Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Ung thư hạch bạch huyết sống được bao lâu?

Ngày 16/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ung thư hạch bạch huyết là một trong số các loại bệnh ác tính phổ biến của hệ thống miễn dịch nhưng lại là một trong số các loại bệnh ung thư có thể điều trị khỏi. Do đó, người bệnh thường quan tâm ung thư hạch bạch huyết sống được bao lâu.

Hãy tham khảo bài viết sau đây để tìm hiểu về vấn đề ung thư hạch bạch huyết sống được bao lâu ở từng giai đoạn phát triển của ung thư.

Ung thư hạch bạch huyết là gì?

Ung thư hạch bạch huyết (hay còn gọi là Lymphoma) là sự phân chia không thể kiểm soát của các tế bào bạch cầu Lympho, gây ảnh hưởng đến các các cơ quan trong hệ thống bạch huyết và cả cơ quan khác trong cơ thể. Bao gồm 2 loại chính: U Lympho Hodgkin và u Lympho không Hodgkin (khoảng 90%). So với u Lympho Hodgkin, u Lympho không Hodgkin có tiên lượng xấu và điều trị khó hơn.

Đối tượng mắc ung thư hạch bạch huyết có thể là trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành. Nam giới có tỷ lệ mắc ung thư hạch bạch huyết cao hơn phụ nữ, thường xảy ra ở các nhóm độ tuổi 35 - 40. Trung bình độ tuổi của người mắc bệnh vào khoảng từ 50 - 60 tuổi. Hiện nay, tỷ lệ mắc ung thư hạch bạch huyết ngày một tăng, thường gặp ở người lớn tuổi.

Ung thư hạch bạch huyết sống được bao lâu? 1
Ung thư hạch bạch huyết là sự phân chia mất kiểm soát của các tế bào bạch cầu Lympho

Nguyên nhân gây ung thư hạch bạch huyết

Các yếu tố về môi trường, nhiễm trùng, di truyền được cho là có mối tương quan tới ung thư hạch bạch huyết, gồm có:

  • Tuổi tác: Ung thư hạch xuất hiện ở người lớn tuổi, trên 55 tuổi và phổ biến ở giới trẻ, thậm chí trẻ em.
  • Nhiễm khuẩn: Nguy cơ phát triển bệnh tăng do tình trạng nhiễm Helicobacter Pylori trong u Lympho MALT, Chlamydia psittaci, Borrelia burgdorferi, Campylobacter jejuni, vi-rút viêm gan C… kích thích mạn tính mô bạch huyết, nhiễm virus Epstein-Barr và CMV .
  • Tình trạng suy giảm miễn dịch: Tình trạng ghép tạng, nhiễm HIV, các rối loạn gây thiếu hụt miễn dịch di truyền.
  • Các bệnh lý tự miễn: Một số bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, hội chứng Sjögre, bệnh viêm ruột… làm tăng nguy cơ bị ung thư hạch bạch huyết.
  • Thuốc: Các thuốc ức chế miễn dịch được dùng sau khi ghép tạng…
  • Phơi nhiễm nghề nghiệp: Thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ…
  • Yếu tố địa lý: U Lympho NK/T ngoài hạch phổ biến ở các nước Đông Nam Á và Mỹ La-tinh.

Dấu hiệu ung thư hạch bạch huyết

Một số biểu hiện của ung thư hạch bạch huyết điển hình như:

  • Các nốt hạch sưng tấy xuất hiện, thường ở vị trí nách, cổ, bẹn, có thể nhìn thấy hoặc sờ được.
  • Triệu chứng toàn thân: Sốt không rõ nguyên nhân, đổ mồ hôi đêm, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân.
  • Xuất huyết.
  • Phát ban, ngứa.

Các triệu chứng tăng dần về tần suất và mức độ ở giai đoạn bệnh tiến triển như:

  • Triệu chứng thần kinh, đau lưng, rối loạn đại - tiểu tiện do chèn ép tủy sống.
  • Các triệu chứng của thiếu máu do tế bào u xâm nhập tủy.
  • Nhức đầu, co giật, hôn mê, bệnh thần kinh sọ não do sự thâm nhập của u Lympho vào màng não hoặc hệ thần kinh trung ương.
  • Khó thở, thở khò khè, thở rít, thở nhanh, thở gấp do tắc nghẽn đường thở.
  • Đau ngực, phù ngoại vi do chèn ép màng ngoài tim, hạ huyết áp.
  • Chèn ép tĩnh mạch chủ trên.
  • Nôn, nôn ra máu, táo bón do tắc nghẽn đường tiêu hóa hoặc suy gan, vàng da.
  • Đau hông, đau vùng chậu, tiểu ra máu do suy thận hoặc thận ứ nước, tiểu khó.
  • Suy tim, rối loạn nhịp tim, chuột rút cơ, co giật.
  • Đau đầu, chóng mặt, ù tai, thị lực kém, dáng đi không ổn định do ứ hoặc tăng bạch cầu.
Ung thư hạch bạch huyết sống được bao lâu? 2
Đau đầu là một trong các triệu chứng của ung thư hạch bạch huyết

Người bệnh cần đến các bệnh viện để được thăm khám và thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng chẩn đoán để biết chắc chắn các triệu chứng kể trên có phải dấu hiệu u Lympho hay không.

Ung thư hạch bạch huyết sống được bao lâu?

Muốn biết ung thư hạch bạch huyết sống được bao lâu, bạn phải xem xét từng giai đoạn của bệnh.

Ung thư hạch giai đoạn đầu sống thêm được bao lâu?

Những người phát hiện ung thư hạch Hodgkin ngay từ giai đoạn đầu thì sau chẩn đoán thời gian sống thêm thường rất cao, theo thống kê tỷ lệ sống thêm 5 năm là 92%.

Tuy nhiên, những bệnh nhân mắc ung thư hạch không Hodgkin thì tỷ lệ này giảm xuống thấp hơn cụ thể là:

  • Bệnh nhân ung thư hạch u Lympho tế bào B lớn lan tỏa: Tỷ lệ sống thêm 5 năm là 72%.
  • Bệnh nhân ung thư hạch u Lympho dạng nang: Tỷ lệ sống thêm 5 năm là 95%.

Ung thư hạch giai đoạn 2 và 3 sống thêm được bao lâu?

Thời gian sống của người bệnh mắc ung thư hạch Hodgkin giai đoạn 2 và giai đoạn 3 cũng còn khá lớn vì tỷ lệ sống thêm 5 năm là 90%. Tuy nhiên, người bệnh không nên lơ là, chủ quan trong điều trị mà vẫn nên tuân thủ tuyệt đối theo phương pháp điều trị của bác sĩ.

Riêng những bệnh nhân ung thư hạch không Hodgkin thì:

  • Bệnh nhân ung thư hạch u Lympho tế bào B lớn lan tỏa: Tỷ lệ sống thêm 5 năm là 70%.
  • Bệnh nhân ung thư hạch u Lympho dạng nang: Tỷ lệ sống thêm 5 năm là 90%.

Ung thư hạch di căn sống thêm được bao lâu?

Người mắc bệnh ung thư hạch di căn thường không có nhiều hy vọng vì bệnh có tiên lượng sống không tốt. Tuy nhiên, nếu được chăm sóc và điều trị bằng phương pháp thích hợp, hiện đại, người bệnh vẫn có cơ hội sống thêm nhiều năm nữa. Người bị ung thư hạch Hodgkin giai đoạn di căn có tỷ lệ sống thêm 5 năm là 78%.

Bệnh nhân ung thư hạch không Hodgkin ở giai đoạn di căn thì:

  • Bệnh nhân ung thư hạch u Lympho tế bào B lớn lan tỏa: Tỷ lệ sống thêm 5 năm là 55%.
  • Bệnh nhân ung thư hạch u Lympho dạng nang: Tỷ lệ sống thêm 5 năm là 84%.
Ung thư hạch bạch huyết sống được bao lâu? 3
Người bệnh thường thắc mắc ung thư hạch bạch huyết sống được bao lâu

Điều trị ung thư hạch bạch huyết

Không chỉ quan tâm đến vấn đề ung thư hạch bạch huyết sống được bao lâu, người bệnh còn tìm hiểu các phương pháp điều trị. Việc chọn cách điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, loại giai đoạn bệnh, vị trí biểu hiện (hạch, đường tiêu hóa, hệ thần kinh trung ương…), tính chất sinh học phân tử, tình trạng sức khỏe chung người bệnh.

Các phương pháp điều trị gồm:

  • Hóa trị: Sử dụng các thuốc hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư. Đây là liệu pháp điều trị toàn thân.
  • Xạ trị: Phương pháp này để tiêu diệt các tế bào ung thư bằng cách sử dụng bức xạ ion hóa.
  • Liệu pháp miễn dịch, liệu pháp sinh học.
  • Ghép tế bào gốc: Hóa trị liều cao nhằm diệt các tế bào ung thư, phá hủy các tế bào lành trong tủy xương, sau đó cấy các tế bào gốc vào tủy xương nhằm tạo ra các tế bào máu mới. Có hai loại cấy ghép tế bào gốc phổ biến gồm tế bào gốc từ người hiến tặng (thường là người thân) và cấy tế bào tự thân (sử dụng tế bào gốc của chính người bệnh).

Sau khi tham khảo bài viết trên, bạn đã biết ung thư hạch bạch huyết sống được bao lâu. Từ đó, người bệnh có thể lên kế hoạch điều trị cũng như sắp xếp công việc và cuộc sống phù hợp.

Xem thêm:

Dấu hiệu phân biệt ung thư hạch bạch huyết giai đoạn cuối

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường đại học Võ Trường Toản. Nhiều năm làm việc trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin