Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

U hạt rốn ở trẻ sơ sinh và những điều cần biết

Ngày 09/01/2023
Kích thước chữ

U hạt rốn ở trẻ sơ sinh khiến nhiều phụ huynh rất lo lắng. Đây là căn bệnh phổ biến và chúng sẽ nhanh khỏi khi được điều trị đúng cách.

Trẻ nhỏ khi sinh ra phải cắt dây rốn và được làm vệ sinh thật cẩn thận. Trong quá trình từ khi mới lọt lòng cho đến khi rụng cuống rốn, có nhiều nguyên nhân làm bé có thể bị u hạt rốn. Các bậc phụ huynh khi có con trẻ gặp phải tình trạng này phải biết cách điều trị thật khoa học để bảo vệ sức khỏe cho bé. 

Các bệnh lý thường gặp ở rốn của trẻ sơ sinh 

U hạt rốn ở trẻ sơ sinh và những điều cần biết 1 Rốn ở trẻ sơ sinh thường hay bị viêm nhiễm và gặp một số bệnh lý

Khi còn trong bụng, dây rốn chính là bộ phận giúp truyền dinh dưỡng từ mẹ sang thai nhi. Ngay sau khi chào đời, bác sĩ sẽ kẹp và cắt dây rốn nối vào mẹ. Rốn ở trẻ sơ sinh thường là một vết sẹo lõm hình khuyên được hình thành ngay khi dây rốn rụng. Bộ phận này ở trẻ mới sinh thường gặp một số tình trạng như:

  • Rốn rụng muộn: Thông thường các bé sẽ rụng rốn trong vòng 7 - 10 đầu sau sinh. Nếu sau 3 tuần mà rốn vẫn chưa rụng thì đây là hiện tượng rốn rụng chậm. Lúc này các bậc phụ huynh hãy giữ khô rốn và kiểm tra vùng da quanh rốn mỗi ngày. Hãy rửa sạch chất tiết bám trên rốn một cách nhẹ nhàng và lau khô chúng. Không cố tình kéo dây rốn khi rốn rụng chậm. 
  • U hạt rốn: Lúc này rốn của trẻ xuất hiện một mảnh mô màu đỏ còn lại trên chân rốn sau khi rụng . Phụ huynh cần phải đưa trẻ đến bệnh viện điều trị ngay nếu không vị trí này sẽ chảy dịch và gây viêm nhiễm cho rốn. 
  • Thoái vị rốn: Đây là tình trạng khiếm khuyết một phần cơ thành bụng dẫn đến một phần quai ruột sẽ chui ra chỗ khuyết tạo nên một khối phồng. Khối phồng này lại to hơn khi trẻ khóc hay vặn mình, và thu nhỏ lại khi trẻ nằm yên.
  • Rốn chảy máu: Người mẹ thường sẽ phát hiện thấy rỉ một vài giọt máu giữa cuống rốn đã khô và chân rốn. Chảy máu rốn này thường do cọ xát tả vào cuống rốn. Tình trạng này sẽ tự cầm máu nhưng nếu chảy quá 10 phút đù đã đè ép hoặc tiếp tục chảy trên 3 lần thì phải đưa bé đi khám bác sĩ.
  • Rốn rỉ dịch: Nếu tại vị trí rốn của bé xuất hiện dịch rỉ, bị ẩm, có ít mủ trên bề mặt thì rất có thể rốn trẻ bị nhiễm trùng nhẹ hoặc do bệnh lý về rốn gây ra. Lúc này nên để rốn khô thoáng, không tự tiện bôi thuốc kháng sinh và nên đưa bé đến bác sĩ thăm khám.

Nguyên nhân, triệu chứng u hạt rốn ở trẻ sơ sinh

Trong các triệu chứng kể trên thì tình trạng trẻ bị u hạt ở rốn rất phổ biến. Bệnh này còn có cái tên khác là bệnh chồi rốn. Chồi rốn có kích thước nhỏ như hạt gạo hoặc có thể bằng hạt ngô, hạt đậu. Bên cạnh đó khi bị bệnh, rốn thường kèm theo hiện tượng chảy dịch kéo dài làm ướt rốn.

Hiện nay bệnh chưa thể xác định rõ nguyên nhân gây ra. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng buộc phải được xử lý kịp thời để không xảy ra tình trạng nhiễm trùng, gây hại đến sức khoẻ của bé. 

U hạt rốn ở trẻ sơ sinh và những điều cần biết 2 U hạt rốn ở trẻ sơ sinh là bệnh chưa xác định rõ nguyên nhân

Triệu chứng dễ nhận thấy bằng mắt thường đầu tiên của bệnh u hạt rốn là xuất hiện chồi hạt như một khối mô ẩm và đỏ. Sau đó rốn có rỉ dịch màu vàng, da quanh rốn có kích ứng nhẹ. Bệnh không hề gây đau hay gây khó chịu gì cho trẻ nhỏ, nhưng nếu tình trạng rốn ẩm thường xuyên thì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây viêm nhiễm nặng hơn.

Khi viêm rốn, trẻ bắt đầu bị sốt, đau và khó chịu khi chạm tay vào mô xung quanh rốn. Nếu tình trạng nặng hơn thì xuất hiện mủ chảy ra từ rốn và rốn sưng lên. 

Điều trị u hạt rốn thế nào cho hiệu quả?

Chồi rốn sẽ được điều trị theo nhiều cách khác nhau, phụ thuộc vào kích thước của hạt rốn to hay nhỏ. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định một số cách sau để điều trị bệnh cho trẻ:

Chấm bạc Nitrat

Sử dụng một cây tăm bông nhỏ, thấm dung dịch bạc Nitrat (AgNO3 75%) chấm lên nụ hạt 1 - 2 lần/tuần, thực hiện liên tiếp trong vài tuần. Chất bạc Nitrat có thể không hề gây đau đớn gì cho trẻ nhỏ, nhưng phải thận trọng khi thoa lên bởi chúng có thể làm bỏng da xung quanh và tạo thành sẹo rốn xấu sau khi lành. 

U hạt rốn ở trẻ sơ sinh và những điều cần biết 3 Chấm bạc Nitrat giúp điều trị u hạt rốn

Đốt điện

Đối với các chồi rốn kích thước to, có cuống thì nên áp dụng phương pháp này. Đốt điện được thực hiện rất nhanh và có thể trị dứt điểm trong 1 lần. Biện pháp này không gây chảy máu và chăm sóc rất dễ dàng. Tuy nhiên, đốt điện cũng có thể gây bỏng da vùng rốn nên phải thận trọng khi thực hiện. 

Bệnh u hạt rốn cần được chăm sóc hàng ngày thật cẩn thận để rốn nhanh lành. Cha mẹ nên rửa sạch tay trước và sau khi xử lý chồi rốn cho trẻ. Khi mặc tã nên để tã nằm dưới rốn cho đến khi rốn lành hẳn. Không tắm cho bé trong thau nước khi rốn chưa lành. Và các bậc phụ huynh phải luôn quan sát tình trạng rốn của bé để kịp thời phát hiện các hiện tượng lạ trên rốn. 

Trên đây là những chia sẻ về bệnh u hạt rốn ở trẻ sơ sinh. Hy vọng sau khi đọc bài viết, các ông bố, bà mẹ sẽ chủ động hơn trong cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh. Nếu quan sát thấy những dấu hiệu nào của bệnh thì hãy đến bác sĩ để thăm khám ngay, phòng trừ nguy cơ nhiễm trùng rốn. 

Bảo Thanh

Nguồn tham khảo: Vinmec

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.