Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Trẻ sơ sinh bị sôi bụng xì hơi nhiều có sao không? Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 20/06/2023
Kích thước chữ

Sơ sinh là một giai đoạn vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Do đó không ít ông bố bà mẹ lo lắng khi nghe thấy tiếng “ọc ọc” phát ra từ bụng của con kèm hiện tượng xì hơi nhiều trong giai đoạn này. Nhất là đối với những cặp vợ chồng lần đầu làm ba mẹ thì vấn đề trẻ sơ sinh bị sôi bụng xì hơi nhiều càng được quan tâm.

Bài viết dưới đây sẽ giúp các bậc phụ huynh giải đáp được câu hỏi trẻ sơ sinh bị sôi bụng xì hơi nhiều có sao không, cũng như đem đến cái nhìn tổng quan hơn về hiện tượng này ở trẻ. Cùng tham khảo nhé.

Trẻ sơ sinh bị sôi bụng xì hơi nhiều có sao không?

Tiếng “ọc ọc” hay tiếng sôi bụng phát ra từ bụng của trẻ chính là âm thanh của nhu động ruột. Khi nhu động ruột tăng thì tiếng sôi bụng cũng sẽ lớn hơn và xuất hiện nhiều hơn, đồng thời kèm với xì hơi để đẩy lượng khí trong ruột ra ngoài. Đối với một em bé sơ sinh, nếu không có các triệu chứng bất thường như nôn trớ, ọc sữa, quấy khóc nhiều, sốt, đi phân lỏng đồng thời bé vẫn tăng cân tốt thì hiện tượng trẻ sơ sinh bị sôi bụng kèm xì hơi nhiều hoàn toàn là sinh lý bình thường.

Trẻ sơ sinh bị sôi bụng xì hơi nhiều có sao không? Nguyên nhân và cách điều trị 1
Hiện tượng trẻ sơ sinh bị sôi bụng xì hơi nhiều có thể là sinh lý bình thường của trẻ

Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiện tượng sôi bụng nhiều lại là dấu hiệu cảnh báo cho một bệnh lý ở trẻ. Một số dấu hiệu giúp nhận biết trẻ sơ sinh bị sôi bụng xì hơi nhiều là do bệnh lý:

  • Trẻ thường xuyên bị sôi bụng kèm nôn trớ, ọc sữa.
  • Trẻ tiêu phân lỏng kèm với sốt hoặc không.
  • Trẻ quấy khóc nhiều, bỏ bú hoặc lừ đừ.

Nguyên nhân gây sôi bụng xì hơi nhiều ở trẻ sơ sinh

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trẻ sơ sinh bị sôi bụng xì hơi nhiều. Nó có thể liên quan đến thói quen ăn uống của mẹ, cách mẹ cho bé bú hoặc nghiêm trọng hơn là các tình trạng nhiễm khuẩn hệ tiêu hóa ở bé.

Thói quen ăn uống của mẹ không tốt

Sữa mẹ đã được chứng minh là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Và để nguồn sữa ấy đạt được chất lượng cao nhất khi đến với trẻ thì mẹ cần có một chế độ ăn hợp lý. Ngược lại, một chế độ ăn của mẹ với quá nhiều đồ ăn dầu mỡ, cay nóng, đồ tái sống… có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ và là nguyên nhân của hiện tượng sôi bụng thậm chí là tiêu phân lỏng ở trẻ.

Trẻ sơ sinh bị sôi bụng xì hơi nhiều có sao không? Nguyên nhân và cách điều trị 2
Thói quen ăn uống không đúng của mẹ có thể dẫn đến hiện tượng sôi bụng ở trẻ sơ sinh

Cách cho trẻ bú không đúng

Cho trẻ bú không đúng cách như tư thế bú chưa phù hợp, cách ngậm bắt núm vú sai, trẻ bú bình bị chọn sai kích thước núm vú so với miệng trẻ. Việc cho bú không đúng cách có thể dẫn đến trẻ vừa nhận lượng sữa không đủ, nuốt nhiều không khí vào dạ dày. Từ đó sẽ khiến trẻ “no hơi”, trẻ sẽ ngủ không ngon, tăng cân chậm do không được bú no sữa đồng thời đây cũng là nguyên nhân thường gặp dẫn đến sôi bụng ở trẻ.

Trẻ không hấp thu được đường lactose trong sữa

Lactose là một loại đường có mặt trong hầu hết các loại sữa kể cả sữa mẹ và sữa công thức. Lactose khi đến ruột non sẽ được enzyme lactase phân giải thành 2 loại đường đơn là glucose và galactose để hấp thu vào máu. Không hấp thu hay không dung nạp lactose là trường hợp ruột non của trẻ không sản xuất đủ enzyme lactase để tiêu hóa lactose. Lactose không được tiêu hóa sẽ di chuyển xuống ruột già, tại đây chúng sẽ tương tác với vi khuẩn và gây nên các triệu chứng như sôi bụng, tiêu chảy, chướng bụng

Nhiễm khuẩn hệ tiêu hóa và tác dụng phụ của thuốc kháng sinh

Ngoài những nguyên nhân kể trên thì nhiễm khuẩn hệ tiêu hóa và tác dụng phụ của thuốc kháng sinh là hai nguyên nhân mà bố mẹ nên lưu ý khi trẻ bị sôi bụng:

  • Nhiễm khuẩn hệ tiêu hóa: Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh rất yếu. Vì vậy, một số hành vi không cẩn thận của bố mẹ như vệ sinh tay không kỹ trước khi cho bé bú, không vệ sinh bình sữa, ti giả đúng cách sẽ tạo điều kiện cho những dòng vi khuẩn đường ruột như E.Coli, Shigella, Salmonella phát triển mạnh mẽ, dẫn đến nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Trẻ sẽ có các triệu chứng như sôi bụng, tiêu chảy, sốt…
  • Sử dụng kháng sinh: Kháng sinh có tác dụng diệt vi khuẩn. Vì vậy, một số kháng sinh đường uống sẽ diệt các chủng lợi khuẩn trong đường tiêu hóa, làm rối loạn hệ khuẩn ở ruột dẫn đến trẻ có thể sẽ bị tiêu chảy.

Cần làm gì khi trẻ sơ sinh bị sôi bụng xì hơi nhiều?

Đối với trường hợp trẻ sơ sinh bị sôi bụng xì hơi nhiều nhưng không xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như đi tiêu phân lỏng, bỏ bú, quấy khóc, sốt thì bố mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau:

  • Chú ý đến chế độ ăn uống của mẹ: Thức ăn của mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của sữa. Mẹ nên chọn những thực phẩm tươi, sạch, có nguồn gốc rõ ràng, chế biến kĩ, không ăn quá nhiều dầu mỡ, không ăn những thực phẩm tái sống. Uống nước có nguồn gốc rõ ràng, uống đủ nước từ 2,5 - 3 lít nước mỗi ngày. Hạn chế một số thức ăn như đậu nành, cam, bưởi, súp lơ, cà chua… Mẹ cần có một chế độ nghỉ ngơi và ăn uống đều độ để tạo đủ số lượng sữa và tối ưu chất lượng sữa cho con.
  • Tập luyện kỹ năng cho trẻ bú đúng cách: Cho trẻ bú là một kĩ năng vô cùng quan trọng mẹ cần phải làm tốt trong những ngày tháng đầu đời của trẻ. Đối với trẻ bú mẹ, mẹ cần cho trẻ ngậm hoàn toàn phần núm và quầng vú, đây chính là cách chính xác nhất giúp trẻ nhận được nhiều lượng sữa đồng thời tránh được hiện tượng bé nuốt không khí vào dạ dày. Đối với trẻ bú bình, mẹ cần lựa chọn phần núm vú của bình sữa vừa với miệng của trẻ. Sau khi bé bú xong, mẹ nên bồng bé lên, gác cằm của bé lên vai mẹ, vỗ lưng nhẹ nhàng để bé ợ hơi ra ngoài.
Trẻ sơ sinh bị sôi bụng xì hơi nhiều có sao không? Nguyên nhân và cách điều trị 3
Cho trẻ bú đúng cách sẽ phòng ngừa được tình trạng trẻ sơ sinh bị sôi bụng xì hơi nhiều

Đối với trường hợp trẻ sơ sinh bị sôi bụng xì hơi nhiều kèm các dấu hiệu như tiêu chảy phân lỏng, bỏ bú, quấy khóc, sốt thì bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Các biện pháp phòng ngừa tình trạng trẻ sơ sinh bị sôi bụng xì hơi nhiều

Một số biện pháp phòng ngừa tình trạng sôi bụng ở trẻ mà bố mẹ có thể thực hiện để bé có một giai đoạn sơ sinh an toàn:

  • Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong giai đoạn sơ sinh. Trong trường hợp cần phải sử dụng sữa công thức, nên dùng loại sữa có hàm lượng lactose thấp để giúp bé tiêu hóa dễ dàng hơn.
  • Mẹ cần có chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý trong giai đoạn cho con bú để đảm bảo nguồn sữa chất lượng cho bé.
  • Tập luyện kỹ năng cho trẻ bú đúng cách.
  • Nếu bé bú sữa công thức, khi pha nên khuấy nhẹ tay để tránh bọt khí. Nên để bình sữa đứng thẳng trong 5 - 10 phút để bọt khí được phân hủy trước khi cho trẻ bú.
  • Trước khi cho bé bú, phải vệ sinh tay sạch sẽ, vệ sinh bình sữa, núm vú giả đúng cách để ngăn ngừa tình trạng nhiễm khuẩn đường tiêu hóa ở trẻ.
Trẻ sơ sinh bị sôi bụng xì hơi nhiều có sao không? Nguyên nhân và cách điều trị 4
Nên đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa nếu có sôi bụng kèm tiêu lỏng, sốt hay bỏ bú

Tình trạng trẻ sơ sinh bị sôi bụng xì hơi nhiều không hiếm gặp. Tuy nhiên, bố mẹ cần hết sức lưu ý khi trẻ có xuất hiện tình trạng này. Theo dõi trẻ để có những hướng xử trí phù hợp.

Trên đây là những lưu ý về vấn đề trẻ sơ sinh bị sôi bụng xì hơi nhiều đồng thời cung cấp cho bố mẹ một số kiến thức về giai đoạn sơ sinh của trẻ. Hy vọng mẹ và bé nhà bạn sẽ có một giai đoạn sơ sinh thuận lợi và an toàn. Cảm ơn bạn đã dành thời gian tham khảo bài viết và hẹn gặp lại ở những bài viết khác nhé.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Sôi bụng