Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Ung thư giai đoạn cuối bị phù chân là do đâu? Biện pháp giảm phù chân hiệu quả

Ngày 25/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ở ung thư giai đoạn cuối bị phù chân có thể khiến người bệnh khó chịu, làm suy giảm chất lượng sống. Làm thế nào để giảm thiểu tình trạng phù nề cho người bệnh? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu nhé!

Vì sao người mắc ung thư giai đoạn cuối bị phù chân? Có nhiều yếu tố gây phù nề ở người bệnh, bao gồm ảnh hưởng của bệnh lý ác tính, tác dụng phụ từ phương pháp điều trị và từ chính thể trạng của người bệnh.

Vì sao người mắc ung thư giai đoạn cuối bị phù chân?

Người mắc ung thư giai đoạn cuối bị phù chân gây khó chịu cho người bệnh. Đây là tình trạng chất lỏng tích tụ trong các mô hoặc các khoang của cơ thể, gây ra sưng nề, có thể kèm đau nhức.

Phù nề ở bệnh nhân ung thư có thể liên quan đến nhiều yếu tố, bao gồm ảnh hưởng của bệnh ung thư, các phương pháp điều trị và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Dưới đây là những nguyên nhân chính giải thích tại sao người mắc ung thư giai đoạn cuối thường bị phù chân.

Đầu tiên, một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị ung thư như hóa trị liệu, liệu pháp hormone và steroid có thể gây ra tình trạng giữ nước và muối trong cơ thể. Điều này dẫn đến tích tụ chất lỏng trong các mô, gây ra phù nề.

Ngoài ra, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thường gặp các vấn đề về tim, gan hoặc thận, các cơ quan này nếu bị suy giảm chức năng có thể gây ra tình trạng giữ nước và phù nề.

Bên cạnh đó, tế bào ác tính có thể gây ra tắc nghẽn trong hệ thống tĩnh mạch hoặc bạch huyết. Các khối u lớn hoặc di căn có thể chèn ép các mạch máu hoặc các hạch bạch huyết, làm cản trở lưu thông máu và dịch bạch huyết. Kết quả là chất lỏng không thể thoát ra khỏi mô một cách hiệu quả, gây ra sưng phù, đặc biệt là ở các chi dưới như bàn chân.

Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thường gặp phải suy dinh dưỡng do chán ăn, buồn nôn và các vấn đề về tiêu hóa. Suy dinh dưỡng làm giảm nồng độ protein trong máu, đặc biệt là albumin.

Albumin là một protein quan trọng giúp duy trì áp lực thẩm thấu trong mạch máu, ngăn ngừa tình trạng chất lỏng đi vào các mô kẽ. Khi mức albumin giảm, chất lỏng dễ dàng rò rỉ ra ngoài mạch máu, gây ra phù nề.

Một số bệnh nhân có phản ứng dị ứng với thuốc điều trị ung thư, dẫn đến phù mạch. Phù mạch là một phản ứng mạch máu khiến một lượng chất lỏng từ lòng mạch đi vào các lớp của da, gây sưng nề.

Ung thư giai đoạn cuối thường gây ra suy giảm chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể, bao gồm tim, gan và thận. Khi các cơ quan này không hoạt động hiệu quả, cơ thể không thể duy trì cân bằng dịch một cách bình thường, dẫn đến tình trạng tích tụ chất lỏng gây phù nề. Đặc biệt, suy thận làm giảm khả năng loại bỏ chất lỏng dư thừa, trong khi suy tim gây ứ dịch ngoại vi, tích tụ dịch ở các chi dưới

Vì sao người mắc ung thư giai đoạn cuối bị phù chân? Biện pháp giúp giảm phù chân hiệu quả 1
Vì sao ung thư giai đoạn cuối bị phù chân?

Dấu hiệu nhận biết tình trạng phù nề ở bệnh nhân ung thư

Người bệnh ung thư giai đoạn cuối bị phù chân do tình trạng chất lỏng tích tụ trong các mô hoặc các khoang của cơ thể. Nhận biết sớm các dấu hiệu phù nề không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị, quản lý bệnh. Dưới đây là những dấu hiệu chính giúp nhận biết tình trạng phù nề ở bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối.

Biểu hiện đầu tiên là hiện tượng sưng phù ở bàn chân, mắt cá chân và cẳng chân. Đây là những khu vực thường xuyên bị phù nề nhất ở bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Sưng phù ở chân có thể làm cho bệnh nhân cảm thấy khó chịu, đau nhức, khó di chuyển kèm tình trạng tăng cân nhanh chóng.

Ngoài chân, bàn tay và cánh tay cũng có thể bị phù nề. Tình trạng này khiến cho bệnh nhân khó cử động, cảm thấy nặng nề và đau nhức thường xuyên. Đặc biệt, phù nề ở tay có thể gây khó khăn trong các hoạt động hàng ngày như ăn uống, viết chữ và vệ sinh cá nhân.

Mặt khác, phù mặt là dấu hiệu dễ nhận biết khi khuôn mặt bệnh nhân trở nên căng phồng. Điều này không chỉ gây ra cảm giác khó chịu mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ cùng tâm lý của bệnh nhân.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp tình trạng cổ trướng do tích tụ chất lỏng trong khoang bụng, làm cho bụng trở nên căng phồng. Điều này có thể gây ra cảm giác khó chịu kèm khó thở cho bệnh nhân. Báng bụng thường gặp ở những bệnh nhân có ung thư gan hoặc các cơ quan nội tạng khác.

Vì sao người mắc ung thư giai đoạn cuối bị phù chân? Biện pháp giúp giảm phù chân hiệu quả 2
Tăng cân nhanh có thể là dấu hiệu người bệnh bị phù nề

Một dấu hiệu đặc trưng của phù nề là da bị căng phồng, bóng và khi ấn vào, vùng da đó sẽ lõm xuống, đồng thời da chậm nảy trở lại trạng thái ban đầu. Đây là biểu hiện của việc tích tụ chất lỏng dưới da.

Đồng thời, hiện tượng phù nề có thể gây rối loạn hô hấp và tuần hoàn. Khó thở, ho hoặc nhịp tim không đều là những triệu chứng cần được chú ý đặc biệt. Đây có thể là dấu hiệu của phù phổi hoặc các vấn đề về tim mạch, yêu cầu can thiệp y tế ngay lập tức.

Người bệnh ung thư giai đoạn cuối bị phù chân hoặc phát hiện một trong những dấu hiệu phù nề kể trên cần thông báo cho bác sĩ điều trị hoặc đến các cơ sở y tế. Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng sưng phù, từ đó đưa ra tư vấn phù hợp cho bệnh nhân.

Vì sao người mắc ung thư giai đoạn cuối bị phù chân? Biện pháp giúp giảm phù chân hiệu quả 3
Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ khi có dấu hiệu phù nề

Xử trí phù chân ở giai đoạn cuối của bệnh

Phù chân là một biến chứng phổ biến gây khó chịu mà những người bị bệnh ung thư giai đoạn cuối thường phải đối mặt. Để giảm bớt tác động của phù chân và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, các biện pháp xử trí sau đây có thể được áp dụng:

  • Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng: Hạn chế ăn mặn là một trong những yếu tố quan trọng giúp giảm phù chân. Việc tiêu thụ quá nhiều natri có thể làm tăng lượng nước trong cơ thể, làm nặng thêm tình trạng phù. Chế độ dinh dưỡng phù hợp cần được thảo luận và điều chỉnh dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Nâng cao chân: Khi chân bị sưng, bệnh nhân nên nghỉ ngơi và giữ chân nâng cao. Nằm nghỉ trên giường, kê 2 chân lên gối giúp hỗ trợ lưu thông máu và giảm sưng. Nếu phải ngồi, nâng cao chân bằng cách sử dụng ghế có phần kê chân hoặc đôn có kê gối cũng là một phương pháp hiệu quả để giảm bớt sưng nề ở chân.
  • Sử dụng thuốc lợi tiểu: Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc lợi tiểu để giảm phù chân. Thuốc lợi tiểu có tác dụng kích thích thận tiết natri và nước ra khỏi cơ thể thông qua lượng nước tiểu tăng lên. Việc sử dụng thuốc cần đi kèm với sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ để đảm bảo không xảy ra các tác dụng phụ nguy hiểm như mất cân bằng điện giải.
Vì sao người mắc ung thư giai đoạn cuối bị phù chân? Biện pháp giúp giảm phù chân hiệu quả 4
Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc lợi tiểu giúp giảm phù nề

Thông qua bài viết trên, Nhà thuốc Long Châu xin giải đáp thắc mắc của độc giả về câu hỏi vì sao ung thư giai đoạn cuối bị phù chân. Phù chân ở giai đoạn cuối của bệnh ung thư là một vấn đề thường gặp, cần được quản lý một cách toàn diện để giảm bớt sự khó chịu cho bệnh nhân. Quản lý chế độ dinh dưỡng hợp lý, nghỉ ngơi và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ là những biện pháp cơ bản nhưng rất quan trọng để giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:phù chânUng thư