Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bướu sợi tuyến là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bướu sợi tuyến

Ngày 27/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bướu sợi tuyến là những khối u vú lành tính, không phải ung thư, không gây đau. Bướu sợi tuyến có thể di chuyển đến các mô vú gần đó, có hình tròn, cứng chắc. Bướu sợi tuyến thường được phát hiện khi khám vú và được chẩn đoán bằng phương pháp chẩn đoán hình ảnh và sinh thiết. Hầu hết các bướu sợi tuyến tự co lại theo thời gian mà không cần phải điều trị.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bướu sợi tuyến là gì?

Bướu sợi tuyến là một khối u tròn cứng ở vú, thường không gây đau và không phải là ung thư. Bướu sợi tuyến giống như hạt đậu hoặc đồng xu, khi chạm vào bướu sẽ di chuyển trong mô vú.

Bướu sợi tuyến là khối u vú khá phổ biến và thường không cần điều trị. Nếu có bướu sợi tuyến, cần phải theo dõi những thay đổi về kích thước hoặc cảm giác khi chạm vào, đồng thời nên được thực hiện sinh thiết để kiểm tra khối u hoặc phẫu thuật để loại bỏ bướu sợi tuyến.

Các loại bướu sợi tuyến ít phổ biến hơn và không giống bướu sợi tuyến thông thường là:

  • Bướu sợi tuyến phức tạp (Complex fibroadenomas): Đây là những bướu có thể tăng kích thước theo thời gian, khi ấn vào thì chúng di chuyển đến mô vú gần đó.
  • Bưới sợi tuyến khổng lồ (Giant fibroadenomas): Các khối bướu khổng lồ, phát triển nhanh chóng và lớn hơn 5 cm, khi ấn vào thì chúng cũng di chuyển đến mô vú gần đó.
  • Khối u Phyllodes (Phyllodes tumors): Các khối u phyllodes và bướu sợi tuyến được tạo thành từ các mô tương tự. Nhưng dưới kính hiển vi, khối u Phyllodes khác với bướu sợi tuyến. Các khối u Phyllodes thường lành tính, không gây đau, có thể là ung thư nhưng đa số không phải ung thư.

Các bướu sợi tuyến thông thường không dẫn đến ung thư vú nhưng nguy cơ có thể tăng lên nếu bạn có bướu sợi tuyến phức tạp hoặc khối u Phyllodes.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bướu sợi tuyến

Những dấu hiệu và triệu chứng của bướu sợi tuyến:

  • Khối u cứng ở vú, thường không đau;
  • Khối u tròn, có viền rõ rệt;
  • Khối u di chuyển dễ dàng.

Bướu sợi tuyến thường phát triển chậm, kích thước trung bình là khoảng 2,5 cm. Khi phát triển lớn hơn theo thời gian, bướu sợi tuyến có thể trở nên mềm hơn hoặc gây đau nhức vài ngày trước kỳ kinh nguyệt. Một số bướu sợi tuyến sẽ teo nhỏ lại, thay đổi hình dạng và biến mất theo thời gian.

Bướu sợi tuyến tồn tại một hoặc nhiều bướu, xuất hiện ở một hoặc cả hai bên vú. Bướu sợi tuyến có thể tăng kích thước khi đang mang thai và teo lại sau khi mãn kinh.

Bướu sợi tuyến là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bướu sợi tuyến 4
Bướu sợi tuyến là khối cứng, tròn, di chuyển được

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn phát hiện khối u cứng, không gây đau và có sự thay đổi khác ở ngực thì nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bướu sợi tuyến

Nguyên nhân dẫn đến bướu sợi tuyến hiện chưa được biết rõ, tuy nhiên chúng có thể liên quan đến hormone theo chu kỳ kinh nguyệt.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bướu sợi tuyến?

Bướu sợi tuyến thường xảy ra ở người từ 15 tuổi đến 35 tuổi, tuy nhiên những người có kinh nguyệt thì đều có thể có bướu sợi tuyến. Có tới 10% nữ giới sẽ mắc bướu sợi tuyến vào một thời điểm nào đó trong đời.

Bướu sợi tuyến là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bướu sợi tuyến 5
Phụ nữ có kinh nguyệt đều có thể mắc bướu sợi tuyến

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bướu sợi tuyến

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bướu sợi tuyến, bao gồm:

  • Thay đổi nội tiết tố như thời kỳ mang thai, mãn kinh;
  • Uống thuốc tránh thai.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bướu sợi tuyến

Bướu sợi tuyến có thể tự phát hiện được, ví dụ tự sờ nắn vú khi tắm, khi tự khám vú. Bướu sợi tuyến cũng có thể được phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ, chụp X-quang tuyến vú hoặc siêu âm vú.

Chẩn đoán bằng hình ảnh

Siêu âm vú để kiểm tra khối u ở vú. Siêu âm cho thấy kích thước và hình dạng của bướu rõ ràng hơn. Siêu âm cũng cho thấy sự khác biệt giữa bướu sợi tuyến và u nang.

Chụp nhũ ảnh sử dụng tia X để xem xét hình ảnh của mô vú. Chụp nhũ ảnh giúp phát hiện đặc điểm của bướu sợi tuyến và phân biệt với các mô khác. Chụp X-quang tuyến vú có thể không phải là phương pháp hình ảnh tốt nhất để sử dụng xác định bướu sợi tuyến ở người trẻ tuổi có mô vú dày đặc. Mô dày đặc khiến khó nhận thấy sự khác biệt giữa mô vú điển hình và bướu sợi tuyến. 

Ngoài ra, do nguy cơ bức xạ từ chụp nhũ ảnh, phương pháp này thường không được sử dụng để kiểm tra khối u vú ở những người dưới 30 tuổi.

Bướu sợi tuyến là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bướu sợi tuyến 6
Chụp nhũ ảnh để quan sát được bướu sợi tuyến chính xác hơn

Sinh thiết mô vú

Sinh thiết mô giúp xác định chính xác hơn bướu sợi tuyến hay khối u Phyllodes.

Nếu khối u vú phát triển nhanh, gây đau đớn hoặc các bất thường khác, bạn có thể cần phải cắt bỏ toàn bộ khối u.

Phương pháp điều trị bướu sợi tuyến hiệu quả

Bướu sợi tuyến thường không cần điều trị mà có thể tự khỏi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cần phẫu thuật để loại bỏ khối bướu phát triển nhanh.

Theo dõi sự phát triển của bướu sợi tuyến: Khi xác định có bướu sợi tuyến, người bệnh nên theo dõi sự phát triển của bướu. Bướu sợi tuyến có thể teo nhỏ và biến mất sau một khoảng thời gian. Nếu trong quá trình đó, bướu sợi tuyến gây đau thì có thể giảm đau bằng cách chườm ấm hoặc dùng thuốc giảm đau dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

Cắt bỏ bướu sợi tuyến bằng tia laser: Khi bướu sợi tuyến có kích thước lớn và bác sĩ đánh giá cần phải loại bỏ thì có thể sử dụng tia laser để phá hủy khối u bướu. Phương pháp này chỉ để lại vết sẹo nhỏ, không làm thay đổi hình dạng của vú và thường tiến hành trong thời gian ngắn, không cần phải nhập viện.

Liệu pháp Cryoablation (cắt lạnh): Liệu pháp Cryoablation là phương pháp sử dụng nhiệt độ cực lạnh (cryo) để loại bỏ mô (ablation). Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ đưa một đầu dò kim vào khối bướu, gây tê cục bộ, đầu dò sẽ bắt đầu tạo ra một quả cầu băng xung quanh khối u. Nhiệt độ cực lạnh sẽ gây hoại tử mô và ngăn chạn bướu phát triển.

Cắt bỏ bướu sợi tuyến bằng vô tuyến (RFA - Radiofrequency Ablation): Đây là một cách để loại bỏ bướu mà không cần dùng đến phẫu thuật cắt bỏ khối u. Bác sĩ sẽ sử dụng dao được làm nóng bằng dòng điện tần số vô tuyến và cắt xuyên qua các mô vú mà không gây chảy máu nhiều.

Cắt bỏ bằng chân không (Vacuum-Assisted Excision): Một phương pháp chủ yếu không xâm lấn để loại bỏ các khối bướu nhỏ. Bác sĩ sẽ sử dụng một đầu dò luồn vào khối bướu và hút sạch các phần bên trong của bướu. Quá trình phục hồi nhanh và vết sẹo khá nhỏ.

Siêu âm tần số cao (HFU - High-Frequency Focused Ultrasound): Phương pháp điều trị này khá mới và được sử dụng cho bướu sợi tuyến. HFU sẽ phá hủy có chọn lọc các mô bướu mà không làm ảnh hưởng đến các mô khỏe mạnh xung quanh.

Cắt bỏ khối u: Phẫu thuật cắt bỏ được áp dụng tùy thuộc vào kích thước của bướu sợi tuyến, phẫu thuật cắt bỏ khối u có thể gây ra thay đổi về kích thước hoặc hình dạng vú. Các khối bướu sợi tuyến mới có thể phát triển ở vị trí khối bướu đầu tiên, vì vậy phẫu thuật không đảm bảo bướu không tái phát. 

Bướu sợi tuyến là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bướu sợi tuyến 7
Phẫu thuật có thể loại bỏ bướu sợi tuyến nhưng sẽ để lại sẹo và ảnh hưởng đến hình dạng vú

Bướu sợi tuyến có thể bị nhiều lần, do đó nên tự thăm khám ngực mỗi ngày và liên hệ bác sĩ nếu có bất kỳ khối u mới nào ở vú.

Bác sĩ sẽ cân nhắc loại bỏ bướu sợi tuyến nếu kích thước lớn, gây đau hoặc bất thường. Tuy nhiên, bướu sợi tuyến co lại hoặc biến mất mà không cần điều trị nên loại bỏ bướu không phải áp dụng cho mọi trường hợp.

Trong trường hợp bướu sợi tuyến nhỏ, không đáng ngờ thì sẽ không có gì xảy ra nếu không được điều trị.

Rất hiếm khi bướu sợi tuyến chuyển thành ung thư. Tuy nhiên nếu các khối u mới tiếp tục xuất hiện với tần suất nhiều hơn và bất thường hơn thì nên liên hệ bác sĩ để chẩn đoán chính xác hơn.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bướu sợi tuyến

Chế độ sinh hoạt:

  • Bướu sợi tuyến không phải là ung thư và thường không gây ra vấn đề gì đáng kể. Bướu sợi tuyến có xu hướng co lại sau khi mãn kinh hoặc có thể thay đổi kích thước phù hợp với sự thay đổi của hormone trước thời kỳ mãn kinh.
  • Người có bướu sợi tuyến nên bình tĩnh, lạc quan và thăm khám định kỳ để có phương pháp điều trị kịp thời.

Chế độ dinh dưỡng: Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng theo khuyến cáo của bác sĩ.

Phương pháp phòng ngừa bướu sợi tuyến hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

Hiện nay chưa có cách phòng ngừa bướu sợi tuyến hiệu quả, tuy nhiên bạn có thể phòng ngừa ung thư vú nếu lo ngại ung thư từ bướu sợi tuyến bằng cách:

  • Thực hiện tự kiểm tra vú thường xuyên .
  • Chụp X-quang tuyến vú thường xuyên (bắt đầu ở tuổi 40, nhưng sớm hơn nếu bạn có nguy cơ cao).
  • Tránh nghiện rượu.
  • Không hút thuốc lá.
  • Ăn nhiều trái cây, rau quả và tập thể dục thường xuyên.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh hợp lý.
Nguồn tham khảo
  • Fibroadenomas of the Breast: https://www.msdmanuals.com/home/women-s-health-issues/breast-disorders/fibroadenomas-of-the-breast
  • Breast Fibroadenoma: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK535345/
  • Fibroadenoma: https://www.webmd.com/breast-cancer/what-are-fibroadenomas
  • What to know about fibroadenomas of the breast: https://www.medicalnewstoday.com/articles/323951
  • Fibroadenomas of the Breast: https://www.verywellhealth.com/breast-fibroadenoma-treatments-430019
Chủ đề:u bướuU vú

Các bệnh liên quan

  1. Bướu tim

  2. Tái cực sớm

  3. Khó thở, hụt hơi

  4. Cơn hen phế quản

  5. Ung thư vú tái phát

  6. Phổi kẽ là gì? Nguyên nhân. triệu chứng và cách điều trị

  7. Bụi phổi bông

  8. Cơ tim hạn chế

  9. Bệnh Beryllium

  10. Cơ tim xốp