Cắt túi mật nội soi: Ưu điểm, chỉ định, chống chỉ định và quy trình thực hiện
Ngày 25/09/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Cắt túi mật nội soi là một phương pháp phẫu thuật rất phổ biến trong nhiều loại phẫu thuật điều trị các bệnh lý gan - mật. Phương pháp phẫu thuật cắt túi mật nội soi mang lại nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với phương pháp phẫu thuật cắt túi mật truyền thống. Để hiểu rõ hơn ưu điểm của phương pháp này, mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây nhé!
Cắt túi mật nội soi là một phương pháp phẫu thuật được áp dụng để cắt bỏ túi mật - một cơ quan nằm bên dưới gan có hình quả lê. Phương pháp phẫu thuật này có tính an toàn cao với những ưu điểm vượt trội. Vậy ưu điểm của phương pháp phẫu thuật cắt túi mật nội soi là gì?
Ưu điểm của phương pháp phẫu thuật cắt túi mật nội soi là gì?
Theo các chuyên gia, phương pháp phẫu thuật cắt túi mật nội soi có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với phương pháp mổ mở cắt túi mật truyền thống, cụ thể như sau:
Độ chính xác cao hơn nhờ vào hình ảnh thu được có chất lượng tối ưu nhất, đồng thời tầm nhìn của bác sĩ không bị hạn chế như mổ mở.
Người bệnh sau phẫu thuật ít bị đau đớn hơn.
Hạn chế nguy cơ bị nhiễm trùng vết mổ cũng như đảm bảo được tính thẩm mỹ do vết rạch có kích thước nhỏ.
Thời gian nằm viện được rút ngắn do vết mổ mau lành thương hơn.
Chỉ định và chống chỉ định của phẫu thuật cắt túi mật nội soi
Dưới đây là chỉ định và chống chỉ định của phương pháp phẫu thuật cắt túi mật nội soi, cụ thể là:
Chỉ định
Phương pháp phẫu thuật cắt túi mật nội soi được chỉ định trong các trường hợp sau:
Sỏi túi mật: Đây là một nguyên nhân phổ biến thường gặp nhất được chỉ định cắt túi mật. Phẫu thuật cắt túi mật được chỉ định trong trường hợp sỏi mật có kích thước lớn (>10mm), sỏi có triệu chứng hoặc đa sỏi.
Polyp túi mật: Cắt túi mật nội soi được chỉ định trong trường hợp polyp túi mật có triệu chứng, polyp có kích thước trên 1cm hoặc đa polyp.
Viêm túi mật: Phẫu thuật cắt túi mật nội soi cũng được chỉ định trong trường hợp viêm túi mật do sỏi hoặc không do sỏi.
Chống chỉ định
Phẫu thuật cắt túi mật nội soi chống chỉ định trong các trường hợp sau:
Phẫu thuật nội soi ổ bụng nói chung: Người bệnh có tiền sử mổ bụng, không thể tiến hành bơm CO2 vào khoang ổ bụng do bệnh suy hô hấp, suy tim…
Phẫu thuật ổ bụng nói chung: Người bệnh mắc rối loạn đông máu nghiêm trọng, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp không thể tiến hành gây mê toàn thân.
Thực hiện phẫu thuật cắt túi mật nội soi như thế nào?
Phẫu thuật cắt túi mật nội soi được tiến hành theo các bước như sau:
Bệnh nhân được thực hiện gây mê toàn thân.
Tiếp đó, phẫu thuật viên sẽ tiến hành mở các lỗ kích thước nhỏ ở ổ bụng, thường là từ 3 - 4 lỗ và vị trí của các lỗ tuỳ thuộc vào phẫu thuật viên.
Phẫu thuật tiến hành bơm hơi CO2 vào ổ bụng cho căng phồng lên, sau đó đưa các dụng cụ vào ổ bụng để kiểm tra tình trạng của ổ phúc mạc, những tạng được bộc lộ và đánh giá tình trạng của gan, vùng cuống gan, túi mật, ống mật chủ, dạ dày - tá tràng - đầu tuỵ…
Sau khi đánh giá tình trạng ổn định, phẫu thuật sẽ tiến hành cắt bỏ túi mật và lấy nó ra khỏi ổ bụng.
Sau cùng, phẫu thuật viên tiến hành đóng các lỗ đã được mở trên thành bụng. Bệnh nhân sẽ được chuyển ra phòng hậu phẫu để theo dõi.
Tai biến trong phẫu thuật cắt túi mật nội soi
Một số tai biến và cách xử trí trong phẫu thuật cắt túi mật nội soi mà bệnh nhân có thể phải đối mặt là:
Chảy máu trong ổ bụng: Xảy ra do bị tuột clip động mạch túi mật hoặc từ phía giường túi mật. Bác sĩ sẽ tiến hành nội soi kiểm tra hoặc phẫu thuật mở để cầm máu.
Viêm phúc mạc: Xảy ra do bị tuột clip ống cổ túi mật hoặc do tổn thương đường mật chính. Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành mở ổ bụng để kiểm tra và xử trí theo tổn thương.
Áp xe tồn dư: Thường xảy ra ở vị trí hố túi mật. Hướng xử trí trong trường hợp này là kết hợp điều trị kháng sinh với chọc hút dưới siêu âm.
Theo dõi sau phẫu thuật cắt túi mật nội soi
Người bệnh sẽ được theo dõi sát sao sau khi thực hiện phẫu thuật cắt túi mật nội soi, cụ thể như sau:
Trong hai giờ đầu tiên sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được theo dõi chặt chẽ các biểu hiện bất thường như dấu hiệu sinh tồn, đau…
Từ 6 - 8 giờ sau phẫu thuật cắt túi mật nội soi, bệnh nhân có thể được cho ăn uống đồ dễ tiêu và vận động nhẹ nhàng nhằm hỗ trợ lưu thông máu, giảm đau viêm sau phẫu thuật và giảm tình trạng đầy hơi - chướng bụng. Bên cạnh đó, người bệnh cũng được hướng dẫn tập hít sâu, thở chậm bằng cơ bụng trong những ngày nằm viện để tránh tình trạng ứ dịch ở phổi.
Ngày đầu tiên sau khi kết thúc phẫu thuật, bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ về các dấu hiệu của biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng hay rò rỉ dịch mật. Người bệnh cũng cần chú ý đến các dấu hiệu sưng, đỏ, đau, nóng, nôn, sốt… để thông báo cho bác sĩ điều trị.
Sau phẫu thuật, người bệnh có thể được xuất viện sau 2 - 3 ngày nằm viện và bắt đầu quá trình phục hồi. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cảm thấy bị đau trong tuần đầu tiên sau phẫu thuật và cải thiện dần trong 2 - 3 tuần tiếp theo.
Người bệnh không được để vết mổ dính nước, nhất là trong 2 ngày sau phẫu thuật. Đồng thời, không được tự ý bôi bất kỳ thứ gì lên vết mổ khi chưa lành.
Người bệnh nên rời giường tập đi lại nhẹ nhàng khi sức khoẻ cho phép để cơ thể phục hồi nhanh hơn.
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân sau phẫu thuật cắt túi mật nội soi
Sau khi thực hiện phẫu thuật cắt túi mật nội soi, người bệnh cần chú đến chế độ dinh dưỡng để hỗ trợ quá trình phục hồi sức khoẻ diễn ra nhanh hơn. Cụ thể:
Ăn nhạt: Người bệnh cần ăn nhạt trong vài tuần đầu sau phẫu thuật cắt túi mật để giúp tiêu hoá dễ dàng hơn. Bạn có thể quay trở lại chế độ ăn uống như bình thường khi cơ thể đã hồi phục hoàn toàn. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tiêu thụ nhiều rau xanh và hoa quả tươi để hỗ trợ quá trình phục hồi diễn ra nhanh hơn.
Hạn chế tiêu thụ chất béo: Bất kỳ ai, đặc biệt là người bệnh sau phẫu thuật cắt túi mật nội soi nên hạn chế tiêu thụ chất béo trong chế độ ăn uống hàng ngày. Bởi việc ăn nhiều chất béo có thể gây hại cho hệ tiêu hoá và khiến cho các tổn thương sau phẫu thuật kéo dài thời gian phục hồi.
Tránh tiêu thụ thực phẩm giàu cholesterol: Những loại thực phẩm giàu cholesterol như thịt mỡ, trứng, đồ chiên xào, thức ăn nhanh… có thể làm tăng nguy cơ tái phát bệnh sỏi mật.
Tăng cường chất béo chưa bão hoà: Người bệnh sau phẫu thuật cắt túi mật nội soi nên tăng cường bổ sung chất béo chưa bão hoà để giúp gan tăng tiết ra dịch mật nhằm tiêu hoá thức ăn.
Hy vọng với những chia sẻ trong bài viết trên đã giúp bạn đọc nắm được các ưu điểm của phương pháp phẫu thuật cắt túi mật nội soi. Người bệnh sau phẫu thuật cắt túi mật nội soi cần được theo dõi chặt chẽ để phát hiện và xử trí kịp thời các tai biến có thể xảy ra. Đồng thời, người bệnh cũng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng để giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.