Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Tìm hiểu chi tiết về phẫu thuật cắt tử cung

Ngày 21/02/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tử cung là bộ phận quan trọng trong hệ cơ quan sinh dục của nữ giới. Vì nhiều lý do, một số phụ nữ cần được cắt bỏ tử cung ngoài ý muốn. Vậy bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật cắt tử cung khi nào? Quy trình tiến hành cắt bỏ tử cung ra sao và nguy cơ biến chứng tiềm ẩn là gì?

Tử cung có vai trò vô cùng quan trọng đối với chức năng sinh sản và đời sống tình dục của nữ giới. Không ai muốn cắt bỏ tử cung của mình nhưng một số trường hợp bác sĩ buộc phải chỉ định phẫu thuật cắt tử cung để đảm bảo an toàn cho sức khỏe nữ giới. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các phương pháp phẫu thuật cắt bỏ tử cung phổ biến.

Phẫu thuật cắt tử cung là gì?

Tử cung là một bộ phận quan trọng trong cơ quan sinh dục của người phụ nữ. Tử cung đảm nhận nhiều chức năng quan trọng như:

  • Tạo khoái cảm cho nữ giới trong quá trình quan hệ tình dục.
  • Là nơi trứng đã được thụ tinh về làm tổ và phát triển thành thai nhi.
  • Là môi trường nuôi dưỡng, bảo vệ thai nhi cho đến khi em bé chào đời.
Tìm hiểu chi tiết về phẫu thuật cắt tử cung 1
Cắt tử cung được chỉ định khi nếu việc cắt bỏ không được thực hiện sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính mạng người bệnh

Cắt bỏ tử cung là một phẫu thuật ngoại khoa, nhằm cắt bỏ tử cung của người phụ nữ. Phẫu thuật cắt tử cung có thể thực hiện bằng phương pháp mổ nội soi hay mổ mở qua đường bụng. Bác sĩ thường chỉ định cắt bỏ tử cung khi người phụ nữ mắc các bệnh mà nếu tử cung không được cắt bỏ sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của họ. Phẫu thuật cắt bỏ tử cung dù ở mức độ nào cũng sẽ gây những ảnh hưởng nhất định cho sức khỏe tổng thể, khả năng sinh sản, sức khỏe tinh thần của người phụ nữ.

Phẫu thuật cắt tử cung có những loại nào?

Hiện nay, cắt bỏ tử cung được phân chia thành 3 loại gồm:

  • Cắt tử cung bán phần: Tức là chỉ cắt bỏ phần trên của tử cung, cấu trúc buồng trứng và cổ tử cung được giữ lại.
  • Cắt tử cung toàn phần: Tức là cắt bỏ tử cung và cổ tử cung nhưng giữ lại 2 buồng trứng.
  • Cắt bỏ tử cung hoàn toàn và buồng trứng 2 bên: Tức là cắt bỏ hoàn toàn cả tử cung, cổ tử cung, vòi tử cung, buồng trứng, hạch mạch huyết, các mô xung quanh.

Tùy tình trạng bệnh lý và mong muốn của người phụ nữ trong từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ đưa ra phương án phẫu thuật cắt tử cung phù hợp nhất.

Khi nào bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt tử cung?

Phẫu thuật cắt bỏ tử cung thường là lựa chọn cuối cùng, khi các biện pháp điều trị bệnh khác không mang lại hiệu quả, không phù hợp với người bệnh. Cắt tử cung cũng là phương án được bác sĩ chỉ định khi việc này cần thiết và tốt cho quá trình điều trị các bệnh lý nguy hiểm khác.

Tìm hiểu chi tiết về phẫu thuật cắt tử cung 2
Phẫu thuật cắt tử cung thường là lựa chọn cuối cùng khi các biện pháp điều trị khác không hiệu quả

Phẫu thuật cắt bỏ tử cung được bác sĩ chỉ định khi người phụ nữ mắc các bệnh lý nguy hiểm có liên quan đến tử cung như:

  • Nữ giới mắc ung thư tử cung hoặc ung thư cổ tử cung.
  • Bệnh nhân nữ bị ung thư các cơ quan vùng chậu khác.
  • Nữ giới bị nhiễm trùng vùng chậu, nhiễm trùng bàng quang nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng.
  • Bệnh nhân bị đau vùng chậu tiến triển.
  • Bệnh nhân mắc đa u xơ tử cung gây đau đớn và bị chảy máu nghiêm trọng.
  • Phụ nữ bị đau bụng kinh dữ dội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà không thể điều trị nội khoa.
  • Phụ nữ bị chấn thương cơ vùng chậu, trong quá trình sinh nở bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của ruột và bàng quang.
  • Cắt bỏ tử cung cũng được chỉ định trong trường hợp nữ giới cần điều trị sa tử cung, lạc nội mạc tử cung nghiêm trọng hay triệt sản.
  • Phụ nữ bị chảy máu ổ bụng, chảy máu bất thường ở tử cung cũng có thể được điều trị bằng cách cắt tử cung.

Phẫu thuật cắt tử cung có những phương pháp nào?

Việc lựa chọn các phương pháp phẫu thuật cắt tử cung sẽ cần căn cứ theo từng nguyên nhân và tình trạng bệnh cụ thể. Có các phương pháp cắt tử cung được áp dụng phổ biến như:

Cắt tử cung qua đường âm đạo

Với phương pháp này, các bác sĩ sẽ đưa dụng mổ theo đường âm đạo đến tử cung để thực hiện thủ thuật cắt tử cung. Với phương pháp này, người bệnh không bị mổ mở nên không có vết cắt, thời gian phục hồi nhanh chóng và hạn chế nguy cơ nhiễm trùng. Đây cũng là phương pháp ít gây mất máu và hạn chế tai biến nghiêm trọng.

Cắt tử cung nội soi qua thành bụng

Cắt tử cung nội soi qua thành bụng có thể rút ngắn cả thời gian phẫu thuật lẫn thời gian phục hồi. Sẹo mổ ngắn hơn, giảm chảy máu, giảm nguy cơ dính, giảm thời gian và chi phí điều trị.

Với mổ nội soi, các bác sĩ sẽ thông qua vết rạch nhỏ ở bụng để đưa dụng cụ phẫu thuật có gắn camera nhỏ vào tử cung. Tử cung sau khi cắt bỏ sẽ được cho vào một túi và đưa ra ngoài cơ thể người bệnh qua vết rạch trên thành bụng hoặc đưa ra ngoài qua đường âm đạo.

Tìm hiểu chi tiết về phẫu thuật cắt tử cung 3
Vết sẹo của một người phụ nữ sau khi mổ nội soi cắt tử cung

Mổ mở thành bụng để cắt tử cung

Mổ mở cũng là một phương pháp phẫu thuật cắt tử cung được áp dụng trong nhiều trường hợp. Với phương pháp này, các bác sĩ sẽ mổ mở ổ bụng với đường mổ dài để tiếp cận và cắt tử cung. Phương pháp mổ mở thành bụng giúp phẫu thuật viên quan sát tử cung và các bộ phận xung quanh rõ ràng.

Hạn chế của phương pháp này là nguy cơ nhiễm trùng cao, thời gian phục hồi và lành thương cao hơn nên kéo dài thời gian và gia tăng chi phí điều trị. Mổ mở thường được áp dụng khi phụ nữ có khối u tử cung lớn hoặc ung thư tử cung.

Phẫu thuật cắt tử cung bằng robot

Hiện nay, các robot được đưa vào để hỗ trợ phẫu thuật cắt tử cung. Phẫu thuật này được tiến hành nội soi, các bác sĩ sẽ điều khiển robot được gắn các dụng cụ phẫu thuật. Ưu điểm của phương pháp này tương tự như phẫu thuật nội soi cắt tử cung qua thành bụng.

Phẫu thuật cắt tử cung tiềm ẩn biến chứng gì?

Phẫu thuật cắt tử cung được đánh giá là phẫu thuật ít tai biến nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ biến chứng. Trong và sau khi thực hiện thủ thuật cắt tử cung, người bệnh có thể phải đối mặt với nguy cơ: Xuất huyết trong phẫu thuật, xuất huyết sau khi mổ, nhiễm trùng vết mổ, tổn thương các cơ quan lân cận với tử cung, tắc ruột, dị ứng với thuốc gây tê, thuốc gây mê,…

Tìm hiểu chi tiết về phẫu thuật cắt tử cung 4
Phụ nữ sau khi cắt tử cung bị ảnh hưởng không nhỏ về tâm lý

Ngoài ra, phụ nữ sau khi cắt tử cung cũng sẽ có những thay đổi không nhỏ trong cơ thể như:

  • Xuất hiện các triệu chứng mãn kinh sớm như: Người bốc hỏa, mất ngủ, mệt mỏi, buồn nôn hoặc nôn nhiều, mất ham muốn tình dục, tiểu nóng rát, tâm trạng bực bội khó chịu, tăng cân đột ngột, sụt giảm nội tiết tố,…
  • Tâm lý lo lắng, tiêu cực;
  • Sau khi cắt tử cung hoàn toàn, người phụ nữ sẽ không còn bị bong niêm mạc tử cung nên sẽ không còn kinh nguyệt hàng tháng;
  • Phụ nữ sau khi cắt tử cung toàn phần sẽ không còn khả năng mang thai.

Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về phẫu thuật cắt tử cung. Nếu được chỉ định thực hiện phẫu thuật này, dù không mong muốn nhưng người bệnh cũng nên hợp tác và tiến hành phẫu thuật sớm nhất có thể để hạn chế nguy cơ về sức khỏe.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin