Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ung thư hậu môn là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị ung thư hậu môn

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ung thư hậu môn là một loại ung thư hiếm gặp xảy ra ở ống hậu môn. Hậu môn là một ống ngắn nằm ở phần cuối trực tràng mà thông qua nó phân rời khỏi cơ thể. Ung thư hậu môn có thể gây ra các triệu chứng như chảy máu và đau ở hậu môn. Hầu hết những người bị ung thư hậu môn được điều trị bằng sự kết hợp giữa hóa trị và xạ trị. Mặc dù kết hợp các phương pháp điều trị ung thư hậu môn làm tăng hiệu quả chữa bệnh, nhưng các phương pháp này cũng làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ của điều trị.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ung thư hậu môn là gì?

Ung thư hậu môn là một bệnh xuất hiện khi các tế bào ác tính phát triển trong mô của hậu môn. Hậu môn là phần cuối cùng của ruột già, bên dưới trực tràng, qua nó phân sẽ rời khỏi cơ thể. Hậu môn được hình thành một phần từ các lớp da bên ngoài của cơ thể và một phần từ ruột. Cơ vòng giúp mở và đóng lỗ hậu môn để phân được tống xuất ra khỏi cơ thể.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư hậu môn

Các triệu chứng thường gặp của ung thư hậu môn bao gồm:

  • Đại tiện ra máu;
  • Ngứa xung quanh hậu môn;
  • Đau hoặc cảm giác căng tức quanh hậu môn;
  • Xuất hiện các búi giống bệnh trĩ;
  • Thay đổi thói quen đại tiện;
  • Hình dạng phân nhỏ hẹp;
  • Rỉ dịch từ hậu môn;
  • Nổi hạch ở bẹn hoặc vùng hậu môn.

Các triệu chứng nêu trên cũng có thể là triệu chứng của bệnh trĩ, mụn cóc ở hậu môn hoặc rách hậu môn. Tuy nhiên, người bệnh nên đi khám bác sĩ nếu có những triệu chứng này để loại trừ ung thư hậu môn.

Ung thư hậu môn là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị ung thư hậu môn 4
Thay đổi thói quen đại tiện là một trong những triệu chứng của ung thư hậu môn

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh ung thư hậu môn

Các biến chứng của bệnh ung thư hậu môn chủ yếu liên quan đến điều trị, bao gồm:

  • Tác dụng phụ của bức xạ;
  • Tác dụng phụ của hóa trị;
  • Giảm ham muốn tình dục;
  • Rối loạn chức năng tiêu hoá;
  • Viêm hậu môn;
  • Chảy máu hậu môn;
  • Các vết mổ, lỗ rò và nhiễm trùng vết thương liên quan đến phẫu thuật.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến ung thư hậu môn

Ung thư hậu môn hình thành khi các tế bào phát triển không kiểm soát và tạo thành khối u. Có hai loại ung thư có thể phát triển ở hậu môn, phụ thuộc vào vị trí bắt đầu của khối u.

  • Ung thư tế bào vảy: Ống hậu môn nối trực tràng với bên ngoài cơ thể. Các tế bào vảy lót trong lòng ống. Những tế bào phẳng này trông giống như vảy cá dưới kính hiển vi. Hầu hết ung thư hậu môn là ung thư biểu mô tế bào vảy vì chúng phát triển từ tế bào vảy.
  • Ung thư biểu mô tuyến: Vị trí mà ống hậu môn liên tục với trực tràng được gọi là vùng chuyển tiếp. Nó có tế bào vảy và tế bào tuyến. Các tế bào tuyến tạo ra chất nhầy, giúp phân đi qua hậu môn thuận lợi hơn. Ung thư biểu mô tuyến cũng có thể phát triển từ các tế bào tuyến ở hậu môn. Khoảng 3 – 9% ung thư hậu môn thuộc loại này.

Nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ đối với ung thư hậu môn bao gồm:

  • HPV: Ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh một số loại virus HPV làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện sự hiện diện của HPV16 với các bệnh ung thư khác nhau trong đó có cả nhóm ung thư cổ tử cung và một số bệnh ung thư vùng đầu và cổ.
  • Các bệnh ung thư khác: Những người bị ung thư liên quan đến HPV khác dường như có nguy cơ mắc ung thư hậu môn cao hơn. Đối với phụ nữ, chúng bao gồm ung thư âm đạo hoặc cổ tử cung, hoặc tiền căn có tế bào tiền ung ở cổ tử cung. Nam giới bị ung thư dương vật cũng có nguy cơ cao hơn.
  • HIV: Những người nhiễm HIV có nguy cơ mắc ung thư hậu môn cao hơn những người không bị nhiễm.
  • Suy giảm miễn dịch: Những người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Hệ thống miễn dịch có thể suy yếu ở những người bị AIDS và những người dùng thuốc ức chế miễn dịch sau khi ghép tạng.
  • Hoạt động tình dục: Có nhiều bạn tình có thể làm tăng nguy cơ, vì điều này làm tăng khả năng tiếp xúc với virus HPV.
  • Giới tính: Ung thư hậu môn phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới. Tuy nhiên, đối với người Mỹ gốc Phi, nó phổ biến hơn ở nam giới dưới 60 tuổi.
  • Tuổi: Khả năng mắc ung thư hậu môn tăng dần lên theo độ tuổi.
  • Hút thuốc lá: Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư cao hơn đáng kể, bao gồm cả ung thư hậu môn.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư hậu môn

Các thăm khám và cận lâm sàng sau đây có thể được bác sĩ thực hiện:

  • Thăm khám lâm sàng và tiền căn bệnh tật: Bác sĩ thăm khám người bệnh để kiểm tra sức khỏe tổng quát, bao gồm kiểm tra các dấu hiệu của bệnh, chẳng hạn như khối u hoặc bất kỳ sự bất thường nào khác. Hỏi về tiền căn thói quen sức khỏe của người bệnh và phương pháp điều trị đã từng được tiếp cận trong quá khứ.
  • Thăm khám hậu môn – trực tràng: Bác sĩ sẽ đưa một ngón tay đã đeo găng và bôi trơn vào lòng hậu môn – trực tràng để tìm khối u hoặc bất cứ bất thường nào khác.
  • Nội soi hậu môn – trực tràng: Kiểm tra hậu môn và trực tràng bằng cách sử dụng một ống ngắn có đèn soi và camera gọi là ống nội soi.
  • Siêu âm hậu môn hoặc nội soi: Thủ thuật này sử dụng một đầu dò siêu âm đưa vào hậu môn – trực tràng cho phép quan sát hình ảnh của các mô cơ.
  • Sinh thiết: Khi loại bỏ các mô bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ sử dụng chúng soi dưới kính hiển vi để kiểm tra các dấu hiệu ung thư.

Phương pháp điều trị ung thư hậu môn hiệu quả

Phương pháp điều trị ung thư hậu môn cụ thể sẽ khác nhau ở mỗi người. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương pháp điều trị bao gồm:

  • Kích thước của khối u;
  • Giai đoạn của ung thư;
  • Ung thư có di căn không;
  • Tuổi và sức khỏe tổng thể của người bệnh.

Phẫu thuật, hóa trị và xạ trị là những lựa chọn điều trị chính.

Ung thư hậu môn là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị ung thư hậu môn 6
Phẫu thuật cắt bỏ là một trong những phương pháp điều trị của ung thư hậu môn

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư hậu môn

Chế độ sinh hoạt:

Chế độ sinh hoạt cho người bệnh ung thư hậu môn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng người và đề xuất của bác sĩ điều trị. Tuy nhiên, dưới đây là một số lời khuyên chung về chế độ sinh hoạt cho người bệnh ung thư hậu môn:

  • Luyện tập thể dục thường xuyên: Người bệnh nên tham gia vào các hoạt động thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, bơi lội hoặc đi xe đạp để giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh.
  • Kiểm soát cân nặng: Người bệnh nên kiểm soát cân nặng bằng cách ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn để giảm nguy cơ bị béo phì.
  • Hạn chế uống rượu và hút thuốc lá: Uống rượu và hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư và các bệnh lý khác.
  • Điều trị các bệnh lý khác: Nếu người bệnh có các bệnh lý khác đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp, thì cần điều trị chúng để giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng.
  • Thực hiện các xét nghiệm định kỳ: Người bệnh nên thực hiện các xét nghiệm định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến sức khỏe của mình.

Những lời khuyên trên chỉ là thông tin chung và bạn nên tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ để biết thêm chi tiết về chế độ sinh hoạt phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn.

Ung thư hậu môn là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị ung thư hậu môn 7
Luyện tập thể dục thường xuyên để giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng phù hợp cho người bệnh ung thư hậu môn là một phần quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống của họ. Dưới đây là một số lời khuyên về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư hậu môn:

  • Ăn nhiều rau quả tươi: Rau quả cung cấp nhiều chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi các tổn thương và giảm nguy cơ tái phát ung thư. Người bệnh nên ăn ít nhất 5 phần rau quả mỗi ngày.
  • Tăng cường protein: Protein là chất cần thiết cho việc tái tạo tế bào và tăng cường hệ miễn dịch. Người bệnh nên ăn các loại thực phẩm chứa protein như thịt gà, cá, trứng, đậu, hạt, sữa và sản phẩm từ sữa.
  • Hạn chế chất béo: Chất béo có thể tăng nguy cơ bị béo phì và ung thư. Người bệnh nên hạn chế ăn các loại thực phẩm có chứa nhiều chất béo như thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn chiên và đồ ngọt.
  • Tăng cường chất xơ: Chất xơ giúp duy trì sức khỏe đường ruột và giảm nguy cơ táo bón. Người bệnh nên ăn nhiều rau quả, ngũ cốc và hạt để cung cấp đủ chất xơ cho cơ thể.
  • Uống đủ nước: Người bệnh nên uống đủ nước để giữ cho cơ thể luôn được cung cấp đủ nước và giúp đường ruột hoạt động tốt hơn.

Những lời khuyên trên chỉ là thông tin chung và bạn nên tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để tìm ra chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu dinh dưỡng của bạn.

Phương pháp phòng ngừa ung thư hậu môn hiệu quả

Để giảm nguy cơ ung thư hậu môn, mọi người có thể:

  • Tiêm phòng vắc-xin HPV trước khi hoạt động tình dục;
  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục;
  • Tránh hoặc bỏ hút thuốc lá.

Mọi người nên tìm tư vấn y tế về bất kỳ thay đổi nào ảnh hưởng đến hậu môn, ngay cả khi những thay đổi này không gợi ý ung thư. Một cá nhân cũng có thể hỏi bác sĩ về việc khám sàng lọc ung thư hậu môn nếu họ có nguy cơ cao, chẳng hạn như nhiễm virus HPV.

Nguồn tham khảo
  1. Babiker HM, Kashyap S, Mehta SR, et al. Anal Cancer. [Updated 2022 Oct 25]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2023 Jan-. Available from: www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK441891/
  2. https://www.cancer.gov/types/anal/patient/anal-treatment-pdq
  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/anal-cancer/symptoms-causes/syc-20354140

Các bệnh liên quan

  1. U trong ống sống

  2. Sưng hạch bạch huyết

  3. Ung thư tuyến thượng thận

  4. Ung thư cổ tử cung

  5. Ung thư máu cấp tính

  6. U não nguyên phát

  7. Ung thư amidan

  8. Ung thư vòm họng giai đoạn III

  9. Ung thư lưỡi

  10. U xơ tuyến vú