Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Phacoemulsification là gì? Tìm hiểu về phương pháp phẫu thuật Phaco

Ngày 10/07/2024
Kích thước chữ

Phacoemulsification (hay còn gọi là phẫu thuật Phaco) là phương pháp điều trị đục thuỷ tinh thể phổ biến nhất hiện nay. Phương pháp này có nhiều ưu điểm như an toàn, hiệu quả điều trị tốt và thời gian thực hiện nhanh. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về phương pháp Phacoemulsification là gì?

Bệnh đục thủy tinh thể có thể rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, gây ảnh hưởng lớn đến thị lực. Nhiều bệnh nhân được các bác sĩ khuyến cáo nên áp dụng phương pháp Phacoemulsification để điều trị. Vậy Phacoemulsification là gì và phương pháp này có nguy hiểm không? Mời bạn tìm hiểu bài viết bên dưới.

Phacoemulsification là gì?

Phacoemulsification (phẫu thuật Phaco) là kỹ thuật sử dụng năng lượng sóng siêu âm để phân tán và phá vỡ thủy tinh thể đục thành các mảnh nhỏ, sau đó hút ra ngoài qua một vết mổ nhỏ không cần khâu, và thay thế bằng một thủy tinh thể nhân tạo. Đây là phương pháp phẫu thuật hiện đại và hiệu quả nhất hiện nay để điều trị bệnh đục thủy tinh thể.

phacoemulsification-la-gi-nhung-thong-tin-quan-trong-ve-phuong-phap-phacoemulsification 1.jpg
Phacoemulsification là phương pháp điều trị đục thuỷ tinh thể hiện đại và phổ biến nhất hiện nay

Năm 1967, chuyên gia nhãn khoa người Mỹ tên là Charles Kelman đã phát minh ra kỹ thuật Phacoemulsification. Trước khi Phacoemulsification được phát minh, để điều trị đục thủy tinh thể, các bác sĩ phải loại bỏ toàn bộ thủy tinh thể và bao của nó. Tuy nhiên, khi thực hiện kỹ thuật cũ, bác sĩ gặp khó khăn trong việc lắp chính xác thủy tinh thể thay thế. Do đó, người bệnh sau khi phẫu thuật phải đeo kính dày và nặng để điều chỉnh tật viễn thị.

Với phương pháp Phacoemulsification, các bác sĩ đã khắc phục được nhược điểm này vì phẫu thuật phaco giữ lại toàn bộ vỏ thấu kính tự nhiên, đảm bảo nền tảng ổn định cho thấu kính thay thế. Hơn nữa, kỹ thuật mổ Phaco đơn giản hơn so với mổ FLACS, một kỹ thuật yêu cầu bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao.

Phẫu thuật Phacoemulsification được chỉ định trong trường hợp nào?

Phacoemulsification được chỉ định cho bệnh nhân đục thuỷ tinh thể, bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày và cần phải được phẫu thuật. Đối với những bệnh nhân này, cần lưu ý rằng bệnh nhân không mắc các bệnh toàn thân cấp tính và không bị viêm nhiễm cấp tính ở mắt.

phacoemulsification-la-gi-nhung-thong-tin-quan-trong-ve-phuong-phap-phacoemulsification 2.jpg
Phacoemulsification là phương pháp phẫu thuật mắt điều trị đục thuỷ tinh thể độ an toàn cao

Ưu điểm của phương pháp Phacoemulsification

Phẫu thuật Phaco được coi là phương pháp hiện đại và an toàn với các ưu điểm như:

  • Phẫu thuật Phaco diễn ra trong thời gian ngắn (7 - 10 phút) và an toàn đối với bệnh nhân.
  • Phẫu thuật không gây đau, không gây ra chảy máu, cho phép bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày.
  • Vết mổ nhỏ, không đòi hỏi khâu, giảm thiểu khả năng bị loạn thị.
  • Thị lực của bệnh nhân phục hồi nhanh chóng và tốt sau một hoặc vài ngày sau khi phẫu thuật (nhiều bệnh nhân chỉ cần rời bàn mổ là thấy mắt sáng rõ, dù trước đó thị lực bị mờ như có màn sương trước mặt).
  • Phương pháp an toàn, giảm thiểu các biến chứng có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật.
  • Có thể điều chỉnh được một số tật khúc xạ sẵn có trước đó sau khi phẫu thuật.

Quy trình thực hiện Phacoemulsification

Trước khi tiến hành phẫu thuật

Trước khi tiến hành phẫu thuật phaco, bệnh nhân tiến hành khám sức khỏe tổng quát bao gồm:

Khám mắt tổng quát: Khám mắt tổng quát sẽ xác định mức độ đục thủy tinh thể và lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp cho bệnh nhân. Nếu thủy tinh thể bị đục quá nhiều, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng phương pháp phẫu thuật ngoài bao theo kỹ thuật cũ. Các chẩn đoán bao gồm đo thị lực dưới ánh sáng mạnh và yếu, đánh giá tầm nhìn và đo áp lực nội nhãn, sử dụng kính hiển vi để kiểm tra cấu trúc mắt và độ giãn của đồng tử, cũng như soi đáy mắt.

