Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Viêm họng hạch có nguy hiểm không? Nguyên nhân gây bệnh và cách phòng ngừa

Ngày 25/03/2023
Kích thước chữ

Viêm họng là bệnh lý thường gặp gây khô, ngứa, rát, đau họng khi nuốt... Trong một số trường hợp người bệnh còn xuất hiện triệu chứng sưng các hạch bạch huyết vùng cổ, hàm và được gọi là viêm họng hạch. Tình trạng này có nguy hiểm không? Những thông tin hữu ích về viêm họng hạch dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ thêm về bệnh lý này để có hướng điều trị và phòng ngừa phù hợp.

Trên thực tế, viêm họng hạch chỉ được xem là một trong rất nhiều biểu hiện khác của bệnh viêm họng. Tuy nhiên, triệu chứng này thường hiếm gặp và khó phát hiện ở giai đoạn đầu.

Viêm họng hạch là gì?

Hạch nằm trong hệ thống miễn dịch của cơ thể là một tổ chức giúp sản sinh ra các dòng bạch cầu lympho. Bên cạnh đó, chúng cũng tạo ra các dòng kháng thể giúp loại bỏ và chống lại vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể.

Viêm họng hạch thường là hệ quả của những đợt viêm họng nặng, cấp tính. Khi bị tấn công bởi vi khuẩn hay virus, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ tự tạo ra các phản ứng lại với tác nhân gây bệnh và dẫn đến hiện tượng nổi hạch.

Viêm họng hạch có nguy hiểm không? Làm sao phòng ngừa

Viêm họng hạch được biết đến là hệ quả của những đợt viêm họng nặng

Đối với trường hợp viêm họng cấp, hạch thường gây đau nhức, sưng to và xuất hiện gần nơi bị tổn thương. Mặt khác, viêm họng hạch do viêm họng mãn tính gây ra cũng khiến hạch nổi ở cổ sưng lên nhưng không gây đau hoặc đau ít.

Người bệnh viêm họng hạch sẽ nhận thấy có nhiều triệu chứng tương tự với bệnh lý viêm họng như: Bị đau, rát, ngứa cổ họng, sốt, ho khan hoặc ho có đờm kéo dài. Các triệu chứng viêm họng hạch thường tăng nặng khi người bệnh nhai hoặc nuốt.

Nguyên nhân gây viêm họng hạch

Viêm họng hạch có thể xuất hiện do nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Nhiễm trùng: Viêm họng hạch thường do nhiễm trùng vi khuẩn hoặc virus gây ra. Các tác nhân gây hại này thường được lây lan qua đường tiêu hóa hoặc hô hấp. Sau khi chúng xâm nhập vào cơ thể, chúng có thể gây viêm nhiễm và sưng to các hạch.
  • Môi trường: Các tác nhân môi trường như: Khói bụi, khói thuốc lá, hóa chất và chất ô nhiễm khác cũng có thể gây ra viêm họng hạch.
  • Viêm nhiễm khác: Viêm họng hạch cũng có thể là một triệu chứng của một bệnh lý khác như: Viêm xoang, viêm amidan hay viêm phế quản.
  • Dị ứng: Dị ứng cũng có thể gây ra viêm họng hạch, đặc biệt là đối với những người bị viêm mũi dị ứng hay có khuynh hướng dị ứng.
  • Stress: Tình trạng stress kéo dài cũng có thể gây ra viêm họng hạch, vì nó làm suy yếu hệ thống miễn dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và virus tấn công.

Viêm họng hạch có nguy hiểm không? Làm sao phòng ngừa

Nhiễm trùng là nguyên nhân khá phổ biến của viêm họng hạch

Viêm họng hạch có nguy hiểm không?

Viêm họng hạch không phải là một căn bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng. Tình trạng bệnh có chuyển biến xấu hay không còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây cũng như tính chất khối hạch. Nếu hạch xuất hiện do bệnh lành tính thì chúng thường biến mất sau vài ngày chữa trị. Nhưng nếu bệnh kéo dài và ngày càng nặng, thì có thể là bước chuyển biến xấu của các bệnh nguy hiểm.

Mặt khác, nếu không được điều trị đúng cách, viêm họng hạch có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng và làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng khác như: Viêm tai giữa, nhiễm trùng phổi, sởi, rubella, viêm phế quản, viêm xoang, ung thư tuyến giáp, ung thư vòm họng

Ngoài ra, nếu bạn có hệ thống miễn dịch yếu hay tiền sử bệnh lý tim mạch, viêm họng hạch có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng hơn.

Viêm họng hạch có nguy hiểm không? Làm sao phòng ngừa

Viêm họng hạch nếu không được điều trị sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng

Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm họng hạch

Chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh viêm họng hạch, bác sĩ sẽ tiến hành các bước sau:

  • Thăm khám: Bác sĩ sẽ quan sát vùng cổ, hàm, các cơ quan trong miệng (lưỡi, vòm họng) để kiểm tra các hạch. Thăm khám tổng quát, kiểm tra triệu chứng để nhận định ban đầu về tình trạng họng.
  • Kiểm tra vùng họng bằng máy siêu âm hoặc endoscopy: Các phương pháp này giúp bác sĩ xem được vùng họng bên trong để đánh giá tình trạng viêm và các hạch cổ.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu để phát hiện các dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc viêm.
  • Thử nghiệm vi khuẩn hoặc nấm: Bác sĩ có thể lấy mẫu dịch từ vùng họng để kiểm tra vi khuẩn hoặc nấm gây ra bệnh và giúp đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
  • Chụp X-quang: Chụp X-quang họng và cổ có thể được thực hiện để xác định kích thước của hạch cổ.

Việc chẩn đoán viêm họng hạch cần được thực hiện kỹ lưỡng để đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả, tránh tái phát và các biến chứng nguy hiểm.

Viêm họng hạch có nguy hiểm không? Làm sao phòng ngừa

Chẩn đoán và điều trị viêm họng hạch cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa

Phương pháp điều trị

Đối với các trường hợp bệnh nhẹ, mới xuất hiện tình trạng nổi hạch, bạn có thể tự theo dõi tại nhà và áp dụng các biện pháp giảm sưng, cải thiện triệu chứng như: Uống nhiều nước ấm, chườm khăn ấm, súc miệng với nước muối, ngậm gừng tươi hay uống trà chanh mật ong…

Nếu tình hình bệnh không thuyên giảm dấu hiệu nổi hạch càng lan rộng thì cần đến ngay bệnh viện thăm khám. Các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cụ thể cho tình trạng viêm họng hạch của bạn:

  • Nếu các hạch là lành tính các bác sĩ sẽ kê đơn một số loại thuốc điều trị như: Thuốc kháng sinh, thuốc giảm ho, thuốc long đờm, thuốc hạ sốt giảm đau, thuốc xịt họng hay viêm ngậm… làm giảm cảm giác khó chịu và giúp người bệnh mau khỏi.
  • Trong trường hợp hạch ác tính, cần tiến hành xét nghiệm, thăm khám chuyên sâu. Sau đó, bạn có thể được chỉ định áp dụng một trong số các biện pháp như: Xạ trị, hóa trị hay phẫu thuật để loại bỏ hạch ác tính.

Cách phòng ngừa viêm họng hạch

Để phòng ngừa nguy cơ bị viêm họng hạch, bạn cần hình thành thói quen sinh hoạt khoa học và hợp lý:

  • Chăm sóc răng miệng đúng cách, thường xuyên súc miệng và họng bằng nước muối ấm.
  • Thường xuyên rửa tay hoặc sát khuẩn nhất là sau khi tiếp xúc với người mắc viêm họng.
  • Hạn chế thuốc lá, chất kích thích, rượu bia, đồ uống có cồn.
  • Tránh đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ.
  • Giữ cơ thể đủ ấm, đặc biệt là cổ họng khi thời tiết giao mùa.
  • Uống đủ nước mỗi ngày.
  • Ăn uống lành mạnh, bổ sung vitamin C, tập luyện thể thao vừa sức để tăng đề kháng.
  • Khi ra đường hãy đeo khẩu trang để tránh khói bụi.
  • Tiêm phòng vắc xin.

Nếu mắc viêm họng hạch bạn không nên chủ quan vì bệnh có thể ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày. Để tránh được những biến chứng nguy hiểm, khó lường của bệnh nên đi khám ngay khi thấy xuất hiện hạch để được điều trị kịp thời, đúng cách.

Minh QA

Nguồn tham khảo: Vimed.org

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin