Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Dày sừng nang lông là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 15/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh dày sừng nang lông (Keratosis pilaris) là một tình trạng bệnh lý da phổ biến nhất ở thanh thiếu niên. Bệnh biểu hiện bằng các nốt sần nhỏ trên da ngay tại vị trí nang lông, thường xuất hiện ở mặt duỗi của chi trên và chi dưới. Đây là một tình trạng vô hại và thường không cần phải điều trị.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Dày sừng nang lông là gì?

Dày sừng nang lông là một trong những tình trạng da liễu phổ biến nhất và được xem là một tình trạng da lành tính (không gây hại). Biểu hiện dày sừng nang lông là các nốt sần nhỏ, không đau trên vùng da xung quanh nang lông. Các nốt sần có thể có màu đỏ, nâu, trắng hay trùng màu với màu da của bạn. Bệnh dày sừng nang lông (Keratosis pilaris) còn được gọi là “chicken skin" vì da của bạn có thể trông như nổi da gà. Dày sừng nang lông có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể có nang lông, nhưng thường xuất hiện ở phần duỗi của chi trên và chi dưới.

Dày sừng nang lông là một tình trạng lành tính, xuất hiện lần đầu tiên ở thời thơ ấu và tiến triển, lan rộng nhất vào khoảng độ tuổi thanh thiếu niên. Bệnh có thể tự cải thiện theo thời gian, nhưng có một số lựa chọn điều trị có thể giúp ích bao gồm chất làm mềm da, tẩy tế bào chết, thuốc chống viêm, liệu pháp quang học và các liệu pháp laser khác nhau.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của dày sừng nang lông

Đặc điểm chính của dày sừng nang lông mà bạn có thể tự nhận thấy là những nốt sần nhỏ trên da, gần xung quanh khu vực lỗ chân lông. Sự xuất hiện nốt sần có thể là triệu chứng duy nhất, hoặc bạn có thể gặp các biểu hiện kèm theo như:

  • Da ngứa hoặc khô da, đặc biệt là ở mặt sau của cánh tay, chân hoặc mông.
  • Các nốt sần bị kích ứng, đổi màu do viêm.
  • Da thô ráp giống như giấy nhám tại vị trí xuất hiện các nốt sần.
  • Các nốt sần trở nên nặng nề hơn khi gặp không khí khô, như khi trong thời tiết mùa đông.
Dày sừng nang lông là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Tình trạng dày sừng nang lông có thể nặng nề hơn trong thời tiết khô (như khi ở mùa đông)

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh dày sừng nang lông

Các biến chứng của dày sừng nang lông còn hạn chế và chưa được ghi chép rõ trong y văn. Người bệnh thường đau khổ về vẻ ngoài của tình trạng này. Một biến chứng khác có thể xảy ra là sẹo thứ phát do tổn thương vùng da dày sừng nang lông.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn có thể đến gặp bác sĩ khi gặp các triệu chứng của dày sừng nang lông. Các triệu chứng kể trên có thể xảy ra do các bệnh lý khác như viêm da cơ địa, bệnh vảy nến, dị ứng và nhiễm nấm da. Nếu bạn lo lắng về các triệu chứng của mình, hoặc các triệu chứng kéo dài, bạn nên liên hệ với bác sĩ Da liễu để được chẩn đoán và điều trị.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến dày sừng nang lông

Mặc dù dày sừng nang lông là một tình trạng phổ biến, nhưng nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng này vẫn chưa được biết đến. Bệnh có thể di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường. Các đột biến ở gen filaggrin có mối tương quan với bệnh dày sừng nang lông cũng như những bất thường của tầng tín hiệu Ras.

Bệnh dày sừng nang lông thường liên quan nhất đến viêm da cơ địa (atopic dermatitis). Sự liên quan này, cũng như đột biến ở gen filaggrin, cho thấy dày sừng nang lông là hậu quả của việc mất chức năng hàng rào biểu mô bình thường.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải dày sừng nang lông?

Dày sừng nang lông là một tình trạng da phổ biến, nhóm người bệnh phổ biến nhất là thanh thiếu niên với 50% đến 80% bị ảnh hưởng. Bệnh dày sừng nang lông cũng thường gặp ở người lớn với 40% dân số trưởng thành bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vì dày sừng nang lông là một tình trạng không được báo cáo đầy đủ, nên tỷ lệ mắc bệnh có thể cao hơn. Chủng tộc không ảnh hưởng đến khả năng mắc dày sừng nang lông. Phụ nữ có thể có nhiều khả năng bị dày sừng nang lông hơn một chút.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải dày sừng nang lông

Các yếu tố có thể làm tăng khả năng mắc dày sừng nang lông bao gồm:

  • Một số bệnh lý da nhất định như viêm da cơ địa, bệnh da khô vảy cá;
  • Người thân bị dày sừng nang lông;
  • Da khô;
  • Hen suyễn;
  • Hội chứng Cushing;
  • Bệnh đái tháo đường;
  • Hội chứng Down;
  • Hội chứng Noonan;
  • Thừa cân hoặc béo phì.
Dày sừng nang lông là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Da khô là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc dày sừng nang lông

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm dày sừng nang lông

Hỏi bệnh sử và khám lâm sàng kỹ là điều không thể thiếu để chẩn đoán dày sừng nang lông. Bác sĩ có thể hỏi bạn về khởi phát, sự xuất hiện, vị trí và các tính chất tổn thương da của bạn. Bác sĩ cũng có thể hỏi về các phương pháp điều trị tại nhà, cũng như tình trạng bệnh ảnh hưởng như thế nào đến bạn.

Chẩn đoán dày sừng nang lông là một chẩn đoán lâm sàng, dựa vào việc hỏi bệnh và khám lâm sàng của bác sĩ. Tuy nhiên, việc đánh giá các tổn thương da bằng kính hiển vi có thể hỗ trợ trong chẩn đoán. Các bất thường của nang lông có thể được thể hiện rõ hơn dưới kính hiển vi. Có thể nhìn thấy các sợi lông mỏng, ngắn, cuộn tròn hoặc gắn kết vào trong lớp biểu bì.

Dày sừng nang lông là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Chẩn đoán dày sừng nang lông là chẩn đoán lâm sàng dựa trên việc hỏi bệnh và khám bệnh của bác sĩ mà không cần thêm xét nghiệm nào

Việc thực hiện sinh thiết thường không được chỉ định hoặc không cần thiết để chẩn đoán bệnh dày sừng nang lông.

Điều trị dày sừng nang lông

Dày sừng nang lông là một tình trạng không có triệu chứng và thường cải thiện theo thời gian, do đó việc điều trị bệnh là không cần thiết. Tuy nhiên, nếu bạn có mong muốn điều trị, các phương pháp sau đây có thể giúp ích.

Các thuốc thoa làm mềm da và thiếu giúp tiêu sừng có thể giúp ích, như các sản phẩm kem dưỡng da chứa acid salicylic 6% hoặc kem ure 20%.

Các lựa chọn điều trị ít phổ biến hơn bao gồm điều trị bằng laser, retinoids và các dẫn xuất vitamin D3. Mặc dù các lựa chọn điều trị này có lợi ích về mặt thẩm mỹ nhưng không có thử nghiệm lâm sàng hoặc không giúp điều trị dứt điểm dày sừng nang lông.

Một vài báo cáo trường hợp lâm sàng cho thấy hiệu của của việc sử dụng retinoids tại chỗ, tazarotene 0.01%. Khi sử dụng mỗi đêm, dày sừng nang lông mờ dần sau 2 tuần và khỏi sau 4 đến 8 tuần.

Hơn nữa, peel da bằng hóa chất sử dụng 70% acid glycolic trong 5 đến 7 phút cũng rất hữu ích trong việc cải thiện sự xuất hiện của dày sừng nang lông.

Cuối cùng, nhiều báo cáo ca lâm sàng đã được công bố mô tả việc sử dụng tia laser trong điều trị dày sừng nang lông. Một số bác sĩ đã thành công với việc điều trị bằng nhiều phương pháp laser khác nhau.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của dày sừng nang lông

Bệnh dày sừng nang lông là một tình trạng mãn tính và không có cách điều trị dứt điểm. Bên cạnh đó, bệnh thường sẽ cải thiện theo thời gian mà không cần điều trị, các phương pháp điều trị chỉ nhằm vào mục đích thẩm mỹ. Vì tình trạng này không gây nguy hiểm đến tính mạng, nên bạn cần hiểu rằng, các phương pháp điều trị có thể có nhiều khả năng gây hại hơn là có lợi, và dày sừng nang lông có thể khó đáp ứng với các điều trị hiện có.

Do đó, việc điều trị bệnh có thể là không cần thiết. Bạn có thể hạn chế diễn tiến của dày sừng nang lông, hỗ trợ giải quyết các tổn thương da tại nhà bằng cách giữ vệ sinh đầy đủ, sử dụng xà phòng không gây dị ứng và hạn chế chà xát vào nốt sần trên da. Hầu hết người bệnh cũng nhận thấy dày sừng nang lông cải thiện khi thay đổi thói quen tránh khô da, bao gồm:

  • Tắm trong thời gian ngắn (ít hơn 15 phút).
  • Sử dụng nước thường thay vì nước nóng.
  • Sử dụng xà phòng nhẹ nhàng.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm, giúp giữ ẩm cho da.
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm hằng ngày.
Dày sừng nang lông là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Việc dưỡng ẩm và tránh khô da có thể giúp cải thiện tình trạng dày sừng nang lông

Phòng ngừa dày sừng nang lông

Hiện không có phương pháp để dự phòng dày sừng nang lông. Việc duy trì thói quen chăm sóc da nhẹ nhàng và tránh khô da có thể giúp giảm thiểu sự xuất hiện dày sừng nang lông. Bạn cũng có thể hạn chế biến chứng của bệnh bằng cách tránh chà xát hoặc làm tổn thương vùng da dày sừng, vì có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc để lại sẹo gây mất thẩm mỹ.

Các câu hỏi thường gặp về dày sừng nang lông

Mất bao lâu để tôi có thể điều trị khỏi dày sừng nang lông?

Ngay cả khi điều trị, có thể mất thời gian dài để các nốt sần biến mất. Nếu bạn tuân thủ kế hoạch điều trị, bạn có thể thấy sự cải thiện trong vòng từ 4 đến 6 tuần.

Nếu không điều trị thì dày sừng nang lông có biến mất không?

Ngay cả khi không điều trị, hầu hết các trường hợp dày sừng nang lông sẽ bắt đầu khỏi vào khoảng giữa tuổi 20 và thường biến mất hoàn toàn ở tuổi 30.

Dày sừng nang lông có nguy hiểm hay không?

Dày sừng nang lông là một tình trạng lành tính, không nguy hiểm hay ảnh hưởng đến tính mạng của bạn. Bệnh cũng thường tự cải thiện theo thời gian, nên việc điều trị có thể là không cần thiết. Tuy nhiên, dày sừng nang lông có thể gây ảnh hưởng đến sự thẩm mỹ, do đó bạn có thể liên hệ với bác sĩ da liễu để biết được cách tốt nhất để quản lý tình trạng này cũng như cách để chăm sóc tốt cho làn da của bạn.

Có cách nào để điều trị dứt điểm dày sừng nang lông không?

Không có cách điều trị dứt điểm dày sừng nang lông. Các phương pháp điều trị dày sừng nang lông hiện tại như sử dụng retinoids tại chỗ, peel da hoá học, liệu pháp laser, chỉ nhằm vào mục đích thẩm mỹ.

Không dung nạp gluten có thể gây ra bệnh dày sừng nang lông không?

Một trong những triệu chứng của không dung nạp gluten là phát ban trên da giống như dày sừng nang lông. Tuy nhiên, không có nghiên cứu nào chỉ ra rằng không dung nạp gluten gây ra bệnh dày sừng nang lông.

Nguồn tham khảo
  1. Keratosis pilaris: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK546708/
  2. Keratosis pilaris: https://www.nhs.uk/conditions/keratosis-pilaris/
  3. Keratosis Pilaris: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17758-keratosis-pilaris
  4. Keratosis Pilaris: https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/keratosis-pilaris
  5. KERATOSIS PILARIS: OVERVIEW: https://www.aad.org/public/diseases/a-z/keratosis-pilaris-overview

Các bệnh liên quan

  1. Mụn

  2. Mụn ẩn

  3. Á sừng

  4. Chốc lở

  5. Dày sừng ánh sáng

  6. Bệnh dị ứng

  7. Mụn đầu đen

  8. Ngứa

  9. Khô môi

  10. Nứt gót chân