Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Vi khuẩn HP lây qua đường nào? Các biện pháp phòng tránh vi khuẩn HP

Ngày 22/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Vi khuẩn HP gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe liên quan đến dạ dày và tá tràng. Việc hiểu rõ vi khuẩn HP lây qua đường nào là điều vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe và phòng tránh nguy cơ mắc bệnh.

Nhiễm khuẩn vi khuẩn HP trong dạ dày là một trong những loại nhiễm trùng phổ biến nhất. Đây chính là nguyên nhân gây ra các bệnh lý liên quan đến dạ dày - tá tràng như viêm nhiễm, loét, và thậm chí là ung thư dạ dày. Vậy, vi khuẩn HP lây qua đường nào và làm thế nào để ngăn ngừa loại vi khuẩn này? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây.

Vi khuẩn HP là gì?

Vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) là một loại vi khuẩn tồn tại và phát triển trong môi trường dạ dày của con người. Đặc điểm nổi bật của chúng là khả năng sản xuất enzym urease, giúp chúng điều chỉnh độ axit trong môi trường dạ dày.

vi-khuan-hp-lay-qua-duong-nao 1.jpg
Vi khuẩn HP tồn tại và phát triển trong môi trường dạ dày của con người

Vi khuẩn HP là nguyên nhân chính gây hại cho niêm mạc dạ dày, góp phần vào việc gây ra các tình trạng rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày và loét dạ dày - tá tràng, thậm chí có khả năng thúc đẩy sự phát triển ung thư dạ dày. Thông tin thống kê cho thấy rằng khoảng 90% trong số các trường hợp ung thư biểu mô dạ dày có liên quan đến vi khuẩn HP.

Vi khuẩn HP lây qua đường nào?

Hiện nay, các trường hợp nhiễm vi khuẩn HP ngày càng nhiều. Tình trạng nhiễm khuẩn này có thể dễ dàng bị lây nhiễm từ người bệnh đến người lành. Một số con đường lây nhiễm vi khuẩn HP phổ biến nhất như:

Lây qua đường miệng - miệng

Vi khuẩn HP tồn tại trong dạ dày, nước bọt, khoang miệng và mảng bám trên răng của người nhiễm. Chúng lây lan chủ yếu thông qua tiếp xúc nước bọt và dịch tiết tiêu hóa. Người có thể nhiễm khuẩn khi dùng chung vật dụng vệ sinh răng miệng, dùng chung bát đũa, hôn môi trực tiếp, và các hình thức tiếp xúc khác. Gia đình có người nhiễm HP có nguy cơ cao lây truyền cho những thành viên còn lại.

Lây qua đường phân - miệng

Phân của người nhiễm HP chứa vi khuẩn này do vậy thực phẩm có thể bị nhiễm khuẩn khi tiếp xúc với các con vật trung gian như ruồi, gián, chuột hoặc tay người sau khi đi vệ sinh. Việc không vệ sinh tay sau khi tiếp xúc với phân cũng có thể gây lây nhiễm. Các thực phẩm này nếu không được chế biến sạch và nấu chín đủ có thể khiến người ăn bị nhiễm vi khuẩn HP.

Lây truyền qua thiết bị y tế

Vi khuẩn HP cũng có thể lây truyền chéo qua việc sử dụng chung các thiết bị y tế như dây nội soi dạ dày, dụng cụ nội soi tai mũi họng, và dụng cụ nha khoa. Nếu các dụng cụ này không được vệ sinh và tiệt trùng đúng cách sau mỗi lần sử dụng, chúng có thể trở thành nguồn lây nhiễm cho những người tiếp theo sử dụng.

vi-khuan-hp-lay-qua-duong-nao 2.jpg
Vi khuẩn HP lây qua đường nào là thắc mắc của nhiều người

Những đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn HP

Mặc dù bất kỳ ai cũng có khả năng nhiễm vi khuẩn này, nhưng có một số đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn HP như:

  • Người có thói quen ăn đồ tái, sống: Những người thường xuyên ăn thực phẩm tái hoặc sống như thịt sống, hải sản sống, trứng sống có nguy cơ cao hơn nhiễm vi khuẩn HP, vì vi khuẩn này có thể tồn tại trong những loại thực phẩm chưa được nấu chín.
  • Người thường xuyên ăn uống tại hàng quán vỉa hè: Các nơi bán thức ăn vỉa hè có thể không đảm bảo vệ sinh, dẫn đến nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP từ thực phẩm không được kiểm soát nguồn gốc và xử lý không đảm bảo an toàn.
  • Trong gia đình có thành viên nhiễm vi khuẩn HP: Việc tiếp xúc với người nhiễm vi khuẩn HP trong gia đình tăng nguy cơ lây nhiễm. Vi khuẩn có thể truyền qua đường nước bọt, nước đồ uống và thức ăn chung.
  • Trẻ nhỏ: Trẻ em thường có thói quen hôn môi, nhai mớm thức ăn của người thân, đặc biệt là bố mẹ. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn HP từ người lớn trong gia đình.
vi-khuan-hp-lay-qua-duong-nao 3.jpg
Người hay ăn đồ sống có nguy cơ cao bị nhiễm vi khuẩn HP

Một số biện pháp phòng tránh vi khuẩn HP

Sau khi giải đáp vi khuẩn HP lây qua đường nào, cũng như những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm khuẩn HP, một vấn đề mà bạn cũng cần quan tâm đó là những biện pháp để phòng tránh loại vi khuẩn này hiệu quả. Dưới đây là một số cách để ngăn ngừa lây nhiễm vi khuẩn HP và bảo vệ sức khỏe mà bạn có thể tham khảo:

  • Vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh: Luôn rửa tay đúng cách bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và khi tiếp xúc với môi trường không rõ nguồn gốc. Thường xuyên lau chùi và vệ sinh nhà cửa, đảm bảo không gian sống luôn sạch sẽ để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển.
  • Sử dụng nguồn nước sạch và thực phẩm an toàn: Chọn nguồn nước sạch và đảm bảo nước uống và nước dùng trong việc nấu nướng đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Ưu tiên sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc rõ ràng.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Tránh sử dụng thực phẩm ôi thiu, ẩm mốc, thức ăn không rõ nguồn gốc. Đảm bảo thực phẩm được nấu chín đầy đủ trước khi ăn, đặc biệt là thịt, hải sản và trứng. Hạn chế sử dụng thực phẩm chiên, nướng quá mức và ăn nhiều rau sống.
  • Tập thể dục và duy trì lối sống lành mạnh: Tập thể dục và thể thao thường xuyên giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng và khả năng chống lại nhiễm khuẩn.
  • Phòng tránh lây nhiễm trong gia đình: Nếu trong gia đình có người bị nhiễm vi khuẩn HP, cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, như không dùng chung vật dụng cá nhân, đồ ăn uống.
vi-khuan-hp-lay-qua-duong-nao 4.jpg
Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ giúp phòng tránh vi khuẩn HP

Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về vi khuẩn HP lây qua đường nào cũng như mang đến một số biện pháp phòng tránh vi khuẩn HP hiệu quả nhất.  Nếu trường hợp bạn test HP dạ dày và phát hiện mình đã nhiễm khuẩn HP thì vẫn có thể chữa trị dứt điểm được. Nên đừng lo bạn nhé! Mong rằng bài viết đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích giúp bạn bảo vệ sức khỏe của cả bản thân và gia đình.

Xem thêm: Các phương pháp test HP dạ dày phổ biến nhất hiện nay

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm