Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nguyên nhân gây đau thanh quản và cách phòng ngừa

Ngày 26/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đau thanh quản là tình trạng phổ biến rất dễ gặp nhưng dễ bị bỏ qua. Đau thanh quản cũng là một trong những biểu hiện đầu tiên của căn bệnh ung thư. Hãy cùng Long Châu tìm hiểu tại sao bị đau thanh quản, những loại bệnh liên quan đến đau thanh quản và biết thêm cách chăm sóc thanh quản qua bài viết dưới đây.

Hiện nay, khí hậu có nhiều sự biến đổi dẫn đến chứng đau thanh quản trở nên phổ biến hơn. Đau thanh quản đem lại cảm giác đau rát, khó chịu. Bài viết này sẽ hướng dẫn cách chăm sóc thanh quản tốt hơn tránh được các căn bệnh nguy hiểm mà nó có thể mang lại nhé.

Thanh quản là gì? Tại sao đau thanh quản?

Thanh quản là một phần của hệ hô hấp, nằm ở vị trí nối giữa hầu và khí quản. Thanh quản cũng là bộ phận chính phát ra âm thanh, giúp chúng ta có thể giao tiếp được. Nó bao gồm ba phần: Cơ dây thanh quản, dây chằng dây thanh quản và niêm mạc. Khi chúng ta nói, dây thanh quản ở hai bên sẽ thắt chặt, khe hở ở giữa thu hẹp lại, thậm chí gần như đóng lại, luồng khí ùa ra từ khí quản và phổi liên tục tác động vào dây thanh quản, gây rung động và phát ra âm thanh.

Tình trạng đau thanh quản là do thanh quản bị những tổn thương bên trong, tạo nên cảm giác đau khi nói, thở hoặc nuốt. Đau thanh quản cũng là một trong những triệu chứng phổ biến ở các bệnh nhân gặp bệnh lý về đường hô hấp, phần lớn có thể là viêm thanh quảnung thư thanh quản. Ngoài ra, các bệnh lý tai mũi họng hoặc bệnh lý đường hô hấp nếu không điều trị kịp thời sau một thời gian tiến triển sẽ xuất hiện tình trạng thanh quản đau.
 

Nguyên nhân gây đau thanh quản và cách phòng ngừa 2
Thanh quản nằm giữa họng (hầu) và khí quản

Đau thanh quản do viêm thanh quản và một số bệnh lý tai mũi họng khác

Viêm thanh quản là bệnh lý phổ biến nhất trong các bệnh liên quan đến thanh quản. Nguyên nhân gây viêm thanh quản thường virus tấn công, vi khuẩn đường hô hấp, cố gắng nói to quá nhiều gây tổn thương thanh quản hoặc một số trường hợp bị nhiễm khuẩn bạch hầu. Khi bị viêm thanh quản, ngoài đau thanh quản, bệnh nhân còn gặp phải các triệu chứng khác như mất giọng, khàn giọng, thỉnh thoảng phải hắng giọng để giọng nói trong hơn, ho từng cơn, ho dai dẳng và sốt nhẹ, có thể sẽ cảm thấy nóng vùng họng, phổi.

Viêm thanh quản cấp thường đi kèm theo các bệnh lý về tai mũi họng khác như viêm họng, viêm amidan, cảm cúm, viêm VA,... Vì vậy ngoài các biểu hiện trên có thể xuất hiện thêm các triệu chứng của bệnh đi kèm như đau đầu, thanh quản đau dữ dội khi nuốt, chảy nước mũi, mỏi cơ,…

Nguyên nhân gây đau thanh quản và cách phòng ngừa 3
Viêm thanh quản căn bệnh thường gặp gây đau thanh quản

Các triệu chứng đau thanh quản sẽ gia tăng về mức độ và cường độ nếu tình trạng viêm thanh quản cấp kéo dài trên 3 tuần và chuyển sang tình trạng mạn tính. Chính vì vậy khi tình trạng đau thanh quản kèm theo thở khó khăn, sốt cao người bệnh cần đi khám ngay do bệnh đã trở nặng và có thể ảnh hưởng xấu đến tính mạng.

Đau thanh quản triệu chứng của ung thư thanh quản

Đây là một trong những bệnh lý vô cùng nguy hiểm về hô hấp. Trong những năm gần đây, tỷ lệ người mắc ung thư và những loại ung thư đặc biệt như ung thư thanh quản, vòm họng, lưỡi,… có dấu hiệu gia tăng. Nếu bạn bị đau thanh quản kéo dài kèm theo các triệu chứng dưới đây hãy cảnh giác và đi thăm khám ngay khi có thể:

  • Đường thở kém, thở khò khè;
  • Luôn cảm giác nghẹn ở cổ họng;
  • Cân nặng giảm nhanh.

Khi ung thư thanh quản, dây thanh sẽ có vô số những u nhỏ, polyp làm cho bề mặt niêm mạc thanh quản trở nên sần sùi. Giai đoạn các khối u phát triển gây đau thanh quản và biểu hiện kèm theo dễ bị khàn giọng.

Ung thư thanh quản có tiềm năng xuất hiện cao hơn đối với:

  • Người thường xuyên hút thuốc hoặc tiếp xúc với môi trường khói thuốc trở thành hút thuốc thụ động.
  • Người có thói quen sử dụng rượu bia thường xuyên.
  • Người làm việc trong có nhiều bụi mịn.
  • Người làm việc trong môi trường có nhiều axit sunfuric, niken, amiang,…
Nguyên nhân gây đau thanh quản và cách phòng ngừa 4
Đau thanh quản còn có thể do các bệnh khác như polyp thanh quản, lao thanh quản,...

Cách chăm sóc khi bị đau thanh quản

Người bệnh có thể chủ động chăm sóc và bảo vệ vùng tai mũi họng, thanh quản và đường thở của mình theo những cách sau:

  • Luôn giữ ấm cơ thể, vùng cổ, mũi, tai khi thời tiết lạnh. Khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột hoặc trong những đợt không khí lạnh là thời điểm dễ gây đau thanh quản và mắc các bệnh lý về đường hô hấp.
  • Nên vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý hàng ngày.
  • Hạn chế dùng thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh vì có thể gây bỏng họng, tác động xấu tới đầu thanh quản.
  • Không nên cố gắng nói quá lớn, nói quá nhiều trong thời gian dài,… bởi có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới thanh quản.
  • Nên khám định kỳ tai mũi họng và các bộ phận đường thở định kỳ từ 3 - 6 tháng 1 lần để nắm được tình trạng sức khỏe của mình và chăm sóc, điều trị kịp thời.

Bài viết này là một số thông tin liên quan đến tình trạng đau thanh quản. Mong rằng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về nguyên nhân và cách phòng tránh. Tuy đây là tình trạng thường gặp nhưng có thể dẫn đến các chứng bệnh nguy hiểm, hãy thăm khám ngay khi cơ thể có những biểu hiện lạ để điều trị kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm