Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Những yếu tố nguy cơ đái tháo đường mà bạn nên biết

Ngày 21/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Theo dự kiến của tổ chức y tế thế giới WHO, năm 2030 sẽ có khoảng 400 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Đây là một trong ba bệnh được đánh giá là có tốc độ gia tăng nhanh nhất. Tại Việt Nam cũng đã tiến hành khảo sát trên một số thành phố lớn, kết quả cho thấy tỷ lệ mắc đái tháo đường cũng khá cao và đang có chiều hướng gia tăng nhanh. Yếu tố nguy cơ đái tháo đường là gì mà số lượng người mắc bệnh lại tăng nhanh như vậy?

Tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, tác dụng của insulin hoặc cả hai. Việc tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây là nguy cơ gây tổn thương nhiều cơ quan như tim, mạch máu, thận, mắt và thần kinh. Vậy yếu tố nguy cơ đái tháo đường là gì? Có phương pháp nào giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh hay không? Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết sau!

Các biểu hiện của bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường là bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng tăng glucose huyết mạn tính phối hợp với rối loạn chuyển hóa carbohydrate, lipid và protein do bất thường của bộ máy tiết insulin, tác dụng của bản thân insulin hoặc cả hai gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở những cơ quan nhạy cảm như tim, mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

Các biểu hiện của bệnh đái tháo đường ở giai đoạn đầu rất khó xác định do bệnh không có dấu hiệu điển hình và dễ nhầm lẫn với triệu chứng các bệnh khác. Tuy nhiên, nếu chúng ta thật sự quan tâm và chú ý đến sức khỏe thì có thể phát hiện được bệnh đái tháo đường từ rất sớm. Việc phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời, liên tục sẽ giúp giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng. Dấu hiệu phát hiện sớm bệnh đái tháo đường bao gồm:

  • Khát nước và uống nước nhiều: Người bệnh đái tháo đường sẽ cảm thấy khát nước nhiều hơn bình thường.
  • Đi tiểu nhiều lần và lượng nước tiểu tăng cao: Tiểu nhiều cùng với lượng nước tiểu nhiều hơn bình thường, chất lượng nước tiểu bình thường, tiểu không buốt.
  • Ăn nhiều: Lượng glucose trong máu người bệnh đái tháo đường rất cao nhưng lại không thể đi vào tế bào để thực hiện các quá trình chuyển hóa năng lượng. Do đó, người bệnh sẽ thường xuyên cảm thấy đói và ăn nhiều.
  • Sút cân: Cơ thể không thể sử dụng glucose để tạo ra năng lượng. Vì vậy, chất béo sẽ là nguồn thay thế để tạo ra năng lượng cho các hoạt động của cơ thể. Điều này dẫn đến sự giảm sút cân nặng đột ngột khiến người bệnh gầy đi. 

Ngoài ra, người mắc bệnh đái tháo đường còn có các biểu hiện khác như giảm sút tầm nhìn, viêm nướu, xuất hiện nhiều vết thâm nám, vết thương lâu lành, rối loạn cương dương hoặc mắc các bệnh lý tim mạch, tổn thương cầu thận… ở giai đoạn nặng.

dai-thao-duong-la-gi-nhung-yeu-to-nguy-co-dai-thao-duong-ma-ban-nen-biet 1.jpg
Ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều là các triệu chứng của bệnh đái tháo đường

Yếu tố nguy cơ đái tháo đường

Yếu tố nguy cơ đái tháo đường type 1

Các tế bào beta của đảo tụy bị phá hủy dẫn đến thiếu insulin hoàn toàn. Các tế bào beta bị phá hủy bởi các chất trung gian miễn dịch với tốc độ khác nhau. Dạng phá hủy nhanh đa số thường gặp ở trẻ em nhưng cũng có thể gặp ở người lớn. Dạng phá hủy chậm hay gặp ở người lớn gọi là đái tháo đường tự miễn dịch tiềm tàng người lớn. 

Các yếu tố nguy cơ của tiểu đường tuýp 1 vẫn đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, qua nhiều khảo sát, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một số vấn đề có khả năng liên quan đến cơ chế mắc bệnh như sau:

  • Tiền sử gia đình: khi có một thành viên trong gia đình mắc đái tháo đường type 1, làm tăng nhẹ nguy cơ phát triển bệnh. 
  • Nhiễm virus Coxsackie và Rubella: Đây đang được xem là yếu tố khởi phát dẫn đến tình trạng viêm tế bào beta đảo tụy.
  • Người dưới 30 tuổi: những trường hợp phát hiện đái tháo đường type 1 thường có độ tuổi dưới 30.
  • Có các bệnh tự miễn phối hợp.
dai-thao-duong-la-gi-nhung-yeu-to-nguy-co-dai-thao-duong-ma-ban-nen-biet 2.jpg
Tiền sử gia đình là một yếu tố nguy cơ đái tháo đường

Yếu tố nguy cơ đái tháo đường type 2

Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ của tiểu đường tuýp 2:

  • Yếu tố di truyền: Yếu tố di truyền có vai trò đóng góp gây tình trạng kháng insulin. Gia đình có bố mẹ ông bà mắc bệnh đái tháo đường type 2 cũng làm tăng khả năng mắc bệnh đái tháo đường cho những thế hệ sau.
  • Tiền sử đái tháo đường thai kỳ ở nữ: Tiểu đường thai kỳ là một dạng tiểu đường trong thời kỳ mang thai, thường xuất hiện trong tháng thứ 4 đến tháng thứ 9 của thai kỳ. Nếu bạn đã từng bị bệnh đái tháo đường thai kỳ, bạn nên kiểm tra định kỳ lượng đường trong máu vì nó là yếu tố nguy cơ đái tháo đường type 2. 
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh: Ăn quá nhiều thức ăn chứa glucid, lipid, protein hoặc uống quá nhiều thức uống có cồn cũng có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường loại 2.
  • Hạn chế vận động: Hạn chế vận động ở đây có nghĩa là bạn ngồi hoặc nằm quá lâu. Ví dụ bạn ngồi làm việc, ngồi trong khi học ở trường hoặc ở nhà, ngồi xem ti vi trong một thời gian dài mà không đứng dậy.
  • Béo phì: Tỷ lệ người béo phì mắc bệnh đái tháo đường type 2 cao hơn ở những người có cân nặng bình thường. 
dai-thao-duong-la-gi-nhung-yeu-to-nguy-co-dai-thao-duong-ma-ban-nen-biet 3.jpg
Người bị béo phì có yếu tố nguy cơ đái tháo đường cao hơn

Bên cạnh đó, một số yếu tố khác như hút thuốc, tuổi cao, tăng huyết áp, rối loạn dung nạp glucose… cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2.

Một số thói quen sinh hoạt lành mạnh để giảm nguy cơ mắc bệnh

Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO), chế độ ăn uống hàng ngày cần tuân thủ các nguyên tắc sau: 

  • Bổ sung nhiều loại thực phẩm như rau, đậu, hoa quả. Một ngày, bạn nên ăn ít nhất 400g rau xanh và hoa quả. Lưu ý rằng, các loại khoai tây, khoai lang, sắn hoặc các loại củ chứa tinh bột không được tính trong nhóm này.
  • Lượng glucose thu nạp qua đồ uống, gia vị chế biến thức ăn, các loại siro ngọt không được phép vượt quá 10% tổng năng lượng sử dụng hàng ngày.
  • Tổng năng lượng của chất béo không vượt quá 30% trong đó chất béo bão hòa như mỡ động vật, dầu dừa, bơ không quá 10%, chất béo chứa đựng trong đồ ăn nhanh không quá 1% vì các chất béo này rất có hại cho sức khỏe.
  • Không nên sử dụng rượu bia. Nếu sử dụng, chỉ dùng 1 chén/ngày (nữ giới) và 2 chén/ngày (nam giới). Đặc biệt, phụ nữ có thai và đang cho con bú tuyệt đối không được phép uống rượu.

Có chế độ tập luyện thể dục thể thao, tăng cường vận động là phương pháp hữu hiệu để cân bằng năng lượng cũng như phòng ngừa đái tháo đường, cao huyết áp và tim mạch. Luyện tập thể dục thể thao không chỉ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh mà còn giúp cho cơ thể khỏe mạnh, tăng cường chức năng của hệ thống hô hấp, tuần hoàn và tăng cường hệ thống miễn dịch. Các phương pháp thể dục thể thao gồm có: đi bộ nhanh, đi bộ chậm, chạy, bơi, thể dục nhịp điệu, đạp xe…

dai-thao-duong-la-gi-nhung-yeu-to-nguy-co-dai-thao-duong-ma-ban-nen-biet 4.jpg
Tập luyện thể dục thể thao giúp cơ thể khỏe mạnh và ngăn ngừa bệnh tiểu đường

Bài viết trên của Nhà Thuốc Long Châu đã đưa ra những yếu tố nguy cơ đái tháo đường. Tuy nhiên, dù bạn có nằm trong những người có yếu tố nguy cơ hay không, bạn vẫn cần kiểm tra, đánh giá sức khỏe cá nhân thường xuyên và giữ cho bản thân một lối sống lành mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm