Ung thư thanh quản giai đoạn cuối: Triệu chứng, cách điều trị và chăm sóc
Ngày 14/12/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Ung thư thanh quản khiến cho dây thanh quản cũng như các vùng mô xung quanh bị tổn thương, gây cản trở nhiều trong cuộc sống nhất là những bệnh nhân ung thư thanh quản giai đoạn cuối. Vậy những triệu chứng này là gì và làm thế nào để phân các giai đoạn của bệnh?
Ung thư thanh quản là tổn thương ác tính tế bào niêm mạc che phủ vùng thanh quản, bao gốm ung thư thượng thanh môn, thanh môn và hạ thanh môn. Đây là bệnh ung thư thường gặp ở vùng đầu mặt cổ, bệnh gặp chủ yếu ở nam giới (90%) và có liên quan đến nhiều vấn đề như nghiện rượu, hút thuốc lá, hít nhiều các khí thải độc hại,... Các bệnh nhân ung thư thanh quản giai đoạn cuối có cách điều trị cũng như tiên lượng rất khác với các giai đoạn trước. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
Các triệu chứng mà ung thư thanh quản
Ung thư thanh quản giai đoạn đầu thường không có triệu chứng rõ ràng, dễ bị bỏ sót hay nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác. Sau đây là các dấu hiệu ung thư thanh quản giúp nhận biết bệnh:
Khàn tiếng kéo dài, tăng dần, không khỏi sau điều trị kháng viêm, trường hợp nặng có thể mất tiếng. Nếu bạn bị khàn tiếng kéo dài trên 3 tuần, nhất là khi trên 40 tuổi cần được thăm khám kịp thời vì đây là triệu chứng thường gặp của ung thư thanh quản và đôi khi là triệu chứng duy nhất trên nhiều bệnh nhân.
Khó thở nặng dần, khó thở thì hít vào không do các nguyên nhân tim phổi khác do khối u ngày càng lớn làm giảm khẩu kính vùng thanh môn. Triệu chứng có thể xuất hiện sớm hơn hoặc cùng lúc với khán tiếng.
Nuốt vướng, nghẹn hoặc đau: Triệu chứng này xuất hiện khi khối u đã xâm lấn vùng hầu họng, thường kèm theo đau tai. Các bệnh nhân này chỉ có thể ăn cháo hoặc uống sữa, không ăn cơm được, thậm chí có trường hợp cần đặt sonde dạ dày để nuôi ăn.
Tiếng nói ông ổng như có cộng hưởng: Giọng nói của bệnh nhân bị biến đổi, nghe giống như “nói qua ống thổi”.
Sờ thấy hạch vùng cổ cùng bên với tổn thương thanh quản cũng là một dấu hiệu gợi ý. Ở giai đoạn muộn hạch có thể lan tràn sang hai bên, hạch rắn chắc, còn di động ở giai đoạn sớm sau đó hạch cố định.
Ở giai đoạn muộn có thể nhìn hoặc sờ thấy vùng sụn giáp to và chắc, nổi gồ lên, toàn thân bệnh nhân gầy, da xanh tái, sút cân.
Các giai đoạn ung thư thanh quản
Ung thư thanh quản được chia thành nhiều giai đoạn khác nhau, dựa vào đó để có chỉ định điều trị và tiên lượng phù hợp.
Giai đoạn 0: Các tế bào ung thư chỉ xuất hiện khu trú tại vùng thanh quản và chưa lan tràn sang các bộ phận hay mô bình thường khác.
Giai đoạn 1: Ở giai đoạn này khối u đã hình thành ở thanh quản và vẫn dây thanh quản vẫn di động bình thường, các tế bào ung thư chưa lan rộng ra xung quanh.
Giai đoạn 2: Khối u vẫn chỉ nằm ở thanh quản nhưng đã thay đổi vị trí, lúc này dây thanh nhiều khả năng không di động được nữa.
Giai đoạn 3: Khối u đã lan rộng ra mô kế thanh quản, 2 dây thanh không di động bình thường, có thể sờ thấy hạch bạch huyết cùng bên tổn thương khoảng 3cm.
Giai đoạn 4:Khối u di căn xâm lấn các cơ quan khác, hạch bạch huyết sờ thấy ở nhiều nơi và với kích thước lớn hơn.
Điều trị ung thư thanh quản giai đoạn cuối
Ung thư thanh quản giai đoạn cuối bệnh nhân có nhiều triệu chứng phức tạp, bao gồm tại vị trí ung thư nguyên phát và di căn đến như hạch cổ, cột sóng, xương, phổi, dạ dày, thực quản,...
Phẫu thuật không là phương thức điều trị được thực hiện ở giai đoạn 4 vì khối u thường lớn và di căn nhiều nơi trong cơ thể. Xạ trị và hóa trị hay kết hợp với nhau có thể điều trị cho bệnh nhân:
Xạ trị đơn thuần theo kỹ thuật 3D có thể sử dụng trong trường hợp tổn thương lan rộng, không phẫu thuật được. Có thể kết hợp với hóa trị đồng thời nếu sức khỏe bệnh nhân cho phép với phác đồ đa hóa chất 4 chu kỳ 21 ngày.
Hóa trị trong ung thư thanh quản giúp tăng mức độ nhạy cảm của tế bào ung thư với tia xạ, khi kết hợp với xạ trị góp phần làm giảm liều xạ. Hóa chất kháng thể đơn dòng giúp giảm các triệu chứng, nâng cao chất lượng sống, kéo dài thời gian sống và không tiến triển tiếp khối u.
Chăm sóc bệnh nhân ung thư thanh quản giai đoạn cuối
Việc điều trị trong giai đoạn này mục đích chính là giảm các triệu chứng khó chịu, năng cản ung thư di căn rộng hơn đến các cơ quan và kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Bên cạnh điều trị bằng các phương pháp trên, việc gia đình biết cách chăm sóc sẽ giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn:
Giúp bệnh nhân xoay trở thay đổi tư thế thường xuyên tránh nguy cơ loét do tỳ đè và nằm một chỗ quá lâu.
Massage tay chân nhẹ nhàng sẽ giúp bệnh nhân thoải mái, cải thiện lưu thông máu và giảm tê bì chân tay.
Động viên tinh thần bệnh nhân để tiếp tục điều trị và có hy vọng sống.
Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, đa dạng thực đơn hàng ngày cho bệnh nhân.
Thường xuyên vệ sinh thay drap giường và khu vực sinh hoạt xung quanh bệnh nhân.
Khuyến khích bệnh nhân vận động nhẹ nhàng mỗi ngày, thường xuyên ra ngoài để cải thiện chất lượng sống.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có cái nhìn tổng quan về bệnh ung thư thanh quản giai đoạn cuối. Mỗi người bệnh ung thư là một cá thể riêng biệt, vì vậy việc điều trị hay chăm sóc cần được thảo luận với bác sĩ để chọn được phương án tối ưu nhất.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm