Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Vôi hóa gan là bệnh gì? Điều trị bệnh vôi hoá gan như thế nào?

Ngày 01/02/2024
Kích thước chữ

Vôi hoá gan là một bệnh lý thường gặp ở những bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh viêm gan. Nốt vôi hóa trong gan ít hay nhiều và mức độ tổn thương đối với gan cũng như sức khỏe của người bệnh là khác nhau trong từng trường hợp.

Nốt vôi hóa gan là hệ quả của một tổn thương viêm mạn tính do hình thành sỏi nhỏ ở đường mật, sự lắng đọng sắc tố mật hoặc xác chết của giun. Bệnh vôi hoá gan có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng xấu đến gan cũng như sức khoẻ tổng quát của người mắc phải tình trạng này.

Vôi hoá gan là bệnh gì?

Vôi hoá gan là tình trạng tổn thương gan mãn tính, tuy nhiên nó còn khá lạ lẫm với nhiều người. Về bản chất, vôi hoá gan không phải là bệnh lý mà chỉ là một vết sẹo do tình trạng viêm, áp xe hoặc nhiễm phải các loại ký sinh trùng ở gan. Những tổn thương này sẽ làm tích tụ lại nhiều hạt sỏi nhỏ, sau đó dẫn dần bị vôi hoá cứng và đọng lại ở đường mật. Khi đó, lá gan sẽ không thực hiện được chức năng vốn có là thải độc, đồng thời cặn sỏi cũng không thoát ra ngoài cơ thể được.

Một số nguyên chính gây ra tình trạng vôi hoá gan có thể kể đến như:

  • Viêm tế bào nhu mô gan;
  • Viêm gan do lắng đọng sắc tố mật hoặc sỏi tuyến mật;
  • Viêm gan do sử dụng rượu hoặc chất kích thích;
  • Có xác của giun hoặc ký sinh trùng chết trong gan;
  • Nhiễm độc gan hoặc gan nhiễm mỡ lâu ngày;
  • Khối u ở gan gây tích tụ canxi và lâu ngày dẫn đến vôi hoá gan;
  • Thuốc điều trị lao chuyển hoá tại gan, tích tụ trong thời gian dài sẽ hình thành các nốt vôi hoá gan;
  • Trẻ sơ sinh có mẹ mắc phải tình trạng nhiễm trùng tử cung trong quá trình mang thai hoăc trong quá trình sinh đẻ…

Những nguyên nhân được liệt kê ở trên sẽ tạo ra các vết sẹo xơ gan và nốt vôi hoá mô gan sau khi bị hoại tử tại chỗ. Siêu âm hoặc chụp X-quang có thể giúp phát hiện ra hiện tượng này.

Vôi hóa gan là bệnh gì? Điều trị bệnh vôi hoá gan như thế nào? 1
Nhiễm độc gan lâu ngày có thể dẫn đến tình trạng vôi hoá gan

Bệnh vôi hoá gan có nguy hiểm hay không?

Nhìn chung, bệnh vôi hoá gan có nguy hiểm hay không sẽ tùy thuộc vào từng giai đoạn và mức độ của bệnh cũng như kích thước của các nốt vôi hoá. Do vậy, việc thăm khám, kiểm tra và chẩn đoán phát hiện sớm bệnh là điều rất cần thiết.

Trong giai đoạn đầu, khi các nốt vôi hoá gan còn nhỏ thì thường không biểu hiện rõ rệt triệu chứng ra bên ngoài, khá lành tính nên cũng ít khi xuất hiện biến chứng nghiêm trọng. Lúc này, gan vẫn hoạt động như bình thường, bởi chức năng của gan không bị ảnh hưởng quá nhiều và sức khỏe của người bệnh vẫn được đảm bảo.

Tuy nhiên, khi các nốt vôi hoá gan lớn hơn thì người bệnh có thể sẽ gặp phải tình trạng đau nhức ở khu vực mạn sườn phải. Các chuyên gia giải thích rằng, nguyên nhân là do tình trạng viêm tắc tuyến mật trong gan hoặc nốt vôi hoá gan lớn gây chèn ép lên mô và các dây thần kinh ở gan. Cảm giác đau nhức sẽ tăng lên nếu người bệnh vận động với cường độ mạnh và thường xuyên.

Ngoài ra, tình trạng vôi hoá gan trở nên nghiêm trọng có thể khiến bệnh nhân:

  • Sốt cao, rét run, thậm chí là co giật;
  • Vàng da hoặc/và niêm mạc mắt;
  • Rối loạn tiêu hoá do nốt vôi hoá làm tắc nghẽn đường mật;
  • Nặng nề hơn là bị ứ mật mãn tính hoặc xơ gan mật.

Về lâu dài, bệnh vôi hoá gan ở thể nặng thường dẫn đến viêm gan mãn tính và có nguy cơ tiến triển thành bệnh xơ gan, thậm chí là ung thư gan.

Vôi hóa gan là bệnh gì? Điều trị bệnh vôi hoá gan như thế nào? 2
Sốt cao là một trong những triệu chứng của bệnh vôi hoá gan ở giai đoạn nghiêm trọng

Điều trị bệnh vôi hoá gan như thế nào?

Phác đồ điều trị bệnh vôi hoá gan là khác nhau, tùy thuộc vào từng giai đoạn tiến triển của bệnh.

Trong trường hợp gan bị vôi hoá nhẹ, các nốt vôi hoá thường nhỏ và không gây nguy hiểm tới sức khoẻ, đồng thời cũng không có biểu hiện rõ ràng ra bên ngoài. Nếu thực hiện xét nghiệm chức năng gan và cho kết quả hoàn toàn bình thường thì người bệnh có thể yên tâm mà không cần điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên, người bệnh cần phải chú ý đến chế độ sinh hoạt điều độ và lành mạnh theo hướng dẫn của bác sĩ.

Đối với trường hợp gan bị vôi hoá nặng, bệnh đã biểu hiện các triệu chứng khó chịu và gây ảnh hưởng lớn đến chức năng của gan thì người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Nếu bệnh diễn tiến nặng nề hơn, bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ nốt vôi hoá gan để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.

Vôi hóa gan là bệnh gì? Điều trị bệnh vôi hoá gan như thế nào? 3
Người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ khi bệnh vôi hoá gan diễn tiến nặng

Biện pháp phòng ngừa bệnh vôi hoá gan

Hiện nay vẫn chưa có loại thuốc nào có tác dụng làm tan nốt vôi hoá gan. Người bệnh chỉ có thể phòng ngừa và kìm hãm sự phát triển về kích thước của các nốt vôi hoá bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh. Cụ thể, người bị bệnh vôi hoá gan cần phải chủ động quan tâm và chăm sóc sức khỏe bằng cách:

  • Tuân thủ một chế độ ăn uống khoa học: Người bệnh cần hạn chế tiêu thụ những loại thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao như mỡ động vật, nội tạng, thịt đỏ, trứng gà… để giảm nguy cơ lắng đọng sắc tố mật và hình thành sỏi mật. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đa dạng thực đơn ăn uống với thịt trắng, tăng cường ăn rau xanh và hoa quả giàu vitamin. Tuy nhiên, cần lưu ý không được ăn đêm, ăn khuya hoặc ăn quá no để hạn chế tình trạng gan phải hoạt động quá sức.
  • Ngủ đủ giấc, không thức khuya: Người bệnh cần đảm bảo ngủ đủ 7 - 8 giờ/đêm, không thức khuya để không ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của cá nhân và bỏ lỡ khoảng thời gian giải độc của các cơ quan, đặc biệt là gan. Gan thường giải độc trong khoảng thời gian từ 23 giờ đêm đến 1 giờ sáng. Chính vì thế, bạn cần ngủ trước 23 giờ để gan thực hiện đúng chức năng vốn có.
  • Không sử dụng bia rượu và chất kích thích: Các chất có trong bia rượu và thuốc lá chính là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng viêm gan. Những tác nhân này khiến cho gan lá gan phải làm việc quá sức, thậm chí là không thể phân giải hết độc tố, suy yếu dần.
  • Thường xuyên tập thể dục - thể thao: Những bộ môn như thiền, yoga giúp nâng cao sức khỏe tinh thần, tăng cường thể lực, giảm stress và bảo vệ gan tránh khỏi tình trạng vôi hoá hoặc những bệnh lý khác như xơ gan, viêm gan, ung thư gan…
  • Uống nhiều nước: Bên cạnh nước lọc, bạn có thể uống nhân trần hoặc trà atiso thường xuyên. Đây là những loại thảo dược có tác dụng giúp nhuận mật, giảm nguy cơ hình thành sỏi mật, từ đó giúp giảm nguy cơ tắc tuyến mật dẫn đến vôi hoá gan.
  • Tẩy giun sán: Các bác sĩ khuyến khích thực hiện tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần để bảo vệ sức khoẻ của hệ tiêu hoá nói chung và gan nói riêng. Việc này nên được thực hiện đối với cả những người khoẻ mạnh bình thường để tránh bị vôi hoá gan.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Người bệnh nên đi khám sức khỏe định kỳ từ 3 - 6 tháng/lần để kiểm tra nốt vôi hoá gan có tiến triển lớn hơn không. Đây cũng là một việc làm cần thiết để giúp phát hiện ra sớm các bệnh lý nguy hiểm, đồng thời tầm soát các nguy cơ của bệnh ung thư kịp thời.
Vôi hóa gan là bệnh gì? Điều trị bệnh vôi hoá gan như thế nào? 4
Uống nhiều nước sẽ hỗ trợ gan giải độc tốt hơn và giảm nguy cơ bị vôi hoá gan

Tóm lại, vôi hoá gan là một tình trạng sức khỏe ít được nhắc đến trong các bệnh lý liên quan đến gan nên còn khá xa lạ với nhiều người. Mức độ nguy hiểm của vôi hoá gan sẽ tuỳ thuộc vào giai đoạn, tình trạng diễn tiến của bệnh cũng như kích thước của nốt vôi hoá. Để tránh nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm, người bệnh nên tìm hiểu rõ nguyên nhân và biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin