Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Bệnh nhân bị viêm dạ dày ăn gì?

Ngày 22/07/2024
Kích thước chữ

Viêm dạ dày là một trong những bệnh lý tiêu hóa phổ biến hiện nay, gây ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Chế độ ăn uống hàng ngày đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát triệu chứng và hỗ trợ quá trình hồi phục của bệnh nhân viêm dạ dày. Vậy bệnh nhân bị viêm dạ dày nên ăn gì?

Chế độ dinh dưỡng hợp lý là yếu tố quan trọng giúp bệnh nhân viêm dạ dày duy trì sức khỏe và giảm thiểu triệu chứng viêm. Nhiều bệnh nhân thường băn khoăn không biết nên lựa chọn thực phẩm nào để vừa ngon miệng vừa an toàn cho dạ dày. Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá xem bệnh nhân viêm dạ dày ăn gì nhằm hỗ trợ quá trình điều trị hiệu quả nhất.

Viêm dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị viêm, sưng đột ngột và nghiêm trọng. Nó gây ra các cơn đau dữ dội và dai dẳng nhưng chỉ tạm thời, thường kéo dài trong các đợt ngắn. Ngược lại, viêm dạ dày mãn tính phát triển chậm và kéo dài hơn, gây ra các cơn đau âm ỉ có thể kéo dài vài năm nếu không được điều trị kịp thời.

Dinh dưỡng cho bệnh nhân bị viêm dạ dày

Khi bị viêm, niêm mạc dạ dày thay đổi và mất đi một số tế bào bảo vệ, có thể gây ra cảm giác bệnh nhân thấy no sớm đi kèm các triệu chứng thường gặp khác bao gồm buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, đầy hơi và khó tiêu.

 Bệnh nhân bị viêm dạ dày ăn gì? 1
Khi bị viêm, bệnh nhân thấy no sớm đi kèm đau bụng, đầy hơi và khó tiêu

Nguyên nhân gây viêm dạ dày có thể do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP), sự suy yếu của niêm mạc dạ dày theo tuổi tác, tiêu thụ quá nhiều rượu, thuốc lá, caffein, sử dụng thường xuyên thuốc chống viêm không steroid (NSAID), căng thẳng mạn tính hoặc các rối loạn tự miễn dịch khác.

Chế độ ăn uống không chỉ quan trọng cho sức khỏe tổng thể mà còn rất tốt cho hệ tiêu hóa. Ăn uống hợp lý khi bị viêm dạ dày có thể giúp giảm các triệu chứng, điều tiết acid dạ dày, ngăn ngừa tổn thương mô thêm và tạo điều kiện hỗ trợ quá trình làm lành vết viêm.

Mục tiêu của chế độ ăn kiêng dành cho viêm dạ dày là giảm viêm. Bạn nên tránh các loại thức ăn và đồ uống gây kích ứng dạ dày, chẳng hạn như cà phê và trái cây có vị chua, vì chúng có thể gây đầy hơi và buồn nôn ngay khi ăn.

Bệnh nhân bị viêm dạ dày ăn gì?

Chế độ ăn uống không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra viêm dạ dày mãn tính, nhưng nếu bạn đang bị viêm dạ dày, việc ăn một số loại thực phẩm có thể làm các triệu chứng trở nên nặng hơn. Những thực phẩm này bao gồm thức ăn cay, chiên, và có tính axit cao.

Ngược lại, một số loại thực phẩm và đồ uống có thể giúp kiểm soát viêm dạ dày và giảm bớt các triệu chứng. Các thực phẩm này bao gồm:

Thực phẩm chứa lợi khuẩn (probiotic)

Sữa chua: Sữa chua không chỉ giúp bổ sung canxi mà còn chứa lợi khuẩn probiotic, hỗ trợ cân bằng hệ vi sinh trong dạ dày.

 Bệnh nhân bị viêm dạ dày ăn gì? 2
Sữa chua chứa lợi khuẩn probiotic, hỗ trợ cân bằng hệ vi sinh trong dạ dày

Kim chi và dưa cải bắp: Đây là những thực phẩm lên men giàu probiotic, giúp cải thiện hệ tiêu hóa và hỗ trợ điều trị viêm dạ dày.

Thực phẩm giàu chất xơ

Các loại đậu: Đậu lăng, đậu nành chứa nhiều chất xơ và protein, giúp cải thiện chức năng tiêu hóa.

Rau củ ít axit: Bí đỏ, bí xanh, khoai tây, khoai lang, cà rốt, bắp cải, cải xoăn, cải bó xôi là những loại rau củ giàu vitamin và chất xơ, dễ tiêu hóa và tốt cho niêm mạc dạ dày.

Thực phẩm chứa vitamin và khoáng chất

Trái cây ít axit: Việt quất, mâm xôi, dâu tây, chuối, táo ngọt chứa nhiều vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường sức đề kháng và giảm triệu chứng viêm.

Hải sản (không chiên): Hải sản như cá, tôm cung cấp nhiều protein và omega-3, giúp giảm viêm và cải thiện sức khỏe tổng thể.

Các loại ngũ cốc và thực phẩm giàu tinh bột

Bánh mì nguyên hạt và mì ống: Chứa nhiều chất xơ, giúp hỗ trợ tiêu hóa và duy trì cảm giác no lâu.

Yến mạch, lúa mạch và diêm mạch: Những loại ngũ cốc này không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn dễ tiêu hóa và tốt cho hệ tiêu hóa.

Thực phẩm chứa chất chống viêm

Nghệ: Nghệ chứa curcumin, một chất chống viêm mạnh, giúp giảm triệu chứng viêm dạ dày và bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Gừng: Gừng có tác dụng làm dịu dạ dày, giảm buồn nôn và hỗ trợ tiêu hóa.

Thực phẩm giàu protein và ít béo

Trứng và lòng trắng trứng (luộc, hấp, xào): Cung cấp protein dễ tiêu hóa và không gây kích ứng dạ dày.

 Bệnh nhân bị viêm dạ dày ăn gì? 3
Trứng cung cấp protein dễ tiêu hóa và không gây kích ứng dạ dày

Gia cầm nạc không da (gà, gà tây): Chứa nhiều protein và ít chất béo, tốt cho người bị viêm dạ dày.

Thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa

Cháo: Cháo là món ăn mềm, dễ tiêu hóa, giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày và cung cấp năng lượng.

Khoai lang và khoai sọ luộc nhừ: Đây là những thực phẩm giàu tinh bột, dễ tiêu hóa và giúp giảm triệu chứng viêm dạ dày.

Lưu ý khi chọn dinh dưỡng cho bệnh nhân bị viêm dạ dày

Một số thói quen trong khi chế biến và ăn uống có thể làm tình trạng viêm dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn. Để giảm thiểu sự kích thích và hỗ trợ quá trình điều trị, hãy lưu ý những điểm sau:

Chế biến thực phẩm phù hợp: Thực phẩm nên được thái nhỏ và nấu chín kỹ để dễ tiêu hóa hơn. Nên ưu tiên các phương pháp chế biến như luộc hoặc hấp thay vì xào, rán hay chiên. Các món ăn mềm và dễ tiêu hóa sẽ giúp dạ dày làm việc ít hơn và giảm cơn đau.

Tránh các loại thức ăn không phù hợp: Hạn chế ăn thức ăn cứng, đặc hoặc quá lỏng và nhiều nước, vì chúng có thể làm giảm khả năng tiêu hóa và gây khó chịu cho dạ dày.

Kiểm soát nhiệt độ thực phẩm: Tránh ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, vì chúng có thể làm tăng cơn đau và kích thích niêm mạc dạ dày. Thực phẩm ấm là lựa chọn tốt nhất để hỗ trợ tiêu hóa.

Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày: Thay vì ăn ba bữa lớn, hãy chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ hơn. Điều này giúp giảm bớt tác động của axit dạ dày và hạn chế cảm giác khó chịu.

Tránh để bụng quá đói hoặc ăn quá no: Cả hai tình trạng này đều có thể làm gia tăng cơn đau và sự khó chịu. Dạ dày rỗng hoặc căng đầy đều không tốt cho viêm dạ dày, vì vậy hãy duy trì chế độ ăn uống điều độ và hợp lý.

Không ăn thực phẩm sống: Đặc biệt là hải sản sống, vì chúng có thể chứa vi khuẩn và ký sinh trùng gây kích ứng thêm cho dạ dày.

Ăn chậm và nhai kỹ: Khi ăn, hãy tập trung vào bữa ăn, ăn từ từ và nhai kỹ để tăng cường bài tiết nước bọt, hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Tránh các hoạt động như đọc sách, xem tivi hoặc sử dụng điện thoại trong khi ăn, vì chúng có thể khiến bạn ăn nhanh hơn và không kiểm soát được lượng thức ăn.

 Bệnh nhân bị viêm dạ dày ăn gì? 4
Khi ăn, ăn từ từ và nhai kỹ hỗ trợ quá trình tiêu hóa

Hầu hết các trường hợp viêm dạ dày sẽ cải thiện đáng kể khi bắt đầu điều trị. Tuy nhiên, nếu triệu chứng viêm dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn một tuần, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm tra lại. Đặc biệt, nếu bạn gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng như sụt cân, nôn ra máu hoặc đi phân ra máu, việc thăm khám kịp thời là rất quan trọng.

Hy vọng qua nội dung bài viết bạn đã có thêm lựa chọn cho bệnh nhân bị viêm dạ dày ăn gì? Thời gian điều trị viêm dạ dày phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bên cạnh việc tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, bạn nên kiêng các thực phẩm gây kích ứng dạ dày như thực phẩm cay, chiên, béo, rượu bia và caffein để hỗ trợ quá trình hồi phục.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin