Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Vệ sinh răng miệng cho trẻ sơ sinh có quan trọng không?

Ngày 03/11/2021
Kích thước chữ

Việc vệ sinh răng miệng cho trẻ sơ sinh có phải là điều bắt buộc không? Thói quen này có quan trọng không trong việc giữ gìn và chăm sóc sức khỏe răng miệng của trẻ nhỏ?

Tuy rằng chưa mọc răng, nhưng cha mẹ cũng nên thường xuyên vệ sinh răng miệng cho trẻ sơ sinh. Việc vệ sinh răng miệng đúng và thường xuyên sẽ giúp làm sạch vi khuẩn có hại ẩn nấp trong khoang miệng của bé. Trẻ sẽ phòng tránh được nhiều bệnh tật về răng miệng, đường hô hấp, đường tiêu hóa,... Đồng thời, bé sẽ cảm nhận được mùi vị tốt hơn, kích thích ăn ngon miệng hơn.

Vì sao cần vệ sinh răng miệng cho trẻ sơ sinh hàng ngày?

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng, trẻ sơ sinh chưa mọc răng nên không cần thiết phải vệ sinh răng miệng thường xuyên. Đây hoàn toàn là một quan niệm sai lầm. Thực tế, dù cho trẻ chưa có răng nhưng việc dung nạp thức ăn vẫn phải thông qua đường miệng. Trong khoang miệng vẫn sẽ xuất hiện nhiều vi khuẩn, vi sinh vật có hại cho sức khỏe của bé. Vì thế, việc vệ sinh răng miệng cho trẻ sơ sinh là điều quan trọng và vô cùng cần thiết. 

Ở trẻ sơ sinh, khoang miệng thường bị cặn sữa hoặc tưa miệng. Khi không vệ sinh sạch sẽ thường xuyên, trẻ dễ bị mất khẩu vị dẫn đến chán ăn. Hoặc phát sinh thêm nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.

Vệ sinh răng miệng cho trẻ sơ sinh có quan trọng không 1Nên thường xuyên vệ sinh răng miệng cho trẻ sơ sinh để giúp bé tăng vị giác, kích thích ăn ngon.

1. Khái niệm cặn sữa

Nếu quan sát kỹ lưỡng, khi vừa được cho bú sữa xong thì trong miệng của bé sẽ xuất hiện các chấm nhỏ li ti màu trắng sữa, dễ bong tróc khi uống nước, không gây đau đớn cho bé. Những chấm trắng này được gọi là cặn sữa. Nguyên nhân của việc hình thành cặn sữa trong khoang miệng là do khi trẻ bú sữa công thức, bé sẽ hay ngậm sữa trong miệng và ngủ quên nên khiến sữa đóng cặn.

2. Khái niệm tưa miệng

Khác với cặn sữa không gây đau đớn và dễ bong tróc, khi bị tưa miệng, nó sẽ gây khiến khoang miệng chảy máu, gây đau đớn cho trẻ. Tưa miệng là hiện tượng khoang miệng xuất hiện một lớp màng giả màu trắng ở tại các vị trí niêm mạc, mặt trên lưỡi, vòm họng. Lớp màng màu trắng sẽ ăn sâu vào niêm mạc lưỡi, vòm họng. Lớp màng này rất khó bong tróc. 

Nguyên nhân trẻ bị tưa miệng là do khoang miệng có nấm candida albicans sống ký sinh. Ở điều kiện ẩm ướt, nấm candida albicans sống ký sinh sẽ phát triển, sinh sôi nảy nở thuận lợi. Việc xuất hiện loại nấm miệng này là do môi trường bên trong miệng ẩm ướt, độ pH thấp, do bị lây nhiễm từ muỗng, chén, núm vú không được vệ sinh sạch sẽ hoặc do mẹ bị nấm truyền sang con khi mang thai.

Vệ sinh răng miệng cho trẻ sơ sinh có quan trọng không 2Khi bị tưa miệng, bạn nên vệ sinh răng miệng cho trẻ sơ sinh 4 lần/ngày.

Những ngày đầu bị tưa miệng, đầu lưỡi sẽ xuất hiện các đốm trắng to, sau đó đốm trắng lớn dần sang hai bên niêm mạc má, vòm họng. Cuối cùng mới tạo thành một lớp màng giả màu trắng sữa, vàng kem hoặc xám. Khi bị bệnh tưa miệng, trẻ sẽ lười ăn, làm biếng bú do đau đớn. Ngoài ra, nếu tình trạng bệnh diễn biến nặng, bé còn bị tiêu chảy, viêm phế quản, ho,...

Các bước vệ sinh răng miệng cho trẻ sơ sinh đúng cách

Vệ sinh răng miệng cho trẻ sơ sinh là việc cần thiết và nên thường xuyên thực hiện. Trong từng trường hợp sức khỏe răng miệng của bé mà sẽ có các bước vệ sinh răng miệng đúng cách khác nhau.

Hướng dẫn vệ sinh răng miệng cho bé hàng ngày hoặc khi bị đóng cặn sữa: 

Đầu tiên, cha mẹ cần vệ sinh sạch sẽ bàn tay của mình. Sau đó, ẵm trẻ trên tay hoặc đặt bé nằm trên giường. Kế tiếp, bạn dùng băng rơ gạc lưỡi hoặc dụng cụ rơ lưỡi hình ống quấn vào ngón tay. Tiếp theo, nhúng ngón tay đã quấn băng gạc vào dung dịch nước muối pha loãng có nồng độ Natri Clorua là 0,9%. Nếu không có nước muối thì bạn có thể thay thế bằng nước đun sôi để nguội cũng được.

Bước tiếp theo, bạn mở nhẹ miệng của bé ra và đưa ngón tay vào bên trong, nhẹ nhàng lau sạch khoang miệng và massage các nướu để kích thích mọc răng cho bé. Cuối cùng, đặt ngón tay ở cuống lưỡi và kéo nhẹ đến đầu lưỡi để chà sạch và loại bỏ cặn sữa. Một điều bạn nên lưu ý là không thọt tay quá sâu vào bên trong vòm họng để tránh cho bé bị nôn trớ. Bên cạnh đó, không nên vệ sinh răng lưỡi khi bé vừa mới ăn xong. Thực hiện thường xuyên 2 lần/ngày để giữ gìn vệ sinh răng miệng cho trẻ.

Hướng dẫn vệ sinh răng miệng khi trẻ bị tưa miệng:

Cách thực hiện cũng gần giống như khi vệ sinh răng miệng hàng ngày hoặc khi bé bị đóng cặn sữa. Điểm khác biệt duy nhất là dung dịch muối loãng sẽ được thay thế bằng dung dịch Nystatin trị nấm và số lần vệ sinh được tăng lên thành 4 lần trong ngày. Bước thứ nhất, bạn làm sạch bàn tay của mình và để trẻ nằm cố định trên giường hoặc bế ở một bên tay. Sau đó, dùng băng gạc rơ lưỡi quấn đầu ngón tay hoặc đeo ống gạc tưa lưỡi vào.

Vệ sinh răng miệng cho trẻ sơ sinh có quan trọng không 3Vệ sinh răng miệng cho trẻ sơ sinh theo các bước hướng dẫn để đạt kết quả tốt nhất.

Kế đó, nhúng ngón tay vào dung dịch Nystatin và lau nhẹ nhàng mặt trên, dưới, từ bên trong kéo ra bên ngoài của phần lưỡi. Tiếp theo, bạn thay băng gạc hoặc ống rơ lưỡi mới và thực hiện tiếp thao tác ở mặt trong hai bên má, trên vòm miệng, phần nướu. Để giúp bé giảm đau và dễ ăn uống, bạn nên đánh tưa miệng trước bữa ăn của trẻ khoảng 30 phút. Khi tình trạng tưa miệng bớt đi hẳn, bạn giảm số lần đánh tưa xuống còn 2 lần/ngày cho đến khi bệnh hết hẳn.

Hãy nhớ rằng, việc vệ sinh răng miệng cho trẻ sơ sinh cũng quan trọng không kém khi vệ sinh răng miệng cho bé 1 tuổi, vệ sinh răng miệng cho bé 2 tuổi. Vì thế, cha mẹ nên chú ý rơ lưỡi, chải răng cho trẻ thường xuyên để bảo vệ sức khỏe răng miệng. Tập thói quen chăm sóc răng miệng tốt cho bé ngay từ nhỏ sẽ giúp trẻ sở hữu nụ cười trắng sáng với hàm răng chắc khỏe trong tương lai.

Bảo Vân

Nguồn: Tổng Hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin