Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Xơ vữa động mạch chi dưới: Nguyên nhân, dấu hiệu và biện pháp điều trị

Ngày 19/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hiện nay, số ca mắc phải tình trạng xơ vữa động mạch chi dưới ngày một tăng cao. Đây là một căn bệnh nguy hiểm và không thể xem thường. Cùng bài viết tìm hiểu nguyên nhân cũng như dấu hiệu nhận biết bệnh lý này nhé!

Xơ vữa động mạch chi dưới là căn bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Thậm chí, một số trường hợp có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân nếu như không được xử lý và điều trị kịp thời.

Thế nào là xơ vữa động mạch chi dưới?

Xơ vữa động mạch là căn bệnh gây tổn thương động mạch theo hệ thống, ở nhiều vị trí cơ quan khác nhau. Những người mắc bệnh xơ vữa động mạch chi dưới thường đi kèm với xơ vữa động mạch não và động mạch vành.

Bệnh xơ vữa động mạch chi dưới có thể gây ra biến chứng nguy hiểm hoại tử do tắc mạch nếu như không được điều trị kịp thời. Máu không được cấp đủ để nuôi đưỡng những vùng sau đoạn tắc mạch. Nhiều trường hợp có thể đe dọa đến tính mạng bệnh nhân nếu xảy ra các biến chứng như đột tử, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Theo các số liệu thống kê cho biết, có đến 55% người bị xơ vữa động mạch chân mất vì biến chứng ở tim và 10% do tai biến mạch máu não.

Nguyên nhân dẫn đến xơ vữa động mạch chi dưới

Thực tế rằng các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguồn gốc chính xác gây nên căn bệnh xơ vữa động mạch chi dưới. Thế nhưng, một số yếu tố sau đây có thể làm gia tăng tỉ lệ mắc phải căn bệnh này như:

  • Người bị cao huyết áp;
  • Người hay hút thuốc lá, uống rượu bia;
  • Bệnh nhân tiểu đường;
  • Người bị béo phì, thừa cân và không thường xuyên hoạt động thể dục, thể thao;
  • Chế độ sinh hoạt và ăn uống không khoa học, lành mạnh;
  • Trong gia đình có tiền sử mắc các bệnh về tim sớm.
Xơ vữa động mạch chi dưới: Nguyên nhân, dấu hiệu và biện pháp điều trị 1
Bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ cao bị xơ vữa động mạch chi dưới

Những dấu hiệu của xơ vữa động mạch chi dưới

Hẹp nhẹ động mạch chậu – đùi

Khi bị hẹp động mạch chậu và đùi ở mức độ nhẹ, đa phần các bệnh nhân sẽ không xuất hiện triệu chứng. Chỉ có thể phát hiện tình trạng bệnh khi đo chỉ số mắt cá và cánh tay.

Hẹp nặng hơn

Dấu hiệu thường thấy là các cơn đau tại vị trí đùi hoặc bắp chân, có thể đau một hoặc cả hai bên. Triệu chứng xuất hiện khi phải di chuyển một đoạn đường và nhanh chóng biến mất sau một vài phút đứng lại.

Bệnh nhân khi bị hẹp nặng thường khập khiễng cách hồi. Bắp chân đau mỗi khi đi lại và giảm mức độ nếu được nghỉ ngơi. Mặt khác, chỉ có 30% thể hiện triệu chứng bệnh động mạch ngoại biên ở chân, số còn lại thường không có biểu hiện rõ ràng.

Hẹp rất nặng

Những trường hợp thiếu máu nặng ở chân thường bị đau kể cả thời gian nghỉ ngơi. Những vết thương sẽ khó lành và thậm chí có nguy cơ hoại tử.

Xơ vữa động mạch chi dưới: Nguyên nhân, dấu hiệu và biện pháp điều trị 2
Xơ vữa động mạch chi dưới gây đau nhiều ở chân

Biện pháp điều trị bệnh xơ vữa động mạch chi dưới

Ngưng thuốc lá

Thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ của căn bệnh xơ vữa động mạch chi dưới. Các thành phần của thuốc là làm tăng hàm lượng LDL và giảm HDL, đẩy mạnh cơ mạch ở mạch máu xơ vữa. Bên cạnh đó, khói thuốc lá còn có khả năng làm tăng tính kết dính tiểu cầu, tăng HCT và fibrinogen. Cuối cùng dẫn đến tăng nồng độ quánh của máu.

Ngưng hút thuốc lá có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm thiểu các triệu chứng của bệnh xơ vữa động mạch chi dưới. Người bệnh có thể áp dụng các phương pháp cai thuốc lá thông qua dược phẩm nếu không thể tự thực hiện.

Kiểm soát đường huyết

Bệnh đái tháo đường không chỉ kích thích tiến trình xơ vữa chung mà còn gây ra hệ quả thiếu máu mạch máu ngoại biên, suy giảm hệ miễn dịch, bệnh thần kinh ngoại biên. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng loét chân và nhiễm trùng ở bàn chân.

Do đó, kiểm soát tốt đường huyết chính là một trong những tiêu chí cần đạt được khi điều trị căn bệnh xơ vữa động mạch chi dưới.

Luyện tập thể thao

Bệnh nhân xơ vữa động mạch chi dưới cần thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để cải thiện chức năng. Tùy vào từng trường hợp, các chuyên gia có thể đưa ra liệu trình bài tập theo mức độ nặng nhẹ khác nhau để khắc phục hiện tượng đau khập khiễng cách hồi.

Xơ vữa động mạch chi dưới: Nguyên nhân, dấu hiệu và biện pháp điều trị 2
Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để cải thiện chức năng

Cách phòng ngừa xơ vữa động mạch chi dưới

Chế độ ăn

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phòng ngừa tất cả các chứng bệnh. Để ngăn ngừa căn bệnh xơ vữa động mạch chi dưới, bạn cần lên kế hoạch cho một chế độ ăn như sau:

  • Hạn chế hấp thụ mỡ động vật và thay thế bằng các loại dầu có nguồn gốc thực vật như dầu vừng, dầu hạt hướng dương, dầu lạc,...
  • Hạn chế bổ sung các loại thịt đỏ vì chứa nhiều cholesterol.
  • Dầu dừa nên được loại khỏi chế độ ăn của những người có nguy cơ xơ vữa động mạch chi dưới vì chứa lượng lớn acid béo bão hòa. Chúng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng xơ vữa động mạch.
  • Nên sử dụng cá làm thực phẩm chính từ 2 - 3 bữa trong tuần. Mỡ cá chứa rất nhiều chất béo omega-3 tốt cho thành động mạch.
  • Các bữa ăn cần đáp ứng đa dạng lượng hoa quả và rau xanh.

Chế độ sinh hoạt

Một chế độ sinh hoạt lành mạnh sẽ giúp bạn phòng ngừa được căn bệnh xơ vữa động mạch chi dưới. Thường xuyên vận động, tập luyện thể dục với cường độ phù hợp với bản thân sẽ góp phần giảm cholesterol xấu và tăng cường các cholesterol tốt. Điều này cũng cực kỳ tốt cho những người bị tăng huyết áp mạn tính. Giữ một tinh thần lạc quan, hạn chế căng thẳng và lo âu cũng là một yếu tố then chốt.

Xơ vữa động mạch chi dưới: Nguyên nhân, dấu hiệu và biện pháp điều trị 3
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh

Xơ vữa động mạch chi dưới có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, nếu phát hiện bản thân có những dấu hiệu nghi ngờ mắc xơ vữa động mạch, bạn cần ngay lập tức đến các cơ sở y tế để được thăm khám.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm