Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm võng mạc là gì? Những vấn đề cần biết về viêm võng mạc

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm võng mạc là bệnh lý ở mắt, cụ thể là phần võng mạc của mắt. Viêm võng mạc là tình trạng viêm tại võng mạc mắt và có thể gây mất thị lực vĩnh viễn. Viêm võng mạc có thể do vi khuẩn (như cytomegalovirus) và không do vi khuẩn (như bệnh Behcet). Viêm võng mạc có thể biểu hiện ở một mắt với nhiều mức độ khác nhau tùy thuộc vào vị trí tổn thương ban đầu.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm võng mạc là gì?

Võng mạc hay còn gọi là vùng đáy mắt - thực chất là một lớp màng thần kinh ở phía trong cùng của nhãn cầu, có độ dày khoảng 0.5mm và có nhiệm vụ tiếp nhận ánh sáng từ giác mạc và thủy tinh thể. Các tế bào thần kinh thị giác trên võng mạc sẽ chuyển năng lượng ánh sáng thành tín hiệu đặc biệt và gửi về trung khu phân tích ở não, sau đó não bộ sẽ cho chúng ta những nhận thức về hình ảnh mà chúng ta đang nhìn thấy. Do đó, võng mạc có vai trò hết sức quan trọng, giúp con người có thể nhìn thấy thế giới xung quanh.

Bệnh lý võng mạc là một tập hợp những bệnh lý liên quan đến võng mạc, trong đó có viêm võng mạc. Viêm võng mạc gồm 2 loại là:

Viêm võng mạc sắc tố (Retinitis pigmentosa)

Viêm võng mạc sắc tố hay còn được biết đến với tên gọi khác là thoái hóa võng mạc sắc tố hay bệnh thoái hóa võng mạc di truyền. 

Võng mạc được cấu tạo bởi hàng trăm triệu tế bào cảm nhận ánh sáng (các tế bào hình nón và các tế bào hình que). Các tế bào hình que nhiều hơn các tế bào hình nón và cũng nhạy cảm với ánh sáng hơn. Tế bào hình que giúp đảm bảo tầm nhìn ngoại biên và điều tiết mắt giúp nhìn thấy rõ xung quanh trong điều kiện thiếu sáng. Tế bào hình nón tập trung chủ yếu ở điểm vàng giúp nhận diện sự chi tiết, sắc nét và màu sắc của hình ảnh. 

Viêm võng mạc sắc tố là bệnh lý liên quan đến sự tổn thương các tế bào hình que ảnh hưởng đến khả năng nhìn của người mắc.

Viêm võng mạc trung tâm thanh dịch (Central serous chorioretinopathy)

Đây là một bệnh lý được gây ra do tích tụ một bọng thanh dịch ngay vùng trung tâm dưới lớp võng mạc khiến người mắc bệnh nhìn mờ, có thể cảm thấy có một quầng tối che trước mắt.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm võng mạc

Những triệu chứng của viêm võng mạc sắc tố là thu hẹp thị trường ngoại vi, mất khả năng nhìn trong điều kiện thiếu sáng (quáng gà). Những triệu chứng của viêm võng mạc trung tâm thanh dịch là rối loạn khả năng nhận diện các màu sáng, màu nhạt (như màu vàng) hay nhìn thấy các mặt phẳng méo mó, dị dạng,...

Tác động của viêm võng mạc đối với sức khỏe

Viêm võng mạc ảnh hưởng đến khả năng nhìn của người mắt, đau đầu, đau hốc mắt,... khiến người bệnh lo lắng, căng thẳng, ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt, làm việc, giảm sự an toàn khi điều khiển xe,....

Trong bệnh lý viêm võng mạc sắc tố, các tế bào hình nón cũng bắt đầu chết dần theo thời gian, thị trường của bệnh nhân sẽ mất dần (thu hẹp dần) và sẽ xuất hiện tình trạng thị trường hình ống. Cuối cùng người bệnh có thể mất gần như toàn bộ tầm nhìn của mình.

Bệnh thường thường xảy ra ở một mắt, gây giảm thị lực tạm thời. Dịch trong ổ thanh dịch vùng trung tâm thường trong. Thị lực của người mắc bệnh có thể phục hồi hoàn toàn sau khi dịch trong ổ thanh dịch rút hết, nhưng trong một số trường hợp, thị lực giảm không thể phục hồi dù ổ thanh dịch võng mạc đã hết.

Viêm võng mạc là gì? Những vấn đề cần biết về Viêm võng mạc 1.jpg
Giảm thị trường ngoại vi là hệ quả của bệnh viêm võng mạc sắc tố

Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm võng mạc

Biến chứng của viêm võng mạc sắc tố là bong võng mạc, đục thủy tinh thể, mù,...

Biến chứng của viêm võng mạc trung tâm thanh dịch là giảm thị lực, rối loạn màu sắc, rối loạn hình dạng vật thể xung quanh,...

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Các bệnh lý mắt rất đa dạng và có thể ảnh hưởng đến khả năng nhìn của người mắc nên ngay khi có bất kì khó chịu gì ở mắt, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt ngay để được tư vấn, kiểm tra sớm nhất.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm võng mạc

Nguyên nhân gây viêm võng mạc sắc tố và viêm võng mạc trung tâm thanh dịch có sự khác biệt cụ thể như sau:

Viêm võng mạc sắc tố

Bệnh lý viêm võng mạc sắc tố được cho là do di truyền. Trong đó, đột biến gen lặn chiếm khoảng 65% các trường hợp, đột biến gen trội chiếm khoảng 25%, còn lại là đột biến gen liên kết với nhiễm sắc thể X gây thoái hóa tiến triển võng mạc. 

Ngoài ra, CMV (cytomegalovirus) cũng là nguyên nhân gây viêm võng mạc sắc tố thanh dịch. CMV là một loại virus herpes. Hầu hết mọi người đều đã tiếp xúc với virus này nhưng nó thường không gây hại gì. Virus herpes gây bệnh khi được kích hoạt ở những người có hệ miễn dịch suy yếu sẽ gây nên bệnh lý này.

Viêm võng mạc là gì? Những vấn đề cần biết về Viêm võng mạc 2.jpg
Di truyền là nguyên nhân gây viêm võng mạc sắc tố

Viêm võng mạc trung tâm thanh dịch

Bệnh lý này thường xảy ra sau những căng thẳng tâm lý (stress) hoặc làm việc quá sức. Đôi khi cũng không thể xác định được nguyên nhân gây bệnh.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm võng mạc?

Những đối tượng dễ mắc phải bệnh lý viêm võng mạc sắc tố là nam giới còn nhỏ tuổi. Những đối tượng dễ mắc phải bệnh lý viêm võng mạc trung tâm thanh dịch là nữ trên 20 tuổi sống ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam,…

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm võng mạc

Vệ sinh mắt không đúng cách, không bảo vệ mắt, không dành thời gian nghỉ ngơi cho mắt,... là những yếu tố làm mắt dễ mắc bệnh. Đặc biệt, di truyền là một yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh viêm võng mạc sắc tố.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm võng mạc

Một số cận lâm sàng có thể được sử dụng để chẩn đoán bệnh cũng như đánh giá mức độ nặng của bệnh như sau:

Phương pháp chẩn đoán viêm võng mạc sắc tố

Kiểm tra thị trường: Để tìm kiếm và đo lường các điểm mù ngoại vi trong tầm nhìn của bệnh nhân.

Chụp cắt lớp quang học: Cung cấp hình ảnh có độ phân giải cao của võng mạc để chẩn đoán và nhận định mức độ ảnh hưởng của bệnh mà cụ thể hơn là ở điểm vàng - nơi chịu trách nhiệm cho vùng thị trường trung tâm.

Xét nghiệm di truyền học: Bệnh nhân sẽ cung cấp mẫu mô kiểm tra các gen có liên quan đến bệnh và tính toán khả năng thành công của liệu pháp di truyền. Tuy nhiên đây là một cận lâm sàng ít được sử dụng.

Phương pháp chẩn đoán viêm võng mạc trung tâm thanh dịch

Kiểm tra thị trường: Để tìm kiếm và đo lường các điểm mù trung tâm trong tầm nhìn của bệnh nhân.

Soi đáy mắt: Soi đáy mắt có thể thấy vùng bong võng mạc do thanh dịch và một số tổn thương khác kèm theo như sự bong biểu mô sắc tố võng mạc, các sợi tơ huyết hoặc cặn lipid dưới võng mạc,…

Viêm võng mạc là gì? Những vấn đề cần biết về Viêm võng mạc 3
Soi đáy mắt thấy sự bong biểu mô sắc tố võng mạc

Hình ảnh OCT: Cho thấy rõ các tổn thương của bệnh viêm võng mạc trung tâm thanh dịch như bóng dịch dưới võng mạc, sự bong biểu mô sắc tố,...

Chụp mạch huỳnh quang: Cho thấy hình ảnh các điểm rò riêng rẽ hoặc các vùng tăng huỳnh quang không đều với các điểm rò kín đáo. Giai đoạn muộn còn cho thấy hình ảnh bọng thanh dịch dưới võng mạc lấp đầy huỳnh quang.

Phương pháp điều trị viêm võng mạc

Phương pháp điều trị viêm võng mạc sắc tố

Hiện nay chưa có biện pháp hiệu quả điều trị thoái hóa sắc tố võng mạc. Một số phương pháp có thể làm chậm sự phát triển của bệnh như bổ sung vitamin A, sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như kính lúp, đeo kính mát ban ngày để bảo vệ võng mạc, sử dụng ống nhòm hồng ngoại vào ban đêm giúp bệnh nhân nhìn rõ hơn trong điều kiện thiếu sáng và thăm khám định kỳ thường xuyên để đánh giá tình trạng của bệnh.

Phương pháp điều trị viêm võng mạc trung tâm thanh dịch

Bệnh nhân không nên quá lo lắng khi mắc bệnh bởi đây là bệnh lành tính và hầu như chỉ cần dùng thuốc đã khỏi. Đa phần bệnh thường tự khỏi sau 1 đến 6 tháng mà không cần điều trị gì. Trong một số trường hợp đặc biệt có thể cần điều trị bằng laser.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm võng mạc

Một số thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến viêm võng mạc bao gồm:

  • Đeo kính mát khi đi đường.
  • Rửa mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý.
  • Dành thời gian cho mắt nghỉ ngơi sau thời gian dài làm việc.
  • Tránh các chất kích thích như rượu, thuốc lá, cà phê,…
  • Tránh căng thẳng thần kinh (stress).
  • Tránh tiếp xúc cường độ ánh sáng mạnh hay sử dụng điện thoại, máy tính thường xuyên.
  • Chế độ ăn giàu DHA như cá hồi, cá ngừ, cá mòi,…
Viêm võng mạc là gì? Những vấn đề cần biết về Viêm võng mạc 4.jpg
Hãy tạo thói quen tốt giúp bảo vệ mắt của bạn khỏi những tác động xấu từ môi trường

Phương pháp phòng ngừa viêm võng mạc hiệu quả

Thực hiện các biện pháp kể trên ngay cả khi mắt khỏe mạnh giúp hạn chế các bệnh lý ở mắt nói chung và bệnh lý viêm võng mạc nói riêng.

Các câu hỏi thường gặp về viêm võng mạc

Viêm võng mạc có thể gây mù lòa không?

Một số ít trường hợp bạn có thể bị mất thị lực vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời bệnh lý viêm võng mạc.

Viêm võng mạc có phòng ngừa được không?

Di truyền là yếu tố không thể phòng ngừa được. Tuy nhiên những thói quen giúp bảo vệ mắt có thể giúp bạn có một đôi mắt khỏe mạnh, tránh các bệnh lý về mắt nói chung như đeo kính mát để tránh bụi bặm và tia cực tím chiếu trực tiếp vào mắt, vệ sinh mắt với dung dịch nước muối sinh lý, dành thời gian nghỉ ngơi cho mắt sau một khoảng thời gian làm việc, đặc biệt khi làm việc với máy tính,...

Viêm võng mạc có nguy hiểm không?

Viêm võng mạc đa phần không gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Bệnh có thể chỉ cần theo dõi và sử dụng thuốc một vài tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh có thể gây mất thị lực vĩnh viễn ở người mắc.

Viêm võng mạc có thể ăn cá không?

Viêm võng mạc có thể ăn cá. Cá là loại thức ăn giàu omega-3, đặc biệt là cá thu, cá hồi,... chất này giúp phòng ngừa sự diễn tiến tăng dần của bệnh.

Viêm võng mạc có lây không?

Viêm võng mạc là một bệnh lý không lây. Một vài trường hợp CMV là nguyên nhân gây bệnh viêm võng mạc nhưng đây là một vi khuẩn cũng thường hiện diện trên cơ thể người bình thường. Trong tình huống này, sự suy giảm sức đề kháng của cơ thể mới là nguyên nhân gây bệnh chứ không phải yếu tố lây truyền vi khuẩn.

Nguồn tham khảo
  1. Retinitis: https://www.webmd.com/eye-health/retinitis-types-symptoms-treatment
  2. Retinitis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560520/
  3. Retinitis Pigmentosa: https://www.nei.nih.gov/learn-about-eye-health/eye-conditions-and-diseases/retinitis-pigmentosa
  4. Central serous chorioretinopathy: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK558973/
  5. Central serous chorioretinopathy: https://www.aao.org/eye-health/diseases/what-is-central-serous-retinopathy