Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Teo tinh hoàn là gì? Nó có gây nguy hiểm cho sức khỏe nam giới hay không

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Teo tinh hoàn là tình trạng tinh hoàn bị co lại. Có một số nguyên nhân tiềm ẩn gây ra teo tinh hoàn, có thể bao gồm lão hóa, nhiễm trùng và một số bệnh lý khác.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Teo tinh hoàn là gì?

Tinh hoàn là hai tuyến sinh sản nam, hình trứng, nằm trong túi bìu ngay dưới dương vật. Chiều dài tinh hoàn bình thường ở người trưởng thành là 5 cm, rộng 2 cm và cao 3 cm. Thể tích tinh hoàn trung bình ở người lớn là khoảng 18 ml.

Teo tinh hoàn đề cập đến tình trạng tinh hoàn của bạn bị co lại, nghĩa là kích thước tinh hoàn sẽ nhỏ hơn bình thường, có thể thấy ở một hoặc cả hai tinh hoàn. Túi bìu chứa tinh hoàn là một cơ quan nhạy cảm với nhiệt, chức năng chính của bìu là điều chỉnh nhiệt độ xung quanh tinh hoàn, nó thực hiện bằng cách co lại khi nhiệt độ lạnh và giãn ra khi nhiệt độ trở nên ấm hơn. Điều này đôi khi khiến bạn có cảm giác như tinh hoàn của mình to hoặc nhỏ hơn bình thường.

Tuy nhiên, teo tinh hoàn đề cập đến sự co rút thực sự ở tinh hoàn chứ không phải ở bìu của bạn. Điều này có thể do một số nguyên nhân, bao gồm lão hóa, chấn thương, các bệnh lý tiềm ẩn hoặc tiếp xúc với một số hóa chất.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của teo tinh hoàn

Triệu chứng rõ ràng nhất của teo tinh hoàn là sự co rút của một hoặc cả hai tinh hoàn. Tuy nhiên, tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng của mỗi người, mà có thể có các triệu chứng khác kèm theo.

Đối với teo tinh hoàn trước tuổi dậy thì, có thể nhận thấy các triệu chứng kèm như:

  • Kích thước dương vật lớn hơn;
  • Thiếu lông mặt hoặc lông mu.

Nếu teo tinh hoàn xảy ra sau tuổi dậy thì, các triệu chứng khác có thể gồm:

  • Tinh hoàn mềm;
  • Ham muốn tình dục thấp hơn;
  • Giảm khối lượng cơ bắp;
  • Vô sinh;
  • Giảm lông mặt hoặc lông mu.

Nếu teo tinh hoàn do một bệnh lý tiềm ẩn, bạn có thể gặp các tình trạng khác như:

  • Đau ở tinh hoàn;
  • Viêm;
  • Sốt;
  • Buồn nôn.
Teo tinh hoàn là gì? Nó có gây nguy hiểm cho sức khỏe nam giới hay không 4
Teo kèm đau tinh hoàn có thể gợi ý một bệnh lý tiềm ẩn như xoắn tinh hoàn hay ung thư tinh hoàn

Biến chứng có thể gặp khi mắc teo tinh hoàn

Những biến chứng có thể gặp khi teo tinh hoàn là:

  • Vô sinh: Tinh hoàn có hai nhiệm vụ quan trọng là sản xuất hormone testosterone và tinh trùng. Nếu tinh hoàn bị teo thì các chức năng này sẽ bị ảnh hưởng, và đặc biệt nghiêm trọng khi teo cả hai bên tinh hoàn.
  • Rối loạn cương dương: Rối loạn cương dương, hay bất lực, có thể xảy ra do thiếu hụt testosterone do tinh hoàn sản xuất.
  • Ung thư tinh hoàn: Những đối tượng bị teo tinh hoàn nên được theo dõi chặt chẽ về bệnh ung thư tinh hoàn.
  • Vấn đề tâm lý: Tinh hoàn bị teo có thể dẫn đến các vấn đề về tâm lý, gây mất tự tin ở nam giới.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Thông thường, một người có thể tự nhận thức được kích thước và hình dạng bình thường tinh hoàn của họ. Nên nếu bạn nhận thấy một hoặc cả hai tinh hoàn của minh trở nên nhỏ hơn đáng kể, tốt nhất bạn nên đến gặp và nói chuyện với bác sĩ càng sớm càng tốt.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến teo tinh hoàn

Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây teo tinh hoàn, từ tình trạng lão hóa cho đến các bệnh lý tiềm ẩn khác. Các nguyên nhân đó có thể bao gồm:

Tuổi

Theo thời gian, tinh hoàn sẽ bắt đầu teo dần. Đây là một quá trình tự nhiên vì cơ thể sản xuất ít testosterone hoặc ít tinh trùng hơn sau thời gian sinh sản cao điểm.

Sự mất cân bằng của hormone

Mất cân bằng nội tiết tố đôi khi có thể gây teo tinh hoàn. Nếu có thể nằm trong tình trạng bắt buộc phải sản xuất ít testosterone hơn, tinh hoàn sẽ teo lại. Một số nguyên nhân tiềm ẩn gây mất cân bằng hormone bao gồm:

  • Liệu pháp thay thế testosterone;
  • Uống estrogen;
  • Anabolic steroids (steroid đồng hóa), thường dùng để tăng hoạt động thể chất và cơ bắp;
  • Một vài loại thuốc khác.

Viêm tinh hoàn

Viêm tinh hoàn là tình trạng nhiễm trùng gây đau và viêm ở tinh hoàn. Nguyên nhân là do nhiễm virus hoặc vi khuẩn, bao gồm:

  • Chlamydia (một bệnh lây nhiễm qua đường tình dục);
  • Bệnh lậu;
  • Vi khuẩn đường ruột gây bệnh (trong trường hợp quan hệ tình dục qua đường hậu môn);
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu;
  • Phẫu thuật đường tiết niệu;
  • Sử dụng ống thông (như ống thông tiểu).

Bệnh lý khác

Một số bệnh hoặc tình trạng nhiễm trùng có thể làm tăng nguy cơ teo tinh hoàn, bao gồm quai bị và HIV. Việc điều trị có thể giúp đảo ngược tình trạng teo tinh hoàn nhưng cũng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng teo.

Sử dụng rượu quá mức

Thường xuyên uống quá nhiều rượu có thể làm giảm nồng độ testosterone. Đồng thời, uống nhiều rượu cũng có thể gây tổn thương mô tinh hoàn dẫn đến teo tinh hoàn.

Teo tinh hoàn là gì? Nó có gây nguy hiểm cho sức khỏe nam giới hay không 5
Sử dụng rượu quá mức có thể dẫn đến teo tinh hoàn

Xoắn tinh hoàn

Xoắn tinh hoàn xảy ra khi tinh hoàn xoay gây xoắn dây nối tinh hoàn với phần còn lại của đường sinh sản. Ngoài triệu chứng sưng và đau, xoắn tinh hoàn còn gây mất lượng máu đến nuôi tinh hoàn. Do đó, nếu không được điều trị kịp thời, việc mất oxy và lưu lượng máu có thể dẫn đến teo tinh hoàn vĩnh viễn.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh

Đây là tình trạng các tĩnh mạch chạy qua vùng bìu trở nên giãn ra, thường chỉ xảy ra ở tinh hoàn bên trái. Trong nhiều trường hợp, một người không nhận ra mình bị giãn tĩnh mạch thừng tinh vì không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể nhận thấy tinh hoàn bên trái có vẻ nhỏ hơn so với bình thường.

Ung thư tinh hoàn

Trong một số ít trường hợp, ung thư tinh hoàn có thể gây teo tinh hoàn.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc teo tinh hoàn?

Nam giới mọi độ tuổi đều có thể mắc teo tinh hoàn, tùy thuộc vào nguyên nhân mà các đối tượng nguy cơ sẽ khác nhau. Ví dụ như teo tinh hoàn do tình trạng lão hóa sẽ thường xuất hiện ở nam giới lớn tuổi. Hay teo tinh hoàn do nhiễm trùng thường xảy ra ở nam giới trong độ tuổi quan hệ tình dục.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc teo tinh hoàn

Các yếu tố nguy cơ có thể làm tăng nguy cơ mắc teo tinh hoàn bao gồm:

  • Sự gia tăng của tuổi tác;
  • Sử dụng rượu quá mức;
  • Hút thuốc lá;
  • Có thực hiện các phẫu thuật ở tinh hoàn;
  • Tiền sử gia đình có người mắc teo tinh hoàn;
  • Sử dụng thuốc hoặc chất bổ sung (ví dụ như steroid đồng hóa).
Teo tinh hoàn là gì? Nó có gây nguy hiểm cho sức khỏe nam giới hay không 6
Lạm dụng steroid đồng hóa có thể dẫn đến teo tinh hoàn

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán teo tinh hoàn

Thông thường, bác sĩ sẽ bắt đầu chẩn đoán teo tinh hoàn bằng cách đặt câu hỏi về lối sống cũng như tiền sử bệnh của bạn. Bác sĩ cũng có thể hỏi về các loại thuốc mà bạn đang sử dụng.

Tiếp theo, việc tiến hành khám tinh hoàn là cần thiết, bác sĩ sẽ xem xét các đặc điểm sau của tinh hoàn:

  • Kích cỡ;
  • Hình dạng;
  • Cấu trúc;
  • Độ chắc.

Cuối cùng, bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm bổ sung để giúp xác định nguyên nhân gây teo tinh hoàn. Các xét nghiệm có thể bao gồm:

  • Siêu âm tinh hoàn để xem xét những bất thường cấu trúc cũng như lưu lượng máu.
  • Xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm swabs test hoặc nước tiểu để tìm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Xét nghiệm nồng độ hormone.

Phương pháp điều trị teo tinh hoàn

Việc điều trị teo tinh hoàn sẽ phục thuộc vào nguyên nhân cơ bản gây ra teo tinh hoàn. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Kháng sinh để điều trị nhiễm trùng;
  • Thay đổi lối sống;
  • Liệu pháp hormone;
  • Phẫu thuật, đặc biệt trong trường hợp xoắn tinh hoàn.

Nếu một người được phát hiện sớm teo tinh hoàn và điều trị càng sớm càng tốt thì tình trạng teo tinh hoàn có thể đảo ngược. Một số tình huống chẳng hạn như xoắn tinh hoàn, cần được điều trị ngay lập tức để tránh tổn thương tinh hoàn vĩnh viễn.

Teo tinh hoàn là gì? Nó có gây nguy hiểm cho sức khỏe nam giới hay không 7
Xoắn tinh hoàn cần được phát hiện sớm và phẫu thuật tháo xoắn ngay lập tức để ngăn tổn thương tinh hoàn vĩnh viễn

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của teo tinh hoàn

Chế độ sinh hoạt:

Duy trì một chế độ sinh hoạt lành mạnh có thể hạn chế diễn tiến của teo tinh hoàn, ví dụ như:

  • Không hút thuốc lá;
  • Hạn chế sử dụng rượu;
  • Tự kiểm tra và phát hiện teo tinh hoàn để được khám và điều trị càng sớm càng tốt;
  • Nếu bạn hay người thân trong gia đình bạn mắc quai bị, hãy tích cực điều trị sớm để có thể đảo ngược tình trạng teo tinh hoàn.

Chế độ dinh dưỡng:

Việc duy trì một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, lành mạnh là cần thiết để duy trì sức khỏe của bạn. Nếu bạn là vận động viên hay có tập thể thao và sử dụng các chất bổ sung, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có thể hạn chế teo tinh hoàn do sử dụng thuốc hay chất bổ sung không phù hợp.

Phương pháp phòng ngừa teo tinh hoàn hiệu quả

Không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa được tình trạng teo tinh hoàn, đặc biệt là ở các nguyên nhân không thể đảo ngược được như quá trình lão hóa. Tuy nhiên, việc duy trì một lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, hạn chế rượu, không sử dụng thuốc và chất bổ sung một cách thiếu kiểm soát, có thể giúp hạn chế được một số nguyên nhân gây teo tinh hoàn. Đồng thời, hãy chú ý phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục bằng cách quan hệ tình dục an toàn (sử dụng bao cao su). Quan trọng hơn hết, bạn nên nhận thức được các yếu tố nguy cơ và tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu gặp bất kỳ triệu chứng teo tinh hoàn nào.

Nguồn tham khảo
  1. What causes testicular atrophy?: https://www.medicalnewstoday.com/articles/322544
  2. Understanding Testicular Atrophy: https://www.healthline.com/health/testicular-atrophy
  3. Testicular Atrophy: Causes, Diagnosis and Treatment: https://dreminozbek.com/en/testicular-atrophy-causes-diagnosis-and-treatment/
  4. Shrinking Secrets: Unlocking the Mystery of Testicular Atrophy: https://www.allohealth.care/healthfeed/sexual-wellness/testicular-atrophy#4 
  5. Testicular Atrophy: https://www.centreformenshealth.co.uk/testicular-atrophy

Các bệnh liên quan

  1. Bệnh lùn tuyến yên

  2. Viêm âm đạo do Trichomoniasis

  3. Ấu dâm

  4. Rong kinh

  5. Rối loạn kinh nguyệt

  6. Yếu sinh lý

  7. Bán hẹp bao quy đầu

  8. U tinh hoàn

  9. Viêm lộ tuyến cổ tử cung

  10. Tinh hoàn lạc chỗ