Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hạt xơ dây thanh quản: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Ngày 14/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hạt xơ dây thanh quản là một bệnh lý với sự tăng trưởng không phải ung thư, hình thành trên một hoặc cả hai dây thanh quản. Hầu hết nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ sự tổn thương dây thanh quản do người bệnh lạm dụng dây thanh âm của mình trong thời gian dài. Các phương pháp điều trị gồm liệu pháp điều chỉnh giọng nói, thay đổi thói quen nói và phẫu thuật.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hạt xơ dây thanh quản là gì?

Dây thanh quản là một cấu trúc hình nẹp nằm tại tầng thanh môn của thanh quản bao gồm niêm mạc, sợi đàn hồi và các cơ đi từ góc sụn giáp đến sụn phễu. Dây thanh có thể di động, có thể khép mở hoặc rung động để tạo ra âm thanh.

Hạt xơ dây thanh quản là tổn thương lành tính tại điểm nối ⅓ trước và ⅔ sau của bờ tự do dây thanh. Đó là những khối u cứng, thô, kích thước bằng nửa hạt gạo, tròn hoặc như đầu kim.

Hạt xơ dây thanh quản có thể gặp ở mọi giới, cả người lớn và trẻ em nhưng bệnh hay gặp ở nữ giới và những người lạm dụng giọng nói nhiều như giáo viên, ca sĩ, người bán hàng hoặc người có tình trạng viêm nhiễm vùng mũi họng.

Bệnh lý này hiện là một trong những bệnh lý thanh quản thường gặp và có tỷ lệ mắc khá cao. Theo thống kê của Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung Ương mỗi năm tại đây có khoảng 1000 ca đến khám và điều trị.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hạt xơ dây thanh quản

Triệu chứng phổ biến nhất của hạt xơ dây thanh quản là khàn tiếng. Tuy nhiên, các triệu chứng phụ thuộc vào kích thước của hạt xơ tổn thương và mức độ mà hạt xơ đó cản trở việc đóng mở và rung của dây thanh âm. Các triệu chứng bạn có thể nhận biết bao gồm:

  • Khàn tiếng kéo dài, xuất hiện từ từ, liên tục, ngày càng tăng dần và không có xu hướng tự khỏi;
  • Hụt hơi;
  • Giọng nói hoặc giọng hát mệt mỏi;
  • Mất giọng;
  • Mất âm vực trong giọng hát (không hát nốt cao hoặc thấp được);
  • Giọng nói dễ vỡ.
Hạt xơ dây thanh quản: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 1
Khàn tiếng là triệu chứng điển hình của hạt xơ dây thanh quản

Giọng nói có âm gắt, khàn khàn;

  • Thường xuyên ho;
  • Thường xuyên hắng giọng;
  • Đau họng hoặc đau lan từ tai này sang tai khác.

Biến chứng có thể gặp khi mắc hạt xơ dây thanh quản

Biến chứng của hạt xơ dây thanh quản ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các biến chứng bao gồm:

  • Khàn tiếng, rối loạn âm sắc hoặc mất giọng;
  • Mệt mỏi mạn tính;
  • Ảnh hưởng đến nghề nghiệp;
  • Ảnh hưởng đến các mối quan hệ giao tiếp trong xã hội.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến khám bác sĩ nếu bị khàn tiếng hoặc có bất kỳ triệu chứng nào của hạt xơ dây thanh quản kéo dài hơn hai tuần. Để được thăm khám và điều trị tốt nhất, bạn hãy đăng ký khám bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hạt xơ dây thanh quản

Hạt xơ dây thanh là kết quả từ vi chấn thương và quá trình sửa chữa tổn thương ở niêm mạc dây thanh. Sự tác động quá mức của một lực trong quá trình phát âm sẽ dẫn đến tổn thương và gây nên tình trạng căng cơ dây thanh quá mức, làm tăng áp lực cơ học lên các cơ quan chịu trách nhiệm phát âm. Quá trình này bắt đầu với tình trạng xung huyết, giãn mạch và đứt vỡ vi tuần hoàn, dẫn đến phù nề lớp đệm dưới niêm mạc (khoảng Reinke). Vi chấn thương nếu được lặp đi lặp lại lâu dài sẽ dẫn đến việc tái tổ chức hóa tổn thương bằng mô xơ, dẫn đến thoái hóa.

Theo Titze (1994), một số điều kiện để xuất hiện hạt xơ dây thanh quản gồm:

  • Có điểm tiếp xúc tại bờ tự do dây thanh (contact point).
  • Tần số cơ bản F0 đủ cao. Hạt xơ dây thanh quản thường gặp trên đối tượng có chất giọng cao.
  • Hạt xơ dây thanh quản chỉ xuất hiện khi 2 điều kiện trên xảy ra trong thời gian đủ dài.

Một số nguyên nhân gây bệnh gồm:

  • Lạm dụng giọng nói và sử dụng giọng nói không đúng cách như nói to, nói nhiều, ho khạc hoặc hắng giọng quá mức.
  • Viêm nhiễm ở đường hô hấp trên như viêm xoang mạn, viêm họng mạn.
  • Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản gây kích thích vào các thụ thể thần kinh ở vùng hạ họng - thanh quản, gây tình trạng khó chịu vùng hầu họng có thể gián tiếp làm căng cơ dây thanh.
  • Dị ứng, độc tố từ khói thuốc lá làm cho thanh quản nhạy cảm hơn và dễ phù nề.
Hạt xơ dây thanh quản: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 2
Lạm dụng giọng nói trong một thời gian dài gây hạt xơ dây thanh quản

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải hạt xơ dây thanh quản?

Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc hạt xơ dây thanh quản như:

  • Phụ nữ;
  • Trẻ em;
  • Người hút thuốc lá;
  • Những người có nghề nghiệp đặc trưng như giáo viên, ca sĩ, người dẫn chương trình, người bán hàng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hạt xơ dây thanh quản

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hạt xơ dây thanh quản bao gồm:

  • Mắc hội chứng trào ngược dạ dày thực quản;
  • Mắc các bệnh lý mạn tính vùng mũi họng như viêm mũi xoang mạn, viêm họng mạn;
  • Tiền sử dị ứng, suy giáp;
  • Môi trường ô nhiễm không khí, nhiều khói bụi, khói thuốc lá;
  • Tiêu thụ quá nhiều rượu hoặc caffeine.
Hạt xơ dây thanh quản: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 3
Tiêu thụ nhiều caffeine có nguy cơ cao mắc hạt xơ dây thanh quản

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm hạt xơ dây thanh quản

Bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng sẽ tiến hành thăm khám vùng đầu cổ của bạn và hỏi bệnh sử xem bạn có lạm dụng quá mức giọng nói của mình hay không. Bác sĩ có thể kiểm tra gián tiếp thanh quản bằng cách sử dụng đèn Clar và gương soi để quan sát dây thanh. Để chẩn đoán xác định, bác sĩ cần thực hiện một số cận lâm sàng hình ảnh học để kiểm tra trực tiếp dây thanh âm của bạn, bao gồm:

  • Nội soi thanh quản: Bác sĩ sử dụng một ống nội soi cứng hoặc ống nội soi mềm có gắn một camera nhỏ đưa vào vùng hầu họng để theo dõi trực tiếp cấu trúc và hoạt động của hai dây thanh.
  • Nội soi hoạt nghiệm thanh quản: Là phương pháp thăm khám trực tiếp thanh quản bằng một ánh sáng nhấp nháy của nguồn sáng sợi quang học, được kết hợp với ống nội soi thanh quản cứng hoặc mềm, ghi lại sự hoạt động và tình trạng dây thanh mà khi nội soi bằng ánh sáng thường không quan sát được. Phương pháp này là tiêu chuẩn vàng để đánh giá khàn tiếng.
Hạt xơ dây thanh quản: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 4
Hình ảnh nội soi trong bệnh lý hạt xơ dây thanh quản

Điều trị hạt xơ thanh quản

Điều trị hạt xơ dây thanh quản có thể bao gồm các phương pháp điều trị bảo tồn như liệu pháp hành vi nhận thức, trị liệu giọng nói, thuốc bổ trợ và chế độ ăn uống, cho đến các phương pháp điều trị xâm lấn hơn như phẫu thuật.

Trị liệu bằng giọng nói

Chuyên gia trị liệu ngôn ngữ có thể hướng dẫn người bệnh trong các buổi trị liệu bằng giọng nói. Liệu pháp giọng nói sẽ giúp người bệnh điều chỉnh cách sử dụng dây thanh âm để chúng có thể lành lại. Liệu pháp này cũng có thể hướng dẫn người bệnh cách ngăn ngừa tổn thương giọng nói trong tương lai. Hạt xơ dây thanh quản thường được điều trị bảo tồn bằng trị liệu giọng nói dưới sự hướng dẫn của chuyên gia trị liệu ngôn ngữ.

Hạt xơ dây thanh quản: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 5
Trị liệu bằng giọng nói

Liệu pháp hành vi nhận thức

Các biện pháp can thiệp hành vi nhận thức có thể giúp người bệnh điều chỉnh lối sống giúp chăm sóc giọng nói của mình. Bỏ hút thuốc, giảm sử dụng cà phê, giảm căng thẳng và cải thiện chế độ ăn uống có thể bổ sung cho liệu pháp trị liệu giọng nói, người bệnh có thể cải thiện các triệu chứng của hạt xơ dây thanh quản và chữa lành tổn thương dây thanh.

Điều trị các vấn đề bệnh lý tiềm ẩn

Các phương pháp điều trị giúp giải quyết các bệnh lý tiềm ẩn gây viêm dây thanh âm, chẳng hạn như trào ngược dạ dày thực quản, dị ứng và viêm mũi họng mạn tính, có thể giúp chữa lành tổn thương và giảm bớt các triệu chứng của bệnh.

Phẫu thuật

Người bệnh có thể cần cân nhắc phẫu thuật nếu các hạt xơ dây thanh quản không cải thiện bằng các phương pháp điều trị bảo tồn nói trên. Hoặc nếu có polyp hoặc u nang, bác sĩ cũng có thể đề nghị người bệnh phẫu thuật, do polyp và u nang thường không cải thiện bằng liệu pháp giọng nói. 

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của hạt xơ dây thanh quản

Chế độ sinh hoạt:

Để giảm nguy cơ diễn tiến tổn thương dây thanh âm, bạn nên tránh:

  • Hát hoặc nói quá nhiều khi bạn đang bị nhiễm trùng đường hô hấp trên;
  • Nói quá nhiều hoặc nói quá to, nói liên tục mà không cho giọng nói được nghỉ ngơi đầy đủ;
  • Uống rượu quá mức và tiêu thụ quá nhiều caffeine (làm khô dây thanh âm);
  • Hút thuốc hoặc ở trong môi trường có đầy khói thuốc.

Chế độ dinh dưỡng:

Bạn cần chú ý đến một chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp hạn chế sự tổn thương dây thanh âm:

  • Ưu tiên sử dụng các thức ăn mềm, dễ nuốt, thanh đạm, ít gia vị;
  • Tránh sử dụng các thức ăn cay nóng;
  • Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ;
  • Tránh thức ăn có tính acid nhiều như chanh, dứa, xoài sống,...
  • Tránh đồ ăn thức uống lạnh như kem, nước đá,...
  • Tránh thức ăn cứng giòn khô như các loại hạt, thức ăn rán giòn,...
Hạt xơ dây thanh quản: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 6
Hạn chế ăn thức ăn cứng giòn trong quá trình điều trị hạt xơ dây thanh quản

Phòng ngừa hạt xơ dây thanh quản

Bạn có thể áp dụng một số thói quen lành mạnh để chăm sóc dây thanh âm và giảm nguy cơ mắc bệnh:

  • Uống đủ nước mỗi ngày, từ 1,5 - 2 lít nước lọc;
  • Rửa tay thường xuyên;
  • Chăm sóc giấc ngủ;
  • Sử dụng micro nếu bạn cần nói to;
  • Làm ấm giọng trước khi hát hoặc nói chuyện trong thời gian dài;
  • Để giọng nói được nghỉ ngơi để chuẩn bị cho những trường hợp diễn thuyết.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà để giữ cho dây thanh âm của bạn không khô.
  • Sử dụng các liệu pháp giảm căng thẳng, liệu pháp nhận thức hoặc yoga để giữ tinh thần luôn thoải mái.
  • Điều trị các bệnh lý có thể liên quan đến tổn thương dây thanh âm như trào ngược dạ dày thực quản, viêm xoang, dị ứng và suy giáp.
Hạt xơ dây thanh quản: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 7
Sử dụng micro khi bạn cần nói to

Các câu hỏi thường gặp về hạt xơ dây thanh quản

Tiên lượng của bệnh hạt xơ dây thanh quản như thế nào?

Nếu bạn được thăm khám và điều trị kịp thời, các triệu chứng của hạt xơ dây thanh quản có thể cải thiện trong vòng hai đến sáu tháng bằng liệu pháp trị liệu giọng nói hoặc nghỉ ngơi giọng nói.

Nếu không điều trị, hạt xơ dây thanh quản có thể dẫn đến những biến chứng gì?

Nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị khàn tiếng kéo dài, rối loạn âm sắc, thậm chí dẫn đến mất giọng và ảnh hưởng trực tiếp đến nghề nghiệp cũng như chất lượng cuộc sống của bạn.

Sau khi điều trị, các hạt xơ trên dây thanh có biến mất không?

Hầu hết các hạt xơ sẽ biến mất khi bạn ngừng lạm dụng giọng nói của mình. Việc điều trị các bệnh lý tiềm ẩn gây kích thích dây thanh âm cũng có thể hữu ích trong việc điều trị dứt điểm hạt xơ dây thanh quản. 

Nguồn tham khảo
  1. Vocal Cord Lesions: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15424-vocal-cord-lesions-nodules-polyps-and-cysts
  2. Caring for and Preventing Vocal Nodules: https://www.healthline.com/health/vocal-nodules
  3. Pedersen M, McGlashan J. Surgical versus non-surgical interventions for vocal cord nodules. Cochrane Database Syst Rev. 2012 Jun 13;2012(6):CD001934. doi: 10.1002/14651858.CD001934.pub2.
  4. Saraniti C, Patti G, Verro B. Sulcus Vocalis and Benign Vocal Cord Lesions: Is There Any Relationship? Int J Environ Res Public Health. 2023 Apr 26;20(9):5654. doi: 10.3390/ijerph20095654.
  5. Oliveira RCCD, Gama ACC, Genilhú PFL, Santos MAR. High speed digital videolaringoscopy: evaluation of vocal nodules and cysts in women. Codas. 2021 May 14;33(3):e20200095. doi: 10.1590/2317-1782/20202020095.

Các bệnh liên quan

  1. Rối loạn giọng nói

  2. Viêm tai giữa

  3. Sưng môi

  4. Polyp mũi

  5. Ung thư vòm họng giai đoạn III

  6. Nghẹt mũi

  7. U hốc mũi

  8. Chấn thương thanh quản

  9. Xốp xơ tai

  10. Chảy dịch tai