Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Virus Zika nguy hiểm như thế nào và cách phòng tránh virus Zika?

Ngày 02/01/2023
Kích thước chữ

Virus Zika gây nên bệnh Zika là một bệnh truyền nhiễm lây truyền do muỗi. Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu virus Zika nguy hiểm như thế nào qua bài viết này nhé.

Virus lây truyền từ mẹ sang con sẽ gây nhiều biến chứng cho trẻ. Vậy virus Zika nguy hiểm như thế nào và làm sao để phòng tránh bệnh Zika?

Virus Zika là gì?

Virus Zika được xếp vào nhóm flavivirus và có chung cấu trúc RNA với virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết. Được phát hiện đầu tiên vào năm 1947 tại Uganda, tới năm 2013 dịch bệnh do virus Zika gây ra đã bùng phát ở Tây Thái Bình Dương, châu Phi và châu Mỹ. Việt Nam ghi nhận 2 ca mắc virus Zika đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2016.

Bệnh do virus Zika gây nên là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi Aedes, ngoài ra còn có thể lây qua con đường từ mẹ sang con và qua quan hệ tình dục. Bệnh phổ biến ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt. Trung gian truyền bệnh chủ yếu là muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus, truyền bệnh bằng cách hút máu chứa virus Zika từ người bệnh và truyền sang người bình thường. Nếu không được phát hiện bệnh sớm và điều trị đúng lúc, virus Zika có thể gây nên biến chứng nguy hiểm cho người bệnh, nhất là đối với phụ nữ dự định có thai hoặc đang mang thai.

Virus Zika nguy hiểm như thế nào và cách phòng tránh virus zika 1 Virus Zika lây truyền chủ yếu do muỗi đốt

Virus Zika nguy hiểm như thế nào?

Virus Zika có thể gây nên nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Phụ nữ mang thai là đối tượng nguy cơ cao của virus Zika, khi mắc bệnh thì virus có thể truyền qua nhau thai vào cơ thể thai nhi rất nguy hiểm. 

Virus gây tổn thương cơ và hệ thần kinh của thai nhi. Chứng đầu nhỏ là dị tật bẩm sinh của bệnh Zika, gây nên nhiều hậu quả lâu dài như chậm phát triển tâm thần, phát triển không bình thường, tăng động, động kinh. Theo các nghiên cứu khoa học, dị tật đầu nhỏ có nguyên nhân do người mẹ trong quá trình mang thai bị nhiễm virus trong 3 tháng đầu, gây nên rối loạn trong phát triển não bộ trẻ nhỏ ngay từ giai đoạn sớm trong bụng mẹ.

Virus Zika nguy hiểm như thế nào và cách phòng tránh virus zika 2 Virus Zika nguy hiểm như thế nào?

Virus Zika còn có thể gây nên hội chứng Guillain-Barre, là một hội chứng tiến triển nhanh, đặc trưng bởi tình trạng viêm nhiều dây thần kinh do rối loạn tự miễn dịch, dẫn đến rối loạn vận động và cảm giác. Các triệu chứng chính gồm có yếu cơ, cảm giác tê ngứa ở tay và chân, tình trạng nặng có triệu chứng suy hô hấp do các cơ hô hấp bị ảnh hưởng. 

Làm sao để biết bạn có nhiễm virus Zika hay không?

Sau khi đã nắm được virus Zika nguy hiểm như thế nào, chắc hẳn bạn muốn tìm hiểu làm thế nào để biết mình có nhiễm virus Zika hay không. 

Ngoài một số trường hợp nhiễm virus nhưng không biểu hiện triệu chứng, còn lại sẽ có những triệu chứng như sau:

  • Sốt: Thường không cao, dưới 38℃.
  • Phát ban.
  • Đau cơ, đau khớp.
  • Đau đầu.
  • Đau lưng.
  • Xung huyết kết mạc mắt.

Trẻ bị lây virus Zika từ mẹ có những biến chứng như:

  • Mất thính lực.
  • Tật đầu nhỏ.
  • Khiếm khuyết phát triển não bộ.
  • Tổn thương mắt.
  • Giảm, hạn chế vận động.

Trong đa số trường hợp, các triệu chứng của Zika sẽ giảm dần trong vòng 7 đến 12 ngày. Để giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh, bạn cần nghỉ ngơi đầy đủ, bổ sung nước và điện giải, dùng các thuốc giảm đau - hạ sốt như paracetamol hay ibuprofen. Tuy nhiên bệnh có thể diễn biến nặng, người bệnh xuất hiện các biểu hiện rối loạn thần kinh và tự miễn sẽ phải nhập viện để điều trị và theo dõi bởi các bác sỹ chuyên khoa.

Một số xét nghiệm có thể được dùng để chẩn đoán nhiễm virus Zika:

  • Xét nghiệm kháng thể IgG và IgM bằng hệ thống máy miễn dịch tự động: Cơ thể sản xuất kháng thể loại IgM sau khi nhiễm virus khoảng 3 ngày. Kỹ thuật này có thể phát hiện kháng thể IgM trong máu bệnh nhân, song có thể dương tính chéo với những loại virus gây sốt Dengue, viêm não Nhật Bản, sốt vàng da... Bệnh phẩm là mẫu huyết thanh tách từ máu toàn phần của bệnh nhân. Phương pháp này có thể phát hiện nhanh chóng, chính xác với lượng lớn mẫu.
  • Xét nghiệm RT-PCR: Dùng để phát hiện ARN của virus Zika. Đây là kỹ thuật có độ đặc hiệu và độ tin cậy cao. Bệnh phẩm là mẫu máu và có thể dùng nước bọt bệnh nhân. Thường lấy mẫu sau 10 ngày kể từ triệu chứng đầu tiên. Các nhà khoa học nghiên cứu chỉ ra rằng xét nghiệm mẫu nước bọt giúp tăng tỷ lệ phát hiện virus và thuận tiện hơn trong quá trình thu thập mẫu.
  • Một số xét nghiệm theo dõi điều trị: Như tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, tốc độ máu lắng, định lượng CRP, các xét nghiệm đánh giá chức năng gan, thận... để thuận lợi cho điều trị.

Cách phòng tránh Zika

Hiện nay chưa có vaccine phòng virus Zika. Để phòng tránh Zika hiệu quả, bạn cần biết một số yếu tố nguy cơ nhiễm Virus và các biện pháp diệt muỗi, tránh bị muỗi đốt.

Yếu tố nguy cơ nhiễm virus

Có nhiều yếu tố nguy cơ tăng nhiễm virus Zika, ví dụ như:

  • Sinh sống hoặc đi du lịch tại các vùng đang lưu hành dịch. Những nước nằm ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt nhất là các đảo khu vực Thái Bình Dương, các đảo gần Tây Phi và châu Mỹ là những khu vực có khả năng cao lây nhiễm virus Zika.
  • Qua quan hệ tình dục không an toàn: Virus Zika có thể lây qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt khi bạn sống ở những nơi đang lưu hành dịch. Do đó dùng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục rất quan trọng, đặc biệt khi bạn sống ở vùng lưu hành dịch. 
  • Phụ nữ đang mang thai sống hoặc thường xuyên đi tới vùng có virus Zika nên đi kiểm tra mỗi quý, đặc biệt là quý đầu và quý giữa của thai kỳ.

Diệt muỗi là một cách phòng tránh bệnh Zika:

Một số cách phòng muỗi đốt:

  • Cách phòng tránh bị muỗi đốt: Luôn luôn ngủ trong màn; dùng các chế phẩm chống muỗi như kem bôi chống muỗi, nhang muỗi; mặc quần áo dài tay, đi tất. Chú ý tránh để trẻ tự bôi thuốc hoặc bôi lên mắt, miệng, vết thương hở, tay của trẻ, thận trọng sử dụng cho vùng tai.
  • Biện pháp diệt muỗi: Dùng vợt bắt muỗi, đèn chống muỗi, xịt hóa chất, phát quang bụi rậm. Phối hợp với y tế cơ sở trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.
  • Diệt trừ bọ gậy, loăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước, đậy kín dụng cụ chứa nước sau khi sử dụng, thu dọn và lật úp dụng cụ sau khi sử dụng. Loại bỏ vũng nước đọng, bỏ những vật dụng có thể chứa nước không cần thiết xung quanh nhà là nơi muỗi đẻ trứng như lon sữa, vỏ bánh xe, mảnh bát vỡ.
Virus Zika nguy hiểm như thế nào và cách phòng tránh virus zika 3 Diệt muỗi để phòng tránh bệnh Zika

Mong rằng qua bài viết này, bạn có thể biết được virus Zika nguy hiểm như thế nào và cách phòng tránh loại virus nguy hiểm này. Khi có bất cứ biểu hiện nào nghi ngờ, bạn không nên quá lo lắng mà hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa truyền nhiễm để khám, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Nhà Thuốc Long Châu rất hân hạnh cung cấp cho bạn những thông tin sức khỏe dễ hiểu và hữu ích.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin