Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Xoắn tinh hoàn ở trẻ có nguy hiểm không?

Ngày 10/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu trong ngoại khoa tiết niệu cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đến khám muộn, chẩn đoán nhầm và điều trị không đúng hay chậm trễ sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng phải cắt bỏ tinh hoàn do tinh hoàn bị hoại tử.

Xoắn tinh hoàn là bệnh lý hệ sinh dục của nam giới, bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng hay gặp nhất là thời điểm xung quanh tuổi dậy thì. Vậy, xoắn tinh hoàn ở trẻ có nguy hiểm không? Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp giải đáp câu hỏi này.

Xoắn tinh hoàn là gì?

Xoắn tinh hoàn (còn gọi là xoắn thừng tinh) là hiện tượng tinh hoàn bị xoắn quanh trục của nó, làm cản trở và tắc nghẽn mạch máu nuôi tinh hoàn dẫn đến thiếu máu và hoại tử tinh hoàn.

Xoắn tinh hoàn là tình trạng tinh hoàn xoắn quanh trục 1
Xoắn tinh hoàn là tình trạng tinh hoàn xoắn quanh trục

Tinh hoàn là một cơ quan đôi nằm trong bìu. Khi thừng tinh bị xoắn, các tĩnh mạch nhanh chóng bị tắc nghẽn, tạo ra áp lực đủ lớn để chèn ép lên dòng chảy động mạch (kể cả khi tổn thương ban đầu của xoắn thừng tinh chưa làm tắc nghẽn dòng chảy của động mạch). Điều này làm tắc nghẽn lưu thông máu của tinh hoàn gây ra xuất huyết và nhồi máu tinh hoàn.

Các yếu tố nguy cơ của xoắn tinh hoàn ở trẻ

Nguy cơ gặp xoắn tinh hoàn ở trẻ có thể tăng lên nếu có các yếu tố sau:

  • Thường gặp ở tuổi trước hoặc trong khi dậy thì.
  • Yếu tố gia đình có người đã mắc trước đó.
  • Cơ bìu có thể co thắt mạnh dễ dẫn đến xoắn tinh hoàn, trong một số hoàn cảnh đặc biệt như: Thời tiết lạnh, chấn thương vùng bìu, vận động gắng sức, xoắn tinh hoàn thường xảy ra vào ban đêm.
  • Một số yếu tố giải phẫu có liên quan như: Tinh hoàn nằm ngang, thừng tinh dài, tinh hoàn to, sự liên kết bất thường của mào tinh với tinh hoàn…
Tinh hoàn nằm ngang là một yếu tố làm tăng nguy cơ xoắn tinh hoàn 2
Tinh hoàn nằm ngang là một yếu tố làm tăng nguy cơ xoắn tinh hoàn

Phân loại xoắn tinh hoàn

Xoắn tinh hoàn ở trẻ có thể được phân thành 3 loại chính:

  • Xoắn tinh hoàn không liên tục: Là dạng xoắn tinh hoàn ít nghiêm trọng nhưng kéo dài, chiếm tỷ lệ khoảng 20%. Tình trạng này được đặc trưng bởi đau bìu không liên tục, cuối cùng là cơn đau nặng nề cần can thiệp.
  • Xoắn tinh hoàn ngoài bao tinh hoàn: Khi đó hiện tượng xoắn xảy ra bên ngoài của lá thành bao tinh hoàn, khi tinh hoàn và dây chằng mào tinh hoàn có thể xoay tự do. Loại này chỉ xảy ra ở trẻ sơ sinh, thường xuất hiện với sưng bìu không đau, đổi màu, khối cứng. Tinh hoàn như vậy thường bị hoại tử từ khi sinh ra và phải được phẫu thuật cắt bỏ.
  • Xoắn tinh hoàn trong bao tinh hoàn: Là kiểu xoắn phổ biến nhất, xảy ra khi tinh hoàn xoắn ở trong lá thành của bao tinh hoàn. Thường xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Trong trường hợp này, thường có bất thường giải phẫu “biến dạng hình chuông clapper”.

Trong đó, xoắn tinh hoàn trong bao có thể gặp 3 kiểu khác nhau:

  • Thừng tinh có thể xoắn và gây ra nhồi máu cả tinh hoàn và mào tinh hoàn (70 – 75%).
  • Xoắn tại màng treo giữa tinh hoàn và mào tinh hoàn, gây nhồi máu chỉ tinh hoàn, không gây nhồi máu mào tinh hoàn (10 – 25%).
  • Xoắn ở giữa mào tinh hoàn (hiếm), dẫn đến 1 phần mào tinh bị hoại tử, một phần không.
Phân loại xoắn tinh hoàn 3
Phân loại xoắn tinh hoàn

Các dấu hiệu nhận biết xoắn tinh hoàn ở trẻ

Tình trạng xoắn tinh hoàn ở trẻ có thể nhận biết dễ dàng qua những dấu hiệu sau đây:

  • Đau bìu thường khởi phát đột ngột, nhanh chóng. Đau có thể lan lên bẹn hay hố chậu cùng bên. Đau thường liên tục hoặc thành cơn (trong xoắn tinh hoàn không liên tục).
  • Bìu to dần, da bìu đỏ hoặc bầm tím, đôi khi phù lan rộng sang bìu bên đối diện. Bìu phù nề và đỏ là tiên lượng kém (thời gian xoắn >12 giờ). Khi đó, có thể gặp tình trạng tinh hoàn treo lên cao hơn bình thường, tinh hoàn nằm ngang.
  • Dấu hiệu Prehn: Khi nâng bìu lên, nếu là xoắn tinh hoàn thì mức độ đau không đổi. Dấu hiệu này giúp phân biệt với tình trạng viêm tinh hoàn, khi nâng bìu lên sẽ giảm đau rõ.
  • Buồn nôn hoặc nôn.
  • Rối loạn tiểu tiện: Có thể gặp tình trạng rối loạn tiểu tiện như tiểu nhiều và tiểu khó. Tuy nhiên, đây không phải triệu chứng đặc trưng của xoắn tinh hoàn.
Đau vùng bìu là triệu chứng dễ nhận thấy nhất trong xoắn tinh hoàn ở trẻ 4
Đau vùng bìu là triệu chứng dễ nhận thấy nhất trong xoắn tinh hoàn ở trẻ

Xoắn tinh hoàn ở trẻ có nguy hiểm không?

Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu ngoại khoa thực sự và việc đánh giá sớm một cách chính xác có thể hỗ trợ can thiệp ngoại khoa kịp thời, tránh dẫn đến hoại tử tinh hoàn đáng tiếc.

Khả năng sống của tinh hoàn giảm đáng kể sau 6 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng đau bìu đầu tiên. Do đó, chẩn đoán sớm là chìa khóa giúp điều trị thành công. Xoắn tinh hoàn nếu được chẩn đoán và xử trí muộn sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề về chức năng sinh sản, nội tiết, tâm lý và thẩm mỹ đối với trẻ.

Thời gian tốt nhất để tinh hoàn được bảo tồn là trước 6 giờ từ khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng đầu tiên, sau 8 – 12 giờ, hiện tượng teo tinh hoàn sẽ xảy ra. Sau 12 giờ, tỷ lệ cắt bỏ tinh hoàn là 75%, sau 24 giờ, không có khả năng bảo tồn tinh hoàn.

Thời gian tốt nhất để phẫu thuật bảo tồn tinh hoàn là trước 6 giờ sau khi có triệu chứng 5
Thời gian tốt nhất để phẫu thuật bảo tồn tinh hoàn là trước 6 giờ sau khi có triệu chứng

Cần làm gì khi trẻ có tình trạng xoắn tinh hoàn?

Nếu trẻ có các dấu hiệu trên, nên đưa trẻ đến khám ngay tại các trung tâm y tế có uy tín để được thăm khám và chẩn đoán sớm nhất.

Khi đã có chẩn đoán xác định là trẻ có tình trạng xoắn tinh hoàn, trẻ thường cần được điều trị ngay lập tức. Xoắn càng nặng thì càng cần điều trị nhanh chóng. Trong một số trường hợp, phần xoắn có thể được tháo ra bằng tay. Nhưng vẫn cần phẫu thuật giữ tinh hoàn ở đúng vị trí để tránh tình trạng xoắn tinh hoàn tái phát. Để giảm nguy cơ biến chứng, phẫu thuật nên được thực hiện trong vòng 6 giờ sau khi bắt đầu có triệu chứng.

Bài viết trên đã cung cấp cho các độc giả một số thông tin về tình trạng xoắn tinh hoàn ở trẻ. Qua đó giúp mọi người hiểu rõ hơn và có thể phát hiện sớm bệnh lý này ở trẻ.

Xem thêm: Xoắn tinh hoàn có tự khỏi không? Triệu chứng và nguyên nhân gây xoắn tinh hoàn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin