Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Trong lịch sử nhân loại, dịch hạch là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất chỉ đứng sau bệnh đậu mùa. Dưới sự phát triển của khoa học và sự ra đời của kính hiển vi thì cuối cùng vào năm 1894, Alexandre Yersin đã tiết lộ thủ phạm thực sự của căn bệnh chết người này chính là vi khuẩn dịch hạch Yersinia pestis.
Từng là một trong những đại dịch kinh hoàng nhất lịch sử loài người, bệnh dịch hạch được mệnh danh “cái chết đen” gây ra ám ảnh cho nhiều quốc gia. Với mức độ tiến triển xấu và khả năng lây lan nhanh chóng, căn bệnh truyền nhiễm này đến nay vẫn là mối lo cho sức khỏe cộng đồng.
Dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra với biểu hiện nhiễm khuẩn, nhiễm độc toàn thân, tiến triển cấp tính và lây lan nhanh. Đây là dịch bệnh có tỷ lệ tử vong cao được xếp vào diện phải khai báo và kiểm dịch quốc tế.
Theo số liệu thống kê, vào những năm 1989 - 2003, ở 25 quốc gia trên thế giới, có khoảng 38.000 ca mắc bệnh dịch hạch, trong đó có hơn 2.800 trường hợp tử vong. Vào giai đoạn 1960 - 1970 tại Việt Nam, có khoảng 10.000 ca bệnh dịch hạch mỗi năm. Nhưng trong những năm trở lại đây, tại các cơ sở y tế hầu như không ghi nhận thêm bất cứ trường hợp mắc bệnh nào.
Vi khuẩn dịch hạch hay trực khuẩn Yersinia pestis thuộc họ vi khuẩn đường ruột, giống Yersinia là nguyên nhân gây ra bệnh dịch hạch. Sau khi lây lan vào cơ thể, chúng tiêm chất độc vào trong các tế bào miễn dịch như đại thực bào. Từ đó, loại bỏ các tế bào này và vô hiệu hóa hệ thống miễn dịch của vật chủ.
Trực khuẩn dịch hạch là vi khuẩn cực kỳ độc hại có hình que ngắn nhưng rất dễ sinh trưởng ở điều kiện thông thường (mức nhiệt từ 28 - 37 độ C). Nhưng chúng là loại vi khuẩn có sức đề kháng kém, dễ bị ánh mặt trời tiêu diệt trong vài giờ, chỉ có thể sống khoảng 30 phút ở điều kiện 55 độ C và 1 phút ở 100 độ C. Tuy nhiên, các ổ vi khuẩn dịch hạch trong môi trường như: Đất ẩm, xác chuột… lại có thể tồn tại từ vài chục ngày đến vài tháng.
Trực khuẩn Yersinia pestis có khả năng tạo ra cả nội độc tố và ngoại độc tố. Các nội độc tố là nguyên nhân gây ra triệu chứng sốt, viêm và co giật của bệnh dịch hạch. Trong khi đó, các ngoại độc tố có bản chất là protein, gây ra tình trạng tan hồng cầu, phá hủy các tế bào và cơ quan trong cơ thể. Các triệu chứng của ngoại độc tố có thể bao gồm sốc, ứ máu, suy hô hấp và suy tim.
Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm của các loài động vật gặm nhấm hoang, chủ yếu gặp ở các loài chuột. Bệnh lây đến cho chuột đồng, chuột nhà và lây truyền cho vật chủ mới qua các vết đốt của bọ chét, ký sinh trùng bị nhiễm khuẩn.
Những đối tượng từng đến ổ dịch hạch cũng có thể bị bọ chét nhiễm khuẩn cắn phải và mắc bệnh. Ngoài ra bệnh còn lây giữa người sang người do chấy rận; lây nhiễm trực tiếp qua đường hô hấp nếu người nhiễm mắc bệnh dịch hạch thể phổi; do tiếp xúc với vùng da bị tổn thương của người bệnh hoặc lây nhiễm qua nguồn thức ăn và nước uống do chuột trực tiếp gây nhiễm.
Vi khuẩn dịch hạch sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ đi qua hệ thống bạch huyết sau đó lưu lại. Chúng sinh sôi và phát triển số lượng lên ở các hạch, rồi đi vào máu qua các đường bạch huyết và đến cư trú ở các hạch sâu, thận, gan, lá lách và gây ra bệnh dịch hạch thể hạch.
Nếu đại thực bào ở các cơ quan như: Thận, gan, lá lách không thể ngăn chặn được sự tấn công của trực khuẩn dịch hạch, chúng sẽ tiếp tục sinh sản gây ra nhiễm khuẩn huyết tiên phát. Sau đó, tiếp tục theo đường máu lan đến các cơ quan khác và gây ra các thể dịch hạch thứ phát như: Thể não, thể phổi...
Đây là thể lâm sàng thường gặp nhất của bệnh dịch hạch. Trong thời kỳ phát bệnh, người bệnh có các triệu chứng như: Mệt mỏi, chóng mặt, sốt cao và các biểu hiện nhiễm độc nặng như: Buồn nôn, rét run.
Tại vị trí bị bọ chét đốt nổi các mụn nước, các hạch khi nổi lên thì cứng, sưng to, không thể di động và gây đau đớn cho người bệnh kể cả lúc ngủ. Các khối hạch sưng to có thể hóa mủ, tự vỡ ra, chảy mủ và tạo thành các lỗ trên da rất lâu lành và tạo thành sẹo. Mặt khác, các hạch cũng có thể xơ hóa thành 1 khối rắn chắc.
Bệnh nhân mắc dịch hạch thể hạch cần được điều trị kịp thời, nếu không có thể tử vong chỉ sau 5 - 6 ngày nhiễm bệnh do nhiễm khuẩn máu.
Nguyên nhân gây thể phổi tiên phát thường là do lây trực tiếp từ người bệnh mắc bệnh dịch hạch thể phổi. Người bệnh có các triệu chứng như: Rét run, sốt cao, mệt mỏi, nhức đầu, mạch nhanh, huyết áp giảm xuống và các triệu chứng khởi phát đột ngột. Sau từ vài giờ đến 1 ngày, các triệu chứng về hô hấp xuất hiện thêm như: Khó thở, thở gấp, ho có đờm sau đó đờm có máu. Bệnh dễ lây lan và có thể tiến triển rất nhanh thành phù phổi cấp, gây rối loạn tim mạch nặng và dẫn đến tử vong sau 2 - 3 ngày không được điều trị.
Thể phổi thứ phát phát triển trên cơ sở các thể tiên phát như thể hạch do không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Dạng này phổ biến hơn so với thể phổi tiên phát.
Là thể ít gặp, chỉ chiếm 1 - 2 % các trường hợp của bệnh dịch hạch nhưng lại rất nguy hiểm. Nhiễm khuẩn huyết tiên phát diễn ra đột ngột, khiến bệnh nhân nôn nhiều, sốt cao với nhiều cơn rét run, bụng chướng, đi phân lỏng, rối loạn về tim mạch và hô hấp, xuất huyết dưới da, niêm mạc. Bên cạnh đó bệnh nhân có thể bị kích động hoặc nằm li bì.
Thể bệnh thứ phát diễn ra khi người bệnh dịch hạch đã giảm sức đề kháng, thường là do biến chứng của thể phổi và thể hạch. Bệnh nặng, tiến triển rất nhanh, có thể gây tử vong sau 2 - 3 ngày nếu không điều trị.
Bài viết trên đây chắc hẳn đã giúp bạn hiểu thêm về vi khuẩn dịch hạch cũng như căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hàng đầu này. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến những biểu hiện cấp tính và gây nguy cơ tử vong cao cho người bệnh.
Minh QA
Nguồn tham khảo: vinmec.com
Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy
Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.