Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Viêm dạ dày HP âm tính: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Ngày 17/09/2023
Kích thước chữ

Viêm dạ dày là tình trạng lớp niêm mạc dạ dày bị kích thích. Viêm dạ dày có thể gây đau, khó tiêu, mệt mỏi. Viêm dạ dày do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, có thể do nhiễm khuẩn hoặc không do nhiễm khuẩn. Một loại vi khuẩn phổ biến gây viêm dạ dày với tỷ lệ cao là HP, tuy nhiên khi các nguyên nhân khác không phải gây viêm dạ dày được gọi là viêm dạ dày HP âm tính.

Viêm dạ dày HP âm tính do nhiều nguyên nhân gây nên, từ thuốc đến lối sống hay chế độ ăn. Triệu chứng của bệnh rất đa dạng và có thể trùng lắp với các bệnh khác. Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị viêm dạ dày HP âm tính sẽ được Nhà thuốc Long Châu trình bày trong bài viết dưới đây.

Nguyên nhân

Viêm dạ dày là một bệnh lý gặp phổ biến trong cuộc sống, bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra. Bên cạnh vi khuẩn HP là một tác nhân chính gây bệnh, viêm dạ dày HP âm tính có thể do nhiều nguyên nhân như:

  • Sử dụng một số thuốc có hại cho dạ dày như thuốc kháng viêm không steroid (NAIDs) (ibuprofen, aspirin,…), kali, steroid phổ biến như prednisolone.
  • Uống nhiều rượu.
  • Stress, căng thẳng, sau phẫu thuật.
  • Nôn mạn tính.
  • Trào ngược dịch mật.
  • Uống phải hóa chất.
  • Tiêu thụ đồ ăn, thức uống chứa nhiều caffein.
  • Thiếu vitamin B12.
Viêm dạ dày HP âm tính: nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị 1
Viêm dạ dày HP âm tính có thể do nhiều nguyên nhân

Triệu chứng của viêm dạ dày HP âm tính

Hầu hết viêm dạ dày HP âm tính là bệnh mạn tính trong khi đó cả viêm cấp và mạn đều hiện diện trong viêm dạ dày HP dương tính. Triệu chứng của viêm dạ dày thường không đặc hiệu và có thể xảy ra trong các bệnh lý khác và khi vắng mặt các triệu chứng này không có nghĩa là bạn không bị viêm dạ dày. Các triệu chứng thường gặp của viêm dạ dày HP âm tính bao gồm:

  • Đau thượng vị (vùng bụng trên);
  • Khó tiêu;
  • Cảm thấy đầy bụng;
  • Buồn nôn, nôn;
  • Ít cảm thấy đói hơn bình thường, ăn mau no;
  • Ăn không ngon miệng.
Viêm dạ dày HP âm tính: nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị 2
Đau bụng là một triệu chứng của viêm dạ dày

Các triệu chứng này thay đổi tùy theo từng cá thể, đôi khi không có triệu chứng. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ viêm dạ dày, hãy tìm đến bác sĩ để được chẩn đoán tìm ra nguyên nhân và điều trị sớm.

Viêm dạ dày HP âm tính được chẩn đoán như thế nào?

Vì xét nghiệm vi khuẩn HP có thể bị ảnh hưởng bời nhiều yếu tố và kết quả không thể tin cậy hoàn toàn nên để biết HP âm tính cần có tiêu chuẩn về xét nghiệm và mẫu. Chẩn đoán viêm dạ dày HP âm tính khi viêm dạ dày thỏa mãn 4 tiêu chuẩn sau:

  • HP âm tính trên mẫu sinh thiết niêm mạc được bấm ở 7 vị trí trong thành dạ dày.
  • Cấy tìm vi khuẩn HP không mọc.
  • Huyết thanh chẩn đoán HP IgG âm tính.
  • Chưa từng điều trị HP trước đây.

Việc chẩn đoán bằng phương thức này thường áp dụng trong nghiên cứu. Ở các nước đang phát triển thường hướng tới chẩn đoán viêm dạ dày HP âm tính dựa chủ yếu vào lâm sàng, nội soi dạ dày - tá tràng đáp ứng với điều trị và xét nghiệm HP sẵn có.

Viêm dạ dày HP âm tính: nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị 3
Hình ảnh nội soi viêm dạ dày

Viêm dạ dày gây ra biến chứng gì?

Viêm dạ dày có thể dẫn đến một số biến chứng nếu người bệnh không tìm cách điều trị tình trạng này. Viêm dạ dày có thể bị ăn mòn, có nghĩa là nó dẫn đến sự phá hủy niêm mạc dạ dày hoặc chỉ gây viêm. Các biến chứng của viêm dạ dày không được điều trị gồm:

  • Thiếu máu: Viêm dạ dày ăn mòn có thể gây chảy máu mãn tính, từ đó có thể dẫn đến thiếu máu.
  • Viêm teo dạ dày: Tình trạng viêm mạn tính ở dạ dày có thể gây mất cả niêm mạc dạ dày và các tuyến.
  • Loét dạ dày: Vết loét có thể hình thành ở niêm mạc dạ dày và tá tràng do sự phá hủy các lớp ở thành dạ dày - tá tràng.

Viêm dạ dày HP âm tính được điều trị như thế nào?

Viêm dạ dày gây ra các triệu chứng khó chịu cho người bệnh, giảm hiệu suất làm việc, giảm tập trung, đôi khi người bệnh không thể tiếp tục công việc của mình. Vì vậy cần điều trị sớm ngay khi phát hiện bệnh. Điều trị viêm dạ dày bao gồm điều trị triệu chứng của bệnh và giải quyết nguyên nhân. Các biện pháp bao gồm:

  • Thuốc kháng acid làm giảm lượng acid trong dạ dày bằng phản ứng trung hòa. Thuốc kháng acid thường dử dụng là aluminium phosphate gel với biệt dược nổi tiếng phosphalugel. Thuốc này nên được dùng xa bữa ăn, thường dùng 2 - 3 giờ sau ăn.
  • PPI hay thuốc kháng tiết làm giảm tiết acid vào trong dạ dày. Thuốc kháng tiết có nhiều loại như esomeprazol, omeprazol, pantoprazol, rabeprazol, lansoprazol. Hàm lượng các thuốc cũng khác nhau nên tùy theo mức độ viêm dạ dày mà bác sĩ sẽ kê cho bạn liều lượng thích hợp. Các PPI nên được uống trước khi ăn 30 phút - 1 giờ để có hiệu quả.
  • Việc tiếp tục sử dụng các thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen và aspirin sẽ gây hại cho dạ dày, đặc biệt nếu bạn đang có một tình trạng viêm nặng thì nguy cơ chảy máu dạ dày sẽ cao hơn. Tuy nhiên không được tự ý ngưng các thuốc này khi bạn đang dùng lâu dài vì có thể làm tăng đông, huyết khối, đây là những biến chứng có thể gây tử vong. Vì thế cần hỏi ý kiến bác sĩ về việc ngưng các thuốc này.
  • Nếu nguyên nhân của viêm dạ dày là do rượu thì bạn nên bỏ rượu để làm giảm viêm, niêm mạc nhanh lành hơn.
 Viêm dạ dày HP âm tính: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị 4
Phosphalugel có tác dụng trung hòa môi trường acid ở dạ dày mà không ảnh hưởng đến sự tiết acid

Để điều trị thành công đòi hỏi nhiều yếu tố như thay đổi lối sống, thay đổi chế độ ăn, tuân thủ điều trị thuốc đúng liều, đúng giờ.

Những điều nên và không nên làm khi bị viêm dạ dày

Việc điều trị viêm dạ dày không chỉ bằng thuốc mà cần kết hợp với thay đổi lối sống. Tình trạng viêm dạ dày có tái phát hay không dựa vào quyết tâm thay đổi chế độ sinh hoạt của bạn.

Khi bạn có những triệu chứng của viêm dạ dày nhẹ, những điều sau đây có thể hữu ích:

  • Giảm lượng thức uống chứa caffein như trà, cà phê, các thức uống tăng lực.
  • Khi nằm nên nằm đầu cao để giảm tình trạng trào ngược acid dạ dày.
  • Nên giảm cân nếu bạn đang bị thừa cân, béo phì.

Khi bị viêm dạ dày, bạn không nên ăn ít nhất trong vòng 3 giờ trước khi ngủ. Hạn chế ăn thức ăn, đồ uống chứa nhiều acid, cay, béo. Không uống rượu bia, hút thuốc lá.

Viêm dạ dày HP âm tính thường gây ra tình trạng viêm mạn tính hơn là viêm cấp. Bệnh do nhiều nguyên nhân và thường gây ra triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Phát hiện các triệu chứng và điều trị sớm giúp giảm triệu chứng đau và giảm nguy cơ phát sinh các biến chứng của bệnh. Vì là một tình trạng mạn tính, bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần nên việc tuân thủ điều trị và thay đổi lối sống là cần thiết. Viêm dạ dày có thể dự phòng được bằng một chế độ sinh hoạt và ăn uống lành mạnh.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.