Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nhiễm trùng ối là gì? Các dấu hiệu nhận biết và biến chứng nguy hiểm của nhiễm trùng ối

Ngày 30/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhiễm trùng ối là tình trạng nhiễm trùng ở màng đệm, màng ối, nước ối, nhau thai hoặc kết hợp tất cả tình trạng này. Nhiễm trùng ối có thể xảy ra trước chuyển dạ, trong khi chuyển dạ hoặc sau khi sinh. Tình trạng này có thể dẫn đến bệnh tật và tử vong cho mẹ và trẻ sơ sinh nếu không được điều trị.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nhiễm trùng ối là gì?

Nhiễm trùng ối (intraamniotic infection hoặc chorioamnionitis) là tình trạng nhiễm trùng ở màng ối, màng đệm, nước ối, nhau thai hoặc tất cả tình trạng này kết hợp lại. Nhiễm trùng ối có thể xảy ra trước khi chuyển dạ, trong khi chuyển dạ hoặc sau khi sinh. Tình trạng này có thể là cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính.

Nhiễm trùng ối có liên quan đến bệnh phổi mạn tính ở trẻ sơ sinh, bệnh võng mạc ở trẻ sinh non, cân nặng khi sinh rất thấp và suy giảm sự phát triển não bộ ở trẻ sinh non. Nhiễm trùng ối mạn tính cũng khá phổ biến, tuy nhiên nhìn chung, biểu hiện lâm sàng của nhiễm trùng ối là định nghĩa của nhiễm trùng ối cấp tính.

Thông thường nhất, nhiễm trùng ối có liên quan đến đẻ non, vỡ ối kéo dài, chuyển dạ kéo dài, sử dụng thuốc lá, mang thai con so, dịch có màu phân su, khám âm đạo nhiều lần sau khi vỡ ối và ở những phụ nữ có nhiễm khuẩn hoặc virus. Tuy nhiên nó cũng có thể xảy ra ở phụ nữ khỏe mạnh và không nhiễm khuẩn trước đó.

Nhiễm trùng ối có thể dẫn đến bệnh tật và tử vong cho mẹ và trẻ sơ sinh nếu không được điều trị. Liệu pháp kháng sinh đã được chứng minh là giúp giảm tỷ lệ mắc và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng ở cả mẹ và trẻ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng ối

Các triệu chứng của nhiễm trùng ối thường không đặc hiệu, có thể bao gồm:

  • Sốt, khoảng 100% người mẹ sẽ có sốt.
  • Nhịp tim nhanh (>100 lần/phút) ở mẹ;
  • Nhịp tim nhanh (>160 lần/phút) ở thai nhi;
  • Đau tử cung;
  • Nước ối có mủ hoặc có mùi hôi.

Biến chứng có thể gặp khi mắc nhiễm trùng ối

Biến chứng ở mẹ mắc nhiễm trùng ối bao gồm nguy cơ sinh non, chuyển dạ bất thường, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng sau sinh và các di chứng khác.

Khoảng 3 đến 12% phụ nữ nhiễm trùng ối bị nhiễm trùng huyết, tình trạng này cũng làm tăng nhu cầu về sinh mổ. Bên cạnh đó, trong những phụ nữ sinh mổ, có tới 8% bị nhiễm trùng vết thương và khoảng 1% gặp trường hợp áp xe vùng chậu. Tử vong ở mẹ do nhiễm trùng là cực kỳ hiếm.

Trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm trùng ối cúng có thể gặp biến chứng nghiêm trọng, các biến chứng sơ sinh của nhiễm trùng ối bao gồm:

  • Sinh non;
  • Bại não;
  • Bệnh võng mạc do sinh non;
  • Bất thường về thần kinh;
  • Hội chứng suy hô hấp;
  • Loạn sản phế quản phổi ở trẻ sinh non;
  • Nhiễm trùng sơ sinh;
  • Tử vong sơ sinh.

Trong đó, nhiễm trùng ối có thể dẫn đến viêm màng não ở trẻ, tuy nhiên tỷ lệ này sẽ thấp hơn ở trẻ sơ sinh được sinh đủ tháng (ít hơn 1%). Viêm phổi hoặc nhiễm khuẩn huyết cũng có thể phát triển ở khoảng 5% đến 10% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm trùng ối, nhiễm khuẩn huyết sẽ phổ biến hơn ở trẻ non tháng. Trong một số trường hợp, các biến chứng liên quan nhiễm trùng ối có thể đe dọa tính mạng của trẻ non tháng.

Nhiễm trùng ối là gì? Các dấu hiệu nhận biết và biến chứng nguy hiểm của nhiễm trùng ối 4
Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm trùng ối có thể gặp biến chứng bệnh võng mạc do sinh non

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhiễm trùng ối và biến chứng của nhiễm trùng ối ít có khả năng xảy ra nếu được chẩn đoán sớm và bắt đầu điều trị kháng sinh. Do đó, khi đang mang thai, bạn hãy đến đầy đủ lịch khám thai của mình. Đồng thời, hãy đến gặp bác sĩ sản nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào được đề cập ở trên, như sốt hoặc đau tử cung.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng ối

Nhiễm trùng có thể do vi khuẩn, virus hoặc nấm. Các tác nhân vi khuẩn gây nhiễm trùng ối có thể khác nhau tùy thuộc và khu vực địa lý và nhóm dân số. Các tác nhân vi khuẩn phổ biến được tìm thấy trong viêm màng ối bao gồm:

  • Streptococcus nhóm B;
  • Mycoplasma pneumoniae;
  • Ureaplasma;
  • Gardnerella vagis;
  • Escherichia coli;
  • Bacteroides.

Tác nhân nấm thuộc các loài Candida được xác định là yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng ối, dẫn đến sinh non và kết quả bất lợi cho thai nhi. Ở thanh thiếu niên mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trichomonas là yếu tố nguy cơ phát triển nhiễm trùng ối.

Nhiễm trùng ối là gì? Các dấu hiệu nhận biết và biến chứng nguy hiểm của nhiễm trùng ối 5
Các loại Candida được xác định là một yếu tố gây nhiễm trùng ối

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc nhiễm trùng ối?

Nhiễm trùng ối xảy ra ở khoảng 4% ca sinh đủ tháng, nhưng xảy ra thường xuyên hơn ở sinh non và vỡ ối sớm. Các nghiên cứu cho thấy tình trạng nhiễm trùng ối có thể gặp từ khoảng 8% đến 50% trường hợp sinh non.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng ối

Yếu tố nguy cơ quan trọng nhất dẫn đến nhiễm trùng ối trên lâm sàng là thời gian chuyển dạ kéo dài và màng ối bị vỡ. Một số yếu tố sản khoa khác có liên quan đến tăng nguy cơ, bao gồm:

  • Khám âm đạo nhiều lần trong khi sinh (đặc biệt là sau vỡ ối);
  • Giai đoạn chuyển dạ thứ nhất hoặc thứ hai kéo dài;
  • Thời gian từ khi vỡ ối đến khi sinh kéo dài;
  • Khám bằng tay thay vì mỏ vịt ở người bệnh vỡ ối non trước sinh;
  • Suy yếu cổ tử cung;
  • Kích thích chuyển dạ bằng ống thông;
  • Sự hiện diện các mầm bệnh đường sinh dục (ví dụ như nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, viêm âm đạo do vi khuẩn);
  • Nước ối có màu phân su;
  • Sử dụng rượu và thuốc lá;
  • Nhiễm trùng ối lâm sàng trước đó;
  • Gây tê ngoài màng cứng.
Nhiễm trùng ối là gì? Các dấu hiệu nhận biết và biến chứng nguy hiểm của nhiễm trùng ối 6
Sử dụng rượu và thuốc lá có liên quan đến tăng nguy cơ nhiễm trùng ối

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm trùng ối

Các bác sĩ mới có thể chẩn đoán chính xác tình trạng nghiêm trọng này. Chẩn đoán nhiễm trùng ối ban đầu bao gồm đánh giá kỹ về lâm sàng cho mẹ và thai nhi.

Các xét nghiệm có thể được thực hiện để xác nhận chẩn đoán trước đó. Bao gồm việc bác sĩ yêu cầu làm xét nghiệm máu và nước tiểu của bạn, nhằm mục đích kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn trong cơ thể bạn. Xét nghiệm công thức máu sẽ kiểm tra số lượng bạch cầu (WBC) của bạn.

Chọc ối sẽ có thể cần thiết nếu bạn đang chuyển dạ sinh non, trong xét nghiệm này, một số lượng nhỏ nước ối sẽ được lấy ra để xét nghiệm. Bạn có thể bị nhiễm trùng ối nếu nồng độ glucose thấp, nồng độ bạch cầu và vi khuẩn cao trong nước ối.

Phương pháp điều trị nhiễm trùng ối

Điều trị chính cho nhiễm trùng ối là liệu pháp kháng sinh. Các loại kháng sinh phổ biến nhất được sử dụng là ampicillin và gentamicin. Các thuốc kháng sinh thay thế bao gồm clindamycin, cefazolin và vancomycin ở phụ nữ bị dị ứng với penicillin. Sau khi sinh, khuyến cáo hiện nay là dùng thêm một liều kháng sinh khi mổ, tuy nhiên sẽ không dùng thêm kháng sinh nếu sinh thường. Bác sĩ có thể cần thêm các kháng sinh phổ rộng khác tùy thuộc vào tình trạng của bạn.

Bên cạnh đó, thai nhi sẽ được theo dõi liên tục trong quá trình bạn chuyển dạ. Tổn thương thai nhi có thể phát triển do di chứng của nhiễm trùng ối.

Bạn cũng có thể được sử dụng thuốc giúp giảm triệu chứng như acetaminophen để hạ sốt. Sự kết hợp của sốt ở người mẹ và nhiễm toan thai nhi gây ra 12,5% nguy cơ mắc bệnh não ở trẻ sơ sinh. Liệu pháp hạ sốt cũng có thể tránh được các tình trạng nhịp tim nhanh của thai nhi, điều này rất hữu ích vì tim thai bất thường là yếu tố quyết định về nhu cầu sinh mổ.

Nhiễm trùng ối là gì? Các dấu hiệu nhận biết và biến chứng nguy hiểm của nhiễm trùng ối 7
Điều trị hạ sốt có thể giúp tránh các tình trạng nhịp tim nhanh ở thai nhi

Chăm sóc sau sinh cũng sẽ được thực hiện như thường lệ. Nếu được điều trị, nhiễm trùng ối thường khỏi nhanh chóng sau khi sinh, đặc biệt là sau khi sinh qua đường âm đạo. Nếu có tình trạng sốt dai dẳng và đau vùng chậu, bác sĩ sẽ tiếp tục đánh giá và điều trị các biến chứng khác như viêm nội mạc tử cung, nhiễm trùng vết thương và viêm tĩnh mạch huyết khối vùng chậu nhiễm trùng.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhiễm trùng ối

Điều quan trọng để hạn chế diễn tiến của nhiễm trùng ối là được chẩn đoán sớm và điều trị kháng sinh kịp thời.

Trong thai kỳ, bạn cần được tư vấn định kỳ ở mỗi lần khám thai, hãy hỏi bác sĩ nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào.

Bạn cũng nên biết về các triệu chứng và báo cáo kịp thời cho bác sĩ sản khoa như báo cáo về việc vỡ ối, tiết dịch âm đạo, sốt và đau bụng.

Phương pháp phòng ngừa nhiễm trùng ối hiệu quả

Các chiến lược hiện tại để phòng ngừa nhiễm trùng ối là sử dụng kháng sinh dự phòng ở người bệnh vỡ ối non, giúp giảm tỷ lệ mắc nhiễm trùng ối trên lâm sàng, kéo dài và cải thiện kết quả sơ sinh.

Bác sĩ cũng sẽ cố gắng hết sức để ngăn ngừa nhiễm trùng ối từ ban đầu, bao gồm:

  • Sàng lọc các tình trạng viêm âm đạo do vi khuẩn;
  • Sàng lọc nhiễm streptococcus nhóm B;
  • Giảm số lần khám âm đạo trực tiếp khi chuyển dạ;
  • Sử dụng mỏ vịt thay vì khám trực tiếp.

Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ bạn có thể tự kiểm soát được bao gồm tránh thuốc lá và rượu.

Nguồn tham khảo
  1. Intraamniotic Infection: https://www.msdmanuals.com/professional/gynecology-and-obstetrics/abnormalities-of-pregnancy/intraamniotic-infection
  2. Chorioamnionitis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK532251/
  3. Clinical chorioamnionitis: https://www.uptodate.com/contents/clinical-chorioamnionitis
  4. Chorioamnionitis: https://emedicine.medscape.com/article/973237-overview
  5. What Is Chorioamnionitis?: https://www.webmd.com/baby/what-is-chorioamnionitis

Các bệnh liên quan

  1. suy thai

  2. Xuất tinh ngược dòng

  3. Dây rốn bám màng

  4. Mãn kinh nữ

  5. Sản giật

  6. Tinh trùng loãng

  7. Viêm âm đạo

  8. Tắc vòi trứng

  9. Rau bám mép

  10. Xoắn tinh hoàn