Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

U máu có nguy hiểm không? Nguyên nhân và phương pháp điều trị u máu

Ngày 26/10/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

U máu là bệnh lý rất phổ biến ở trẻ sơ sinh do đó còn được gọi là u máu trẻ sơ sinh. Vậy u máu có nguy hiểm không? Nguyên nhân gây u máu do đâu và cách điều trị thế nào?

U máu hoàn toàn khác với ung thư máu. Chúng là những khối u lành tính do tăng sinh mạch máu một cách quá mức dẫn đến hình thành những vết bớt đỏ tươi trên da của trẻ. Vậy u máu có nguy hiểm không? Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu về u máu và các vấn đề liên quan trong bài viết dưới đây nhé!

U máu là gì?

U máu là những khối u sưng lên hay phát triển từ các tế bào nội mô của mạch máu. Chúng thường xuất hiện trong những năm đầu đời và sau đó dần biến mất theo thời gian mà không cần can thiệp hay điều trị. U máu có thể xuất hiện ở da hoặc các cơ quan bên trong cơ thể (gan, ruột, cơ quan hô hấp, hệ thần kinh trung ương hoặc cột sống):

  • U máu ở da có thể xuất hiện ngay khi trẻ vừa chào đời do chúng đã phát triển khi trẻ còn là bào thai trong tử cung của người mẹ. Chúng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu nhưng phổ biến nhất là ở đầu, ngực và cổ với hình dạng như một vết bớt đỏ tươi phẳng hoặc lồi ra trên bề mặt da.
  • U mạch máu bên trong điển hình nhất là u máu trên gan, có thể ở bên trong hoặc trên bề mặt gan.
U máu có nguy hiểm không? Nguyên nhân và phương pháp điều trị u máu 2 U máu có thể gặp trong gan

U máu gây ảnh hưởng tới cả các cơ quan nội tạng quan trọng như gan, ruột… Vậy u máu có nguy hiểm không?

U máu hiếm gây ra các vấn đề nghiêm trọng nhưng trong một số trường hợp chúng có thể bị vỡ ra gây chảy máu, loét và đau đớn cho trẻ. Ngoài ra, sự phát triển của u máu cũng có khi gây ảnh hưởng tới một số cơ quan nội tạng bên trong như gan, não và các hệ cơ quan khác.

Nguyên nhân gây u máu và đối tượng thường gặp

Nguyên nhân: U máu xảy ra hoàn toàn là do kết quả của quá trình tăng sinh quá mức của mạch máu khiến các mạch máu phụ tụ lại với nhau thành một khối dày đặc đỏ tươi. Còn nguyên nhân sâu xa hơn dẫn đến sự tăng sinh này hiện vẫn chưa được xác thực.

Đối tượng: U máu thường gặp nhất trong những tháng đầu đời của trẻ, vì vậy rất nhiều bậc phụ huynh tỏ ra lo lắng và đặt câu hỏi cho bác sĩ rằng u máu có nguy hiểm không. Chúng thường biến mất dần khi trẻ lên 5 và hầu như không bắt gặp khi trẻ lên 10. Đối tượng thường gặp nhất là trẻ da trắng, trẻ sinh non, sinh ra từ một kỳ đa thai hoặc nhẹ cân so với tuổi thai.

Triệu chứng của bệnh u máu

Ban đầu u máu giống như một vết đỏ tươi có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên da của trẻ. Chúng có thể to hay nhỏ, phẳng hoặc lồi lên trên bề mặt da. Mỗi trẻ thường chỉ có một u máu.

Trong những năm sau đó, chúng phát triển nhanh tạo thành những vết sưng giống như cao su, nhô lên khỏi bề mặt da.

Khi trẻ lên 5, chúng không phát triển nữa mà dần biến mất. Phần da tồn tại u máu trước đó sẽ hơi đổi màu và gồ lên.

U máu có nguy hiểm không?

Khối u luôn là một khái niệm mang tính tiêu cực trong tiềm thức của mỗi chúng ta. Vậy nhiều người đặt ra câu hỏi rằng u máu có nguy hiểm không, có ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe như những khối u ác tính mà ta thường được biết đến hay không?

U máu có nguy hiểm không? Nguyên nhân và phương pháp điều trị u máu 1 U máu có nguy hiểm không?

U máu hoàn toàn không có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của chúng ta nên có thể nói u máu không hề nguy hiểm. Khi thấy trẻ có vết u máu, phụ huynh không cần quá lo lắng vì chúng chỉ là những khối u lành tính và sẽ tự biến mất theo thời gian.

Nhưng bên cạnh đó, cũng sẽ có một vài biến chứng xảy ra mà chúng ta cần lưu tâm để phát hiện sớm, tránh bệnh tiến triển nặng hơn:

  • Khối u bị vỡ và chảy máu gây đau, nhiễm trùng.
  • Khối u xuất hiện ở những vị trí gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ.
  • U lớn chèn vào đường thở.
  • U lớn chèn ép lên hệ mạch.
  • Khối u phá vỡ biểu bì xung quanh.
  • Khối u cản trở tầm nhìn của mắt.
U máu có nguy hiểm không? Nguyên nhân và phương pháp điều trị u máu 3 U máu gây cản trở tầm nhìn của trẻ và mất thẩm mỹ

Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh u máu

Chẩn đoán u máu như thế nào?

Chẩn đoán u máu khá đơn giản vì chúng xuất hiện trên bề mặt da. Các bác sĩ chỉ cần hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng là đủ, các xét nghiệm thường không cần thiết.

Ngoài ra, nếu sau khi thăm khám lâm sàng vẫn còn nghi ngờ về u máu bên trong có thể thực hiện sinh thiết da hoặc một số xét nghiệm cận lâm sàng. Sau đó có thể siêu âm và chụp cộng hưởng để xác định vị trí khối u cũng như phân biệt u máu với những bất thường liên quan như dị dạng mạch hoặc với các tổn thương khác như u nang bạch huyết…

Loại bỏ u máu như thế nào?

Khi trong trường hợp gặp phải những biến chứng của u máu thì chúng ta phải điều trị bằng cách nào?

Điều trị trên da:

Các vết u máu nhỏ trên da vì có thể tự biến mất nên không cần nhiều đến sự can thiệp của nhân viên y tế nhưng sau khi biến mất chúng thường để lại các vết rạn da. Có thể dùng các loại kem dưỡng ẩm để khắc phục tình trạng này.

Còn trong trường hợp khối u máu gây mất thẩm mỹ hay xuất hiện ở những vị trí cản trở tầm nhìn xung quanh mắt có thể phẫu thuật để loại trừ khối u hoặc sử dụng tia laser với tác dụng giảm đỏ, giảm kích thước khối u, thúc đẩy nhanh quá trình liền vết thương khi u máu thoái triển.

Một số thuốc điều trị u máu trên da gồm:

  • Thuốc chẹn beta: Bôi lên da gel chứa timolol, u máu nặng có thể dùng dung dịch uống propranolol. Tác dụng phụ gồm lượng đường trong máu cao, huyết áp thấp, thở khò khè…
  • Thuốc corticosteroid: Dùng trong trường trẻ không thể sử dụng thuốc chẹn beta. Tác dụng phụ gồm mỏng da, tăng trưởng kém…
U máu có nguy hiểm không? Nguyên nhân và phương pháp điều trị u máu 4 Có thể điều trị u máu trên da bằng thuốc

Điều trị ở nội tạng:

U máu ở nội tạng cần điều trị khi chúng quá lớn hoặc gây đau cho trẻ. Một số phương pháp thường được áp dụng như:

  • Phẫu thuật loại bỏ khối u.
  • Cắt đứt nguồn cung cấp máu cho khối u: Thường áp dụng với u máu ở gan.
  • Cắt bỏ những phần cơ quan bị ảnh hưởng.

Có thể phòng ngừa u máu không?

Không thể phòng ngừa được sự xuất hiện của u máu nhưng cũng không cần quá lo lắng về sự xuất hiện của nó. Cách tốt nhất là cẩn thận không để khối u bị vỡ gây chảy máu hay loét dẫn đến nhiễm trùng và đau đớn cho trẻ cũng như thăm khám bác sĩ kịp thời khi gặp những biến chứng không bình thường do u máu gây ra.

Một số thói quen nên tuân thủ để giảm diễn tiến của u máu:

  • Liên hệ ngay với bác sĩ và tới thăm khám khi gặp bất thường.
  • Tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Thăm khám định kỳ, không nên chủ quan với bệnh.
  • Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ.

Trên đây là toàn bộ những thông tin tổng quan nhất về bệnh u máu và là câu trả lời đầy đủ cho câu hỏi “U máu có nguy hiểm không”. U máu là bệnh không nguy hiểm nhưng ta vẫn cần lưu ý tới một số biến chứng của chúng. Hy vọng bài viết trên có thể giúp ích cho cuộc sống của bạn. Chúc bạn đọc luôn giữ được sức khỏe thật tốt và đừng quên theo dõi trang web Nhà thuốc Long Châu để đón nhận những thông tin cập nhật mới nhất nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin