Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Viêm túi mật do sỏi: Căn bệnh nguy hiểm, cần phát hiện kịp thời

Ngày 01/02/2024
Kích thước chữ

Nhiều bệnh như viêm dạ dày, viêm túi mật do sỏi, trào ngược dạ dày thực quản,… có triệu chứng phổ biến là đau tức vùng bụng kèm theo buồn nôn hoặc nôn khiến nhiều người dễ nhầm lẫn, chủ quan dẫn đến và có thể dẫn đến không được điều trị kịp thời, gây hậu quả khó lường. Vậy làm sao nhận biết bệnh viêm túi mật do sỏi?

Viêm túi mật là bệnh lý tiêu hóa rất phổ biến, có thể nhanh chóng tiến triển thành viêm túi mật cấp tính. Theo nghiên cứu, trên 95% bệnh nhân bị viêm túi mật cấp tính có liên quan bệnh sỏi mật. Hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu về bệnh viêm túi mật do sỏi và những dấu hiệu nhận biết.

Viêm túi mật do sỏi là bệnh gì?

Khi sỏi được hình thành trong túi mật sẽ xảy ra tình trạng viêm túi mật do sỏi. Dịch mật lắng lại hình thành nên sỏi, đặc và cứng lên theo thời gian. Thành phần của sỏi gồm chất béo kết hợp với canxi và các sắc tố mật. Trong túi mật có thể là một cục sỏi hoặc cả ổ sỏi. Tỉ lệ mắc sỏi mật càng cao khi bệnh nhân càng lớn tuổi.

Viêm túi mật do sỏi: Căn bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong 1
Viêm túi mật do sỏi là hiện tượng xảy ra khi sỏi được hình thành trong túi mật

Sỏi mật ở giai đoạn đầu thường không gây triệu chứng rõ rệt. Một bộ phận sỏi có thể tồn tại trong túi mật mà không gây nguy hiểm cho đến khi chúng bắt đầu gây viêm túi mật. Nguyên nhân gây nên phần lớn trường hợp viêm túi mật đều do sỏi mật. Cụ thể, sỏi kẹt lại ở các ống túi mật dẫn đến mật bị ứ lại, làm túi mật căng, thành mật dày lên và bị viêm, lâu dần gây nhiễm trùng. Nếu xử lý kịp thời quá trình nhiễm trùng sẽ không để lại hậu quả gì. Tuy nhiên, rất nhiều bệnh nhân được phát hiện bị viêm túi mật trong tình trạng đã biến chứng, bị viêm nhiễm nghiêm trọng. Nhiễm trùng hình thành dịch mủ có thể bị vỡ ra và tràn vào ổ bụng, gây nhiễm trùng ổ bụng, có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không cấp cứu kịp thời. 

Chẩn đoán và điều trị viêm túi mật do sỏi

Chẩn đoán

Viêm túi mật do sỏi thường gây ra cơn đau bụng mạn sườn phải, có thể kèm sốt, nôn,… Tuy nhiên những triệu chứng đó cũng là dấu hiệu của những bệnh lý khác. Để chẩn đoán chính xác bệnh viêm túi mật cấp, cần thực hiện các xét nghiệm và các kỹ thuật sau đây:

  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra nhóm máu, số lượng bạch cầu có tăng không;
  • Sinh hóa máu: Kiểm tra đường máu, chức năng thận bao gồm creatinin và ure, chức năng gan bao gồm SGOT, Bilirubin, SGPT, TP,TT, GT tăng, Albumin, Protid, A/G giảm. Amylase máu có thể tăng;
  • Siêu âm: Cho thấy túi mật căng, túi mật có đường kính ngang lớn hơn 4cm, vách túi mật dày hơn 3mm, có dịch quanh túi mật;
  • Chụp X-quang ngực bụng: Xuất hiện sỏi calci;
  • Chụp X-quang túi mật cản quang bằng đường uống: Nhằm đánh giá chức năng túi mật;
  • Chụp CT: Để chẩn đoán viêm túi mật và sỏi túi mật;
  • Chụp cộng hưởng từ: Để chẩn đoán vị trí giải phẫu, cấu trúc của sỏi túi mật, dự đoán mật độ sỏi;
  • Chụp nhấp nháy: Để chẩn đoán sỏi túi mật, viêm túi mật, rối loạn vận động của túi mật, hẹp đường mật bẩm sinh,...
Viêm túi mật do sỏi: Căn bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong 2
Viêm túi mật gây ra bởi sỏi thường gây ra cơn đau bụng mạn sườn phải

Điều trị viêm túi mật do sỏi

Bệnh nhân cần phải nhập viện ngay lập tức khi gặp cơn đau viêm túi mật để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Lưu ý trong thời gian đó không được ăn uống vì gây kích thích túi mật. Sau khi nhập viện, bệnh nhân sẽ được truyền dịch và dùng thuốc giảm đau. Những viên sỏi có thể rơi lại trong túi mật và tình trạng tắc nghẽn chấm dứt.

Dùng thuốc điều trị 

Sau khi được truyền dịch, nếu bác sĩ xác định các viên sỏi đã ổn định và không còn tác động xấu đến túi mật, sẽ chỉ định dùng các loại thuốc để làm giảm tình trạng viêm. Bệnh nhân sẽ tạm thời không còn khó chịu, đau đớn vì viêm túi mật trong một thời gian. Tuy nhiên, việc dùng thuốc không thể điều trị triệt để viêm túi mật vì bệnh có thể tái phát sau này.

Phẫu thuật cắt bỏ 

Trong điều trị viêm túi mật, phương án được ưu tiên nhất là phẫu thuật cắt bỏ. Nếu tình trạng sức khỏe của bệnh nhân khi nhập viện ổn định, chưa có biến chứng, bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ ngay. Trường hợp viêm túi mật do sỏi đã gây biến chứng, bệnh nhân sẽ được điều trị biến chứng trước rồi mới tiến hành cắt bỏ túi mật. Phương pháp thực hiện cắt bỏ túi mật gồm mổ mở hoặc mổ nội soi tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân.

Viêm túi mật do sỏi: Căn bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong 3
Phương án được ưu tiên nhất trong điều trị viêm túi mật là phẫu thuật cắt bỏ

Tuy nhiên do phẫu thuật nội soi cắt túi mật có nhiều ưu điểm vượt trội nên hiện nay đang được ưa chuộng hơn. Thông qua những vết rạch nhỏ, máy nội soi và các dụng cụ y tế được dùng cho cuộc mổ sẽ được đưa vào ổ bụng của bệnh nhân. Sau đó bác sĩ sẽ cắt bỏ túi mật. Với cách mổ này, sau mổ người bệnh ít đau, phục hồi sức khỏe nhanh chóng, hầu như không để lại sẹo.

Với những ưu điểm này, trong điều trị viêm túi mật do sỏi, phẫu thuật nội soi cắt túi mật được đánh giá là tối ưu nhất. Sau khi loại bỏ túi mật, người bệnh vẫn có thể tiêu hóa bình thường và sống khỏe mạnh. Dịch mật sẽ đi thẳng xuống ruột non thay vì dự trữ ở túi mật.

Lưu ý sau phẫu thuật cắt túi mật

Túi mật là một bộ phận có thể cắt bỏ và không để lại biến chứng nghiêm trọng đối với cơ thể nhưng người bệnh vẫn cần lưu ý những điều sau:

  • Người bệnh nên nghỉ ngơi sau mổ, tránh vận động mạnh, ăn thức ăn thanh đạm để nhanh phục hồi và sớm quay lại sinh hoạt bình thường.
  • Bệnh nhân đã từng cắt túi mật nên ăn thực phẩm giàu chất xơ, ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước. Nên hạn chế chất béo vì có thể gây chứng chướng bụng, khó tiêu do không còn túi mật.
  • Sau khi cắt túi mật có thể xảy ra một số triệu chứng như là tiêu chảy nhẹ, đau bụng nhẹ,… nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Người bệnh có thể kiểm soát hiệu quả bằng cách dùng một số loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Phòng ngừa bệnh viêm túi mật

Đề phòng ngừa bệnh viêm túi mật, bạn cần tuân thủ theo những nguyên tắc sau trong sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng:

  • Tốt nhất nên xây dựng chế độ ăn ít chất béo, tránh đồ chiên, thức ăn chế biến sẵn hoặc thức ăn khó tiêu hóa.
  • Các thực phẩm tốt được khuyến nghị như thịt trắng, thịt nạc, dầu thực vật, sữa đậu nành, thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây.
  • Chế độ luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, đều đặn sẽ tăng cường hệ miễn dịch, giúp cho sự lưu thông của đường mật.
  • Phụ nữ nên cẩn trọng hơn khi sử dụng thuốc ngừa thai.
  • Ăn uống hợp vệ sinh, sổ giun định kỳ, điều trị các bệnh nhiễm trùng đường mật hiệu quả để dự phòng sỏi sắc tố mật.
Viêm túi mật do sỏi: Căn bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong 4
Cần xây dựng chế độ ăn ít chất béo, không ăn đồ chiên, thức ăn chế biến sẵn

Viêm túi mật do sỏi là hiện tượng thường gặp. Nếu người bệnh gặp các dấu hiệu bất thường như đau bụng mạn sườn kéo dài, tiêu chảy, nôn,… thì nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị ngay, tránh kéo dài sẽ gây biến chứng nguy hiểm.

Xem thêm:

Bị viêm túi mật có phải mổ không?

Viêm túi mật hoại tử và những điều cần biết

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm