Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Mắt/
  4. Đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin

Đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa ở trên thế giới và nước ta hiện nay. Ở nước ta, mù do đục thủy tinh thể là 66,1% trong tổng số người mù. Đục thủy tinh thể do tuổi già là chiếm nhiều nhất. Tuy nhiên, nếu được phẫu thuật thay thể thủy tinh nhân tạo, bệnh nhân vẫn có khả năng phục hồi được thị lực. Hãy cùng Long Châu tìm hiểu thêm về bệnh đục thủy tinh thể và cách điều trị căn bệnh này.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể là gì?

Thể thủy tinh là một thấu kính trong suốt hai mặt lồi trong nhãn cầu, chức năng của thủy tinh thể là tham gia vào quá trình điều tiết và hội tụ các tia sáng trên võng mạc, giúp mắt nhìn rõ vật. Đục thủy tinh thể là tình trạng mờ đục của thể thủy tinh do các nguyên nhân khác nhau gây ra.

Triệu chứng đục thủy tinh thể

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đục thủy tinh thể

  • Giảm thị lực từ từ, không đau nhức. Nhìn mờ là triệu chứng chính, lúc đầu nhìn xa mờ nhưng nhìn gần vẫn rõ, về sau nhìn xa và nhìn gần đều mờ, cuối cùng là mù;

  • Lóa mắt: Khi ra ánh sáng mặt trời, ánh đèn ban đêm thì thấy chói mắt. Nhìn trong râm thì thấy rõ hơn;

  • Giả cận thị: Người bệnh thường xuyên phải thay đổi độ kính, do thể thủy tinh đục và tăng kích thước;

  • Song thị một mắt: Nhìn một vật thành hai hoặc thấy nhiều hình;

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh đục thủy tinh thể

Các biến chứng của đục thủy tinh thể bao gồm:

  • Glaucoma cấp do nghẽn đồng tử.

  • Viêm màng bồ đào trước.

  • Sa lệch thủy tinh thể.

  • Nhược thị.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân đục thủy tinh thể

Nguyên nhân dẫn đến bệnh đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể bẩm sinh ở trẻ em

Nguyên nhân gây đục thể thủy tinh bẩm sinh có thể do di truyền hoặc do bệnh của phôi trong thời kỳ mang thai.

Đục thể thủy tinh do tuổi già

Đây là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực ở người cao tuổi. Ở Mỹ, tỷ lệ đục thể thủy tinh là 50% ở nhóm người tuổi từ 65 đến 74, tăng 70% ở những người trên 70. Ở Việt Nam, tỷ lệ đục thể thủy tinh ở người trên 50 tuổi là 71,3% (theo điều tra của ngành Mắt năm 2002). Bệnh sinh của đục thể thủy tinh tuổi già do nhiều yếu tố và chưa được hiểu biết rõ ràng. Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể tuổi già do rối loạn quá trình dị hóa glucose trong thể thủy tinh làm rối loạn quá trình tổng hợp protein của thể thủy tinh.

Đục thể thủy tinh do chấn thương

Đục thể thủy tinh sau chấn thương có thể do tổn thương cơ học, tác động vật lý và tác động thẩm thấu.

Đục thể thủy tinh sau chấn thương đụng dập

Chấn thương đụng dập có thể gây đục thể thủy tinh rất sớm hoặc là một di chứng muộn. Đục thể thủy tinh do đụng dập có thể chỉ ở một vùng hoặc toàn bộ thể thủy tinh. Biểu hiện đầu tiên thường là một vết đục có hình sao hoặc hình hoa hồng của bao sau thường nằm ở trục. Đục hình hoa hồng này có thể tiến triển thành đục toàn bộ thể thủy tinh.

Chấn thương đụng dập có thể gây rách bao làm cho thủy dịch ngấm vào bên trong, các sợi thể thủy tinh ngấm nước gây đục thể thủy tinh rất nhanh.

Chấn thương đụng dập mạnh có thể làm đứt một phần hoặc toàn bộ các dây Zinn dẫn đến lệch hoặc sa thể thủy tinh.

Đục thủy tinh thể sau chấn thương xuyên

Chấn thương xuyên thể thủy tinh thường gây đục vỏ thể thủy tinh ở vị trí bị rách, thường tiến triển dần dần đến đục hoàn toàn. Đôi khi vết thương nhỏ trên bao trước có thể tự lành để lại vùng đục nhỏ ổn định.

Khi bao thể thủy tinh rách rộng những mảng chất thể thủy tinh phòi qua vết rách của bao vào trong tiền phòng. Thông thường những chất men của thủy dịch có thể làm đục và tiêu đi các mảng thể thủy tinh.

Đục thể thủy tinh do bức xạ

  • Bức xạ ion hóa: Thể thủy tinh rất nhạy cảm với bức xạ ion hóa. Bức xạ ion hóa trong khoảng tia X (bước sóng 0,001 – 10nm) có thể gây đục thể thủy tinh ở một số người với liều thấp.

  • Bức xạ hồng ngoại: Đục thể thủy tinh ở thợ thổi thủy tinh.

  • Bức xạ tử ngoại.

  • Bức xạ sóng ngắn.

Đục thể thủy tinh do hóa chất

Bỏng mắt do kiếm thường dẫn đến đục thể thủy tinh. Bỏng mắt do axit ít khả năng gây đục thể thủy tinh.

Đục thể thủy tinh bệnh lý

Bệnh đái tháo đường

Đục thể thủy tinh là một nguyên nhân thường gặp gây tổn hại thị lực ở những bệnh nhân đái tháo đường. Thường gặp hai loại đục thể thủy tinh do đái tháo đường:

  • Đục thể thủy tinh do đái tháo đường thực sự (hoặc đục dạng bông tuyết) gặp ở người trẻ bị đái tháo đường không điều chỉnh.

  • Đục thể thủy tinh tuổi già ở những bệnh nhân đái tháo đường: Đục thể thủy tinh thường gặp ở lứa tuổi trẻ hơn so với những bệnh nhân không bị đái tháo đường. Về mặt chuyển hóa, sự tích lũy sorbitol trong thể thủy tinh kèm theo những biến đổi hydrat hóa sau đó và tăng glycosyl hóa protein trong thể thủy tinh của đái tháo đường có thể góp phần thúc đẩy tốc độ hình thành đục thể thủy tinh do tuổi già ở những bệnh nhân đái tháo đường.

Bệnh giảm canxi huyết (đục thể thủy tinh trong bệnh Tetani)

Bệnh thường ở hai mắt, biểu hiện bằng những chấm đục óng ánh ở vỏ trước và vỏ sau, dưới bao thể thủy tinh và thường cách biệt với bao bởi một vùng còn trong.

Đục thể thủy tinh sau viêm màng bồ đào

Đục thể thủy tinh thứ phát trên những mắt có tiền sử viêm màng bồ đào. Điển hình nhất là đục thể thủy tinh dưới bao sau. Có thể biến đổi ở mặt trước thể thủy tinh kèm theo những chấm sắc tố hoặc những đám dính mống mắt và bao trước thể thủy tinh. Đục thể thủy tinh sau viêm màng bồ đào có thể tiến triển đến đục chín.

Đục thể thủy tinh do thuốc gây ra

Nhiều thuốc và hóa chất có thể gây ra đục thể thủy tinh.

  • Corticosteroid: Đục thể thủy tinh dưới bao sau có thể xảy ra sau khi dùng lâu dài các thuốc corticosteroid tại mắt và toàn thân.

  • Một số thuốc có thể gây đục thể thủy tinh như: Các Phenothiazin (nhóm thuốc hướng tâm thần); Amiodarone – thuốc chống loạn nhịp tim; thuốc kháng cholinesteraza; thuốc co đồng tử…

Chia sẻ:
Nguồn tham khảo
  1. Bệnh học nội khoa, Trường đại học Y Hà Nội.

  2. Bài giảng nhãn khoa, Trường đại học Y Hà Nội.

  3. Quyết định số 7328/QĐ-BYT ngày 10/12/2018 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chuẩn chất lượng về chẩn đoán và điều trị đục thể thủy tinh.

Hỏi đáp (0 bình luận)