Nhiều bố mẹ rất lo lắng khi trẻ sơ sinh bị run chân vì sợ bé bị động kinh, co giật. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm, chủ yếu vẫn là vận động sinh lý bình thường của trẻ nhỏ để làm quen với môi trường. Hãy cùng tìm hiểu về tình trạng này trong bài viết dưới đây để bảo vệ sức khỏe bé con một cách tốt nhất nhé!
Trẻ sơ sinh run chân do sinh lý
Trẻ sơ sinh thường chưa quen với môi trường sống mới nên hay run tay chân kể cả lúc ngủ và thức. Các bác sĩ cho rằng đây là hiện tượng bình thường bởi khi còn trong bụng mẹ, bé được bao bọc bởi khối nước ối ấm áp, ít chịu ảnh hưởng bởi các tác động bên ngoài và đem lại cho bé cảm giác rất an toàn. Khi bé chào đời, môi trường môi ngoài hoàn toàn xa lạ, nhiều âm thanh, ánh sáng nên khiến trẻ cảm thấy sợ hãi, thiếu an toàn. Vì vậy, việc run tay chân hay giật mình cũng là tình trạng bình thường.
Mẹ nên đặt gối ở xung quanh bé, chèn thêm gối vào tay chân để bao bọc trẻ, giúp trẻ cảm thấy được bảo vệ, che chở. Ngoài ra, nếu muốn xác định trẻ sơ sinh bị run chân là hiện tượng sinh lý hay là dấu hiệu bệnh lý thì bố mẹ có thể giữ lại chân bé mỗi khi bé run. Nếu bé ngưng cơn run khi mẹ nắm chân thì đó là dấu hiệu sinh lý bình thường, trẻ không gặp vấn đề gì về sức khỏe, phụ huynh không cần lo lắng. Tình trạng này thường sẽ chấm dứt sau khi bé được 6 tháng tuổi.
Trẻ sơ sinh run chân là hiện tượng sinh lý bình thường
Trẻ sơ sinh bị run chân do bệnh lý
Mặc dù hiếm gặp nhưng tình trạng run chân ở trẻ sơ sinh cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý. Bố mẹ cần chú ý tới các yếu tố khác như màu da, cường độ run, thời gian run, khi bé run chân có kèm co giật hay không, giữ chân có còn run hay không… để xác định đó là hiện tượng sinh lý hay dấu hiệu bệnh lý.
Dưới đây là một số vấn đề sức khỏe có thể khiến trẻ sơ sinh bị run chân.
Hạ canxi máu
Một trong những tình trạng sức khỏe khiến trẻ bị run chân tay chính là do nồng độ canxi trong máu của trẻ bị hạ thấp, mặc dù vấn đề này hiếm gặp nhưng không phải không xuất hiện. Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi bị hạ canxi máu thường xuất phát từ nguyên nhân người mẹ bị đái tháo đường, trẻ sinh non nhẹ cân, trẻ được nuôi bằng sữa ngoài thiếu photphat, trẻ suy tuyến cận giáp,...
Khi hạ canxi máu, trẻ sơ sinh thường bị run tay chân, gồng mình đi kèm với hiện tượng khóc đêm, ọc sữa, bé chậm lên cân. Thiếu hụt canxi sẽ làm giảm khả năng vận động của trẻ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển về sau của trẻ nên bố mẹ cần phải có biện pháp bổ sung canxi cho bé.
Thiếu hụt canxi làm bé bị run chân và hạn chế khả năng vận động của bé
Tiểu đường bẩm sinh
Một số trẻ sơ sinh bị tiểu đường bẩm sinh cũng thường xảy ra tình trạng run chân tay. Nguyên nhân của hiện tượng này phần lớn bắt nguồn từ người mẹ đã mắc tiểu đường trong thời gian mang thai bé. Vì thế đứa trẻ sinh ra cũng có nguy cơ mắc tiểu đường bẩm sinh. Lượng đường trong máu tăng cao có thể làm bé bị run tay chân, nhịp tim nhanh, nhịp thở nhanh, trẻ hay bị vàng da hoặc xuất hiện các vết lốm đốm.
Mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ khiến trẻ sinh ra bị run chân
Bệnh động kinh
Khi trẻ sơ sinh bị run chân tay, bố mẹ cũng nên quan tâm đến nguy cơ động kinh ở trẻ. Biểu hiện cơ bản nhất của tình trạng này chính là bé vẫn run chân theo nhịp kể cả khi mẹ đã giữ chân bé lại. Bên cạnh đó, có một số dấu hiệu khác giúp phụ huynh nhận biết bệnh động kinh ở trẻ:
-
Những cơn co giật lành tính vào giai đoạn bé 4-8 tháng tuổi.
-
Da tím tái, co giật toàn thân, mắt trợn mở to, chảy nước bọt.
Mẹ bầu dùng chất kích thích
Trong thời gian mang thai hoặc cho con bú nếu người mẹ sử dụng các chất kích thích (methamphetamine, cocaine,...) có trong các thức uống gây nghiện như cà phê, rượu bia, trà và thuốc lá… thì đứa trẻ sinh ra sẽ có khả năng bị run tay chân. Não bộ của bé sẽ phản ứng với các chất kích thích, hình thành phản xạ run chân tay.
Ngoài những nguyên nhân trên, trẻ sơ sinh bị run chân cũng có thể do trẻ bị suy dinh dưỡng, dị tật não, mắc các vấn đề về tim mạch và thính giác.
Trẻ sơ sinh bị run chân phải làm sao?
Theo các chuyên gia, nếu tình trạng run chân ở trẻ sơ sinh xuất phát từ nguyên nhân sinh lý thì bố mẹ không cần lo lắng, trẻ sẽ tự hết sau khi bé được 6 tháng tuổi. Nhưng để các cơn run chân không ảnh hưởng đến giấc ngủ hay sinh hoạt hằng ngày của con, bố mẹ có thể đặt gối xung quanh trẻ, ôm con vào lòng, cho bú và vỗ về bé để bé cảm thấy được che chở, an toàn hơn.
Nếu run chân tay là dấu hiệu của các bệnh lý, nó sẽ đi kèm những tình trạng bất thường về nhịp tim, màu sắc da, thời gian run, mức độ run của trẻ. Nếu bố mẹ đã giữ chân khi bé bắt đầu run mà cơn run vẫn không ngừng lại thì hãy đưa bé đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Giữ chân bé để ngừng các cơn run chân do sinh lý
Trẻ sơ sinh bị run chân không phải là tình trạng hiếm gặp ở trẻ, phần lớn đây là phản ứng sinh lý bình thường ở trẻ nhỏ. Bố mẹ không cần quá lo lắng nếu bé gặp phải hiện tượng này nhưng cũng không được chủ quan, đặc biệt là khi trẻ sơ sinh run chân kèm theo các tình trạng sức khỏe sức khỏe bất thường khác. Hãy theo dõi trẻ thật cẩn thận để kịp thời phát hiện và điều trị cho bé nhé!
Hoàng Trang
Nguồn tổng hợp