Khám sức khỏe tổng quát: Bệnh nhân cần kiểm tra sức khỏe tổng quát trước khi phẫu thuật để các bác sĩ có thể dự đoán và kiểm soát những yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình phẫu thuật, đồng thời giảm thiểu nguy cơ biến chứng.

Ngoài ra, bệnh nhân cần cung cấp thông tin cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc đang sử dụng, vì một số loại thuốc có thể tác động tiêu cực đến quá trình phẫu thuật, chẳng hạn như aspirin, có thể gây loãng máu và tăng nguy cơ xuất huyết nội nhãn.

phacoemulsification-la-gi-nhung-thong-tin-quan-trong-ve-phuong-phap-phacoemulsification 3.jpg
Bệnh nhân khám tổng quát mắt trước khi phẫu thuật phaco

Quy trình phẫu thuật Phaco (Phacoemulsification)

Bước đầu tiên trong quy trình phẫu thuật Phaco là gây mê hoặc gây tê cho bệnh nhân, cụ thể hơn:

  • Gây tê tại chỗ bằng cách nhỏ trực tiếp lidocaine lên mắt.
  • Gây tê dây thần kinh vùng mặt bằng lidocaine và marcaine để ngăn chặn sự chuyển động của mí mắt.
  • Đối với các đối tượng như người bị chấn thương ở mắt, hoặc những người không chịu đau được như trẻ em, tiến hành gây mê toàn thân.

Sau khi thuốc mê được truyền vào và bắt đầu có tác dụng, bệnh nhân được đặt lên bàn mổ phủ nhựa, mí mắt được giữ mở bằng một thiết bị gọi là mỏ vịt. Sau đó, tiến hành phẫu thuật phaco với các bước sau:

  • Bác sĩ phẫu thuật tạo một hoặc hai vết rạch nhỏ ở rìa giác mạc.
  • Tiếp theo, bác sĩ tạo một lỗ trên màng bao quanh thủy tinh thể.
  • Nước muối được tiêm vào bao để tách thủy tinh thể ra khỏi màng bao quanh.
  • Bác sĩ sử dụng các đầu siêu âm dao động với nhiều tốc độ khác nhau để phá vỡ thủy tinh thể. Bác sĩ điều khiển tốc độ dao động này thông qua bàn đạp của thiết bị.
  • Khi các mảnh thủy tinh thể bị vỡ ra, hệ thống tưới và hút sẽ đồng thời loại bỏ các mảnh vỡ.
  • Một thấu kính nội nhãn (IOL) làm bằng silicone hoặc acrylic được đưa vào viên nang để thay thế thủy tinh thể bị hỏng.
  • Vết rạch nhỏ hơn so với phẫu thuật đục thủy tinh thể truyền thống, do đó cần ít hoặc không cần khâu.

Sau khi phẫu thuật

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển đến phòng hồi sức và được theo dõi cho đến khi thuốc tê/mê ngừng tác dụng (thường trong khoảng 30 phút). Khi xuất viện, bệnh nhân cần đi cùng người nhà hoặc có người hỗ trợ, vì tầm nhìn của bệnh nhân có thể bị mờ trong một đoạn thời gian.

Tại nhà, bệnh nhân cần thư giãn, nghỉ ngơi và giữ cho tinh thần thư thả, thoải mái. Nếu bệnh nhân thấy các mạch máu nổi lên hoặc vùng quanh mắt bị bầm tím, hãy yên tâm vì đây là các tác dụng phụ bình thường và sẽ biến mất trong vài ngày.

phacoemulsification-la-gi-nhung-thong-tin-quan-trong-ve-phuong-phap-phacoemulsification 4.jpg
Đeo kính bảo vệ mắt thời gian đầu sau phẫu thuật

Một số lưu ý cho bệnh nhân sau khi thực hiện phẫu thuật Phaco

Bệnh nhân ngay sau khi thực hiện phaco có thể sinh hoạt bình thường, tuy nhiên cần lưu ý một số vấn đề như:

  • Sử dụng thuốc tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Tránh tiếp xúc mắt với bụi, khói và không để nước tiếp xúc trực tiếp với mắt sau khi phẫu thuật.
  • Đeo kính bảo vệ mắt suốt cả ngày và đêm trong 3 ngày đầu sau khi phẫu thuật.
  • Hạn chế hoạt động nặng và tránh va chạm trực tiếp với mắt đã phẫu thuật.
  • Giảm thiểu sử dụng máy tính, xem TV trong vòng 1 tuần đầu sau khi phẫu thuật.
  • Bệnh nhân có thể ăn uống bình thường sau phẫu thuật, không cần kiêng kỵ (tuy nhiên, nên hạn chế sử dụng rượu, bia và các chất kích thích trong những ngày đầu).

Bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin cần biết về phương pháp Phacoemulsification là gì. Đây là phương pháp phẫu thuật mắt hiện đại và an toàn cho bệnh nhân đục thuỷ tinh thể và bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, hãy tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ sau phẫu thuật để mắt được phục hồi một cách nhanh chóng.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin