Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Uống thuốc dạ dày trước hay sau khi ăn để đạt được hiệu quả tốt nhất?

Ngày 24/09/2023
Kích thước chữ

Việc uống thuốc dạ dày trước hay sau ăn là rất quan trọng, nó phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên nhân gây bệnh của bạn. Hiện nay, có nhiều loại thuốc dùng trong điều trị các bệnh liên quan đến dạ dày và việc biết sử dụng thuốc hợp lý sẽ giúp mang lại hiệu quả điều trị. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về các thuốc dạ dày nào nên uống trước hoặc sau khi ăn, giúp bạn có cái nhìn rõ ràng và biết cách dùng thuốc hợp lý.

Để đảm bảo thuốc cho tác dụng hiệu quả và tránh những tác dụng không mong muốn, cùng xem qua bài viết dưới đây để hiểu rõ “uống thuốc dạ dày trước hay sau khi ăn?” để đạt được hiệu quả tốt nhất nhé.

Bệnh đau dạ dày

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tiêu hóa, viêm loét dạ dày là một loại tổn thương có tính chất viêm nhiễm, phù nề, và có xuất hiện sự xung huyết ở lớp niêm mạc dạ dày. Viêm dạ dày cấp có thể dừng ở mức tổn thương viêm niêm mạc dạ dày, hoặc có thể tiến triển thành các vết loét và gây ra các biến chứng như xuất huyết ở dạ dày.

Biểu hiện của viêm dạ dày cấp có thể xuất hiện đột ngột hoặc dần dần gia tăng với các triệu chứng như cảm giác đầy bụng, căng tức, nóng rát, đau âm ỉ ở thượng vị, ợ hơi, ợ chua, và trong trường hợp nghiêm trọng có thể đau dữ dội. Ngoài ra, có thể xuất hiện triệu chứng nôn mửa và tiêu chảy.

Các triệu chứng này thường trở nên nghiêm trọng hơn sau khi ăn, đặc biệt khi tiêu thụ các thức ăn hoặc đồ uống có tính kích thích đối với niêm mạc dạ dày, như tỏi, ớt, rượu bia. Do đó, để giảm cơn đau, quan trọng nhất là ngưng tiêu thụ các chất có khả năng gây tổn thương niêm mạc dạ dày, trong đó bao gồm thức ăn chua, gia vị như ớt, tỏi, và các món ăn có nhiều chất béo như món chiên, xào, nướng, cũng như thức ăn lạnh hoặc sống như gỏi cá, nem chua, tiết canh.

Để điều trị viêm loét dạ dày một cách hiệu quả, người bệnh cần thăm khám để được chẩn đoán chính xác và nhận chỉ định sử dụng thuốc phù hợp. Phương pháp điều trị viêm loét dạ dày thường bao gồm việc kết hợp thuốc cùng với chế độ sống và chế độ ăn uống phù hợp.

Uống thuốc dạ dày trước hay sau khi ăn để đạt được hiệu quả tốt nhất? 1
Cơn đau dạ dày cấp có thể xuất hiện đột ngột hoặc dần dần gia tăng tại vùng thượng vị

Uống thuốc dạ dày trước hay sau khi ăn?

Vậy uống thuốc dạ dày trước hay sau khi ăn thì tốt? Thời điểm uống thuốc hợp lý sẽ giúp bạn đạt được hiệu quả điều trị tối ưu nhất và hạn chế những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.

  • Uống thuốc khi đói: Thuốc sẽ được giữ trong dạ dày từ 10 - 30 phút với môi trường có độ pH xấp xỉ 1.
  • Uống thuốc khi no: Thuốc sẽ được giữ trong dạ dày từ 1 - 4 giờ với môi trường có độ pH xấp xỉ 3.5.

Dựa vào tính chất của từng loại thuốc và mục đích điều trị, người bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn về thời điểm thích hợp để sử dụng thuốc.

Nhóm thuốc uống trước khi ăn

Thời điểm trước ăn thường là khi dạ dày trống rỗng nhất, thuốc có thể được hấp thụ tối đa và cho hiệu quả tốt nhất. Gồm các nhóm thuốc sau đây:

  • Thuốc ức chế bơm proton (PPIs): Tác dụng làm giảm tiết acid dạ dày, gồm các thuốc: Omeprazol, esomeprazol, pantoprazol,... Thuốc cần được uống trước ăn 30 - 60 phút để đạt được khả năng ức chế các bơm tiết acid hiệu quả nhất.
  • Sucralfat: Tác dụng tạo lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày. Thuốc được uống trước ăn 1 giờ và uống sau các thuốc khác 2 giờ.

Nhóm thuốc uống cùng thức ăn

Misoprostol: Thuốc nên dùng cùng với thức ăn để giảm tác dụng không mong muốn là tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng, đầy hơi và nhức đầu. Tránh dùng thuốc chung với chế phẩm có chứa Mg.

Nhóm thuốc uống sau khi ăn

Đối với một số nhóm thuốc dạ dày, việc uống sau khi ăn có thể giúp giảm áp lực lên dạ dày, ngăn ngừa tác dụng không mong muốn, giảm nguy cơ kích ứng dạ dày, bao gồm:

  • Thuốc kháng histamin H2 như: Cimetidin, ranitidin, famotidin, nizatidin có tác dụng ức chế tiết acid dạ dày. Thuốc được uống sau bữa ăn tối.
  • Thuốc kháng acid (antacid) là thuốc có tính kiềm như: Aluminium hydroxide, magnesium carbonate,... giúp trung hòa acid ở dạ dày mà không ảnh hưởng đến sự tiết acid. Thuốc được uống 1 - 2 giờ sau bữa ăn hoặc khi đau, nên uống cách các thuốc khác 2 giờ. Tại nhà thuốc Long Châu hiện có các thuốc như: Thuốc dạ dày chữ P, Antacil Nakorn, Alumina,...
  • Bismuth: Thuốc dùng trong điều trị làm lành vết loét dạ dày - tá tràng. Uống thuốc sau khi ăn và trước khi đi ngủ.
  • Kháng sinh: Các thuốc kháng sinh dùng trong điều trị viêm loét dạ dày, đặc biệt do Helicobacter pylori nên được uống ngay sau bữa ăn và trước khi đi ngủ để kéo dài thời gian lưu của thuốc tại dạ dày, nhằm tăng hiệu quả ức chế vi khuẩn tại chỗ.
Uống thuốc dạ dày trước hay sau khi ăn để đạt được hiệu quả tốt nhất? 3
Thuốc Phosphalugel (hay thuốc dạ dày chữ P) nổi tiếng với tác dụng giảm các cơn đau dạ dày, nóng rát, khó chịu

Những lưu ý cho người bệnh đau dạ dày

Dưới đây là những lưu ý quan trọng dành cho những người có vấn đề về dạ dày. Quản lý chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày có thể giúp bạn cải thiện tình trạng sức khỏe.

  • Duy trì chế độ ăn uống đúng giờ: Nếu để cho bản thân quá đói, dạ dày sẽ liên tục co bóp, dẫn đến cảm giác đau dạ dày tăng lên. Tuy ngược lại, việc ăn quá no có thể kích thích niêm mạc và tăng tiết acid dạ dày, từ đó làm trầm trọng thêm việc viêm loét dạ dày.
  • Chia thành nhiều bữa trong ngày: Điều này giúp cân bằng việc tiếc acid trong dạ dày. Tuy nhiên, tránh ăn vào ban đêm để giảm tải công việc của dạ dày trong thời gian nghỉ.
  • Hạn chế sử dụng thực phẩm chiên rán: Lựa chọn cách chế biến thực phẩm bằng luộc hoặc hấp thay vì chiên rán. Đồng thời, tránh thức ăn đông lạnh và thức ăn có chứa các chất kích thích.
  • Ăn chậm và nhai kỹ: Thay vì ăn cơm chan canh, bạn nên ăn từng phần riêng biệt và nhai kỹ. Việc này giúp tăng sản xuất nước bọt, giảm thời gian thức ăn lưu lại trong dạ dày, giảm áp lực cho dạ dày và hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
  • Thời điểm uống nước: Nên uống nước vào buổi sáng sau khi thức dậy và trước bữa ăn khoảng 1 tiếng. Hạn chế uống nước sau bữa ăn để tránh làm loãng dịch vị và làm trầm trọng thêm tình trạng đau dạ dày.
  • Tránh hoạt động thể chất ngay sau khi ăn: Không nên chạy nhảy hoặc làm việc nặng ngay sau bữa ăn để giảm nguy cơ tạo áp lực lên dạ dày.
  • Duy trì tâm trạng thoải mái và không căng thẳng: Tình trạng tâm lý cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của dạ dày, hãy giữ tâm trạng vui vẻ và thư giãn.
  • Tránh thức khuya hoặc dậy sớm quá: Giấc ngủ đủ và đúng thời gian cũng quan trọng để duy trì sức khỏe dạ dày.
  • Duy trì vệ sinh cá nhân và đồ dùng ăn uống: Rửa sạch đồ dùng hàng ngày qua nước đun sôi để tránh lây nhiễm khuẩn và bảo vệ sức khỏe của bản thân và người khác.
  • Tăng cường đề kháng cơ thể: Sử dụng thêm các loại thức ăn chứa đa sinh tố, đặc biệt là vitamin B12 để bảo vệ sức khỏe dạ dày.
Uống thuốc dạ dày trước hay sau khi ăn để đạt được hiệu quả tốt nhất? 4
Người bệnh đau dạ dày cần lưu ý trong chế độ ăn uống và sinh hoạt

Không chỉ dành cho người bệnh đau dạ dày, mà trong mỗi người chúng ta cũng cần có một chế độ ăn uống và sinh hoạt, tập luyện lành mạnh để duy trì một cơ thể khỏe mạnh.

Việc uống thuốc dạ dày trước hay sau ăn còn phụ thuộc vào loại thuốc mà mọi người sử dụng. Tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp, việc tuân thủ dùng thuốc đúng cách là rất quan trọng. Hy vọng bài viết đã giúp ích cho bạn về vấn đề "uống thuốc dạ dày trước hay sau khi ăn?".

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin