Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tụ máu não: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh

Ngày 27/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tụ máu não là một bệnh lý nguy hiểm, có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và đe dọa tính mạng của người bệnh. Vậy nguyên nhân do đâu dẫn đến tụ máu não và làm thế nào để nhận biết đang bị tụ máu não? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Với những tác động tiêu cực và nguy hiểm của tụ máu não, việc có kiến thức để áp dụng các biện pháp phòng ngừa và nhận thức về triệu chứng khi bị tụ máu não là vô cùng quan trọng. Hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết tụ máu trong não một cách sớm nhất để bảo vệ sức khỏe và tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Tụ máu não là gì?

Tình trạng tụ máu não là một vấn đề nghiêm trọng xuất hiện khi các mạch máu lớn trong não bị vỡ và gây ra xuất huyết, tạo thành khối máu tụ trong não. Nguyên nhân có thể là do tai nạn, chấn thương đầu hoặc xuất huyết não do đột quỵ. Tụ máu não có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong. Vì vậy, khi gặp va chạm hoặc chấn thương đầu, việc đến cơ sở y tế để kiểm tra và tìm hiểu các dấu hiệu của tụ máu não là cần thiết.

Tình trạng tụ máu não có thể phổ biến hơn ở một số nhóm người, đặc biệt là trong trường hợp tụ máu dưới màng cứng, ngay cả khi chấn thương đầu nhẹ. Các nhóm người sau đây có nguy cơ cao hơn:

  • Người trên 60 tuổi.
  • Người lạm dụng rượu bia.
  • Người sử dụng các loại thuốc làm loãng máu như: Warfarin, aspirin.
  • Người đã từng bị chấn thương đầu nhiều lần.

Con người có nhiều mạch máu lớn trên cơ thể. Khi mạch máu lớn bị tổn thương, tình trạng tụ máu có thể xảy ra. Hiện tượng tụ máu thường xảy ra trên khắp cơ thể, thường là kết quả của va chạm. Khi bị chấn thương, các mạch máu sẽ vỡ, gây ra sự tràn máu vào các vùng mô xung quanh. Tính chất của khối máu tụ có thể khác nhau tùy vào vị trí của tụ máu.

Tụ máu não: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh 1
Tụ máu não là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ

Để tránh nhầm lẫn, quan trọng là phân biệt giữa vết bầm tím và tình trạng tụ máu. Vết bầm tím thường xuất hiện khi các mạch máu nhỏ bị tổn thương. Trong khi đó, nếu mạch máu lớn bị tổn thương, sẽ xảy ra tình trạng tụ máu.

Nguyên nhân tụ máu não

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến tụ máu não mà bạn nên biết để có thể phòng tránh và tự bảo vệ:

  • Tổn thương và va chạm vùng đầu: Vùng đầu bị va chạm hoặc chấn thương là một nguyên nhân phổ biến gây tụ máu não. Đây có thể là kết quả của tai nạn, va đập hoặc tác động mạnh lên đầu.
  • Tai nạn giao thông hoặc vỡ phình động mạch não: Những sự cố như ngã từ độ cao, tai nạn giao thông hoặc vỡ phình động mạch não có thể gây tụ máu não nghiêm trọng.
  • Thủ thuật thẩm mỹ hoặc can thiệp nha khoa: Tụ máu não có thể xảy ra khi các mô trong hệ thống mạch máu gần đó bị tổn thương do thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ hoặc can thiệp nha khoa.
  • Sử dụng thuốc chống đông máu: Việc sử dụng một số loại thuốc chống đông máu như dipyridamole (persantine), warfarin, aspirin có thể tăng nguy cơ gặp tình trạng chảy máu, bao gồm cả tụ máu não.
Tụ máu não: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh 2
Chấn thương vùng đầu có thể gia tăng nguy cơ bị tụ máu não

Ngoài ra, tụ máu não cũng có thể xảy ra do các nguyên nhân khác. Nhiều người có thể không chú ý khi bị chấn thương đầu hoặc thậm chí không nhớ rõ vị trí va chạm. Ngay cả những va chạm nhẹ như đầu va vào tủ, cửa sổ, vòi nước, hoặc ngã đụng đầu vào tường cũng có thể gây tụ máu trong não, tuy nhiên, người bệnh có thể không nhận thấy.

Triệu chứng tụ máu não

Các dấu hiệu và triệu chứng của tụ máu não có thể xuất hiện trong vài tuần đầu hoặc sau một thời gian dài kể từ khi người bệnh chịu va đập ở vùng đầu. Thậm chí, một số người hoàn toàn không có bất kỳ triệu chứng không bình thường nào sau chấn thương đầu. Sau đó, khối máu sẽ hình thành và lớn lên, gây áp lực nội sọ tăng lên. Khi đó, người bệnh mới bắt đầu trải qua những triệu chứng tụ máu não phổ biến sau đây:

  • Cường độ đau đầu tăng dần, đến mức trở nên nghiêm trọng.
  • Chóng mặt, buồn nôn, và có thể nôn mửa.
  • Thường xuyên cảm thấy buồn ngủ, lú lẫn, hay quên, và mất dần ý thức.
  • Đồng tử hai bên mắt không đồng nhất về kích thước.
  • Yếu một bên tay hoặc chân.
  • Tăng huyết áp.
  • Nói lắp.
  • Gặp khó khăn khi di chuyển hoặc đi bộ.
  • Thay đổi hành vi, trở nên dễ cáu kỉnh và khó chịu.
  • Có máu hoặc chất lỏng trong suốt chảy ra một cách bất thường từ mũi hoặc tai.
  • Khi khối máu tụ ngày càng lớn, các triệu chứng như động kinh, bất tỉnh và hôn mê trở nên rõ ràng hơn.
Tụ máu não: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh 3
Cường độ đau đầu sẽ tăng dần khi bạn bị tụ máu não

Tuyệt đối không nên xem nhẹ các triệu chứng của tụ máu não hoặc tình trạng máu bầm trong não, bởi vì chúng có thể không rõ ràng ở giai đoạn đầu. Do đó, quan trọng để thăm khám và điều trị kịp thời để tránh những hậu quả không lường trước.

Cách phòng tránh tụ máu não

Để tránh tụ máu não, có một số biện pháp phòng ngừa có thể áp dụng để giảm nguy cơ chấn thương đầu. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa:

  • Sử dụng mũ bảo hiểm: Đảm bảo đội mũ bảo hiểm phù hợp và vừa vặn khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện hoặc khi tham gia các hoạt động thể thao tiềm ẩn nguy cơ chấn thương đầu như trượt tuyết, đạp xe, trượt băng, cưỡi ngựa, trượt ván,...
  • Sử dụng dây an toàn: Luôn thắt dây an toàn khi bạn lái xe ô tô hoặc ngồi trên các phương tiện có động cơ khác.
  • Bảo vệ trẻ em khỏi tụ máu não: Trên xe ô tô, hãy sử dụng ghế ngồi cố định dành riêng cho trẻ em. Đồng thời, che chắn các cạnh bàn, cố định thiết bị và vật nặng, cũng như cài cầu thang để giảm nguy cơ tai nạn cho trẻ nhỏ.

Tổng kết lại, tụ máu não là một bệnh lý nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho tính mạng người bệnh. Việc không nhận ra và điều trị kịp thời có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong. Hy vọng bài viết trên đã giúp quý đọc giả có thêm kiến thức hữu ích, từ đó chủ động phòng ngừa để giảm thiểu nguy cơ tụ máu não và bảo vệ sức khỏe não bộ.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm