Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Xuất huyết dưới da là gì? Xuất huyết dưới da ở người già có nguy hiểm không?

Ngày 09/02/2023
Kích thước chữ

Xuất huyết dưới da là bệnh lý có thể xảy ra ở mọi đối tượng, từ trẻ nhỏ cho đến người già. Xuất huyết dưới da ở người lớn tuổi hầu hết được bắt nguồn từ các nguyên nhân lành tính, tuy nhiên ở một số trường hợp tình trạng này có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Vậy bệnh xuất huyết dưới da là gì? Xuất huyết dưới da ở người già có đáng lo ngại không?

Xuất huyết dưới da xảy ra do tế bào máu thoát ra khỏi thành mạch để đi vào các mô nằm bên dưới da dưới tác động của một nguyên nhân nào đó. Tuy nhiên, xuất huyết dưới da ở người già có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nên cần thận trọng hơn so với các nhóm tuổi khác. Vậy cần xử trí như thế nào khi gặp phải tình trạng này?

Xuất huyết dưới da là gì? Xuất huyết dưới da ở người già có nguy hiểm không? Xuất huyết dưới da ở người già có đáng lo ngại không

Xuất huyết dưới da là bệnh gì?

Xuất huyết dưới da là tình trạng xuất hiện các đốm, các chấm có màu đỏ, nâu hoặc tím, có đôi khi là những mảng xuất huyết dưới da khá lớn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất huyết dưới da là do các mao mạch bị vỡ ra, máu sẽ thoát ra khỏi thành mạch và rò rỉ vào các mô xung quanh. Mạch máu bị vỡ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng trong hầu hết các trường hợp tình trạng này không gây ra triệu chứng nghiêm trọng. Các tổn thương do xuất huyết có thể sẽ lành trong vài ngày hoặc vài tuần.

Xuất huyết dưới da có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó đối tượng người già có tần suất xuất hiện phổ biến hơn, đặc biệt là ở nhóm người trên 50 tuổi.

Xuất huyết dưới da ở người lớn tuổi có thể xuất hiện dưới một số dạng như sau:

  • Các đốm xuất huyết xuất hiện khi chỉ có một vài mạch máu nhỏ bị vỡ ra, trông giống các đốm nhỏ có đường kính dưới 2mm hoặc có kích thước bằng đầu bút chì màu.
  • Xuất hiện các ban xuất huyết khi các mạch máu nhỏ bị vỡ. Chúng trông giống một mảng có màu đỏ tím có kích thước khoảng từ 4mm đến 1cm. Thông thường, khi dùng tay ấn vào da, các ban xuất huyết này sẽ trở nên nhợt nhạt và trở lại màu đỏ tím khi buông tay ra, trong khi các đốm xuất huyết sẽ không bị mất màu khi ấn vào.
  • Xuất hiện các mảng máu bầm khi có nhiều mạch máu rất gần nhau bị vỡ ra, dẫn đến máu bị tụ lại ngay dưới bề mặt da. Các mảng bầm máu trông giống các vết bầm tím nhưng không phải trường hợp nào cũng liên quan đến chấn thương.
  • Tình trạng tụ máu dưới da xảy ra khi các mạch máu lớn bị vỡ ra, dẫn đến máu bị đông lại. Thông thường các khối máu tụ khá là nhỏ. Tuy nhiên, nếu chúng xuất hiện và phát triển trong các cơ quan hoặc trong khoang cơ thể lớn hơn, chúng có thể rất nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa đến tính mạng.
Xuất huyết dưới da là gì? Xuất huyết dưới da ở người già có nguy hiểm không? Xuất huyết dưới da xảy ra do các mao mạch bị vỡ ra

Xuất huyết dưới da ở người già có nghiêm trọng không?

Tình trạng xuất huyết dưới da ở người già có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân lành tính. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo của những bệnh lý nguy hiểm, cụ thể như: 

  • Bệnh đái tháo đường: Nếu cơ thể thường xuyên xuất hiện các vết xuất huyết nhưng không phải do va đập, đó có thể là một dấu hiệu cảnh báo về bệnh tiểu đường. Bởi khi lượng đường trong máu tăng cao, các bộ phận như mạch máu, thần kinh và da sẽ bị yếu đi, gây ra tình trạng xuất huyết mao mạch. 
  • Tập luyện quá sức: Việc tập luyện thể lực quá sức cũng có thể gây ra hiện tượng bầm tím da. Bởi các bài tập thể dục quá mức có thể làm vỡ các mao mạch nhỏ ở dưới da và gây xuất huyết dưới da.
  • Chấn thương: Các chấn thương do tai nạn xe, vấp ngã, va đập, vết cắn, cháy nắng… cũng là những yếu tố gây ra tình trạng xuất huyết dưới da.
  • Nhiễm trùng: Một số bệnh lý như viêm họng liên hầu, nhiễm virus (cytomegalo virus, hantavirus) hoặc sốt đốm rocky mountain (lây nhiễm do bọ ve) cũng có thể gây ra biểu hiện xuất huyết dưới da.
  • Bệnh lý về máu: Các bệnh lý về máu thường gây ra triệu chứng xuất huyết dưới da bất thường như bệnh bạch cầu cấp, giảm tiểu cầu khiến cho quá trình đông máu hoạt động kém đi, bệnh bạch cầu đơn nhân… Do vậy, người lớn tuổi khi thấy xuất hiện tình trạng xuất huyết dưới da bất thường và không rõ nguyên nhân, hãy đến gặp bác sĩ sớm để được thăm khám.
  • Sốt xuất huyết do virus: Sốt xuất huyết do virus Ebola hoặc virus Dengue có thể gây ra triệu chứng xuất huyết ở nhiều bộ phận trên cơ thể. Một số triệu chứng khác có thể gặp như sốt liên tục, đau nhức cơ, suy nhược cơ thể…
  • Sử dụng thuốc: Việc sử dụng một số loại thuốc có thể gây ra tình trạng xuất huyết dưới da ở người già bao gồm thuốc chống đông máu (warfarin, heparin), thuốc kháng sinh (nitrofurantoin, penicillin), thuốc chống viêm không chứa steroid (naproxen, indomethacin)...
  • Bệnh ban xuất huyết: Bệnh lý này khiến máu thoát ra từ các mao mạch nhỏ và dẫn đến xuất huyết hàng nghìn các vết bầm tím nhỏ, có thể gây ngứa ở những trường hợp nặng.
  • Thiếu vitamin: Thiếu vitamin, đặc biệt là vitamin C - hoạt chất có vai trò quan trọng trong quá trình chữa lành các vết thương và giúp vết thương hình thành collagen. Tình trạng cơ thể thiếu hụt vitamin C sẽ làm tăng nguy cơ vỡ các mạch máu nhỏ và hậu quả là gây xuất huyết dưới da. Ngoài ra, thiếu vitamin K có thể làm chậm quá trình đông máu, thiếu vitamin B12 sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất máu của cơ thể.
  • Mất cân bằng nội tiết tố: Tình trạng này thường xuất hiện ở phụ nữ mãn kinh hoặc phụ nữ mang thai. Nguyên nhân chính là do thiếu hụt nồng độ hormone estrogen, điều này làm suy yếu thành mạch máu và khiến cho mao mạch dễ bị tổn thương, làm tăng nguy cơ xuất huyết dưới da.

Ngoài ra, khi tình trạng xuất huyết có kèm theo các triệu chứng khác như vùng da xuất huyết bị đau nhiều, sưng to, lan rộng tạo thành các mảng bầm tím hoặc màu đen lớn, chảy máu qua da do vết bầm hở, sốt cao, chóng mặt, khó thở, giảm hoặc mất nhận thức… cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm.

Xuất huyết dưới da là gì? Xuất huyết dưới da ở người già có nguy hiểm không? Xuất huyết dưới da ở người già có thể là một dấu hiệu cảnh báo bệnh lý đái tháo đường

Xử trí ban đầu ở người già bị xuất huyết dưới da

Trong các trường hợp nhẹ, tình trạng xuất huyết dưới da ở người già có thể được xử trí ban đầu ngay tại nhà bằng một số phương pháp sau:

  • Chườm lạnh: Dùng đá hoặc túi lạnh chườm ngay lên vết bầm tím để giảm đau hoặc giảm sưng tấy. Thời gian chườm lạnh kéo dài khoảng 10 - 20 phút/lần, từ 3 lần/ngày trở lên tùy thuộc vào mức độ của mỗi người bệnh và di chuyển túi chườm trên da liên tục. Trong vòng 48 giờ đầu sau khi bị chấn thương, hãy tránh những tác nhân có thể làm tăng sưng tấy như dùng túi chườm nóng, tắm nước nóng hoặc sử dụng đồ uống có cồn. Sau 48 - 72 giờ, nếu vết bầm đã hết sưng, hãy chườm nóng và vận động nhẹ nhàng để giúp phục hồi vết thương.
  • Kê cao vùng bầm tím trên gối trong lúc chườm đá, cố gắng đảm bảo vùng này bằng hoặc cao hơn tim để giúp giảm thiểu tình trạng sưng tấy.
  • Nếu vùng xuất huyết bị sưng và cứng, có thể dùng băng đàn hồi quấn quanh vùng đó để giúp giảm sưng. Lưu ý là không nên quấn quá chặt vì có thể gây ảnh hưởng phía dưới vùng bị tổn thương, nới lỏng băng nếu cảm thấy quá chặt. Các dấu hiệu cho thấy băng quá chặt như ngứa ran, tê, tăng cảm giác đau, sưng tấy hoặc lạnh ở vùng bên dưới băng.
  • Trong trường hợp xuất hiện cơn đau tại vùng bị xuất huyết, có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau như paracetamol hoặc ibuprofen nhưng phải tuân theo đơn chỉ định của bác sĩ.
  • Uống đủ nước: Xuất huyết dưới da ở người già có thể báo hiệu tình trạng sốc do giảm thể tích nặng. Do đó, việc bù nước trong trường hợp này ngay từ ban đầu là điều rất cần thiết.

Chườm lạnh trên các vết bầm tím do va đập nhằm giúp giảm đau, giảm sưng

Tóm lại, tình trạng xuất huyết dưới da ở người già có thể do nhiều nguyên nhân gây ra và đồng thời đó cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý nguy hiểm nào đó. Nếu các vết bầm tím giảm dần và không có thêm bất kỳ triệu chứng kèm theo nào thì có thể được xử trí ban đầu ngay tại nhà. Ngược lại, nếu chúng có diễn biến xấu đi và cơ thể có thêm các biểu hiện khác, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời. 

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Vinmec

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin