự tin hơn 2
Cha mẹ cần tìm ra nguyên nhân chính xác mới có thể giúp con bạo dạn, tự tin hơn

Trẻ nhút nhát thiếu tự tin ảnh hưởng đến cuộc sống thế nào?

Trẻ nhút nhát thiếu tự tin sẽ gặp nhiều hạn chế trong quá trình phát triển bản thân. Cụ thể là:

  • Trẻ thường thích ở trong vùng an toàn nên ít có trải nghiệm, không dám thử những điều mới lạ, ít có cơ hội học hỏi, khám phá và không phát huy được hết năng lực của bản thân.
  • Vì ngại giao tiếp, không dám yêu cầu sự giúp đỡ nên trẻ dễ gặp vấn đề ở trường học hay ngoài cuộc sống.
  • Trẻ nhút nhát thường kém kỹ năng giao tiếp và các kỹ năng mềm khác nên sống thu mình, ít bạn bè, khó kết bạn thậm chí khó duy trì mối quan hệ lâu dài.
  • Trẻ khó thể hiện cảm xúc cá nhân, cảm giác bị bỏ rơi, cô đơn.
  • Trẻ nhút nhát cũng dễ bị tấn công, bắt nạt nhưng thiếu kỹ năng tự bảo vệ bản thân.
  • Một số trẻ mắc hội chứng sợ người lạ, sợ tiếp xúc với những người xa lạ.
Trẻ nhút nhát thiếu tự tin, cha mẹ cần làm gì để giúp con tự tin hơn 3
Cha mẹ cần giúp trẻ tự tin và hòa đồng hơn trong cuộc sống

Cha mẹ nên làm gì khi trẻ nhút nhát thiếu tự tin?

Với trẻ nhút nhát thiếu tự tin, cha mẹ cần lưu ý:

  • Cố gắng khen ngợi trẻ thường xuyên để tăng sự tự tin của trẻ vào chính bản thân mình.
  • Không nên đặt áp lực, nhất là áp lực thành tích lên trẻ. Càng áp lực trẻ càng hoảng sợ. Nhưng khi tâm lý thoải mái, trẻ sẽ cố gắng hết sức để thể hiện bản thân.
  • Trong cách nói chuyện với những trẻ thiếu tự tin và nhút nhát, những người xung quanh phải cực lưu ý cách dùng từ. Việc chê bai, so sánh là điều tối kỵ.
  • Trẻ nhút nhát thường sợ các tình huống phát sinh. Để trẻ có thể tự bảo vệ mình trong các môi trường ngoài gia đình, cha mẹ có thể “diễn tập” trước cho trẻ một số tình huống có thể xảy ra như: Bạo lực học đường, bị bắt cóc, đi lạc…
  • Cha mẹ nên trao đổi với giáo viên và nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của giáo viên khi con ở trường.
  • Cho con tham gia vào các khóa kỹ năng mềm để phát triển kỹ năng giao tiếp tự tin ở trẻ và các kỹ năng khác cũng là việc hữu ích.
Trẻ nhút nhát thiếu tự tin, cha mẹ cần làm gì để giúp con tự tin hơn 4
Cha mẹ can thiệp sớm và hỗ trợ đúng cách sẽ giúp trẻ bạo dạn, tự tin hơn

Các dấu hiệu của trẻ nhút nhát thiếu tự tin khá rõ ràng. Vì vậy, cha mẹ cần phát hiện sớm và hỗ trợ con kịp thời. Việc hình thành nên kỹ năng sống cho trẻ từ sớm sẽ quyết định sự thành công và bản lĩnh của trẻ trong tương lai. Các bậc cha mẹ hãy kiên trì và áp dụng những cách khác nhau để giúp con thoát khỏi cái bóng của sự nhút nhát nhé!

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm