Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Trẻ nuốt dị vật phải xử trí như thế nào?

Ngày 02/06/2024
Kích thước chữ

Trong quá trình chăm sóc trẻ, thường gặp những tình huống bất ngờ không thể dự đoán trước, đặc biệt là với trẻ nhỏ khoảng từ 6 tháng đến 5 tuổi do tính tò mò và năng động khiến trẻ dễ nuốt phải dị vật. Phụ huynh cần chú ý đến quá trình sinh hoạt hàng ngày của trẻ để phát hiện các dấu hiệu khi trẻ nuốt dị vật nhằm xử trí kịp thời, tránh những hậu quả nghiêm trọng.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về rủi ro khi trẻ nuốt dị vật và những dấu hiệu nhận biết cũng như cách xử trí khi trẻ nuốt dị vật dẫn đến dị vật đường thở. Đồng thời, đưa ra lời khuyên hữu ích giúp cho các bậc phụ huynh phòng ngừa tình trạng trẻ nuốt dị vật trong quá trình chăm sóc trẻ. Nếu quan tâm, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết “trẻ nuốt dị vật” ngay bạn nhé!

Tìm hiểu về tình trạng trẻ nuốt dị vật

Dị vật bao gồm những gì?

Dị vật là những vật mà trẻ nhỏ có thể nuốt phải trong quá trình vui chơi, ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, như đồng xu, pin, nam châm, các đồ chơi và vật dụng nhỏ (kim băng, kẹp tóc), xương cá, xương gà, thức ăn cứng, các loại hạt,…

Dị vật thường là sự cố không lường trước được khi trẻ vô tình nuốt phải. Tuy nhiên, đôi khi trẻ có thể chủ động nuốt các dị vật nguy hiểm, đặc biệt là trẻ mắc các vấn đề tâm thần kinh như thiểu năng trí tuệ. Phụ huynh cần luôn cảnh giác và đề phòng để tránh tình huống nguy hiểm cho trẻ.

tre-nuot-di-vat-phai-xu-tri-nhu-the-nao-nhung-dieu-can-biet 1
Trẻ nhỏ thường có nguy cơ nuốt dị vật trong quá trình vui chơi

Biểu hiện khi trẻ nuốt dị vật

Biểu hiện của trẻ bị nuốt phải dị vật có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí mà dị vật bị kẹt lại đường tiêu hóa. Khoảng 75% trẻ bị nuốt phải dị vật biểu hiện triệu chứng tắc nghẽn tại cơ thắt thực quản.

Dị vật ở vùng hầu họng

Khoảng 60% dị vật nuốt phải bị kẹt tại vùng hầu họng khiến trẻ cảm thấy không thoải mái từ nhẹ đến nặng, đôi khi trẻ có thể cảm nhận được vị trí chính xác của dị vật bị kẹt. Một số trẻ có triệu chứng như chảy nước miếng hoặc cảm giác bị hạn chế khi nuốt. Dị vật lớn kẹt ở ngã ba hầu họng có thể gây nghẹt đường thở, trong khi dị vật nhỏ hơn có thể đi vào thanh quản, gây khó thở và đe dọa tính mạng.

Nếu trẻ bị nuốt phải dị vật ở vùng hầu họng mà không được phát hiện sớm và dị vật vẫn còn trong đường tiêu hóa trong một khoảng thời gian, có thể dẫn đến nhiễm trùng, thậm chí là thủng loét.

Dị vật ở thực quản

Triệu chứng của dị vật kẹt ở thực quản thường ít rõ ràng ở trẻ. Trẻ có thể trải qua tình trạng ăn kém, tăng cân chậm, viêm phổi lặp đi lặp lại, nếu dị vật không được phát hiện và xử lý kịp thời. Trong những trường hợp dị vật kẹt hoàn toàn ở thực quản, trẻ thường tiết nước bọt nhiều hơn và khó nhận biết được vị trí cụ thể của dị vật trong đường tiêu hóa.

Dị vật ở dưới thực quản

Triệu chứng của trẻ khi bị nuốt phải dị vật ở dưới thực quản có thể khác nhau tùy thuộc vào tốc độ di chuyển của dị vật sau khi đi qua thực quản. Điều này có thể bao gồm cảm giác không thoải mái, đau bụng, sốt, nôn mửa, đi cầu phân đen hoặc có máu. Đặc biệt, dị vật ở dưới thực quản có thể gây ra các triệu chứng của tắc ruột, thủng ruột hoặc xuất huyết tiêu hóa ở trẻ.

tre-nuot-di-vat-phai-xu-tri-nhu-the-nao-nhung-dieu-can-biet 2
Dị vật thường gây tắc nghẽn tại cơ thắt thực quản

Cách xử trí khi trẻ nuốt dị vật

Trẻ nuốt dị vật có thể gây ra biến chứng nguy hiểm nào?

Phần lớn dị vật có thể dễ dàng qua họng và xuống thực quản, dạ dày nhờ phản xạ nuốt tức thì của trẻ. Sau đó, dưới tác động của nhu động ruột, dị vật sẽ di chuyển theo ống tiêu hóa và được đào thải qua phân sau vài ngày đến vài tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ có thể gặp phải biến chứng nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng:

  • Dị vật tiêu hóa ở ngã ba hầu họng có thể gây bít tắc đường thở, dẫn đến khó thở và suy hô hấp khi rơi vào thanh - khí - phế quản. Đây là biến chứng cực kỳ nguy hiểm có thể xuất hiện ngay sau khi trẻ nuốt phải dị vật, và chỉ một sự chậm trễ nhỏ có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
  • Nếu trẻ nuốt phải dị vật sắc nhọn, có thể làm tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa như xước, rách, nhiễm trùng. Biến chứng nguy hiểm nhất là dị vật thực quản đâm vào động mạch chủ, có thể dẫn đến tử vong tức thì hoặc tổn thương các cơ quan lân cận tùy theo vị trí tắc nghẽn như nhiễm trùng mô mềm vùng hầu họng, áp-xe, hoại tử thực quản, viêm trung thất, tràn khí màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, dò thực quản - khí quản, thủng dạ dày, nhiễm trùng huyết.
  • Tắc ruột: Dị vật tiêu hóa có thể gây tắc nghẽn tại một vị trí nào đó trong ống tiêu hóa của trẻ, gây các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, bí trung tiện, bí đại tiện và chướng bụng.
  • Ngộ độc: Một số dị vật tiêu hóa có thể gây ngộ độc, nguy hại cho sức khỏe của trẻ như pin, đồ chơi có chứa thủy ngân.
tre-nuot-di-vat-phai-xu-tri-nhu-the-nao-nhung-dieu-can-biet 3
Dị vật nếu không được lấy ra kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ

Trẻ nuốt phải dị vật phải xử trí như thế nào?

Bố mẹ cần giữ bình tĩnh và sau đó tìm cách xử lý khi trẻ nuốt dị vật. Nếu chẳng may bé nhà bạn vô tình nuốt phải dị vật, hãy thực hiện các bước sau:

  • Khuyến khích trẻ cố gắng ho và khạc mạnh để đẩy dị vật trong cuống họng ra ngoài. Lưu ý, cần có người bên cạnh bé để quan sát để nếu dị vật không ra được phải sử dụng cách khác.
  • Trường hợp trẻ ho không có tác dụng: Để trẻ úp mặt vào lòng bạn hoặc nghiêng người trẻ về phía trước, vỗ nhẹ từ phía sau lưng.
  • Đẩy bụng: Bạn cần xoay lưng bé lại với bạn, vòng tay qua ngực trẻ, nắm chặt tay, đặt ở vị trí giữa rốn và xương sườn. Dùng lực kéo mạnh vào bụng và vuốt lên trên. Lưu ý không dùng lực quá mạnh để tránh gây tổn thương cho bé.

Những biện pháp vật lý này thường tạo ra cơn ho nhân tạo, giúp tống dị vật ra ngoài. Tuy nhiên, các biện pháp này không phải lúc nào cũng hiệu quả. Đặc biệt, nếu dị vật mà trẻ nuốt phải sắc nhọn và dễ gây tổn thương, tốt nhất bạn nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời.

Những điều cần lưu ý khi trẻ nuốt dị vật

Một số hành động của phụ huynh đôi khi vô tình khiến tình trạng của bé trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, cần lưu ý:

  • Nếu trẻ bị ngạt thở do nuốt phải dị vật, bố mẹ tuyệt đối không dùng ngón tay chọc vào miệng bé để móc dị vật ra. Cách này có thể khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn, làm dị vật mắc sâu hơn hoặc gây tổn thương cho bé.
  • Không cho trẻ nuốt hoặc ăn uống bất cứ thứ gì để cố đẩy dị vật xuống dưới. Hành động này có thể làm tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng hơn.
  • Bố mẹ cần phải luôn ở bên cạnh bé, quan sát các biểu hiện của con nhằm xử trí kịp thời.
  • Nếu đã sử dụng nhiều biện pháp nhưng không thể đẩy dị vật ra ngoài, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời, tránh để tình trạng kéo dài gây nguy hiểm cho bé.
  • Ngay cả khi dị vật đã ra ngoài, bạn vẫn không nên chủ quan. Hãy đưa trẻ đi kiểm tra để chắc chắn rằng không có tổn thương nào hoặc còn dị vật nào khác trong cơ thể bé.
tre-nuot-di-vat-phai-xu-tri-nhu-the-nao-nhung-dieu-can-biet 4
Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra và lấy dị vật ra ngoài

Phòng ngừa trẻ nuốt dị vật như thế nào?

Mặc dù không thể tránh hoàn toàn tình trạng trẻ vô tình nuốt phải dị vật, nhưng các bậc phụ huynh vẫn có thể hạn chế nguy cơ này ở mức thấp nhất trong quá trình chăm sóc con nhỏ, người nhà nên chú ý:

  • Đặt các đồ vật dễ nuốt xa tầm với của bé.
  • Cẩn thận khi cho trẻ ăn trái cây có hạt lớn
  • Tập cho bé thói quen ăn chậm, nhai kỹ, không đùa giỡn trong khi ăn.
  • Luôn quan sát mỗi khi trẻ chơi hoặc ăn uống để kịp thời xử lý nếu có sự cố.

Hy vọng rằng bạn đã có thông tin hữu ích về những biểu hiện cũng như cách xử trí khi trẻ nuốt dị vật. Trẻ nuốt phải dị vật sẽ rất nguy hiểm nếu không có người lớn bên cạnh. Do đó, khi chăm sóc cần phải để mắt đến trẻ để nếu trẻ nuốt nhầm dị vật có thể xử trí kịp thời, đồng thời nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra lấy dị vật ra ngoài.

Xem thêm: Nuốt phải hạt đậu phộng phải làm sao?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin