Xét nghiệm HPV là gì? Quy trình, chi phí và cách đọc kết quả
Ngày 30/10/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Xét nghiệm HPV định kỳ là phương pháp hiệu quả để phát hiện sớm tình trạng nhiễm virus HPV và xác định chính xác chủng virus có nguy cơ cao, giúp người bệnh kiểm soát tốt sức khỏe sinh sản và sớm can thiệp khi có dấu hiệu bất thường ở cổ tử cung. Vậy xét nghiệm HPV là gì, quy trình thực hiện ra sao, chi phí thực hiện bao nhiêu, và cần chuẩn bị những gì? Tìm hiểu chi tiết về các yếu tố này sẽ giúp bạn chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân.
Xét nghiệm HPV là phương pháp giúp phát hiện virus HPV (Human Papillomavirus), loại virus gây ra hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung cũng như các tổn thương khác ở vùng sinh dục. Quy trình xét nghiệm khá đơn giản, thường bao gồm lấy mẫu tế bào ở cổ tử cung để kiểm tra sự hiện diện của virus và xác định các chủng HPV có nguy cơ cao. Để hiểu rõ hơn về xét nghiệm này, hãy cùng tìm hiểu ngay bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu.
Xét nghiệm HPV là gì?
Xét nghiệm HPV là phương pháp xét nghiệm giúp phát hiện sự hiện diện của virus HPV trong cơ thể. Đây là xét nghiệm quan trọng trong việc sàng lọc và ngăn ngừa ung thư cổ tử cung. Đặc biệt, xét nghiệm tập trung vào các chủng HPV có nguy cơ cao - những tác nhân gây ra các bệnh ung thư nghiêm trọng như ung thư cổ tử cung, ung thư vòm họng, ung thư hậu môn, ung thư âm đạo và âm hộ. Thực hiện xét nghiệm HPV định kỳ là cách hiệu quả để kiểm soát và bảo vệ sức khỏe sinh sản, giúp phát hiện sớm nguy cơ và đưa ra biện pháp điều trị kịp thời nếu cần thiết.
Các loại xét nghiệm HPV hiện nay
Hiện nay, có hai loại xét nghiệm HPV chính được sử dụng rộng rãi để phát hiện sự hiện diện của virus HPV, đặc biệt là các chủng có nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung:
Xét nghiệm Pap (Papanocolaou)
Xét nghiệm Pap (hay còn gọi là Pap smear hoặc phết tế bào cổ tử cung) là một phương pháp sàng lọc quan trọng nhằm phát hiện sớm những biến đổi bất thường ở tế bào cổ tử cung, giúp ngăn ngừa và điều trị kịp thời ung thư cổ tử cung. Trong quy trình xét nghiệm Pap, bác sĩ sẽ lấy mẫu tế bào từ bề mặt cổ tử cung của phụ nữ và kiểm tra dưới kính hiển vi để phát hiện những tế bào có dấu hiệu bất thường, như tế bào tiền ung thư hoặc ung thư. Đây là một xét nghiệm đơn giản, ít gây khó chịu và có hiệu quả cao trong việc bảo vệ sức khỏe sinh sản.
Xét nghiệm sinh học phân tử
Xét nghiệm sinh học phân tử là phương pháp tiên tiến giúp xác định sự hiện diện của virus HPV trong cơ thể thông qua việc phân tích vật liệu di truyền (DNA hoặc RNA) của virus. Xét nghiệm sinh học phân tử thường có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, giúp phân biệt các loại HPV nguy cơ thấp và nguy cơ cao, từ đó đánh giá mức độ nguy hiểm của nhiễm HPV.
Xét nghiệm sinh học phân tử gồm nhiều phương pháp như: PCR (Polymerase Chain Reaction), Sequencing (giải trình tự), Reverse Dot Blots (lai phân tử). Phương pháp này cũng có thể được thực hiện song song với xét nghiệm Pap để tăng hiệu quả sàng lọc và giúp phát hiện sớm những nguy cơ tiềm ẩn, hỗ trợ bác sĩ đưa ra kế hoạch điều trị và theo dõi kịp thời.
Tại sao cần xét nghiệm HPV?
Xét nghiệm HPV là rất cần thiết vì các lý do sau:
Phát hiện sớm nguy cơ ung thư cổ tử cung: Virus HPV, đặc biệt là các chủng nguy cơ cao, là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm HPV giúp phát hiện sự hiện diện của virus trước khi các tế bào biến đổi thành ung thư, từ đó có thể can thiệp kịp thời và ngăn ngừa ung thư.
Phát hiện các tổn thương tiền ung thư: Một số nhiễm trùng HPV có thể gây ra các thay đổi bất thường ở tế bào cổ tử cung, còn gọi là tổn thương tiền ung thư. Xét nghiệm HPV, khi kết hợp với xét nghiệm Pap, giúp nhận diện sớm những tổn thương này và cho phép bác sĩ can thiệp sớm trước khi chúng phát triển thành ung thư. Loại bỏ các tế bào tiền ung thư có thể ngăn ngừa tình trạng ung thư cổ tử cung diễn ra đến trên 95%.
Kiểm soát và theo dõi tình trạng nhiễm HPV: Nhiều trường hợp nhiễm HPV có thể tự khỏi, nhưng một số chủng nguy cơ cao có khả năng gây bệnh lâu dài. Xét nghiệm HPV giúp theo dõi tình trạng nhiễm trùng và chủng HPV đang nhiễm. Nhóm HPV có nguy cơ thấp gồm HPV type 6, 11, 40, 42, 43, 44, 54, 55, 61, 70, 72, 81 và CP6108; nhóm này có thể gây bệnh sùi mào gà, mụn cóc sinh dục. Nhóm HPV nguy cơ cao gồm HPV type 16, 18, 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59, 66, 68, 73 và 82; nhóm này có thể các bệnh ung thư nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, ung thư vòm họng, ung thư hậu môn, ung thư dương vật, ung thư trực tràng,…
Bảo vệ sức khỏe sinh sản và tổng quát: Xét nghiệm HPV định kỳ giúp bảo vệ sức khỏe sinh sản và phòng ngừa các bệnh ung thư do HPV gây ra.
Hiệu quả trong tầm soát và phòng ngừa: Xét nghiệm HPV là phương pháp tầm soát hiệu quả, đặc biệt đối với phụ nữ trên 30 tuổi.
Xét nghiệm HPV định kỳ, kết hợp với các phương pháp tầm soát khác, là cách hiệu quả để bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa các bệnh nguy hiểm liên quan đến virus HPV.
Quy trình xét nghiệm HPV chi tiết
Khám phụ khoa là bước đầu tiên để đánh giá tình trạng sức khỏe sinh sản và xác định các vấn đề cần xét nghiệm. Sau khi có chỉ định, quy trình xét nghiệm HPV được thực hiện như sau:
Chuẩn bị tư thế khám: Người xét nghiệm sẽ nằm ngửa trên bàn khám và đặt hai chân lên giá đỡ để giữ tư thế mở rộng, tạo điều kiện tiếp cận cổ tử cung dễ dàng.
Đặt dụng cụ mỏ vịt: Bác sĩ hoặc y tá sử dụng dụng cụ mỏ vịt (có thể bằng kim loại hoặc nhựa) để mở rộng âm đạo cho đến khi thấy rõ cổ tử cung.
Lấy mẫu tế bào: Bác sĩ hoặc y tá sử dụng một que bông chuyên dụng hoặc bàn chải mềm để thu thập tế bào từ bề mặt và bên trong cổ tử cung.
Chuyển mẫu đến phòng thí nghiệm: Mẫu tế bào sẽ được đặt trên một phiến kính hoặc trong một hộp bảo quản, sau đó gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.
Quá trình lấy mẫu diễn ra nhanh chóng, chỉ khoảng 5 - 10 phút. Kết quả xét nghiệm thường có trong vài ngày. Sau khi có kết quả, dù là dương tính hay âm tính thì cũng nên thoải mái và bình tĩnh và thực hiện theo sự tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ.
Đối tượng nên thực hiện xét nghiệm HPV
Xét nghiệm HPV được khuyến nghị thực hiện cho phụ nữ từ 21 đến 65 tuổi như một phần của việc khám sức khỏe định kỳ, ngay cả khi không hoạt động tình dục, đã cắt bỏ tử cung, qua thời kỳ mãn kinh hoặc đã tiêm vắc xin HPV (theo Lực lượng Đặc nhiệm Dịch vụ Dự phòng Hoa Kỳ (USPSTF). Trong đó, nữ giới từ 21 đến 29 tuổi cần làm xét nghiệm Pap 3 năm 1 lần; các đối tượng nữ giới từ 30 đến 65 tuổi nên xét nghiệm Pap 3 năm 1 lần, xét nghiệm HPV mỗi 5 năm 1 lần, đồng xét nghiệm mỗi 5 năm 1 lần; phụ nữ trên 65 tuổi cần xét nghiệm Pap nếu chưa bao giờ xét nghiệm, hoặc nếu chưa xét nghiệm sau 60 tuổi.
Ngoài ra, một số đối tượng dưới đây cần đặc biệt chú ý tới việc thực hiện xét nghiệm HPV:
Có nhiều bạn tình hoặc bắt đầu hoạt động tình dục từ độ tuổi sớm.
Đang có triệu chứng hoặc mắc bệnh lý liên quan đến HPV.
Đã được chẩn đoán mắc HPV hoặc biểu hiện tiền ung thư cổ tử cung.
Mắc bệnh lây qua đường tình dục như HIV, sùi mào gà,...
Chi phí làm xét nghiệm HPV giá bao nhiêu tiền?
Chi phí xét nghiệm HPV sẽ phụ thuộc vào cơ sở y tế mà bạn lựa chọn để xét nghiệm, phương pháp xét nghiệm mà chuyên gia chỉ định cho bạn. Thông thường, chi phí xét nghiệm HPV còn kèm theo chi phí cho các dịch vụ khác như khám bệnh, soi cổ tử cung,... Vì thế, nên liên hệ với các cơ sở y tế uy tín để nắm thêm thông tin chi tiết về chi phí xét nghiệm HPV.
Xét nghiệm HPV ở đâu?
Tại Việt Nam, nhiều bệnh viện công lập cung cấp dịch vụ xét nghiệm HPV nhằm tầm soát và phát hiện sớm các nguy cơ liên quan đến ung thư cổ tử cung. Dưới đây là một số bệnh viện công lập uy tín mà bạn có thể tham khảo:
Tại Hà Nội: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bệnh viện Phụ sản Trung ương, bệnh viện Da liễu Trung ương,...
Tại TP.HCM: Bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Hùng Vương, bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, bệnh viện Da liễu TP.HCM,...
Cần chuẩn bị gì trước khi làm xét nghiệm HPV?
Trước khi làm xét nghiệm HPV, để đảm bảo kết quả chính xác, bạn cần chuẩn bị một số điều sau:
Tránh quan hệ tình dục: Không nên quan hệ tình dục trong vòng 24-48 giờ trước khi xét nghiệm vì các chất dịch hoặc tác động có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
Không sử dụng sản phẩm âm đạo: Tránh sử dụng các sản phẩm như kem bôi, thuốc đặt âm đạo, băng vệ sinh dạng tampon hoặc bất kỳ sản phẩm vệ sinh âm đạo nào trong vòng 48 giờ trước xét nghiệm.
Không thụt rửa âm đạo: Không nên thụt rửa âm đạo trước khi xét nghiệm, vì điều này có thể làm sạch tế bào bề mặt, gây khó khăn trong việc phát hiện virus HPV.
Lựa chọn thời điểm phù hợp: Tốt nhất nên xét nghiệm HPV ngoài kỳ kinh nguyệt, lý tưởng là 5 ngày sau khi hết kinh. Việc này giúp đảm bảo mẫu xét nghiệm không bị ảnh hưởng bởi máu kinh.
Cách đọc kết quả xét nghiệm HPV
Đọc kết quả xét nghiệm HPV cần sự tư vấn từ bác sĩ, dưới đây là hướng dẫn chung về các kết quả có thể nhận được:
Kết quả dương tính
Kết quả "dương tính" hoặc “phát hiện bất thường” có nghĩa là phát hiện sự hiện diện của một hoặc nhiều chủng HPV trong cơ thể. Tuy nhiên, kết quả dương tính không có nghĩa là bạn bị ung thư cổ tử cung, mà chỉ cho thấy nguy cơ cao hơn. Bác sĩ có thể khuyến nghị làm xét nghiệm bổ sung như sinh thiết cổ tử cung, sinh thiết kết hợp cùng nội soi để kiểm tra các tế bào bất thường hoặc tổn thương tiền ung thư.
Kết quả âm tính
Kết quả "âm tính" hoặc “không phát hiện bất thường” có nghĩa là không phát hiện virus HPV trong cơ thể. Điều này cho thấy nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung của bạn ở mức thấp. Có 2 trường hợp có thể xảy ra đó là bạn chưa từng nhiễm HPV, hoặc đã từng nhiễm HPV nhưng cơ thể bạn đã loại bỏ được virus. Bác sĩ thường sẽ khuyến nghị xét nghiệm lại sau 3-5 năm tùy vào tiền sử sức khỏe.
Rủi ro
Dương tính giả hoặc âm tính giả có thể xảy ra. Kết quả dương tính giả có thể khiến cho bạn căng thẳng, lo lắng, thực hiện các thủ tục không cần thiết tiếp theo như nội soi, sinh thiết cổ tử cung. Kết quả âm tính giả có thể gây ra sự chậm trễ trong các thủ tục hoặc xét nghiệm tiếp theo thích hợp.
Hoặc đôi khi kết quả xét nghiệm có thể không rõ ràng (ví dụ, không đủ tế bào để phân tích). Trong trường hợp này, bác sĩ có thể yêu cầu lấy mẫu lại để đảm bảo tính chính xác. Ngoài ra, cũng có khả năng kết quả xét nghiệm cho thấy lượng HPV thấp dưới ngưỡng phát hiện và cho kết quả không đúng. Những trường hợp này cần theo dõi thêm và xét nghiệm định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Cần làm gì khi nhận kết quả dương tính với HPV?
Khi nhận kết quả dương tính với HPV, bạn nên:
Bình tĩnh và hiểu rõ kết quả: Kết quả dương tính không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ mắc ung thư cổ tử cung. Nó chỉ cho thấy bạn có nhiễm virus HPV, đặc biệt là các chủng nguy cơ cao có khả năng gây ung thư. Nhiều trường hợp nhiễm HPV có thể tự khỏi nhờ hệ miễn dịch.
Tham khảo ý kiến bác sĩ: Gặp bác sĩ chuyên khoa để hiểu rõ hơn về kết quả và mức độ nguy cơ. Bác sĩ sẽ đánh giá kết quả cụ thể của bạn và đưa ra hướng dẫn chi tiết.
Thực hiện xét nghiệm Pap: Bác sĩ có thể khuyến nghị làm thêm xét nghiệm Pap để kiểm tra các tế bào cổ tử cung xem có sự bất thường hoặc dấu hiệu tiền ung thư nào không. Xét nghiệm Pap là bước quan trọng để đánh giá xem nhiễm HPV có ảnh hưởng đến tế bào cổ tử cung không.
Theo dõi định kỳ hoặc làm sinh thiết (nếu cần): Nếu kết quả Pap cho thấy có sự bất thường, bác sĩ có thể yêu cầu sinh thiết cổ tử cung. Sinh thiết có thể giúp bác sĩ đánh giá chính xác hơn về tình trạng tổn thương ở mức độ tế bào và từ đó lập kế hoạch điều trị nếu cần.
Áp dụng lối sống lành mạnh: Duy trì lối sống lành mạnh giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ cơ thể chống lại virus HPV. Điều này bao gồm ăn uống đủ chất, không hút thuốc, hạn chế rượu bia, và tập luyện thể thao đều đặn.
Hạn chế lây truyền HPV: Nếu bạn đang trong mối quan hệ, hãy trao đổi với bạn tình để cùng phòng ngừa lây nhiễm và sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục để giảm nguy cơ lây lan.
Xét nghiệm định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ: Bác sĩ sẽ chỉ định tần suất xét nghiệm HPV và Pap trong tương lai để theo dõi tình trạng nhiễm HPV. Tuân thủ lịch xét nghiệm giúp kiểm soát nguy cơ và phát hiện sớm bất kỳ sự thay đổi nào.
Các câu hỏi thường gặp về xét nghiệm HPV
Nam giới có cần thực hiện xét nghiệm HPV không?
Có. Nam giới cũng có thể nhiễm HPV và mắc các bệnh liên quan như mụn cóc sinh dục, ung thư hậu môn, ung thư dương vật và vòm họng. Tuy xét nghiệm HPV không phổ biến cho tất cả nam giới, nhưng nên cân nhắc cho những người có nguy cơ cao như người có hệ miễn dịch suy giảm, người nhiễm HIV, nam giới quan hệ đồng tính. Xét nghiệm soi hậu môn (anal Pap smear) có thể áp dụng cho nhóm nguy cơ cao để phát hiện sớm các tổn thương.
Xét nghiệm HPV có đau không?
Xét nghiệm HPV thường không gây đau nhưng có thể tạo cảm giác hơi khó chịu. Trong quá trình xét nghiệm, bác sĩ sử dụng một dụng cụ gọi là mỏ vịt để mở rộng âm đạo, sau đó dùng một que bông hoặc bàn chải nhỏ lấy mẫu tế bào từ cổ tử cung. Cảm giác khó chịu này chỉ kéo dài vài phút và thường rất nhẹ.
Trước khi xét nghiệm HPV có cần nhịn ăn không?
Không cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm HPV. Đây là xét nghiệm lấy mẫu tế bào từ cổ tử cung (ở nữ giới) hoặc mẫu từ các vùng cần kiểm tra (ở nam giới), việc ăn uống không ảnh hưởng đến kết quả.
Xét nghiệm HPV có bị mất trinh không?
Xét nghiệm HPV ở nữ giới cần lấy mẫu tế bào từ cổ tử cung, thường thông qua việc đặt dụng cụ mỏ vịt vào âm đạo. Quy trình này có thể gây tác động đến màng trinh. Nếu bạn chưa quan hệ tình dục và lo ngại về việc ảnh hưởng đến màng trinh, hãy trao đổi trước với bác sĩ. Nguy có nhiễm HPV khi chưa quan hệ tình dục là rất thấp, vì thế nên không nhất thiết phải xét nghiệm HPV lúc này. Trong trường hợp nếu cần thiết phải xét nghiệm, bác sĩ có thể sử dụng các dụng cụ chuyên dụng để lấy mẫu để giảm thiểu tác động, có thể sẽ làm xước hoặc giãn màng trinh nhưng không làm cho màng trinh bị rách.
Xét nghiệm HPV bao lâu có kết quả?
Thời gian nhận kết quả xét nghiệm HPV thường dao động từ 1 đến 3 ngày, tùy thuộc vào cơ sở y tế và loại xét nghiệm được thực hiện.
Trên đây là những thông tin chúng tôi cung cấp đến bạn để giải đáp cho thắc mắc xét nghiệm HPV là gì, chi phí, quy trình thực hiện cũng như cách đọc kết quả. Xét nghiệm HPV là cần thiết đối với bất kỳ người phụ nữ nào để theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm và điều trị kịp thời trước khi diễn tiến thành ung thư nếu không may mắc phải các chủng có nguy cơ cao.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.